Sự nguy hiểm của bệnh mất trí nhớ

Khoa học giấc ngủ

Giấc ngủ có liên quan đến bệnh mất trí nhớ ALZHEIMER không?

Admin
21/01/2020

Các nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới tiếp tục chỉ ra tầm quan trọng của giấc ngủ và ảnh hưởng của việc thiếu ngủ đến sức khỏe tinh thần của chúng ta.

Nhiều người trong chúng ta hiểu cảm giác sau một đêm mất ngủ lờ đờ như thể xác sống zombie là có thật. Khi thức trắng một đêm, đầu chúng ta có thể nổ tung, khả năng phán đoán kém, mất tập trung, trí nhớ giảm sút, suy nghĩ sáng tạo và khả năng phản biện suy yếu như mớ bòng bong.  

Để khắc phục tình trạng này, con người thường tìm đến vài tách cà phê và ngủ bù một đêm ngon giấc ngày hôm sau để xua tan tất cả các triệu chứng trên, sẵn sàng chinh phục những chuỗi ngày sắp tới. Nhưng điều gì xảy ra nếu những đêm mất ngủ này vẫn không dừng lại? Chúng có thể ảnh hưởng đến tâm trí của con người không chỉ trong ngắn hạn mà cả về lâu dài, theo một cách rất nghiêm trọng.

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra  sự tương quan giữa tình trạng thiếu ngủ và bệnh mất trí nhớ Alzheimer. Cho đến nay, các nghiên cứu vẫn tiếp tục được thực hiện nhưng nhiều chỉ số then chốt cho thấy mối tương quan mạnh mẽ giữa hai yếu tố này. 

Lịch sử bệnh mất trí nhớ Alzheimer

Năm 1906, một phụ nữ tên Auguste Deter là người đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer. Trong nhiều năm, cô là bệnh nhân của Bác sĩ Alois Alzheimer. Trong thời gian này, anh đã quan sát thấy những hành vi kỳ quặc như mất trí nhớ, thiếu ngủ, trạng thái thực vật và ảo giác của bệnh nhân. Với sự hỗ trợ của hai bác sĩ người Ý, bác sĩ Alzheimer đã kiểm tra não của cô và tìm thấy những đám rối dị thường trong mô thần kinh. Ngày nay chúng được biết đến là các mảng amyloid và rối tau, hai yếu tố xác thực chính của chẩn đoán Alzheimer hiện đại.

Bệnh Alzheimer là một loại bệnh sa sút trí tuệ gây ra các vấn đề về suy thoái khả năng nhận thức một cách từ từ. Các triệu chứng thường phát triển chậm và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian và đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Theo Hiệp hội Alzheimer, bệnh Alzheimer là một căn bệnh chết người bắt đầu bằng tổn thương thần kinh ở vùng hải mã, phần não liên quan đến việc hình thành ký ức. Khi các tế bào thần kinh tiếp tục mất kết nối, các mảng tinh bột (amyloid plaques) và đám rối thần kinh (neurofibrillary tangles) hình thành, tế bào thần kinh chết đi, giai đoạn cuối của bệnh Alzheimer được thiết lập, lúc này não đã giảm kích thước đáng kể.

Sự khác nhau giữa não của người bình thường và người bị bệnh
Sự khác nhau giữa não của người bình thường và người bị bệnh

Tình trạng thiếu ngủ phổ biến trong các trường hợp mắc bệnh Alzheimer

Một trong nhiều triệu chứng của bệnh Alzheimer là thiếu ngủ hoặc thay đổi thói quen ngủ.. Điều này có thể bao gồm những thay đổi trong chu kỳ thức – ngủ cũng như cảm thấy mệt mỏi trong ngày. Bệnh nhân Alzheimer cũng có thể khó ngủ vào ban đêm hoặc ngủ trưa.

Tiến triển của bệnh Alzheimer

Một người mắc bệnh Alzheimer thì việc mất các mô não dẫn đến mất khả năng nhận thức và cũng có thể làm gián đoạn chu kỳ ngủ / thức, gây ra các vấn đề về giấc ngủ, mộng du vào ban đêm và tâm lý kích động.

Mới đây, khoa học đã chứng minh mối liên hệ giữa bệnh Alzheimer và thiếu ngủ. Hệ thống thần kinh trung ương có một con đường loại bỏ chất thải được gọi là hệ thống glymphatic. Chức năng này để loại bỏ các protein độc hại như beta-amyloid và một loại chất đạm gọi là ‘tau’ khi cơ thể ngủ, đặc biệt là trong giai đoạn Non-REM của chu kỳ giấc ngủ.

Bởi vì các protein độc hại này có liên quan đến bệnh Alzheimer, các chuyên gia y tế đã đặt câu hỏi rằng liệu các thói quen ngủ gây hại trầm trọng hơn có thể làm suy yếu hệ thống glymphatic và tạo ra mối liên kết giữa rối loạn giấc ngủ với bệnh mất trí nhớ Alzheimer hay không.

Trong vài năm qua, nhiều nghiên cứu  đã phát hiện ra mối liên hệ giữa mất ngủ và sự tích tụ của các mảng bám trong não. Kết quả của những nghiên cứu này cho thấy bệnh Alzheimer có khả năng liên quan đến các tình trạng như ngưng thở khi ngủ và thiếu ngủ tổng quát hơn.

Người mắc bệnh mất trí nhớ Alzheimer thậm chí không nhận biết được chính bản thân họ
Người mắc bệnh mất trí nhớ Alzheimer thậm chí không nhận biết được chính bản thân họ

Những phát hiện của các nghiên cứu này cho thấy sự gia tăng của lượng protein tau độc hại và chất thải chuyển hóa beta-amyloid. Một nghiên cứu gần đây của Mayo Clinic trên 288 người tham gia từ 65 tuổi trở lên cho thấy những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có lượng protein tau trong não cao hơn 4,5% so với những người không bị ngưng thở khi ngủ.

Một nghiên cứu nhỏ hơn với 20 người tham gia, độ tuổi từ 22 đến 72, được thực hiện bởi Viện Y tế Quốc gia đã ghi nhận sự gia tăng 5% protein beta-amyloid sau khi những người tham gia không ngủ khoảng 31 giờ. 

Kết quả của nghiên cứu này và các nghiên cứu khác tựa như câu hỏi không hồi kết theo kịch bản “con gà có trước hay quả trứng có trước?”. Liệu có phải sự gia tăng độc tố não gây ra thiếu ngủ? Hoặc là rối loạn giấc ngủ làm tăng protein tau và beta-amyloid?

Bằng chứng ban đầu tạm thời cho thấy mối liên hệ có thể bắt đầu từ 2 phía: Các mảng bám của Alzheimer làm gián đoạn giấc ngủ và thiếu ngủ thúc đẩy sự gia tăng các mảng bám của Alzheimer.

Phân tích tế bào não bệnh mất trí nhớ
Phân tích tế bào não bệnh mất trí nhớ

Tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer không phải là một phần tự nhiên của lão hóa. Mặc dù giống những căn bệnh khác, rủi ro mắc bệnh sẽ tăng lên khi ta già đi. Một trong những lý do chính khiến bệnh Alzheimer gia tăng quá nhanh là do mọi người sống lâu hơn và tuổi thọ càng lớn thì khả năng mắc bệnh Alzheimer càng cao.

Ngay cả khi bệnh Alzheimer có thể được điều trị hoặc phòng ngừa một cách hiệu quả, số người mắc bệnh này sẽ vẫn tăng đáng kể nếu xu hướng dân số hiện nay tiếp tục già hóa. Tuổi ngày càng cao là yếu tố quan trọng nhất khiến tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Các chuyên gia đồng ý rằng khi con người già đi, họ bắt đầu dành ít thời gian hơn cho những giấc ngủ sâu. Chính trong giai đoạn phục hồi giấc ngủ này, hệ thống glymphatic sẽ loại bỏ các độc tố có hại ra khỏi não.  

Trung tâm y tế Đại học Rochester gần đây đã thực hiện một nghiên cứu về giấc ngủ trên chuột bạch với mong muốn có thể mở rộng kiến ​​thức hiện tại về glymphatic.“Sóng của các hoạt động thần kinh được đồng bộ hóa trong giấc ngủ sóng chậm sâu, hình ảnh dòng chảy từ trước ra sau  não, trùng khớp với những gì chúng ta biết về dòng chảy của dịch tủy não (Cerebrospinal Fluid) trong hệ thống glymphatic – Tiến sĩ Lauren Hablitz, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết. Hóa ra các hóa chất liên quan đến việc giải phóng các tế bào thần kinh, cụ thể là các ion, thúc đẩy quá trình thẩm thấu giúp đẩy chất lỏng qua mô não.

Nghiên cứu này giúp thu hẹp khoảng cách giữa giấc ngủ sâu và hệ bạch huyết. Nghiên cứu của họ chứng minh cách thức hai yếu tố tương quan này có khả năng ảnh hưởng đến bệnh Alzheimer khi  một người già đi.

Một câu hỏi được phát triển từ phát hiện này là, nếu chúng ta đang có ít hơn giấc ngủ sóng chậm, lãng phí giấc ngủ khi già đi, liệu những sự cố này có làm tăng khả năng phát triển bệnh Alzheimer không? Tương tự như vậy, nếu có một cách giúp tăng thời gian mọi người ngủ sâu, đây có thể là một điều trị phòng ngừa cho những người có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hay không?

Trí nhớ sa sút và dần biến mất khi mắc bệnh Alzheimer
Trí nhớ sa sút và dần biến mất khi mắc bệnh Alzheimer

Các chuyên gia đồng ý rằng cần nghiên cứu thêm về chủ đề này để tìm ra các câu trả lời cụ thể, nhưng bằng chứng cho thấy có mối tương quan giữa rối loạn giấc ngủ non-REM và sự gia tăng bệnh mất trí nhớ Alzheimer.

Tỷ lệ phát triển bệnh Alzheimer

Khi nhiều người được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer, việc chi tiêu tăng lên là điều đương nhiên. Vào năm 2050, dự kiến ​​nếu căn bệnh này tiếp tục tăng theo mức hiện tại, chính phủ Hoa Kỳ sẽ chi hơn 1 nghìn tỷ đô la để ngăn ngừa và điều trị bệnh Alzheimer. 

Giấc ngủ tốt hơn có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer?

Hiển nhiên chúng ta sẽ cần thực hiện nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để chắc chắn điều này, nhưng bằng chứng cho thấy rằng điều này rất có thể. Nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Y tế Đại học Rochester chỉ ra rằng con đường glymphatic có thể được khai thác bằng cách cải thiện thói quen ngủ, về mặt lý thuyết, nó làm giảm sự tích tụ độc tố trong não. Đây sẽ là một kết quả đáng hy vọng để thực hiện các xét nghiệm và thử nghiệm lâm sàng bổ sung.

Nói ngắn gọn: Bệnh Alzheimer và nhiều tình trạng y học khác có thể được ngăn chặn hoặc làm chậm lại bằng cách ngủ đủ giấc vào ban đêm. Điều này có thể cải thiện đáng kể sức khỏe của bạn và chất lượng cuộc sống nói chung. Tuy nhiên, bạn không nên quá hoảng loạn nghĩ rằng mình có thể có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer bởi vì giống như hầu hết mọi người, bạn không ngủ đủ giấc. Hãy nhớ rằng nghiên cứu này vẫn còn mới và vẫn còn nhiều điều khác cần khám phá.

Hãy đi ngủ sớm ngay ngày hôm nay lúc 10 giờ tối. Sau đó làm lại vào ngày mai, và tối hôm sau, và tối hôm sau. Và cứ thế. Nếu điều này không thể giúp chống lại bệnh Alzheimer thì nó vẫn có thể giúp bạn cảm thấy khỏe hơn, giúp ngăn ngừa nhiều chứng bệnh khác. 

Nguồn tham khảo: sleepadvisor