Thiếu ngủ

Cải thiện giấc ngủ

Khoa học giấc ngủ

Các triệu chứng thiếu ngủ & biện pháp ngăn chặn việc thiếu ngủ

Giang Gina
22/01/2020

Để có một cuộc sống khỏe mạnh, một giấc ngủ chất lượng là ưu tiên quan trọng nhất, giúp chúng ta có nhiều năng lượng hơn trong ngày, cho phép chúng ta suy nghĩ tích cực và làm cho chúng ta hạnh phúc hơn. Vì vậy bất kỳ triệu chứng thiếu ngủ nào cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mỗi người. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các triệu chứng & biện pháp khắc phục nhé.

Hầu hết chúng ta đều biết rằng việc thiếu ngủ vào tối hôm trước có thể dẫn đến một ngày mới kiệt sức, thiếu tập trung và thậm chí cáu kỉnh hay dễ xúc động. Tuy nhiên, có lẽ bạn không biết rằng chỉ vài tiếng thiếu ngủ cũng đã có thể mang đến những hậu quả nghiêm trọng và là mầm mống cho hàng loạt những căn bệnh tâm thần. Cụ thể những triệu chứng đó là gì, mời các bạn đọc tiếp trong bài viết sau:

Các triệu chứng của thiếu ngủ là gì?

Những dấu hiệu cho thấy bạn đang không có sức khỏe giấc ngủ tốt:

Buồn ngủ

Theo một cách tự nhiên, khi bạn ngủ không đủ giấc, bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ hơn. Đây là một trong những triệu chứng thiếu ngủ dễ nhận diện đầu tiên. Nếu bạn không ngủ ngon trong vài đêm, hoặc thậm chí thức suốt đêm thì đương nhiên bạn sẽ cảm thấy uể oải vào ngày tiếp theo.

Khi những đêm mất ngủ này lại tiếp tục khoảng vài ngày đến vài tuần, bạn sẽ nhận thấy rằng thay vì chỉ cảm thấy một chút mệt mỏi, bạn sẽ bị kiệt quệ và tiều tụy. Lúc này, sẽ phải mất một khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể hoạt động trở lại bình thường.

Tâm trạng thay đổi

Việc thiếu ngủ ảnh hưởng tới tâm trạng của con người theo nhiều cách. Bạn có thể cảm thấy bực tức hơn ngày thường, chuyện bé xé ra to. Việc ngủ không đủ giấc vào buổi tối có thể ảnh hưởng đến chức năng của thùy trán vốn là nơi liên quan đến các bệnh như trầm cảm hay lo lắng. Nếu không được quan tâm chữa trị, những triệu chứng của các căn bệnh này có thể tệ hơn và dẫn tới khuynh hướng tự sát.

Thiếu ngủ khiến tâm trạng thất thường
Thiếu ngủ khiến tâm trạng thất thường

Không thể tập trung & Thể hiện năng lực kém

Thiếu ngủ ảnh hưởng đến khả năng tập trung và đưa ra quyết định. Rất nhiều những vụ tai nạn thảm khốc đều bắt đầu bằng việc thiếu ngủ. Cho dù đó là một bác sĩ làm việc quá sức hoặc một kỹ sư ở trung tâm hạt nhân, nếu một người bất cẩn sẽ đe dọa tới nhũng mạng sống khác.

Cho dù chỉ thiếu ngủ vài giờ mỗi đêm thì vẫn có thể gây ảnh hưởng đến biểu hiện và hiệu suất năng lực làm việc. Những người ngủ ít hơn bảy tiếng một đêm thường chịu những tổn hại giống như người uống rượu bia.

Những vấn đề về trí nhớ và nhận thức

Bạn không thể nhớ nổi bộ phim bạn đã xem cuối tuần trước hay chỗ bạn cất chìa khóa xe? Khi mệt mỏi, thường chúng ta sẽ không chú ý đến những gì đang xảy ra khi cố gắng nhớ lại. Đây là một triệu chứng thiếu ngủ điển hình.

Thiếu ngủ làm giảm khả năng tập trung
Thiếu ngủ làm giảm khả năng tập trung

Giấc ngủ không chỉ xây dựng ngân hàng trí nhớ dài hạn, mà giấc ngủ còn cần thiết cho trí nhớ ngắn hạn và khả năng suy nghĩ. Các vấn đề trí nhớ thường bắt đầu với việc người đó không thể tập trung tốt. Họ không quan tâm tới những việc xảy ra xung quanh nên cũng không thể nhớ được những sự kiện xảy ra chỉ trong vài phút trước.

Một trong những vấn để nhận thức nguy hiểm nhất đi cùng với việc thiếu ngủ chính là giảm khả năng phán xét. Vì bộ phận làm việc với chức năng logic và lập luận của chúng ta không hoạt động nên ta thường có xu hướng bốc đồng hơn, chấp nhận những rủi ro không cần thiết, lập ra các kế hoạch tệ và thậm chí tập trung vào những phần thưởng ngắn hạn thay vì hậu quả lâu dài.

Triệu chứng thiếu ngủ khiến cơ thể liên tục mệt mỏi vì không nghỉ ngơi đủ, tâm trí sẽ bắt đầu làm việc không hiệu quả theo thời gian. Bạn sẽ bắt đầu quên mọi thứ. Thậm chí tồi tệ hơn, bạn sẽ gặp phải rắc rối khi nhớ lại các sinh hoạt thường ngày dễ nhớ. Thiếu hụt chú ý là một dấu hiệu phổ biến khác của việc không ngủ đủ giấc. Từng ngày trôi qua sự tập trung sẽ không thể đạt được. Ngay cả việc tập trung vào các nhiệm vụ đơn giản cũng không thể.

Mất định hướng, ảo giác và hoang tưởng

Các triệu chứng này không xảy ra thường xuyên, và chúng có thể biến mất sau một đến hai ngày nghỉ ngơi đầy đủ. Những người trải qua khoảng thời gian ngủ hạn chế kéo dài có thể bị mất định hướng. Họ không nhận thức được thời gian hoặc thậm chí không biết hôm nay là ngày nào. Chuyện này có thể đi cùng với việc bị ảo giác và hoang tưởng rằng có ai đó đang muốn bắt họ.

Thiếu ngủ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý & rối loạn tâm thần
Thiếu ngủ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý & rối loạn tâm thần

Không phải ai bị thiếu ngủ cũng có những triệu chứng này nhưng bạn vẫn nên cẩn thận với chúng.

Dễ mắc bệnh

Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng, những người ngủ ít hơn 7 tiếng gần như dễ bị cảm lạnh gấp 3 lần so với những người ngủ đủ 8 tiếng hoặc hơn.

Dễ đói bụng hơn

Khi không ngủ đủ giấc, sự cân bằng lượng leptin và ghrelin sẽ bị thay đổi. Một cách ngắn gọn, nếu ngủ không ngon, hormone khiến chúng ta cảm thấy đói sẽ tăng, và hormone khiến chúng ta cảm thấy no sẽ giảm đi.

Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực có thể gây ra do sự thiếu ngủ

Kỹ năng vận động giảm

Việc di chuyển rồi bị vấp ngã sẽ khiến bạn cảm thấy mình thật vụng về. Điều này cho thấy bạn đang quá mệt mỏi để thực sự tập trung vào chuyện bản thân định đi đâu, làm gì. 

Cơ thể con người phản ứng kịch tính với việc thiếu ngủ 

Ốm đau và gián đoạn chức năng bình thường của cơ thể là những trường hợp phổ biến do hậu quả của việc thiếu ngủ. Hệ thống miễn dịch phụ thuộc vào việc nghỉ ngơi hợp lý. Không ngủ, cơ thể sẽ không có khả năng chống lại bệnh tật. Các cơn đói thường xuyên là một hiện tượng phổ biến khi cơ thể cố gắng phục hồi và lấy lại năng lượng do thiếu ngủ. Cân bằng nội tiết tố bị suy giảm mà không có chu kỳ ngủ lành mạnh sẽ khiến chúng ta thèm ăn. Không có đủ năng lượng, ngay cả những hành động nhỏ hay di chuyển cơ thể cũng trở nên khó khăn.

Mẹo ngủ ngon 02 - Thay đổi môi trường ngủ
Đầu tư chiếc nệm phù hợp để có môi trường ngủ khỏe mạnh, sở hữu giấc ngủ ngon

Làm thế nào để ngăn chặn triệu chứng thiếu ngủ?

  1. Trước hết hãy tuân thủ lịch ngủ thường xuyên của bạn. Hãy chắc chắn đi ngủ và thức dậy vào khoảng thời gian giống nhau mỗi ngày. Có thói quen ngủ đủ giấc sẽ đảm bảo chu kỳ ngủ-thức của bạn vẫn tốt. Điều này giúp bạn có một giấc ngủ trọn vẹn. 
  2. Hãy quan tâm những loại thực phẩm và đồ uống trong ngày. Tránh đi ngủ khi đói mà cũng không nên ăn quá nhiều trước khi ngủ. Ngoài ra, không nên uống quá nhiều chất lỏng trước khi đi ngủ vì điều này sẽ phá vỡ chu kỳ giấc ngủ của bạn và đánh thức bạn vào giữa đêm.
  3. Việc tạo thói quen trước khi đi ngủ đồng nghĩa với việc bạn đang tạo thói quen lành mạnh cho cơ thể. Có thể đơn giản như tắm nước ấm hoặc nghe nhạc êm dịu. Đọc sách trước khi ngủ cũng là một thói quen tốt.
  4. Cố gắng thực hiện một số bài tập một vài lần trong tuần. Ví dụ đi bộ hàng ngày cũng sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn. Ngoài ra, giường và gối của bạn phải luôn thoải mái. Đây là những điều cần thiết để đảm bảo có một giấc ngủ ngon. Điều đặc biệt quan trọng nhất là, hãy cố gắng thư giãn và giải phóng tâm trí khỏi những suy nghĩ trước khi đi ngủ.

Hy vọng với bài viết trên các bạn đã hiểu được những triệu chứng thiếu ngủ và làm thế nào để ngăn chặn được nó. Chúc các bạn ngủ ngon.

Nguồn tham khảo: sleepadvisor