Hệ miễn dịch cơ thể yếu sẽ rất dễ bị cảm cúm

Khoa học giấc ngủ

Giấc ngủ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch như thế nào trong mùa cúm?

Giang Gina
02/03/2020

Trong mùa lạnh hay mùa cúm, một giấc ngủ ngon chính là chìa khóa để có được sức khỏe, cũng như thể lực tốt nhất. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch của cơ thể. Một trong những hậu quả của việc thiếu ngủ chính là làm suy giảm hệ miễn dịch. Vì vậy, giấc ngủ là yếu tố ưu tiên hàng đầu trong danh sách những việc cần làm để giữ gìn sức khỏe. 

Nghiên cứu

Trên thực tế, các nghiên cứu về mối quan hệ giữa giấc ngủ và hệ miễn dịch đã được thực hiện trong nhiều năm qua. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu rất nhiều về vấn đề này, và đến nay họ đã đưa ra một số kết luận hữu ích. Chứng rối loạn giấc ngủ và hệ miễn dịch của cơ thể có một mối quan hệ phức tạp. Phần nhiều hệ miễn dịch giúp kiểm soát giấc ngủ, và chính giấc ngủ cũng sẽ tác động trực tiếp đến khả năng hoạt động của hệ miễn dịch.

Bệnh cảm cúm sẽ rất dễ lây nhiễm nếu hệ thống miễn dịch của cơ thể yếu kém
Bệnh cảm cúm sẽ rất dễ lây nhiễm nếu hệ thống miễn dịch của cơ thể yếu kém

Khi nghiên cứu về chứng thiếu ngủ gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch cơ thể như thế nào, trường Đại học Pennsylvania đã cho biết thiếu ngủ trong thời gian ngắn sẽ gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến các chức năng của hệ miễn dịch. Nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện một số kết quả bất ngờ, rằng không phải tất cả các tác động lên giấc ngủ đều xấu. Kết quả này đã mở ra những cơ hội nghiên cứu mới trong tương lai về chủ đề: giấc ngủ thật sự đóng góp bao nhiêu phần trăm cho sức khỏe của con người.

Một nhóm nghiên cứu khác thuộc Trung tâm UCLA Cousins khi nghiên cứu về đề tài giấc ngủ cũng phát hiện ra rằng, việc mất ngủ dù ít cũng có thể gây kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch trong cơ thể, làm tăng tình trạng viêm nhiễm, dẫn đến tổn thương mô. Những kết quả nghiên cứu thế này đặc biệt giúp chúng ta hiểu thêm về mối liên hệ giữa các vấn đề về giấc ngủ cũng như nguyên nhân gây gia tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh như: tiểu đường, viêm khớp, bệnh tim, chứng béo phì và các bệnh ung thư khác. 

Kết quả nghiên cứu

Lý do chức năng hệ miễn dịch của cơ thể liên quan mật thiết tới giấc ngủ là vì trong suốt thời gian ngủ, các chất trong cơ thể được giải phóng hoặc tạo ra. Cơ thể con người cần các nội tiết tố (hormones), các chất đạm (protein) và các chất khác để chống lại bệnh tật cũng như các chứng bệnh viêm nhiễm. Do vậy, việc thiếu ngủ sẽ khiến suy giảm số lượng sẵn có các nội tiết tố, từ đó khiến cơ thể dễ bị nhiễm vi-rút hoặc các loại vi khuẩn mới. Không những dễ bị nhiễm bệnh, mà khi đã bị bệnh, cơ thể có xu hướng bị bệnh lâu hơn, điều này là do cơ thể đang thiếu các nguồn đề kháng chống lại vi khuẩn.

Các giai đoạn ngủ khác nhau mang lại những lợi ích khác nhau cho cơ thể. Giai đoạn đầu tiên và giai đoạn thứ hai liên quan đến tính ổn định, giúp nhịp thở nhịp nhàng và hạ thấp nhiệt độ cơ thể. Giai đoạn thứ ba và thứ tư trong chù kỳ giấc ngủ giúp cơ thể tự phục hồi, lấy lại sinh lực sau một ngày mệt mỏi. Trong suốt thời gian này, cơ bắp được thư giãn và lượng máu cung cấp cho chúng cũng tăng lên. Chính lúc này, cơ thể đang  khắc phục các tổn thương mô, đồng thời phát triển mô mới. Các nội tiết tố (hormone) quan trọng được tạo ra và năng lượng của cơ thể được hồi phục. Chu kỳ ngủ là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, và bất kỳ rối loạn giấc ngủ nào cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta. 

Việc tăng cường hệ miễn dịch không đòi hỏi chúng ta phải dành thêm thời gian để ngủ nhưng cần đảm bảo rằng cơ thể phải được nghỉ ngơi đầy đủ khi nó có nhu cầu. Người trưởng thành thường cần từ 7 đến 8 giờ ngủ mỗi đêm; trẻ em và thiếu niên cần nhiều hơn, từ 9 đến 11 giờ ngủ mỗi đêm. Việc duy trì giấc ngủ đều đặn chính là chìa khóa giúp giữ gìn vệ sinh giấc ngủ tốt và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Ngoài ra, chúng ta cũng không nên ngủ quá nhiều. Việc ngủ quá nhiều hoàn toàn không phải là phương án tối ưu giúp ích cơ thể. Người trưởng thành thường xuyên ngủ hơn 10 giờ mỗi đêm có thể có nguy cơ cao mắc một số bệnh. 

Tóm lại, giấc ngủ là một trong ba yếu tố giúp con người duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Cùng với thói quen ăn uống lành mạnh và tập thể dục điều độ, việc có một giấc ngủ ngon giúp chúng ta tỉnh táo, năng động và có sức khỏe tốt trong mùa lạnh cũng như các mùa cúm

Nguồn tham khảo: valleysleepcenter.com