Thức giấc lũ lẫn là gì?

Khoa học giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ: Chứng thức giấc lú lẫn – Thức giấc như một người say

Giang Gina
27/03/2020

Trái ngược với tên gọi, hiện tượng thức giấc lú lẫn hay “thức giấc trong trạng thái như một người say” lại không liên quan đến việc uống rượu, say rượu, hay thậm chí là ngủ trong khi uống rượu. Đó đơn giản chỉ là tình trạng mà chúng ta cảm thấy bối rối, mất phương hướng khi thức dậy sau một giấc ngủ say. 

Tình trạng sau khi thức giấc ở con người được miêu tả giống với hành vi của một người say rượu mặc dù không sử dụng rượu hoặc chất có cồn vào đêm hôm trước. Chắc hẳn bạn đang tự nhủ mình chẳng bao giờ gặp phải tình trạng như thế phải không? Tuy nhiên, hầu hết mọi người thường không nhớ cũng như không có ký ức gì về những tình tiết của sự rối loạn này. Rất có thể bạn cũng là một người “thức giấc trong trạng thái của một người say” nhưng không có ý thức về vấn đề mình đang gặp phải.

Thức giấc lũ lẫn là một chứng rối loạn giấc ngủ
Thức giấc lũ lẫn là một chứng rối loạn giấc ngủ

Với những ai thức giấc trong tình trạng thiếu ý thức, không hoàn toàn tỉnh táo và không có khả năng kiểm soát hành vi của cơ thể, họ có thể thực hiện nhiều hành động nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Một báo cáo cho biết, một người đàn ông thức dậy trên thuyền trong trạng thái thiếu tỉnh táo, ông ấy đã chết vì không thể kiểm soát hành vi và ngã qua mạn thuyền.

Nếu bạn quan tâm đến chủ đề này, hãy cùng tôi tìm hiểu sâu hơn về chứng rối loạn giấc ngủ này để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như những người xung quanh nhé!

Trạng thái “thức giấc như một người say” là gì?

“Thức giấc trong trạng thái một người say” còn được gọi là chứng “thức giấc lú lẫn”. Cả hai khái niệm này đều là một dạng của chứng rối loạn giấc ngủ – hội chứng chỉ những người có hành động bất thường trong lúc ngủ. Một số dạng khác của chứng rối loạn giấc ngủ như: mộng du, nghiến răng, hay hiện tượng rối loạn giấc ngủ liên quan đến ăn uống.

Hiện tượng thức giấc lú lẫn khiến con người cảm thấy bối rối, thiếu tỉnh táo sau khi thức giấc. Những người mắc chứng rối loạn này có thể bị mất phương hướng, không biết mình đang ở đâu, và trong nhiều trường hợp, họ có thể trở nên hung hăng, bạo lực hơn. Những dấu hiệu này thường xuất hiện sau một đêm dài, một giấc ngủ sâu, hay sau khi ngủ trưa.

Thức giấc như một người say không liên quan tới việc bạn có uống rượu hay không
Thức giấc như một người say không liên quan tới việc bạn có uống rượu hay không

Các triệu chứng của rối loạn thức giấc lú lẫn

Nói chậm

Khi chúng ta thức dậy trong trạng thái thiếu tỉnh táo, khả năng ngôn ngữ hay cụ thể là khả năng giao tiếp sẽ bị hạn chế. Chẳng hạn, nếu bạn thức dậy với chứng rối loạn trên, bạn sẽ nói ở tốc độ rất chậm. Trong một số trường hợp, những người mắc bệnh phải sắp xếp các ý nghĩ trong não bộ, sau đó cố gắng điều khiển cơ miệng và dây thanh âm để phát ra tiếng. Một số người thậm chí không thể nói, họ buộc phải nhờ đến ứng dụng tin nhắn để giao tiếp.

Ý nghĩ lộn xộn

Những người mắc chứng rối loạn này thường thức dậy giữa chu kỳ giấc ngủ hoặc vào buổi sáng, trong tình trạng mất phương hướng. Họ không biết họ đang ở đâu và làm thế nào họ có thể đến được đó.

Trí nhớ kém

Thông thường, khi bạn hỏi một người về những điều đã làm hoặc đã nói trong suốt thời gian xảy ra rối loạn, họ thường không có chút ký ức nào. Điều này cũng có thể tốt, bởi có thể họ sẽ rất bối rối và hoang mang nếu nhớ được những điều đã làm!

Những câu trả lời vô nghĩa

Khi đang ở trong chứng rối loạn “thức giấc lú lẫn”, người bệnh thường không hoàn toàn tỉnh táo hoặc có suy nghĩ thấu đáo. Nếu bạn cố gắng nói chuyện với họ trong tình trạng như thế, bạn chỉ có thể nhận những câu trả lời vô nghĩa. Nếu bạn muốn biết cảm nghĩ thực sự của họ về một vấn đề nào đó (chẳng hạn như nhận xét về bộ quần áo bạn mặc tối qua), hãy cố gắng hỏi họ sau giai đoạn thức giấc lú lẫn.

Trí nhớ kém là một trong số những triệu chứng của thức giấc lú lẫn
Trí nhớ kém là một trong số những triệu chứng của thức giấc lú lẫn

Những nguyên nhân gây ra chứng “thức giấc lú lẫn”

Hồi phục giấc ngủ

Một nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng, 84% đối tượng mắc chứng thức giấc lú lẫn thường có những vấn đề liên quan đến bệnh lý tâm thần hoặc mắc các chứng rối loạn giấc ngủ khác. Theo các nhà nghiên cứu, thức giấc lú lẫn chỉ là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào đó.

Và vấn đề hàng đầu có thể là do thiếu ngủ. Trong báo cáo kết quả nghiên cứu, 20% người mắc chứng thức giấc lú lẫn ngủ ít hơn 6 tiếng một ngày. Giai đoạn thức giấc lú lẫn có thể là thời gian mà cơ thể đang cố gắng hồi phục từ giấc ngủ bị thiếu. Đối với những người thiếu ngủ, cơ thể dành nhiều thời gian cho SWS (giấc ngủ sóng chậm) và bất kỳ sự thức giấc nào trong thời gian đó đều có thể dẫn đến chứng thức giấc lú lẫn.

Sử dụng thức uống có cồn

Những người sử dụng các thức uống có cồn thường có các hành vi của chứng rối loạn này nhiều hơn, mặc dù nó không liên quan gì đến việc say rượu. Điều này cho thấy rằng rượu bia có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ, gia tăng sự thức giấc và giới hạn thời gian ngủ sâu.

Ngưng thở khi ngủ (OSA)

Hiện tượng này xảy ra khi các cơ xung quanh cổ họng thư giãn trong lúc chúng ta đang ngủ. Khi những cơ bắp đó thư giãn, đường thở có thể bị tắc nghẽn, dẫn đến tình trạng ngưng thở. Ngoài ra, một số giả thiết khác cho rằng, chứng ngưng thở khi ngủ khiến chúng ta thức giấc nhiều lần vào ban đêm, và đây là nguyên nhân chính dẫn đến chứng thức giấc lú lẫn.

Bạn nên đến bác sĩ khám để được tư vấn cách điều trị ngưng thở khi ngủ thích hợp
Bạn nên đến bác sĩ khám để được tư vấn cách điều trị ngưng thở khi ngủ thích hợp

Rối loạn vận động chân tay định kỳ (PLMD)

Rối loạn vận động chân tay định kỳ là một chứng rối loạn khác liên quan đến hiện tượng thức giấc lú lẫn. Chân sẽ bị chuột rút hoặc bị giật bất đắc dĩ trong khi chúng ta đang ngủ. Hiện tượng này được xem là định kỳ, xảy ra trong khoảng thời gian đều đặn cách nhau khoảng 20 đến 40 giây.

Sự khác biệt giữa PLMD và hội chứng chân không yên là đối tượng mắc rối loạn vận động chân tay định kỳ vẫn ngủ trong khi người bị RLS (hội chứng chân không yên) luôn tỉnh táo trong các cử động.

Sử dụng thuốc thần kinh

Các loại thuốc thần kinh, đặc biệt là thuốc chống suy nhược, có mối liên hệ mật thiết với chứng rối loạn này. Thuốc tác động lên các hóc môn và các chất dẫn truyền trong não, do đó ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ.

Lạm dụng thuốc

Lạm dụng thức uống có cồn và lạm dụng thuốc đều có thể gây ra chứng thức giấc lú lẫn. Nhiều nghiên cứu về chủ đề này đang được thực hiện để xác định mối liên hệ giữa thức giấc lú lẫn với thuốc và thức uống có cồn. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã kết luận rồi việc sử dụng thuốc có thể gây ra chứng thức giấc lú lẫn và các rối loạn giấc ngủ khác.

Bị đánh thức

Nếu một ai đó đánh thức khi bạn đang ngủ say, cảm giác tự nhiên của mọi người là lảo đảo và mất phương hướng.

Sự khác biệt giữa một người bình thường và một người mắc chứng rối loạn này là người mắc bệnh mặc dù đã thức giấc nhưng vẫn sẽ ở trong trạng thái mơ màng, thiếu tỉnh táo. Họ có thể mất đến vài phút để tỉnh táo và nhận thức được môi trường xung quanh.

Lạm dụng thuốc có thể gây ra chứng thức giấc lú lẫn
Lạm dụng thuốc có thể gây ra chứng thức giấc lú lẫn

Các biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc chứng thức giấc lú lẫn

Đối với những người làm việc xoay ca

Những người như bác sĩ, phi công, các bộ phận cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp hay những người làm việc theo ca thường có nguy cơ mắc chứng rối loạn này nhiều hơn, bởi lịch trình làm việc thất thường.

Để giảm thiểu nguy cơ của chứng rối loạn này trong thời gian làm việc, họ cần sắp xếp thời gian ngủ trưa nhiều hơn, đặc biệt trong những trường hợp được giao nhiệm vụ quan trọng sau thời gian nghỉ trưa.

Đối với những người làm việc ca tối

Những người làm việc ca tối thường có thời gian biểu đảo ngược so với người bình thường. Họ thức dậy vào giữa đêm, và nghỉ ngơi vào ban ngày. Không chỉ hủy hoại đồng hồ sinh học trong cơ thể, làm việc ca tối còn dẫn đến chứng rối loạn thức giấc lú lẫn.

Lời khuyên của chúng tôi là những người làm việc ca tối nên duy trì một thời gian biểu thích hợp, kể cả vào ngày nghỉ. Một mẹo hữu ích khác là phải đảm bảo môi trường làm việc được thắp sáng suốt ca làm đêm, và sau đó hãy giữ phòng ngủ tối vào ban ngày trong lúc bạn nghỉ ngơi.

Tìm nguyên nhân những chứng rối loạn giấc ngủ khác

Thức giấc lú lẫn thường đi kèm với các rối loạn khác, bao gồm ngưng thở khi ngủ và mộng du. Tuy nhiên, nếu chúng ta tìm ra được nguyên nhân chính của vấn đề và khắc phục nó, các hiện tượng rối loạn sẽ thuyên giảm hoặc có xu hướng biến mất.

  • Thiếu ngủ: Ngủ quá nhiều hoặc ngủ không đủ giấc đều liên quan đến thức giấc lú lẫn. Để giảm khả năng mắc chứng rối loạn này, chúng ta nên ngủ ít nhất 6 tiếng một đêm, tuy nhiên không nên ngủ quá 9 tiếng.
  • Căng thẳng: Khi cảm thấy căng thẳng về vấn đề gì đó, chúng ta thường khó chìm vào giấc ngủ, hoặc thậm chí là mất ngủ. Ngoài ra, tâm lý căng thẳng cũng khiến giấc ngủ chập chờn và khiến chúng ta dễ dàng thức giấc hơn khi đang ngủ say. Bị đánh thức khi đang ngủ say cũng dẫn đến tình trạng thức giấc lú lẫn.
  • Lo lắng: Lo lắng cũng giống như căng thẳng. Nếu bạn cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng, điều này khiến tâm trí không thể thư thái hoàn toàn. Một vài mẹo hữu ích để khắc phục như dùng thuốc hoặc làm một số việc thư giãn trước khi ngủ. Bên cạnh đó, không nên kiểm tra thư điện tử hoặc mạng xã hội trước khi ngủ, bởi điều này càng khiến bạn khó ngủ hơn.
  • Rối loạn lưỡng cực và chứng trầm cảm: Những người có bệnh lý về thần kinh cũng có nhiều khả năng gặp phải chứng thức giấc lú lẫn. Các loại thuốc có thể giúp ích hoặc làm nghiêm trọng hơn tần suất của chứng rối loạn. Những người mắc các rối loạn này nên chú ý chăm sóc cơ thể để duy trì sức khỏe, cụ thể là tuân theo lịch trình ngủ đều đặn và nhất quán.
Căng thẳng, trầm cảm
Căng thẳng, trầm cảm có thể gây ra các chứng rối loạn giấc ngủ

Chẩn đoán chứng rối loạn thức giấc lú lẫn

Để được chẩn đoán chính xác, bạn cần gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia về sức khỏe và giấc ngủ để được thăm khám. Việc đầu tiên bạn cần làm là ghi chép lại lịch trình ngủ trong 2 tuần. Các bác sĩ sẽ xem xét toàn bộ các ghi chép và tìm ra nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn này.

Bạn cũng cần phải chia sẻ lịch sử bệnh lý của bản thân, dựa vào đó bác sĩ sẽ đánh giá lại lần nữa tình trạng rối loạn. Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể thực hiện những nghiên cứu cần thiết về giấc ngủ. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm sẽ theo dõi các chuyển động cũng như tình trạng của bạn khi ngủ. Ngoài ra, bản ghi hình trực quan sẽ giúp bác sĩ theo dõi toàn bộ thời gian ngủ để có những chẩn đoán chính xác nhất.

Trước khi đến gặp các chuyên gia y tế, bạn có thể tự thực hiện đánh giá bản thân nếu có các dấu hiệu của chứng thức giấc lú lẫn. Đây là một số câu hỏi mà tổ chức Sleep Education đã cung cấp để bạn có thể tự đánh giá tình trạng bản thân:

  1. Có ai đã từng nói khi họ đánh thức bạn, bạn có những hành động khác thường hoặc thiếu tỉnh táo không?
  2. Những người thường đánh thức bạn có bao giờ nhận thấy vẻ căm phẫn và hung hăng của bạn chưa?
  3. Bạn có làm điều gì không phù hợp trong thời gian thức giấc không?
  4. Hành vi này có xảy ra thường xuyên không?

Để trả lời những câu hỏi này một cách chính xác, bạn sẽ cần sự giúp đỡ của bạn bè, bạn ở cùng phòng hoặc người thân mà bạn sống cùng. Nếu trải qua những điều trên, bạn hầu như không thể nhớ, vì vậy một nhân chứng có thể giúp giải thích rõ bạn đã làm gì.

Để chuẩn đoán bệnh chính xác, hãy hỏi các bác sĩ và nhờ họ tư vấn
Để chuẩn đoán bệnh chính xác, hãy hỏi các bác sĩ và nhờ họ tư vấn

Cách điều trị chứng rối loạn thức giấc lú lẫn

Phương pháp đầu tiên được khuyến nghị là hãy điều trị các rối loạn giấc ngủ khác. Một khi những rối loạn khác được kiểm soát, chứng thức giấc lú lẫn có thể tự biến mất.

Nếu bạn dùng thuốc hoặc thức uống có cồn, bác sĩ có thể đề nghị giảm liều lượng hoặc dừng việc sử dụng. Các thuốc được kê toa thường là thuốc chống suy nhược và các loại thuốc ngủ.

Trước khi thực hiện các phương pháp điều trị, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia để thiết lập một kế hoạch, hay phác đồ điều trị cụ thể.

Các câu hỏi phổ biến về chứng rối loạn thức giấc lú lẫn

Thức giấc lú lẫn về đêm có phải là một hiện tượng bình thường?

Mặc dù 15% dân số thế giới mắc phải chứng thức giấc lú lẫn, tình trạng này vẫn không được xem là bình thường. Chúng ta thường cảm thấy yên tâm khi có nhiều người gặp vấn đề giống mình; tuy nhiên, bạn sẽ không thể hoàn toàn yên tâm nếu chứng rối loạn này chưa được khắc phục.

Thức giấc lú lẫn về đêm là một hiện tượng nguy hiểm và thậm chí có thể dẫn đến tử vong (mặc dù tỷ lệ này rất thấp).

Thức giấc lú lẫn về đêm
Thức giấc lú lẫn về đêm

Lo âu có phải là nguyên nhân gây ra chứng thức giấc lú lẫn?

Đúng vậy, sự lo âu có thể dẫn đến những biểu hiện của chứng rối loạn này. Nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được xác định, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng những người thường xuyên lo lắng thường có khả năng mắc chứng thức giấc lú lẫn cao.

Tại sao tôi lại thức giấc trong tình trạng thiếu tỉnh táo và mất phương hướng?

Bị đánh thức từ một giấc ngủ sâu chắc chắn sẽ khiến chúng ta cảm thấy lảo đảo và mất phương hướng. Phải mất một khoảng thời gian nhất định để não và cơ thể chuyển từ trạng thái say ngủ sang tỉnh táo. Tuy nhiên, hầu hết mọi người phục hồi nhanh chóng và trở nên tỉnh táo trong vòng vài giây. Những người bị chứng thức giấc lú lẫn có thể vẫn ở trạng thái nửa tỉnh nửa mê trong vài phút, hoặc thậm chí vài giờ.

Liệu chứng thức giấc lú lẫn có xảy ra ở trẻ nhỏ không?

Vâng, hiện tượng này có thể xảy ra ở trẻ em. Tuy nhiên, chứng rối loạn này thường biến mất khi trẻ bước vào độ tuổi thanh thiếu niên. Nếu bạn ở độ tuổi trưởng thành và vẫn mắc phải chứng rối loạn này, bạn cần điều trị dứt điểm để tránh những hậu quả về sau.

KẾT LUẬN

Các nhà nghiên cứu thực sự ngạc nhiên bởi mức độ phổ biến của chứng rối loạn thức giấc lú lẫn. Tuy nhiên, với một xã hội hiện đại và tất bật như ngày nay, hiện tượng này ở mức báo động cũng là điều tất yếu. Lời khuyên của chúng tôi dành cho bạn: Hãy duy trì thời gian biểu đều đặn và đừng quên nghỉ ngơi! Trong thời gian điều trị các chứng rối loạn giấc ngủ khác, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng của hiện tượng rối loạn này thuyên giảm hoặc thậm chí là biến mất.

Nguồn tham khảo: sleepadvisor