Bạn đã bao giờ có một giấc mơ sống động đến mức bạn tin rằng nó là thật, ngay cả sau khi đã thức dậy? Kiểu như vợ/chồng của bạn làm điều gì đó không thể tha thứ được trong giấc mơ và bạn giận họ cả ngày? Hoặc là bạn đã trò chuyện với ai đó trong giấc mơ và cuộc thảo luận này đã xảy ra trong cuộc sống thực sau đó?
Nằm mơ là một hiện tượng bí ẩn. Giấc mơ có thể mang lại niềm vui và giải trí hoặc hết sức đáng sợ và đáng lo ngại. Nhưng liệu nó có phục vụ một chức năng nào trong cơ thể?
Một số người tin rằng giấc mơ xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên, trong khi những người khác nhấn mạnh rằng giấc mơ là một cơ chế giúp cơ thể chữa lành và phục hồi. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi về nguyên nhân gây ra giấc mơ và tại sao chúng ta mơ cũng như thảo luận về một số lý thuyết về cơ chế hình thành giấc mơ. Chúng ta cũng sẽ thảo luận về việc những kiểu người khác nhau sẽ có những giấc mơ khác nhau như thế nào và những gì diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta trải nghiệm giấc mơ như thế nào. Cùng bắt đầu nhé!
Nội dung chính
Sự thật về giấc mơ
Giấc mơ là một khái niệm phổ quát, có nghĩa là nó xảy ra với tất cả mọi người và chúng ta không thể kiểm soát nội dung hoặc kết quả của giấc mơ. Bạn thường không nhớ rõ được bản thân vừa mơ những gì và thậm chí một số người họ không mơ. Nhưng điều đó vẫn xảy ra, vấn đề là bạn có biết hay không.
Một giấc mơ hàng đêm điển hình có thể kéo dài từ năm đến hai mươi phút. Đàn ông và phụ nữ có xu hướng mơ thấy nội dung tương tự nhau. Tuy vậy, giấc mơ của phụ nữ có xu hướng xảy ra trong nhà và liên quan đến các thành viên gia đình, trẻ con, trong khi đàn ông có xu hướng mơ thấy những tình huống dữ dội, hung hăng hơn.
Chúng ta có xu hướng biết những người chúng ta gặp trong giấc mơ khoảng ít nhất 48% thời gian. Trong các trường hợp còn lại, chúng ta thấy những người lạ hoặc những nhân vật văn hóa tượng trưng như giáo viên, người bán hoa, v.v. Trớ trêu thay, mặc dù giấc mơ có thể giúp xây dựng những ký ức dài hạn, nhưng rất hiếm khi con người có thể nhớ chi tiết về những gì thấy trong mơ. Khoảng 95% nội dung trong những giấc mơ bị biến mất trong vòng vài phút sau khi thức dậy.
Có một cuộc tranh luận mang tính xây dựng trong cộng đồng giới khoa học về mục đích của giấc mơ. Một số nhà khoa học đứng vững trên lập trường rằng giấc mơ không phục vụ bất kỳ chức năng nào trong cơ thể; nó chỉ là một tập hợp những câu chuyện và hình ảnh kỳ lạ trong bộ não của chúng ta suốt đêm dài. Tuy nhiên những nhà nghiên cứu khác lại tin rằng đây là một cơ chế thích nghi cho phép não sắp xếp tất cả các thông tin trong ngày, học hỏi, tạo ra ký ức và phục hồi sau chấn thương.
Những gì chúng ta biết là khi một người tỉnh giấc ngay trước khi cơ thể bước vào giai đoạn ngủ chuyển động mắt nhanh REM, họ sẽ cảm thấy lo lắng, trầm cảm, tăng cân, thiếu hợp tác, khó tập trung và thậm chí là ảo giác .
Mặc dù tất cả mọi người có cuộc sống khác nhau nhưng điều thú vị cần lưu ý là thực tế, hầu hết tất cả các giấc mơ của chúng ta đều rơi vào một số chủ đề nhất định. Ví dụ, những người nhìn thấy mình đang khỏa thân thường đang lo lắng hoặc sợ bị lộ một bí mật gì đó. Cách mà giấc mơ khỏa thân tiết lộ những gì xảy ra trong cuộc sống hàng ngày đúng một cách đáng ngạc nhiên đối với hầu hết con người.
Giấc mơ là gì?
Giấc mơ là hình ảnh, âm thanh và cảm giác mà chúng ta trải nghiệm khi ngủ. Chúng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong chu kỳ giấc ngủ, nhưng phổ biến nhất ở trong giấc ngủ REM (Chuyển động mắt nhanh). Trung bình, con người trải nghiệm giấc mơ khoảng ba đến sáu lần mỗi đêm.
Thông thường, những gì chúng ta nhìn thấy trong những giấc mơ hàng đêm bị bóp méo và không có ý nghĩa gì, mặc dù thực tế là nó có vẻ vô cùng chân thực như thể nó đang thực sự diễn ra. Chẳng hạn như khi bạn mơ thấy con chó ở nhà có kích thước bằng một chiếc xe tải và bạn là một người tí hon phải cưỡi nó qua một khu rừng đầy mê hoặc, nói chuyện với tất cả các sinh vật ma thuật khác. Mọi thứ dường như đều rất thật. Nhưng sau đó bạn thức dậy và thấy rằng chú chó nằm dưới chân giường của bạn có kích thước bình thường. Khi này, bạn mới nhận ra mình vừa mơ.
Tiến sĩ Sigmund Freud tin rằng giấc mơ là một cửa sổ của tiềm thức và rằng bất cứ điều gì bạn nhìn thấy trong khi ngủ là một “phần chìm của tảng băng” trong tiềm thức chúng ta. Điều này thường xuất hiện sau một ngày dài căng thẳng và bạn sẽ tái hiện lại một ngày như thế trong giấc mơ nhưng thường với hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn thay vì mơ lại y xì những gì đã xảy ra trong ngày. Ví dụ, nếu cả ngày hôm đó bạn chạy sấp mặt vì đi trễ, bạn có thể mơ thấy bị một con hổ đuổi theo.
Các loại giấc mơ
Mơ mộng giữa ban ngày
Nhìn chằm chằm vào không gian và để tâm trí đưa bạn vào một thế giới khác là một ví dụ kinh điển về mơ mộng giữa ban ngày. Chúng ta dành trung bình 70 đến 120 phút mỗi ngày cho việc mơ mộng. Nó có thể là tưởng tượng về một cái gì đó hoặc hình dung ra trong đầu các tình huống khác khác nhau .Mặc dù chẳng phải mơ nhưng chúng ta cũng mất kết nối với thế giới thực tế và thường lơ đãng.
Ác mộng
Hình ảnh gây nhiễu và đáng sợ đặc trưng cho một cơn ác mộng. Nó có thể phản ánh tình huống thực tế mà bạn đang đối phó và thậm chí ác mộng còn bị kích hoạt bằng việc xem một thứ gì đó gây phiền nhiễu trên tivi ngay trước khi đi ngủ .
Thông thường, ác mộng là một chút điều còn sót lại từ tiềm thức của chúng ta khi có một chấn thương hoặc nỗi sợ hãi cần được thừa nhận hoặc giải quyết. Mọi người có xác suất gặp ác mộng cao khi gia đình của họ có tiền sử các vấn đề về tâm thần. Ngoài ra, có thể họ đã sử dụng ma túy và trải nghiệm những thứ tiêu cực tương tự. Hoặc họ đang trải qua những cơn ác mộng trong đời thực như một mối quan hệ rắc rối hoặc căng thẳng trong công việc.
Giấc mơ sáng suốt (Lucid dream)
Giấc mơ sáng suốt xảy ra khi bạn biết rằng bạn đang không tỉnh giấc. Đối với hầu hết mọi người, việc ý thức bản thân đang mơ sẽ khiến chúng ta tỉnh giấc ngay lập tức. Tuy nhiên, giấc mơ sáng suốt là một kỹ năng có thể được thực hành. Hãy tưởng tượng, bạn có thể trải qua một giấc mơ và có thể điều khiển giấc mơ theo bất cứ điều gì bạn muốn mà không lo sợ bất kỳ hậu quả gì!
Giấc mơ lặp đi lặp đi
Bạn mơ thấy những giấc mơ có cùng một nội dung lặp đi lặp lại. Trong những dịp hiếm hoi, những điều này có thể dễ chịu, nhưng hầu hết đó là cơn ác mộng xuất phát từ một vấn đề trong quá khứ hoặc một xung đột nào đó chưa được giải quyết. Nếu có thể hiểu cội nguồn gốc rễ của vấn đề, chúng ta có thể chữa khỏi triệu chứng mơ lặp đi lặp lại này.
Giấc mơ chữa lành
Đây là những giấc mơ phổ biến ở những người đang phải đối mặt với những thách thức sức khỏe. Chúng thường là một tín hiệu vô thức từ cơ thể báo hiệu có điều gì đó không ổn với sức khỏe và nó cần được giải quyết. Mơ thấy bị sâu răng? Có thể bạn đang bị trễ lịch làm sạch răng!
Giấc mơ tiên tri
Những nhầm lẫn trong cuộc sống xảy ra khi chúng ta bị tấn công tới tấp bởi các kích thích bên ngoài, lúc này chúng ta chỉ xử lý một phần thông tin nhận được. Tuy nhiên, khi đi ngủ, tiềm thức trong não bộ đang cố gắng chắp nối tất cả lại với nhau. Nếu bạn thấy hình ảnh của một thứ gì đó dường như dự đoán tương lai, thì đó thường là kết quả của bộ não khi nó đang xử lý các sự kiện ngẫu nhiên.
Hiện tượng này cũng được gọi là một giấc mơ nhận thức hoặc giấc mơ tâm linh.
Tại sao chúng ta mơ?
Các nhà khoa học vẫn đang thảo luận về điều này. Một số nhà khoa học tin rằng giấc mơ không có mục đích gì cả và điều này hoàn toàn ngẫu nhiên. Những người khác cho rằng chúng ta cần phải nằm mơ để duy trì sức khỏe tinh thần, cảm xúc và thể chất.
Dựa trên niềm tin của Freud, ông cho rằng giấc mơ là cửa sổ của tiềm thức, và thật hợp lý khi đưa ra giả thuyết rằng giấc mơ giúp chúng ta xử lý thông tin từ cuộc sống hàng ngày và xử lý tất cả những cảm xúc mà chúng ta đã trải qua trong suốt ngày dài. Giấc mơ có thể là công cụ giải quyết vấn đề.
Bạn đã bao giờ đi ngủ trong lo lắng về một vấn đề gì đó chỉ để nghĩ ra được một giải pháp hoàn hảo khi bạn thức dậy? Có lẽ ngủ một đêm là tất cả những gì bạn cần giúp giải tỏa tâm trí. Freud cũng tin rằng giấc mơ cho phép con người có thêm động lực, suy nghĩ, khát khao.