Cải thiện giấc ngủ

Mách ba mẹ 11 mẹo để bé ngủ không giật mình 

Tôn Vân
29/03/2022

Tất cả các nghiên cứu lớn nhỏ trên thế giới đều cho thấy trẻ em đang tuổi ăn tuổi lớn rất cần giấc ngủ để có thể phát triển được hết các tiềm năng tối ưu liên quan đến vóc dáng, sức khỏe và sự phát triển trí não. Chính vì thế, hầu hết các bậc phụ huynh đều không khỏi lo lắng khi thấy con có biểu hiện bất thường liên quan tới giấc ngủ. 

Phổ biến nhất là tình trạng giật mình, khiến giấc ngủ của con không sâu. Vậy, nguyên nhân khiến trẻ giật mình khi ngủ là gì? Làm sao để cải thiện giấc ngủ của trẻ? Cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết này nhé!

Tại sao trẻ ngủ không sâu giấc, giật mình 

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ ngủ không sâu giấc, giật mình về đêm. Dưới đây, Ngủ Ngon Sống Trọn tổng hợp một số lý do chính gây ra tình trạng này:

Chỗ ngủ của bé quá sáng 

Nguyên do là bởi Melatonin sẽ bị ức chế trong môi trường ánh sáng quá mạnh. Đây là hormone chịu trách nhiệm cho việc điều chỉnh nhịp ngủ-thức. 

Nồng độ Melatonin tăng mạnh khi mặt trời xuống, báo hiệu cho con người rằng đã đến giờ đi ngủ và tạo cảm giác thèm ngủ. Nó sẽ đạt ngưỡng cao nhất khi về nửa đêm và giảm dần cho đến rạng sáng. Đây là lúc chúng ta sẽ thức giấc và bắt đầu ngày mới. 

Như vậy, nếu phòng ngủ của trẻ quá sáng, điều này sẽ cản trở sự hoạt động của hormone, khiến trẻ ngủ không sâu giấc, thường xuyên giật mình. Bên cạnh ánh sáng thì căn phòng quá ồn hoặc thiếu ấm áp cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. 

Melatonin
Melatonin sẽ bị ức chế trong môi trường ánh sáng quá mạnh

Trẻ bú quá no trước giờ đi ngủ 

Dạ dày của trẻ sơ sinh có kích thước nhỏ. Mỗi lần ăn, con chỉ hấp thu được 1 lượng sữa rất ít. Chính vì vậy, bạn cần hiểu rõ khả năng bú của trẻ để tránh cho con bú quá no. Điều này sẽ khiến trẻ thường xuyên vặn mình, ọc sữa và không thoải mái khi đến giờ đi ngủ.

Nhu cầu vệ sinh đêm

Thói quen vệ sinh về đêm cũng là nguyên nhân khiến bé ngủ không sâu giấc, hay giật mình tỉnh giấc và quấy khóc. Nếu tã trẻ bị ướt hoặc khăn quấn quanh người trẻ quá chặt cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của con. 

Thói quen vệ sinh về đêm
Thói quen vệ sinh về đêm cũng là nguyên nhân khiến bé ngủ không sâu giấc

Trẻ mắc các bệnh lý

Một trong những bệnh lý phổ biến nhất gây tình trạng gắt ngủ ở trẻ là trào ngược dạ dày. Bên cạnh đó, trẻ mắc các bệnh về gan chẳng hạn như vàng da, cũng thường gặp tình trạng co giật khi ngủ, nguyên nhân do lượng bilirubin sản sinh quá mức khiến bộ não của trẻ bị kích thích và tạo phản xạ giật mình. 

Các bệnh lý liên quan tới thần kinh cũng là một nguyên nhân phổ biến. Ngoài ra, Khi trẻ bị hạ canxi huyết cũng có biểu hiện khó ngủ và hay giật mình giữa đêm. 

Da trẻ bị tổn thương 

Ba mẹ nên kiểm tra xem làn da trẻ có đang bị tổn thương, ngứa rát do côn trùng đốt. Để phòng ngừa nguyên nhân gắt ngủ, ba mẹ cũng nên dọn dẹp giường, nệm, chăn ga gối để giữ cho môi trường ngủ của trẻ luôn sạch sẽ. 

11 mẹo để bé ngủ ngon, không giật mình

Ôm bé càng lâu càng tốt 

Cách đơn giản và hiệu quả nhất là hãy giữ cho trẻ luôn gần cơ thể mình càng lâu, càng tốt. Đến khi nào bé bắt đầu liu riu vào giấc, mẹ mới từ từ đặt trẻ xuống giường. Như vậy sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn, hạn chế quấy khóc, giật mình khi ngủ. 

Hãy giữ cho trẻ luôn gần cơ thể mình
Hãy giữ cho trẻ luôn gần cơ thể mình càng lâu, càng tốt

Quấn khăn

Việc quấn khăn mô phỏng cảm giác ấm áp khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ nên điều này sẽ giúp bé cảm thấy an toàn. Nhưng ba mẹ không nên quấn bé quá chặt để tránh bé cảm thấy quá ngộp. 

Ngủ cùng giường với trẻ 

Sau khi cho bé bú, mẹ hãy nằm cạnh thêm một lúc, chỉ cần một lúc, bé sẽ từ từ rời khỏi bầu ngực và thiếp đi. Mẹ nên để ý khi trẻ bú để tránh bầu ngực khiến đường thở của bé bị che lấp. Tư thế cho bé bú an toàn nhất là quay đầu trẻ sang một bên, như vậy, mũi bé sẽ không bị vướng. 

Mở nhạc ru ngủ 

Những bài hát ru ngủ giai điệu nhẹ nhàng hoặc âm thanh trắng sẽ giúp bé nhanh chóng vào giấc và ngủ sâu hơn.

Trước khi đi ngủ không vui đùa với bé

Việc nô đùa quá trớn, bé khóc hay cười quá quá sẽ khiến hoạt động não của bé bị kích thích. Điều này sẽ cản trở dấu hiệu buồn ngủ của trẻ, khiến con không buồn ngủ. Khi đã vào giấc thì cũng dễ giật mình tỉnh giấc. 

Chính vì vậy, cha mẹ nên chú ý đến các hoạt động trước giờ đi ngủ với trẻ hơn. Ngoài ra, cũng nên tránh nhìn tập trung vào đôi mắt trẻ vì việc này sẽ khiến mắt con bị căng và trẻ trở nên tỉnh táo hơn. 

 hoạt động trước giờ đi ngủ với trẻ
Cha mẹ nên chú ý đến các hoạt động trước giờ đi ngủ với trẻ hơn

Không dỗ khi bé khóc

Với mẹo này, cha mẹ cần phải học cách bỏ qua cảm giác xót con khi bé la hét, khóc lóc ngặt nghẽo. Khi này, ba mẹ không nên “bật như tôm” dậy để dỗ con ngay lập tức mà nên chờ khoảng 1-2 phút để bé có thời gian để tự “ru ngủ” mình. 

Những lần đầu tiên sẽ vô cùng khó khăn do tâm lý thương trẻ nhưng bằng cách này, bạn mới có thể luyện cho bé tự biết cách ngủ tiếp. Nếu bế bé ngay sẽ tạo thành thói quen không tốt, khiến bé phụ thuộc, cứ phải mẹ ôm, mẹ ru, mẹ dỗ mới ngủ.

bé có thời gian để tự “ru ngủ” mình
Chờ khoảng 1-2 phút để bé có thời gian để tự “ru ngủ” mình

Trước khi ngủ không nên cho bé ăn

Đặc biệt là các loại thực phẩm khó tiêu như phomai, trứng,… Việc ăn no và ăn quá gần giờ đi ngủ sẽ khiến hệ tiêu hóa của con ì ạch, gây khó chịu, cản trở giấc ngủ. Bên cạnh thực phẩm khó tiêu, mẹ cũng không nên cho cho trẻ bú quá no hoặc dùng các loại thức ăn lợi tiểu để tránh trẻ quấy khóc, giật mình giữa khuya vì nhu cầu tiểu đêm. 

Bên cạnh đó, cữ ăn đêm cũng tốt hơn cho bé, con thức giấc đòi bú sau đó sẽ nhanh chóng ngủ tiếp khi bú xong. 

Tuân theo nhịp ngủ sinh học của trẻ

Nhu cầu ngủ của trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi rơi vào khoảng 20 giờ/ ngày, trẻ ngủ nhiều lần trong ngày. Một giấc ngủ kéo dài chỉ từ 2-3 giờ đồng hồ không phân biệt ngày/đêm. 

Khi con càng lớn, thời gian dành cho giấc sẽ giảm dần và thời gian ngủ của trẻ sẽ dần được điều chỉnh một cách tự nhiên sao cho tương đồng với giấc ngủ của người lớn. Tức là số lần đi ngủ giảm dần, giấc ngủ đêm sẽ dài hơn so với giấc ngủ ngày. 

Như vậy, ba mẹ nên tuân theo nhịp ngủ này. Đừng lay bé dậy để cho ăn vì sợ con đói hay cố gắng ru con ngủ khi con còn muốn thức. Nếu bé đói, bé sẽ tự tỉnh giấc và đòi bú. 

 lay bé dậy để cho ăn
Đừng lay bé dậy để cho ăn vì sợ con đói hay cố gắng ru con ngủ khi con còn muốn thức

Đảm bảo phòng ngủ của trẻ đủ tối

Nếu để đèn phòng ngủ quá sáng sẽ ức chế quá trình tiết ra hormone Melatonin, chịu trách nhiệm gây cảm giác buồn ngủ và giúp chúng ta ngủ sâu hơn. Về lâu dài, có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học khiến trẻ khó vào giấc và hay khóc giật mình. 

Trước giờ đi ngủ khoảng 30 phút, mẹ nên giảm ánh sáng của căn phòng về mức tối thiểu, ánh sáng lờ mờ của đèn là yếu tố giúp trẻ ngủ ngoan hơn.

Ngậm vú giả

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng giấc ngủ của trẻ sẽ ngon và sâu hơn khi ba mẹ cho con ngậm vú giả đi ngủ. Ngoài ra, việc này còn giúp trẻ tránh bị giật mình khi ngủ, Tuy vậy không nên cho trẻ ngậm suốt đêm, khi con ngủ say, mẹ hãy từ từ rút núm vú ra nhé!

 cho con ngậm vú giả đi ngủ
Ba mẹ cho con ngậm vú giả đi ngủ

Tóm lại, ba mẹ nên tìm hiểu rõ lý do khiến con ngủ giật mình, không sâu giấc sau đó mới có thể tìm được giải pháp điều trị hiệu quả. Bên cạnh các mẹo đã chia sẻ phía trên, ba mẹ cũng cần chú ý hơn đến chế độ dinh dưỡng của trẻ, bổ sung thêm các nhóm thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa và nâng cao đề kháng cho con như lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,… 

Nếu nhận thấy tình trạng ngủ giật mình của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn, ba mẹ đừng chần chừ mà cho trẻ thăm khám bác sĩ có chuyên môn sớm nhất có thể!

Nguồn tham khảo: https://hellobacsi.com/nuoi-day-con/be-0-1-tuoi/cham-soc-be/cach-chua-giat-minh-o-tre-so-sinh/