Chứng mộng du

Khoa học giấc ngủ

Có bao nhiêu chứng rối loạn giấc ngủ kỳ lạ?

Giang Gina
10/02/2020

Theo báo sức khỏe đời sống xuất bản ngày 25/08/2013, có khá nhiều chứng rối loạn giấc ngủ kỳ lạ mà tôi nghĩ rằng bạn nên biết, bởi ngủ là một hoạt động vô cùng quan trọng của con người. Sức khỏe giấc ngủ quyết định phần lớn sức khỏe tinh thần và năng suất làm việc của mỗi chúng ta. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng điểm qua 10 chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất.

Hội chứng không ngủ 24 giờ

Là hội chứng hiếm gặp nhất trên thế giới. Đối với người bình thường, đồng hồ sinh học là 24 giờ thức ngủ, trong đó cơ thể sẽ cần 8 tiếng trung bình để ngủ một ngày. Với người mắc hội chứng không ngủ 24 giờ, đồng hồ sinh học của họ kéo dài hơn 26 giờ hoặc thậm chí 72 giờ. Đối với trường hợp đồng hồ sinh học 26 giờ, thời gian tỉnh táo của họ sẽ là 16 tiếng, còn với người có đồng hồ sinh học 72 giờ, thời gian tỉnh táo của họ là 48 tiếng. Điều này có nghĩa, trong thời gian tỉnh táo họ sẽ làm việc bình thường và khoảng thời gian còn lại họ sẽ dùng để ngủ. Ngoài ra có nghiên cứu cho thấy, người mù có tỷ lệ mắc hội chứng này cao hơn người bình thường.

Chứng ngủ rũ

Chứng ngủ rũ
Chứng ngủ rũ

Đây là chứng rối loạn giấc ngủ mạn tính, trạng thái điển hình là thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày. Những người mắc triệu chứng ngủ rũ thường xuyên bị bắt gặp rơi vào trạng thái ngủ bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào. Người ấy có thể ngủ ngay trong lúc đang nói chuyện với bạn bè hoặc đang trong lúc làm việc. Họ có thể ngủ trong khoảng từ vài phút đến nửa giờ. Chứng ngủ rũ vào ban ngày thường làm người bệnh gặp nhiều phiền toái, mệt mỏi, ảnh hưởng đến công việc và mọi người xung quanh. Trên thế giới, tỷ lệ mắc chứng bệnh này là 1/2.000 người.

Hội chứng chân không yên (RLS)

Hay còn gọi là Hội chứng chân bồn chồn. Hội chứng này biểu hiện cụ thể là tình huống đôi chân luôn cảm thấy rất khó chịu khi đang ngồi hay nằm xuống, chỉ muốn đụng đậy và di chuyển. Hội chứng này có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, thường nặng hơn khi về già. Ngoài ra, phụ nữ có nhiều khả năng mắc hội chứng này hơn nam giới. Hội chứng này thường xuất hiện một cảm giác khó chịu ở chân và được cải thiện phần nào khi di chuyển. Với những triệu chứng như đau nhức, cảm giác râm ran hoặc như kiến bò trong chân, thỉnh thoảng có thể ảnh hưởng đến cánh tay, thường xảy đến lúc nghỉ ngơi và có thể gây khó ngủ. Ngoài ra, nhiều người còn bị co giật chân tay trong khi ngủ. Do rối loạn giấc ngủ, người mắc triệu chứng này có thể bị buồn ngủ vào ban ngày, năng lượng cơ thể thấp, dễ cáu gắt, chán nản. 

Hội chứng chân không yên hay chân bồn chồn khi ngủ
Hội chứng chân không yên hay chân bồn chồn khi ngủ

Hội chứng Hypersomnia

Hypersomnia là một loại rối loạn giấc ngủ rất hiếm gặp, chỉ khoảng 200 trường hợp mắc hội chứng này trên toàn thế giới. Hypersomnia khiến giấc ngủ có thể kéo dài tới 18 tiếng/ngày, hoặc kéo dài từ ngày này sang ngày khác. Có trường hợp kéo dài cả tuần. Trước khi mắc chứng bệnh này, người bệnh thường có biểu hiện như cúm và đau đầu kéo dài.

Rối loạn hành vi giấc ngủ (RBD)

40% người có biểu hiện rối loạn hành vi giấc ngủ ở giai đoạn REM – giai đoạn mắt chuyển động nhanh. Người mắc chứng Rối loạn hành vi giấc ngủ có thể la hét, đấm đá hoặc nghiến răng trong lúc ngủ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tình có thể nghiêm trọng hơn. Hiện nay nguyên nhân chính xác của rối loạn hành vi giấc ngủ REM (RBD – REM Sleep Behavior Disorder) vẫn chưa biết rõ, mặc dù nó có thể liên quan đến các tình trạng thần kinh thoái hóa khác nhau như Bệnh Parkinson, Bệnh teo đa hệ thống, Bệnh sa sút trí tuệ thể Lewy và hội chứng Shy-Drager. Trong một nghiên cứu gần đây, có 38% bệnh nhân được chẩn đoán mắc tình trạng này sau đó đã phát triển thành bệnh Parkinson trong thời gian 12-13 năm kể từ khi xuất hiện các triệu chứng rối loạn hành vi giấc ngủ. Tuy nhiên, không phải tất cả những người bị rối loạn hành vi giấc ngủ REM đều mắc bệnh Parkinson. Rối loạn này thường gặp ở Nam giới.

Hội chứng nổ đầu khi ngủ

Hội chứng nổ đầu khi ngủ
Hội chứng nổ đầu khi ngủ

Đây là một dạng rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh nghe thấy một tiếng nổ lớn trong đầu mình. “Tiếng nổ” nghe như một tiếng gầm, tiếng súng, tiếng la hét, tiếng chuông hay chập điện, thường xảy ra khi ngủ. Mặc dù những người mắc triệu chứng này không chịu tổn thương về thể chất nhưng họ phải trải qua cảm giác sợ hãi, lo lắng, giống như đang bị tấn công ở ngoài đời thật. Hiện các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị. Tuy nhiên, hội chứng này có liên quan với sự căng thẳng và thường biến mất mà không cần điều trị.

Hội chứng cười là ngủ

Triệu chứng hiếm gặp được mô tả người bị bệnh có thể ngủ gục bất kỳ lúc nào khi cười. Ngoài ra, người bệnh cũng bị kích thích mạnh với những cảm xúc khác như sợ hãi, tức giận hay ngạc nhiên. Một trường hợp mắc hội chứng này là cô Claire Allen ở Anh. Nếu không được điều trị, Allen có thể ngủ 100 lần mỗi ngày, mỗi lần thường kéo dài từ 30 giây đến 5 phút. Ngay cả khi ai đó vẫy chào trên phố cũng có thể khiến cô gặp vấn đề với cơn buồn ngủ bất ngờ ập đến.

Claire Allen
Claire Allen, đến từ Cambridge, Anh Quốc

Chứng nghiến răng khi ngủ

Nghiến răng là hiện tượng siết chặt quá mức hai hàm răng trên và dưới, thường diễn ra khi ngủ. Người mắc bệnh này thường không ý thức việc mình nghiến răng trong lúc ngủ. Sự nghiến răng có thể gây nên những âm thanh khó chịu, làm ảnh hưởng đến người nằm bên cạnh. Tuy nhiên, hiện tượng này không tác động nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng nếu kéo dài, răng có thể bị gãy, người bệnh có thể bị nhức đầu, chóng mặt, rối loạn cơ, khớp thái dương hàm, gây khó khăn cho việc nhai hay nói chuyện.

Chứng nghiến răng khi ngủ được xem là loại rối loạn giấc ngủ thường gặp, chỉ xếp sau chứng nói mớ khi mơ và chứng ngáy khi ngủ. Những người bị chứng này được đánh giá là có nguy cơ ngáy và ngưng thở cao hơn bình thường. Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân của chứng nghiến răng khi ngủ đến từ áp lực cuộc sống, công việc, rượu bia và thuốc lá.

Chứng ngừng thở khi ngủ

Đây cũng được xem là một trong những hội chứng thường gặp có nguy cơ gây nhiều biến chứng nguy hiểm và khó tự phát hiện. Người mắc triệu chứng này chỉ phát hiện ra khi được người thân cho biết. Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ với dấu hiệu đặc trưng là sự ngưng thở khoảng từ 10 – 30 giây trong khi ngủ, với tần suất nhiều hơn 30 lần/đêm. Tình trạng này thường dẫn đến tình trạng thiếu ôxy máu.

Bạn nên đến bác sĩ khám để được tư vấn cách điều trị ngưng thở khi ngủ thích hợp
Bạn nên đến bác sĩ khám để được tư vấn cách điều trị ngưng thở khi ngủ thích hợp

10. Chứng mộng du

Mộng du là hiện tượng người đang ngủ, ngồi dậy, mở mắt, đi vòng quanh phòng hoặc đi về phía có ánh sáng. Đối với trẻ em, chúng thường đi về phòng ngủ của bố mẹ hoặc đi đến cửa sổ, trèo lên cửa sổ, mở cửa phòng đi ra ngoài hoặc tiến hành các hoạt động khác. Người bị mộng du có thể tự trở lại giường và tiếp tục ngủ. Mộng du thường xuất hiện 1-2 giờ sau khi ngủ. Khi ngủ dậy, người bệnh không nhớ gì về sự việc đã xảy ra. Nguyên nhân của chứng mộng du thường do tình trạng: lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, hoảng sợ, ốm đau triền miên, thiếu magie, trào ngược dạ dày thực quản.

                Theo báo sức khỏe đời sống