Giấc ngủ và sự lão hóa có tác động qua lại lẫn nhau như thế nào?

Khoa học giấc ngủ

Lão hóa & giấc ngủ: Người lớn tuổi có cần nghỉ ngơi như người trẻ?

Giang Gina
27/02/2020

Một trong những người đứng đầu lĩnh vực nghiên cứu về giấc ngủ, tiến sĩ Matthew Walker đã từng nói rằng: “Giấc ngủ của bạn càng ngắn bao nhiêu thì vòng đời của bạn càng ngắn bấy nhiêu.” Vậy thì có phải giả thuyết ngược lại của câu nói này cũng là sự thật: “Giấc ngủ của bạn càng dài bao nhiêu thì bạn càng sống lâu bấy nhiêu?”

Câu trả lời cho vấn đề này không chỉ đơn giản là “có” hoặc “không” nhưng khoa học đứng sau hai giả thuyết này đã cho ta biết một điều: Giấc ngủ ảnh hưởng đến sự lão hóa.

Các chuyên gia về sức khỏe thường chia sẻ rằng việc ăn uống khoa học và luyện tập thể dục đều đặn có thể giúp cơ thể khỏe mạnh, sống lâu. Tuy nhiên ít ai đề cập đến sự ảnh hưởng của giấc ngủ & cái chết. Mọi người cũng thường hay bỏ qua mối liên hệ giữa chất lượng lẫn số lượng giấc ngủ và sự lão hóa. Bạn có biết sự lão hóa không chỉ diễn ra ở người già? Theo một nguyên cứu được thực hiện bởi trường đại học Cambridge, sự lão hóa bắt đầu trước cả khi chúng ta được sinh ra. Sự lão hóa đem tới cho chúng ta những nguy cơ mắc bệnh cao, khó ngủ, và cuối cùng là cái chết.

Lão hóa & giấc ngủ
Lão hóa & giấc ngủ

Sức khỏe giấc ngủ của một người nói lên rất nhiều điều về tương lai của người đó. Giấc ngủ càng ngắn, tuổi thọ càng thấp. Câu châm ngôn “Tôi sẽ ngủ khi tôi chết” quả thật không thích hợp. Nếu áp dụng tư duy này, chúng ta sẽ chết sớm hơn và chất lượng cuộc sống (vốn ngắn hơn) đó sẽ tồi tệ hơn vì khả năng chịu đựng sự thiếu ngủ của cơ thể chỉ có thể kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định cho tới khi cơ thể gục ngã hoàn toàn. Đây chính là những nghiên cứu của chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giấc ngủ vô cùng nổi tiếng – Tiến sĩ Matthew Walker trong cuốn sách Why We Sleep đã phát hành trên toàn thế giới của ông.

Trong số những thay đổi dễ nhận biết về giấc ngủ khi chúng ta già đi, điều nào được xem là điều bình thường?

Mọi thứ thay đổi khi chúng ta già đi. Các hormone, chức năng nhận thức, sức khỏe thể chất và dung mạo đều sẽ thay đổi rất nhiều. Giấc ngủ sinh lý cũng sẽ thay đổi không chút ngoại lệ. Có thể bạn sẽ khó nhận ra sự suy giảm của chất lượng giấc ngủ hơn so với việc nhận biết làn da nhăn nheo và chứng mất trí nhớ ngắn hạn khi cơ thể bước vào giai đoạn lão hóa. Tuy nhiên, sẽ có những dấu hiệu cảnh báo nhất định liên quan tới giấc ngủ. Một trong những dấu hiệu ấy chính là thời lượng ngủ. Bạn hãy để ý khoảng thời gian mà cơ thể mong muốn được nghỉ ngơi trong vòng 24 tiếng. Thông thường trẻ sơ sinh sẽ ngủ suốt ngày và những người lớn thì ngủ ít hơn thế hệ trẻ. Bảng thống kê của tổ chức National Sleep Foundation dưới đây cung cấp các số liệu hữu ích về thời lượng ngủ trung bình ở từng độ tuổi:

  • Trẻ sơ sinh từ 0-3 tháng ngủ từ 14-17 giờ
  • Trẻ từ 4 tới 11 tháng ngủ từ 12-15 giờ
  • Trẻ từ 1 đến 2 tuổi ngủ từ 11-14 giờ
  • Trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi ngủ từ 10-13 giờ
  • Trẻ từ 6 đến 13 tuổi ngủ từ 09-11 giờ
  • Thanh thiếu niên từ 14-17 tuổi ngủ từ 08-10 giờ
  • Thanh niên từ 18-25 tuổi ngủ từ 07-09 giờ
  • Người trưởng thành từ 26-64 tuổi ngủ từ 07-09 giờ
  • Người già trên 65 tuổi ngủ từ 07-08 giờ

Biểu đồ trên cho thấy người lớn tuổi có xu hướng ngủ ít hơn từ 1 tới 2 tiếng so với người trẻ. Tuy nhiên một số chuyên gia về giấc ngủ lại cho rằng, người lớn tuổi vẫn nên duy trì thời lượng ngủ từ 7 đến 9 tiếng như khi họ còn trẻ. Tuy người lớn giảm bớt số lượng giờ nghỉ ngơi không đáng kể trong một ngày so với người trẻ, nhưng nếu tính cả thời gian nghỉ ngơi mỗi đêm trong một năm gộp lại và gộp trong nhiều năm thì con số thiếu ngủ sẽ rất lớn.

Ngoài vấn đề thời lượng giấc ngủ có sự thay đổi khi chúng ta già đi như đã đề cập ở trên, chất lượng của sự nghỉ ngơi cũng sẽ tệ đi khi con người bước vào độ tuổi U60. Một câu hỏi được đặt ra ở đây: “Liệu những người lớn tuổi ngủ ít đi là do họ không cần sự nghỉ ngơi nhiều, hay do họ không thể nghỉ ngơi được dù họ vẫn rất cần sự nghỉ ngơi đầy đủ như ở giới trẻ?”

Những người lớn tuổi có thật sự không cần nghỉ ngơi nhiều hay không?

Câu trả lời là không. Bởi dù họ có dường như ngủ ít hơn thì sự thật họ vẫn cần phải nghỉ ngơi nhiều hơn. Tiến sĩ Sonia Ancoli-Israel đến từ Đại học California San Diego giải thích rằng: “Sự giảm thời lượng ngủ mà chúng ta nhìn thấy ở những người lớn tuổi thường xảy ra do nhu cầu ngủ của họ bị giảm. Tuy nhiên, sự giảm này không hẳn là do tuổi tác mà liên quan nhiều đến vấn đề lão hóa hay bệnh tật của một cơ quan chức năng nào đó trong cơ thể, bao gồm việc sử dụng thuốc kê toa, sự thay đổi đồng hồ sinh học nội sinh và sự gia tăng các vấn đề về rối loạn giấc ngủ”.

Những người lớn tuổi dường như có nhiều lo ngại về sức khỏe hơn. Có lẽ vì thế họ không ngủ được nhiều. Tuy nhiên, có số liệu thống kê cho rằng, những người khỏe mạnh từ 65 tuổi trở lên sở hữu thời gian nghỉ ngơi buổi tối và thói quen ngủ giống như người trẻ.

Thật vậy, có sự tương quan cao giữa sức khỏe và giấc ngủ. Phần nhỏ người lớn tuổi khỏe mạnh không gặp khó khăn với vấn đề giấc ngủ trong khi phần lớn những người lớn tuổi khác bị bệnh hoặc có sức khỏe không tốt sẽ gặp vấn đề với việc nghỉ ngơi đều đặn. Nếu chúng ta so sánh người lớn tuổi khỏe mạnh và người lớn tuổi không khỏe mạnh theo cách này thì chúng ta có lý do tin rằng, việc thiếu ngủ và các căn bệnh thường gặp có mối quan hệ với nhau.

Trong bài viết sau, tôi và bạn sẽ cùng tìm hiểu thêm về Những vấn đề liên quan đến giấc ngủ phổ biến mà người lớn tuổi hay gặp phải.

Nguồn tham khảo: sleepadvisor