Giấc ngủ của người cổ đại

Bí quyết ngủ ngon

Tìm hiểu về giấc ngủ của người cổ đại trước khi phát minh ra điện

Phương Thảo
29/03/2020

Liệu các bạn có tò mò về giấc ngủ của người cổ đại trước khi phát minh ra điện không? Bài viết này sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn về việc tổ tiên loài người của chúng ta đã ngủ như thế nào nhé!

Khi được hỏi, cứ ba người lại có một người nói rằng mình mắc chứng mất ngủ. Họ nằm thao thức giữa đêm, không cách nào ngủ được. Cũng có thể họ đang phải mắc một triệu chứng mang tên thức giấc thường xuyên, có nghĩa là họ không thể giữ bản thân mình trong trạng thái ngủ. Họ sẽ thức giấc vào giữa đêm và phải mất hàng tiếng đồng hồ để có thể ngủ lại. Khoảng thời gian thức giấc này thường gây stress và lo lắng cho người bệnh khi họ nghĩ về sự mệt mỏi mình phải chịu vào hôm sau và mong muốn được ngủ suốt đêm như người bình thường.

Có vẻ như khoảng thời gian thức giấc lúc nửa đêm này lại không bất bình thường chút nào. Qua việc tìm hiểu về lịch sử giấc ngủ loài người, những bằng chứng ghi chép cho thấy ngay từ những giai đoạn đầu tiên của loài người, giấc ngủ của con người đã bị chia thành nhiều khoảng. Trạng thái này được biết đến với tên gọi giấc ngủ hai pha hoặc giấc ngủ phân đoạn, là những kiểu ngủ tự nhiên và khỏe mạnh.

Lịch sử giấc ngủ của người cổ đại

Thời đại đồ đá mới

Sự thiếu vắng của ánh sáng về đêm và mối đe dọa tới từ những kẻ săn mồi đã khiến tổ tiên chúng ta ở thời đại đồ đá mới (khoảng 10,200 năm trước Công Nguyên) phải đi ngủ chỉ vài tiếng sau hoàng hôn. Sự khác biệt giữa nhóm người này với người ở thời kỳ đồ đá cũ là họ cố gắng biến không gian ngủ thành nơi có thể sinh sống được. Đống rơm từng được xem là giường ngủ dần bị thay thế bởi những bề mặt cao hơn mặt đất.

Người cổ đại thường sống trong các hang đá
Người cổ đại thường sống trong các hang đá

8.000 năm trước Công Nguyên

Công nghệ tiếp tục phát triển nhưng với một tốc độ chậm rãi. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra rằng nơi ngủ của người cổ đại có hình tròn và giống như một cái tổ nhiều hơn là giường. Những chiếc giường hình tròn tự làm đã phần nào thể hiện tư thế ngủ được yêu thích thời đó có thể là tư thế cuộn tròn như bào thai.

Những năm 1300 đến những năm 1600

Ở giai đoạn này, việc cải thiện vệ sinh môi trường trở thành một vấn đề được quan tâm. Vở kịch “Monty Python and the Holy Grail” của Monty đã diễn tả các điều kiện lúc đó là “ẩm ướt, ám mùi và bẩn thỉu”. Ngay cả người giàu có cũng phải sống ở những nơi bốc mùi như thế vì bùng nổ dân số và các khu vực đông đúc dân cư  không có hệ thống ống nước.

Tuy nhiên, một số nền văn hóa đã bắt đầu khám phá ra ý tưởng về việc sắp xếp một chỗ ngủ thoải mái hơn. Giường cùng với nệm bắt đầu trở nên phổ biến. Những vật liệu sơ khai như rơm và lông vũ đã góp phần giúp giấc ngủ của con người trở nên thoải mái hơn vào thời điểm đó.

Thời Phục Hưng

Nổi tiếng về nghệ thuật và những tiến bộ xã hội, thời Phục Hưng đã đem tới một cuộc cải cách. Sự thô sơ của nệm vải và rơm đã được che phủ bằng nhung lụa, đem tới một không gian sang trọng hơn.

Trước đây, ý tưởng về giấc ngủ hai pha đã từng được đề cập (Ví dụ như Odyssey của Homer), nhưng bây giờ lối ngủ này bắt đầu được nhắc đến trong các tác phẩm văn học nhiều hơn. Việc có thêm một quãng thời gian thức giấc xen giữa lần ngủ đầu tiên và lần ngủ thứ hai trong đêm được xem là thói quen phổ biến ở những người sống trong thời đại này.

Thay vì cảm thấy lo lắng vì thức giấc lúc nửa đêm, họ sẽ sử dụng thời gian này để cầu nguyện, kiểm điểm lại bản thân, quan hệ tình dục, làm việc vặt, đọc sách dưới ánh nến hoặc đi thăm những người bạn của mình.

Cách mạng công nghiệp

Thời gian làm việc dài cùng với lịch trình nghiêm ngặt của nhà máy đã khiến cho con người không thể tận hưởng vui vẻ thời gian thức giấc giữa các lần ngủ nữa. Thay vào đó, để bảo đảm hiệu suất làm việc, họ bắt đầu gộp giấc ngủ thành một giai đoạn duy nhất.

Cách mạng công nghiệp với các nhà máy
Cách mạng công nghiệp với các nhà máy

Thế kỷ 19

Với sự ra đời của những cột đèn đường và sự phát minh ra điện, người dân bình thường và tầng lớp quý tộc đã hạn chế dần các giấc ngủ hai pha. Họ bắt đầu nhận thức được về thời gian và năng suất mà mình có thể đạt được trong khi tỉnh giấc. Các bác sĩ dần đề nghị ngủ một giấc dài thay vì chia thành hai khoảng thời gian riêng biệt như trước.

Tới những năm 1920, toàn bộ những lời giới thiệu về chế độ ngủ hai pha và chế độ ngủ phân đoạn đã bị ngừng hoàn toàn.

Vì sao người cổ đại lại thực hiện chế độ ngủ hai pha

Tích cực

Trong điều kiện thiếu vắng ánh sáng nhân tạo, đa số mọi người quay về với chế độ ngủ hai pha một cách tự nhiên. Điều này đã được chứng minh bởi nhà tâm lý học Thomas Wehr. Ông đã hạn chế thời gian tiếp xúc ánh sáng của người tham gia thí nghiệm xuống còn 10 tiếng và 14 tiếng trong bóng tối.

Sau khoảng 4 tuần, người tham gia thí nghiệm đã hình thành thời gian ngủ gồm hai phân đoạn bị chia cắt bởi một thời gian thức giấc kéo dài từ một tới ba tiếng. Trong xã hội hiện đại, lối ngủ này được cho rằng sẽ giúp chúng ta linh động thời gian hơn. 

Hầu hết những người mắc chứng mất ngủ thường xuyên đều đang thực hiện lối ngủ hai pha. Do đó, thay vì cố gắng thay đổi thành một giấc ngủ dài thì họ nên tận dụng những lợi ích mà lối ngủ hai pha mang đến.  

Bên cạnh lối ngủ hai pha cổ điển, ở các nước có nền văn hóa hiện đại như Mỹ La Tinh và Châu Âu, người ta đã thay đổi lối ngủ này bằng cách kéo dài giai đoạn ngủ thứ nhất và biến giai đoạn ngủ thứ hai thành giấc ngủ trưa. Điều này cho phép họ giải quyết vấn đề tụt giảm năng lượng sau bữa ăn trưa bằng giấc ngủ.

Sự xuất hiện của bóng đèn đã mở ra một thời đại mới

Bất lợi

Giấc ngủ hai pha truyền thống có thể không phù hợp với thời gian biểu của mọi người khi nó cần chúng ta phải ngủ sớm sau hoàng hôn. Rất nhiều công việc và vấn đề gia đình đòi hỏi chúng ta phải thức trễ hơn và phải tỉnh dậy vào một thời gian cố định để có thể đi làm đúng giờ.

Đối với một số người có thời gian linh hoạt để thực hiện chế độ này thì họ lại có thể cảm thấy việc ngủ hai pha khiến họ mệt mỏi. Trong những trường hợp như vậy thì một giấc ngủ kéo dài sẽ phù hợp với họ hơn.

Những câu hỏi thường gặp

Con người ngủ trên cái gì trước khi có giường?

Trước khi có giường ngủ, con người ngủ trên những chiếc giường tự làm bằng rơm chất đống. Khi mà xã hội tiến bộ hơn, những tấm nệm đầu tiên được nhồi bằng vải hay lông vũ bắt đầu xuất hiện. Rất lâu sau đó, khoảng thời đại Ai Cập, giường ngủ mới ra đời.

Người thượng cổ ngủ ở đâu?

Người thượng cổ ngủ trên nền đất trong những chiếc hang. Đôi lúc, họ cũng sẽ lấy rơm hoặc lá chất trong chỗ lõm của hang động nhằm phủ kín các chỗ lõm và tạo sự ấm áp. Sau đó, người thượng cổ nhận ra rằng những bề mặt cao có thể giúp họ tránh côn trùng và họ bắt đầu chất chồng rơm, lá lại với nhau để tạo ra các gò cao trong hang động.

Liệu việc ngủ phân đoạn có tốt không?

Câu trả lời cho câu hỏi này còn tùy thuộc vào người mà bạn hỏi. Một vài bác sĩ cho rằng lối ngủ phân đoạn là lối ngủ nguyên thủy và lành mạnh. Nhưng một số bác sĩ lại cho rằng trong xã hội hiện đại ngày nay, lối ngủ này không thực tế và có thể đem lại nguy hiểm. Khoảng thời gian thức giấc giữa giấc ngủ đầu tiên và thứ hai có thể bị “ô nhiễm” bởi điện thoại thông minh khiến cho việc ngủ lần thứ hai trở thành một thử thách không thể thành công.

Lời khuyên của chúng tôi là hãy thử xem cách ngủ này có hợp với bạn không. Khi thực hiện lối ngủ này, bạn cảm thấy thế nào và hãy đảm bảo thời gian ngủ của mình vào khoảng từ 7 đến 9 tiếng trong vòng 24 giờ.

Mẹo ngủ ngon 02 - Thay đổi môi trường ngủ
Đầu tư chiếc nệm phù hợp để có môi trường ngủ khỏe mạnh, sở hữu giấc ngủ ngon

Kết luận

Vậy là bài viết này đã cung cấp cho bạn các thông tin về lịch sử giấc ngủ của người cổ đại. Cho dù có rất nhiều người không biết đến giấc ngủ hai pha nhưng nếu hiểu được lối ngủ này là hết sức bình thường thì các bạn cũng sẽ an tâm phần nào nếu giấc ngủ của mình cũng là giấc ngủ hai, hay thậm chí đa pha. Thay vì băn khoăn về khoảng thời gian ngủ mà bạn bỏ lỡ, hãy thử ngồi thiền, cầu nguyện hoặc thậm chí thưởng thức một cuộc mây mưa với bạn đời của mình để bình tĩnh lại.

Nguồn tham khảo: sleepadvisor