Hội chứng ngưng thở khi ngủ

Khoa học giấc ngủ

Chứng ngưng thở khi ngủ có thể giết chết bạn?

Giang Gina
14/02/2020

Bạn đã bao giờ nghe nói về chứng ngưng thở khi ngủ? Bệnh này khá phổ biến mặc dù chỉ có một trong bốn người mắc bệnh này thực sự được chẩn đoán. Nó xảy ra đối với đàn ông lẫn phụ nữ ở mọi lứa tuổi, và nó phổ biến ở những người đàn ông trung niên. Theo tổ chức Sleep Apnea Trust, 1/25 đàn ông trung niên mắc bệnh này. Đây thực sự là một vấn đề nghiêm trọng.

Ngưng thở khi ngủ được xem là một trong những chứng rối loạn giấc ngủ. Bệnh này thường khiến cơ thể cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, tác động lớn đến công việc và cuộc sống xã hội, thậm chí đến việc điều khiển phương tiện giao thông an toàn trên đường phố.

Chứng ngưng thở (hay còn gọi là chứng rối loạn nhịp thở) khi ngủ là gì?

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ với dấu hiệu đặc trưng là sự ngưng thở khoảng từ 10 – 30 giây trong khi ngủ, với tần suất nhiều hơn 30 lần/đêm. Ngưng thở khi ngủ là tình trạng đường thông khí bị tắc nghẽn hoặc suy nhược trong khi ngủ. Đó là hiện tượng cổ họng đóng hoặc thu hẹp trong khi con người đang ngủ, xảy ra liên tục làm gián đoạn nhịp thở. Điều này đồng thời làm giảm nồng độ oxy trong máu, khiến não có thể sẽ đột nhiên đánh thức bạn dậy. Tuy nhiên triệu chứng này xảy ra nhiều lần trong đêm và người bệnh không nhận thức được nó. Và hậu quả là người bệnh ngủ không được ngon, cảm thấy mệt mỏi vào ngày hôm sau. Theo một thống kê tại Hoa Kỳ, hơn 28 triệu cư dân nơi đây mắc chứng rối loạn này và 80% trong số họ thậm chí không biết gì về nó. Khoảng 38.000 người trong số họ chết trong khi ngủ mỗi năm vì hơi thở bị rối loạn trầm trọng, gây ra đột quỵ hoặc đau tim nghiêm trọng.

Các triệu chứng của ngưng thở khi ngủ

Bác sĩ Raina Gupta – chuyên gia về thuốc ngủ thuộc Trung tâm Y tế Masonic Illinois của Chicago cho biết: “Nếu bạn có khả năng phát hiện sớm việc mình đang mắc phải hội chứng ngưng thở khi ngủ và mức độ nghiêm trọng của nó, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc điều trị, đồng thời tránh được những bệnh gây tổn hại đến tim mạch.”

Như đã đề cập, hầu hết những ai mắc phải triệu chứng này bản thân họ sẽ không tự biết trừ phi người thân hoặc bạn bè của họ nhận thấy những dấu hiệu bất thường. Dưới đây là một số triệu chứng khó thở thường gặp nhất:

  • Ngáy rất lớn trong lúc đang ngủ
  • Thường cảm thấy buồn ngủ và không có năng lượng vào ban ngày
  • Đau đầu vào buổi sáng
  • Ngủ không an giấc – không thể ngủ một cách thoải mái
  • Mất ngủ và thức giấc định kỳ
  • Thức dậy với cổ họng khô hoặc rất đau
  • Thức dậy thường xuyên trong đêm với tình trạng thở hổn hển hoặc nghẹt thở
  • Buồn ngủ khi lái xe
  • Thay đổi tâm trạng đột ngột, hay quên và giảm hứng thú với tình dục
  • Kém tập trung
  • Đi vệ sinh thường xuyên vào ban đêm
Cấu tạo họng của người bị chứng ngưng thở khi ngủ
Cấu tạo họng của người bị chứng ngưng thở khi ngủ

Nếu ai đó có một trong những triệu chứng kể trên thì vẫn chưa đủ để khẳng định rằng người ấy đang bị chứng ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên, nếu có vài triệu chứng cùng xuất hiện, tốt nhất là nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Những rủi ro mà chứng ngưng thở khi ngủ gây ra

Tổng số ca tử vong liên quan đến ngưng thở khi ngủ tuy hơi khó xác định, tuy nhiên thông qua nghiên cứu mà chúng ta biết rằng rối loạn này có thể dẫn đến các biến chứng sau:

  • Tăng nguy cơ đột quỵ
  • Chết vì bệnh tim
  • Kháng insulin và dung nạp glucose, dẫn đến bệnh tiểu đường
  • Trào ngược dạ dày (GERD)
  • Tăng cân, không có khả năng giảm cân
  • Tăng nguy cơ ung thư
  • Huyết áp cao
  • Đau tim

Tiến sĩ Neomi Shah và các đồng nghiệp của cô tại Đại học Yale đã tìm thấy trong nghiên cứu năm 2014 của họ rằng: “Một người bị mắc chứng ngưng thở khi ngủ trong 4 hoặc 5 năm, nguy cơ bị đau tim của họ tăng thêm 30%”. Một nghiên cứu khác của Tiến sĩ Shah, hơn một nghìn bệnh nhân đang được theo dõi và đánh giá về rối loạn nhịp thở khi ngủ của họ, hơn một nửa trong số đó có ít nhất 15 lần thiếu oxy trong một giờ ngủ. Điều này, như bạn có thể thấy, có vẻ rất nghiêm trọng. Nếu bạn nghi ngờ rằng mình hoặc người thân có thể đang gặp phải loại rối loạn này, hãy khuyên họ đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Điều này có thể giúp cứu sống chúng ta.

Chẩn đoán ngưng thở khi ngủ

Có hai cách chính để chẩn đoán rối loạn nghiêm trọng này:

Cách 1: Đến phòng khám/bệnh viện gặp bác sĩ

Khi đến gặp bác sĩ, họ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi về các triệu chứng, như việc bạn có thường xuyên ngủ gật hay không? Bác sĩ cũng sẽ giúp bạn đo huyết áp và xét nghiệm máu để loại trừ các tình trạng khác có thể là nguyên nhân gây ra sự mệt mỏi.

Bước kế tiếp là theo dõi giấc ngủ của bạn tại trung tâm giấc ngủ, nơi bác sĩ sẽ tính toán các chỉ số BMI của cơ thể và đo chu vi vòng cổ (những người thừa cân thường có cổ lớn, và vì vậy nguy cơ bị rối loạn nhịp thở khi ngủ rất cao). 

Sau đó, các chuyên gia tại phòng khám sẽ quan sát giấc ngủ của bạn và bạn phải qua đêm ở đó hoặc bạn sẽ được cung cấp một số thiết bị để mang về nhà theo dõi. Tất nhiên, bạn sẽ phải mang chúng trở lại để phân tích.

Cách 2: Kiểm tra tại nhà

Đừng lo lắng về tùy chọn này, bởi vì các nhân viên tại trung tâm ngủ sẽ giải thích cho bạn chính xác cách sử dụng các thiết bị theo dõi sức khỏe. Bộ thiết bị chăm sóc sức khỏe này có thể bao gồm các thiết bị như: cảm biến hô hấp, các dải băng được dùng để đặt trên ngực, các cảm biến theo dõi nhịp tim và cảm biến oxy được đặt trên những ngón tay.

Sau khi quá trình quan sát và phân tích kết thúc, các chuyên gia sẽ xác định mức độ nghiêm trọng của chứng ngưng thở khi ngủ (nhẹ, trung bình hoặc nặng) và kê đơn điều trị thích hợp.

Nên phát hiện để điều trị kịp thời chứng ngưng thở khi ngủ
Nên phát hiện để điều trị kịp thời chứng ngưng thở khi ngủ

Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ

Việc điều trị chứng ngưng thở khi ngủ có thể bao gồm thực hiện một số thay đổi lối sống lớn, sử dụng nhiều thiết bị thở khác nhau trong khi ngủ hoặc phẫu thuật.

Thay đổi lối sống

Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ được khuyên nên áp dụng lối sống lành mạnh, như giảm cân nếu đang bị béo phì, ngừng hút thuốc nếu đang bị nghiện và hạn chế rượu bia. Trong một số trường hợp, bác sĩ thậm chí sẽ khuyên bạn ngưng sử dụng thuốc ngủ hoặc thuốc an thần. 

Ngủ nghiêng cũng có thể giúp giảm triệu chứng ngưng thở khi ngủ. Và nếu bạn đang sử dụng một chiếc nệm cũ trong nhiều năm, chúng tôi khuyên bạn nên đầu tư một chiếc nệm mới phù hợp hơn cho sức khỏe.

CPAP – Áp lực đường thở dương liên tục

Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ từ trung bình đến nặng thường cần sử dụng thiết bị CPAP, đây là một máy bơm nhỏ trông giống như một chiếc mặt nạ che mũi và miệng của bạn, giúp cung cấp một lượng khí nén. Mặc dù ban đầu sử dụng CPAP có thể cảm thấy không thoải mái, sau đó một thời gian bạn sẽ cảm thấy quen dần và tình trạng sẽ được cải thiện đáng kể.

MAD – Mandibular Advancement Device

Đây là một thiết bị nha khoa được sử dụng để điều trị các trường hợp bị rối loạn giấc ngủ cấp độ nhẹ và trông rất giống với thiết bị bọc răng. Thiết bị MAD được đeo trên răng khi ngủ, giữ hàm và lưỡi sao cho tăng không gian phía bên trong cổ họng, từ đó tránh việc hẹp đường thở. Người bệnh được khuyến khích đầu tư riêng một thiết bị MAD cá nhân để bản thân cảm thấy thoải mái nhất vì các mẫu trên kệ ngoài thị trường không phải cái nào cũng thực sự thoải mái khi đeo.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là một giải pháp cho chứng ngưng thở khi ngủ tuy nhiên nó không phải là phương cách thường xuyên được khuyến nghị. Phẫu thuật chỉ nên sử dụng như là phương sách cuối cùng khi mọi cách điều trị khác đều thất bại. Lý do những ca phẫu thuật này có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Có khá nhiều phương pháp điều trị phẫu thuật đã được sử dụng để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ như: phẫu thuật mở khí quản, cắt amidan, nạo sùi vòm họng và phẫu thuật thu hẹp dạ dày.

White Noise Music
White Noise Music – giúp chúng ta ngủ ngon hơn

Kết luận

Như bạn đã thấy, ngưng thở khi ngủ là một rối loạn rất nghiêm trọng, và nó có một số biến chứng có thể dẫn đến cái chết. Đây chính xác là lý do tại sao bạn nên đến gặp bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng mình có bất kỳ triệu chứng nào kể trên. Bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và nhận những lời khuyên chữa trị kịp thời, đúng đắn.

Ngoài ra, để sở hữu một giấc ngủ ngon và chất lượng mỗi đêm, hãy tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên, tránh dùng caffeine, hình thành thói quen đi ngủ tốt bao gồm tắm nước ấm, để đèn mờ và uống trà thảo dược – bất cứ điều gì có thể giúp bạn thư giãn và chuẩn bị cho một đêm ngon giấc. Bạn có thể đọc thêm bài viết dưới đây về các bí quyết giúp bạn ngủ ngon hơn:

Nguồn tham khảo: sleepadvisor