Chắc hẳn bạn đã từng nghe nói về hiện tượng “rối loạn cảm xúc theo mùa”, thường rơi vào những tháng mặt trời đi “ngủ” sớm khiến ngày ngắn hơn đêm. Cùng với sự ảm đạm của thời tiết, tâm trạng của nhiều người bỗng nhiên trùng xuống. Bạn có biết, với đèn ánh sáng sinh học, chứng mất ngủ và trầm cảm theo mùa có thể được điều trị?
Tâm trạng và năng lượng của chúng ta thường thay đổi khi chuyển giao mùa nhưng đối với nhiều người, cảm giác u buồn này có thể cực đoan hơn so với phần đông còn lại.
Liệu pháp ánh sáng hay còn được gọi là liệu pháp quang học, là phương pháp điều trị trầm cảm theo mùa xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại. Từ đó đến nay, chúng được ứng dụng rộng rãi để điều trị các vấn đề như Jetlag (lệch múi giờ) và rối loạn giấc ngủ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ gửi đến độc giả cách thức hoạt động của liệu pháp quang học cũng như các khuyến nghị đối tượng nên sử dụng đèn ánh sáng sinh học trong quá trình điều trị chứng mất ngủ. Cùng bắt đầu nhé!
Nội dung chính
Đèn ánh sáng sinh học là gì?
Đèn ánh sáng sinh học chứa dãy các bóng đèn huỳnh quang mô phỏng ánh sáng mặt trời ngoài tự nhiên. Đèn có thể sáng hơn từ 5 đến 30 lần so với đèn văn phòng thông thường và được đặt trong hộp lọc ánh sáng. Ngày nay, đèn ánh sáng sinh học được ứng dụng phổ biến trong việc điều trị các rối loạn giấc ngủ, chứng mất ngủ và vấn đề cảm xúc, chẳng hạn như trầm cảm, khó ngủ và hiện tượng jetlag (lệch múi giờ).
Lịch sử của đèn ánh sáng sinh học
Niels Ryberg Finsen đã nhận được giải thưởng Nobel cho nghiên cứu về liệu pháp ánh sáng vào năm 1903. Những chiếc đèn ánh sáng sinh học được phổ biến hơn vào những năm 1920. Mặc dù ban đầu mục đích sử dụng chính của đèn là để điều trị trầm cảm theo mùa nhưng sau đó, các nhà sản xuất đã phát hiện ra rằng, khả năng loại bỏ tia cực tím của đèn còn có thể ứng dụng để sản xuất da thuộc. Hiện nay, đèn đã được cải tiến và trở nên an toàn hơn rất nhiều. Điểm nổi bật của đèn ánh sáng sinh học là các bộ lọc của đèn giúp giảm thiểu việc tiếp xúc với tia UV có hại.
Để ứng dụng thiết bị này trong điều trị, đèn cần được đặt gần nơi bạn đang ngồi và chiếu vào mắt. Đèn sẽ mô phỏng ánh sáng ngoài trời và đem lại các lợi ích tương tự như ánh sáng tự nhiên đem lại.
Ánh sáng cần được chiếu vào mắt bởi nếu chỉ chiếu lên làn da thôi thì đèn sẽ không có tác dụng. Bạn có thể đặt đèn trên bàn làm việc hoặc bên cạnh đi văng trong khi xem tivi hoặc đọc sách.
Trị liệu ánh sáng thường hoạt động tốt nhất vào buổi sáng. Số giờ trị liệu có thể dao động từ 30 phút đến 3 giờ tùy theo nhu cầu và tính chất bận rộn của mỗi người. Tính nhất quán là yếu tố rất quan trọng quyết định hiệu quả của liệu pháp ánh sáng sinh học. Vì vậy, hãy trao đổi với bác sĩ về lịch sinh hoạt hằng ngày và chứng mất ngủ của bạn để được tư vấn thời gian thích hợp.
Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) là gì?
Đối với nhiều người, mùa đông là thời gian để cuộn mình trong chăn, thưởng thức một tách cà phê nóng và một cuốn sách hay. Một số người khác lại yêu thích những ngày hè dài và thời tiết ấm hơn. Nhưng vẫn có những trường hợp cảm thấy kiệt sức về thể chất, trầm cảm hoặc lo âu vào những tháng có ngày ngắn hơn đêm, là nguyên nhân dẫn đến chứng mất ngủ.
Những người này có thể mắc chứng “Rối loạn cảm xúc theo mùa” hay còn được gọi là SAD. Đây là một hội chứng với các biểu hiện trầm cảm theo từng đợt và tác động bởi sự thay đổi của yếu tố thời tiết. Hầu hết bệnh nhân thường suy sụp vào những tháng mùa thu và mùa đông, nhưng cũng có một tỷ lệ nhỏ những người mắc chứng bệnh tâm lý vào cả những tháng xuân và hè.
Nhìn chung, khi một người tiếp xúc với ánh nắng mặt trời càng nhiều, khả năng bị rối loạn cảm xúc theo mùa của người đó càng thấp. Ví dụ, một người sống ở Michigan (Hoa Kỳ) có khả năng cảm nhận được tác động của Rối Loạn theo mùa cao hơn so với người sống ở Florida (Hoa Kỳ). Chứng rối loạn tâm trạng theo mùa xảy ra ở bất kỳ cư dân trên toàn thế giới, và ở bất kỳ vĩ độ nào. Cả thanh thiếu niên và người trưởng thành đều có thể được chẩn đoán mắc rối loạn cảm xúc theo mùa. Phụ nữ và thanh niên có khả năng bị ảnh hưởng cao nhất.
Một số thay đổi nhỏ trong tâm trạng hoặc năng lượng là chuyện bình thường. Những ai cảm thấy suy sụp dữ dội thì cần xem xét lại. Nhiều người cảm thấy thói quen ngủ, tâm trạng và cảm giác thèm ăn của họ thay đổi theo mùa, dẫn đến sự gián đoạn trong cuộc sống hàng ngày. Có một số phương pháp điều trị khác nhau cho chứng rối loạn cảm xúc theo mùa, theo ghi nhận, hầu hết trường hợp mắc chứng rối loạn cảm xúc theo mùa là do không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Chính vì thế, một trong những cách dễ nhất và ít xâm phạm nhất là sử dụng đèn trị liệu.
Đối tượng nên sử dụng đèn trị liệu ánh sáng sinh học
Đèn cực tím (Sun-lamp) đang ngày càng được sử dụng rộng rãi để điều trị cho nhiều chứng rối loạn vì tính rủi ro thấp của nó. Theo báo cao, đau mắt và đau đầu là hai tác dụng phụ phổ biến nhất của loại đèn này. Mặc dù mỗi bệnh nhân sẽ gặp những vấn đề khác nhau, nhưng nhìn chung, liệu pháp quang học là phương pháp điều trị duy nhất và hiệu quả nhất để giảm bớt các triệu chứng rối loạn đối với nhiều người.
Đối với một số bệnh nhân, trị liệu ánh sáng còn được kết hợp với việc sử dụng thuốc. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong nhiều trường hợp, đèn ánh sáng sinh học có khả năng làm tăng hiệu quả của thuốc chống trầm cảm. Liệu pháp ánh sáng đã được chứng minh là có tác dụng tích cực với 60 đến 80% bệnh nhân rối loạn cảm xúc theo mùa.
Hầu hết mọi người sẽ cảm nhận được kết quả của đèn ánh sáng sinh học trong vòng hai đến bốn ngày sau khi bắt đầu phương pháp điều trị này. Trị liệu ánh sáng trở nên ngày càng phổ biến chính bởi hiệu quả nhanh chóng của chúng.
Có thể bạn chưa biết: Chính quyền tại bán đảo Scandinavia đặc biệt hoan nghênh phương pháp trị liệu ánh sáng này vì hiệu quả kinh ngạc của nó trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của chứng rối loạn cảm xúc theo mùa. Chính quyền ở đây thậm chí còn cung cấp các phòng khám mà bạn có thể đến và được điều trị chứng bệnh tâm lý này. Những phòng khám như thế ngày càng ít phổ biến hơn nhưng sự xuất hiện của đèn ánh sáng sinh học đã cho phép trị liệu bằng ánh sáng tiếp tục là một phương pháp điều trị lý tưởng.
Mặc dù số liệu thống kê có vẻ rất tích cực nhưng đèn ánh sáng sinh học có thể không dành cho một số người. Những ai bị nhạy cảm với ánh sáng và mắc các căn bệnh như phát ban lupus, tăng nhãn áp nên tham khảo điều trị bằng các phương pháp khác. Ngoài ra, theo báo cáo, một vài bệnh nhân mắc chứng rối loạn lưỡng cực có tâm trạng thất thường và rối loạn suy nghĩ tần suất cao hơn khi sử dụng đèn ánh sáng sinh học.
Bạn nên thảo luận về các lựa chọn điều trị và tuân thủ chặt chẽ lời khuyên của bác sĩ trước khi bắt đầu trị liệu bằng ánh sáng, đặc biệt là những người có vấn đề về sức khỏe từ trước. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt khi nói đến chứng mất ngủ vì họ sẽ cân nhắc “kê toa” cho bạn về tần suất, thời gian và cường độ cần thiết khi sử dụng đèn ánh sáng sinh học, cùng với các lựa chọn và phương pháp điều trị khác phù hợp hơn.
Liệu pháp trị liệu ánh sáng hoạt động như thế nào?
Từ khi sinh ra, cơ thể chúng ta đã hoạt động theo nhịp 24 giờ hay còn được gọi là nhịp sinh học hoặc đồng hồ sinh học. Ánh sáng và bóng tối là hai yếu tố có thể tác động và điều chỉnh được những nhịp điệu này. Từ xa xưa, tổ tiên của chúng ta đã dựa vào ánh sáng mặt trời để xác định khi nào là lúc thức dậy và khi nào nên đi ngủ. Tuy nhiên, khi xã hội dần chuyển qua môi trường làm việc trong nhà (chẳng hạn như văn phòng), chúng ta dành nhiều thời gian dưới ánh đèn nhân tạo hơn.
Theo một cách tự nhiên, cơ thể chúng tạo ra các hoocmon như melatonin (ảnh hưởng đến lịch trình ngủ) và serotonin (ảnh hưởng đến tâm trạng). Việc thay đổi tần suất tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể khiến nhịp sinh học bị rối loạn. Tất nhiên, việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo không mang lại lợi ích tương tự như tiếp xúc với ánh sáng ngoài trời. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến một số người vì cơ thể họ phải vật lộn để điều chỉnh lượng và tần suất của các hormone trên, gây ra sự gián đoạn lớn trong chất lượng giấc ngủ và tâm trạng.
Tác dụng của đèn ánh sáng sinh học
Đèn trị liệu mô phỏng ánh nắng mặt trời được thiết kế để giúp cơ thể bạn điều chỉnh các hormone này. Bằng cách điều chỉnh tần suất, cường độ và thời gian sử dụng đèn một cách có chiếc lược, về cơ bản, bạn có thể thiết lập lại đồng hồ sinh học trong cơ thể, nhắc nhở bộ não khi nào là đúng thời điểm để giải phóng một số hormone. Các tác động của đèn có thể đến từ những điều đơn giản như là có một giấc ngủ sâu hơn, về lâu về dài, chúng sẽ giải quyết các triệu chứng rối loạn giấc ngủ.
Những chiếc đèn này có thể được sử dụng để điều trị cho nhiều chứng bệnh khác nhau, từ rối loạn liên quan đến giấc ngủ đến vấn đề về da. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét các trường hợp cụ thể mà đèn ánh sách sinh học có thể đóng vai trò như một công cụ hữu ích.
Nguồn tham khảo: sleepadvisor