Trái với tên gọi, Hội chứng nổ đầu không có nghĩa là đầu bạn sẽ nổ tung theo nghĩa đen. Tên hội chứng này không phải là điều bí ẩn duy nhất (Exploding Head Syndrome – viết tắt là EHS). Nguyên nhân thật sự không hoàn toàn được biết mặc dù vẫn có một số lý thuyết chúng ta sẽ cùng thảo luận trong bài viết này và nó ảnh hưởng từ 10 đến 18 phần trăm dân số.
Chẩn đoán y khoa đầu tiên được công bố vào năm 1876, mặc dù có những ghi chép về EHS từ tận những năm 1619, khi đó nhà triết học người Pháp, René Descartes báo cáo ông bị đánh thức bởi tiếng ồn lớn và ánh sáng lóe lên trong đầu trong khi đang ngủ. Và đêm đó được René Descartes miêu tả là “đêm của những giấc mơ để đời”. Chỉ trong một đêm René Descartes ghi nhận những ba giấc mơ mạnh mẽ. Sự kiện này cũng chính là bước ngoặt đưa ông trở thành cha đẻ của triết học hiện đại. Có lẽ René Descartes không biết rằng ông ấy có thể chỉ đơn thuần là bị rối loạn giấc ngủ!
Nội dung chính
Hội chứng nổ đầu khi ngủ là gì?
Hội chứng đầu phát nổ, thường được miêu tả là cảm giác sốc hộp sọ. Theo ngôn ngữ bình dân có nghĩa là có một cú sốc ở trong đầu hoặc trong hộp sọ. Đây là một loại ảo thính giác. Người mắc triệu chứng này sẽ nghe thấy tiếng động lớn đột ngột khi đang ở trong giai đoạn chìm vào giấc ngủ hoặc đang ở trong giai đoạn bắt đầu thức dậy. “Tiếng nổ” nghe như một tiếng gầm, tiếng súng, tiếng la hét, tiếng chuông hay chập điện, thường xảy ra khi ngủ. Tiếng ồn này hiển nhiên là không có thật. Không ai có thể cảm nhận được nó nhưng bệnh nhân thường nói rằng tiếng ồn ấy phát ra từ trong đầu của họ.
Hội chứng này là một trong những hội chứng rối loạn giấc ngủ, vì nó làm gián đoạn giấc ngủ của người bệnh. Mặc dù những người mắc hội chứng này không chịu tổn thương về thể chất nhưng họ phải trải qua cảm giác sợ hãi, lo lắng, giống như đang bị tấn công ở ngoài đời thật.
Một số âm thanh liên quan đến EHS bao gồm:
- Tiếng gầm
- Tiếng bom nổ
- Tiếng súng nổ
- Tiếng la hét
- Tiếng chuông
- Tiếng sấm sét
- Tiếng ồn trên đài phát thanh hoặc truyền hình gây ra khi bị nhiễu sóng
- Tiếng các cymbals (nhạc cụ hình dĩa trong bộ trống) va đụng vào nhau
- Tiếng của một cuộc trò chuyện lớn
Triệu chứng của hội chứng nổ đầu khi ngủ
Chứng ảo thính giác
Vấn đề thường gặp nhất của chứng nổ đầu khi ngủ là hiện tượng ảo thính giác. Chúng ta cũng đã biết những tiếng ồn mà người bệnh gặp đều không có thật. Người bị hội chứng này sẽ nghe thấy những tiếng nổ đủ to, đột ngột, có thể sẽ đánh thức họ dậy. Điều này thường xảy ra khi người bệnh bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Âm thanh này cũng có thể xảy ra khi họ chuẩn bị thức giấc.
Thấy đèn flash sáng
Ngoài những tiếng động lớn, những người bị EHS cũng có thể nhìn thấy những tia sáng chói lóa như sấm sét, mặc dù nó chỉ là ảo giác.
Cảm giác có điện chạy trong người
Ngay trước khi có tiếng nổ, đôi khi bệnh nhân nói rằng họ cảm thấy có một luồng điện bắt đầu từ thân hoặc ngực và đi lên đầu của họ. Tiếp sau đó là một tiếng ồn lớn phát ra trong đầu.
Lo lắng
Một tiếng ồn chói tai, đột ngột đánh thức một ai đó dậy chắc chắn sẽ khiến họ lo lắng. Ngoài việc thở nặng hơn và nhịp tim tăng, những người bị hội chứng nổ đầu khi ngủ cũng báo cáo tình trạng tim đập nhanh và đổ mồ hôi. Họ cũng thường gặp phải tình trạng khó ngủ hơn.
Nhịp tim tăng
Nhịp tim tăng là tác dụng phụ tự nhiên của sự sợ hãi đột ngột. Những người mắc phải hội chứng này khi theo dõi nhịp tim của họ đều cho thấy là tim đập nhanh hơn. Cụ thể tim sẽ đập thình thịch như đang đua xe tốc độ cao. Đây cũng chính là tình trạng phổ biến của bệnh EHS.
Nguyên nhân gây ra hội chứng nổ đầu khi ngủ
Không có câu trả lời rõ ràng về nguyên nhân gây ra tình trạng này, nhưng có rất nhiều giả thuyết. Một trong những lời giải thích hợp lý nhất là do có trục trặc trong quá trình hình thành mạng lưới trong não. Thân não có một mạng lưới cao cấp các dây nơron thần kinh có nhiệm vụ kiểm soát hầu hết các chức năng cơ thể con người, bao gồm giấc ngủ. Cụ thể, khi chúng ta ngủ, bộ não sẽ thực hiện một chuỗi báo hiệu ra lệnh các bộ phận của cơ thể ngừng hoạt động hoàn toàn.Trong quá trình truyền thông đan xen nhau có thể dẫn đến lỗi sai nào đó khiến nó tạo ra âm thanh chói tai (tất nhiên chỉ là tưởng tượng) như âm thanh của một vụ nổ chẳng hạn. Tuy nhiên lời lý giải này vẫn chỉ là lý thuyết. Có rất nhiều lý thuyết diễn giải khác cho hiện tượng này như sau:
Cơn động kinh nhỏ
Ở đây chúng ta không nói về những cơn động kinh nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng dẫn đến nhập viện, mất khả năng nói và các chức năng khác cũng ít nhiều bị tổn hại. Một cơn động kinh nhỏ có thể vô hại như một cơn giật nhỏ, xuất phát từ một khoảnh khắc ngắn liên quan đến hoạt động thần kinh bất thường ở thùy trán. Trừ khi là các triệu chứng khác, còn lại chúng ta không có gì phải lo lắng.
Rối loạn chức năng tai
Bên trong tai của chúng ta chứa rất nhiều các loại ống, chúng tạo ra mê cung điều khiển và vận chuyển âm thanh. Nếu có gì đó không ổn trong giao tiếp giữa não và ống tai, nó có thể gây ảo giác thính giác.
Căng thẳng và lo lắng
Mặc dù không có mối quan hệ trực tiếp, tuy nhiên bệnh nhân mắc chứng nổ đầu trong khi ngủ cũng báo cáo việc họ cảm thấy căng thẳng và lo lắng nhiều hơn.
Sự suy giảm trong giấc ngủ Delta
Giấc ngủ Delta, còn được gọi là Giấc ngủ sóng chậm là giai đoạn ngủ sâu, nơi diễn ra các hoạt động chữa lành và phục hồi cơ thể. Những người bị hội chứng EHS được kiểm tra có xu hướng dành ít thời gian hơn cho giai đoạn này.
Ngừng thuốc chống trầm cảm
Những người ngừng dùng thuốc chống trầm cảm có nguy cơ mắc EHS cao hơn. Điều này là do thuốc chống trầm cảm (được gọi là chất ức chế tái hấp thu serotonin) có khả năng tạo ra nhiều serotonin hơn cho não, giúp thư thái, hạnh phúc và điều hòa giấc ngủ. Vì thế, khi một người ngừng dùng thuốc chống trầm cảm, nồng độ serotonin có thể tạm thời giảm xuống, làm gián đoạn giấc ngủ và gây ra các triệu chứng kể trên.
Rối loạn chức năng kênh canxi tạm thời
Rối loạn chức năng kênh canxi có tác động đến hàng loạt các rối loạn khác, bao gồm tất cả mọi thứ từ tự kỷ đến rối loạn nhịp tim. Một số kênh canxi được tìm thấy trong não, ảnh hưởng đến khả năng gây ra rối loạn giấc ngủ.
Những lựa chọn điều trị
Nói chuyện với bác sĩ
Đến gặp bác sĩ là một quyết định đúng đắn. Bác sĩ có thể sẽ kê cho người bệnh một đơn thuốc giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Bên cạnh đó bác sĩ cũng sẽ khuyên bạn nên ghi lại thời gian thức và ngủ của mình. Bằng cách đó, bạn và bác sĩ có thể nhìn vào những gì được ghi lại, để xem liệu có một nguyên nhân nào khác gây ra chứng nổ đầu khi ngủ EHS không.
Tự thuyết phục đó chỉ là ảo giác
Mặc dù có một vụ nổ đầu rất đáng sợ, nhưng nếu bạn tự nhắc nhở mình rằng âm thanh này không có thật, nó có thể giúp bạn thư giãn rất nhiều. Trên thực tế, không hiếm khi tình trạng này tự biến mất với sự trấn an đơn giản từ bác sĩ, rằng tình trạng này là vô hại.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Ăn uống lành mạnh và tránh đồ ăn vặt là lời khuyên thông minh cho bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy khó chịu. Cụ thể, ăn thực phẩm có lợi cho giấc ngủ và tránh thức ăn cay hoặc béo ngay trước khi đi ngủ có thể giúp ích. Cuối cùng, tránh rượu và caffeine vào đêm khuya vì cả hai có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn.
Giảm căng thẳng
Có một minh chứng cho thấy EHS và căng thẳng có liên kết với nhau. Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta thư giãn trước khi đi ngủ. Người bệnh có thể tắm bằng nước ấm, yoga, giãn cơ, thiền hoặc hình thành một thói quen nào đó vào ban đêm trước giờ đi ngủ, ví dụ như thưởng thức một tách trà thảo mộc nóng.
Ngủ đủ giấc
Một lần nữa, ngủ đủ giấc sẽ giúp giảm căng thẳng, khiến chúng ta ngủ ngon hơn. Hãy cố gắng hình thành thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm, từ đó khiến việc theo dõi và điều khiển nhịp sinh học tốt hơn. Ngoài ra hãy để các thiết bị điện tử có màn hình sáng ra khỏi phòng ngủ. Việc lướt Instagram và check mail có thể để vào ngày mai.
Các câu hỏi thường gặp
Parasomnia là gì?
Parasomnias là một nhóm các rối loạn giấc ngủ gây ra những chuyển động cũng như hành vi bất thường trong lúc ngủ. Chúng có thể bao gồm:
- Mộng du
- Rên rỉ
- Nói mớ
- Ác mộng
- Đái dầm
- Nghiến răng
- Nói chuyện trong khi ngủ
- Hội chứng chân không yên
- EHS cũng nằm trong danh sách rối loạn giấc ngủ của parasomnia
EHS có thể xảy ra ở trẻ mới biết đi?
Cho đến nay, trường hợp nổ đầu xảy ra sớm nhất là ở một đứa trẻ mười tuổi. Do đó, việc xảy ra ở một đứa trẻ mới biết đi là không có khả năng.
Hiện các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị hội chứng nổ đầu khi ngủ. Tuy nhiên, hội chứng này có liên quan đến sự căng thẳng và thường biến mất mà không cần điều trị. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân báo cáo rằng triệu chứng không xảy ra thường xuyên và mất dần theo thời gian.
Ai có nguy cơ mắc phải hội chứng nổ đầu?
Cách đây không lâu, các bác sĩ và nhà nghiên cứu cho rằng EHS phổ biến nhất ở phụ nữ trên 50. Tuy nhiên, bằng chứng mới cho thấy mặc dù độ tuổi trung bình của người mắc bệnh này là 50, nhưng nó cũng phổ biến ở những người trẻ tuổi.
Nguồn tham khảo: sleepadvisor