Khám phá vải Microfiber

Phụ kiện giấc ngủ

Khám phá những sự thật bất ngờ của vải Microfiber

Phương Thảo
09/06/2021

Mặc dù cái tên này nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng có thể bạn đã từng chạm qua loại vải này rồi đấy! Vải microfiber được sử dụng để may quần áo thể thao, vỏ bọc nệm chăn ga gối và rất nhiều ứng dụng khác. Nhưng chính xác vải microfiber là gì? Tại sao vải microfiber lại được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây? Cùng Ngủ ngon sống trọn tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!

Vải microfiber là gì? 

Về cơ bản, sợi Microfiber là 1 loại sợi nhân tạo, tổng hợp chính từ 2 loại sợi: Polyester và Polyamide. Trong đó, tỉ lệ phổ biến nhất là 80% sợi Polyester và 20% sợi Polyamide. Hoặc cũng có thể là 75/25, 70/30.  Sợi ‘Microfiber có đường kính cực kỳ mỏng (bằng 1/5 sợi tóc người), thậm chí còn mảnh hơn cả sợi tơ

sợi Microfiber
Sợi Microfiber là 1 loại sợi nhân tạo, tổng hợp chính từ 2 loại sợi: Polyester và Polyamide.

Vải Microfiber đem lại độ mềm mại và độ bền khác nhau tùy thuộc vào loại sợi mà nó được tạo ra. Vải có tỉ lệ sợi Polyamide càng cao thì càng sở hữu nhiều ưu điểm, thậm chí còn tốt hơn cả sợi dệt tự nhiên.

Theo đánh giá chung, loại vải này không thân thiện với môi trường như các loại vải tự nhiên do vải không thể phân hủy trong đất. Nhưng điều đáng chú ý là trong quá trình sản xuất vải Microfiber, hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu và phương pháp nhuộm, cũng không sử dụng nước nên ít gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, ở sợi cotton chẳng hạn, cần một lượng nước rất lớn trong quá trình nhuộm bông.

Ngoài ra, các nhà sản xuất còn thay đổi và kết hợp nhiều loại, kích thước, chiều dài và hình dạng của sợi để điều chỉnh các đặc tính cụ thể của sợi Microfiber như khả năng chống thấm nước, độ mềm mại, độ co giãn.

Nguồn gốc sợi Microfiber

Mặc dù Microfiber được sử dụng hàng ngày nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định 100% nó được phát triển lần đầu tiên ở đâu. Một trong những câu chuyện về nguồn gốc thú vị nhất là Microfiber được người Nhật phát minh ra để tạo ra mẫu đồ bơi nhẹ và bồng bềnh cho phụ nữ vào những năm 1970.

Microfiber thấm hút
Microfiber hoàn hảo đã được hoàn thiện và được quảng cáo như một loại vải cực kỳ thấm hút và có khả năng kháng khuẩn, làm sạch.

Mặc dù sản phẩm này thất bại vì đồ bơi vải Microfiber hấp thụ nước và trở nên rất nặng nhưng người châu Âu đã sớm nhận ra tiềm năng của chất liệu này và phát triển lại Microfiber. 10 năm sau đó, phiên Microfiber hoàn hảo đã được hoàn thiện và được quảng cáo như một loại vải cực kỳ thấm hút và có khả năng kháng khuẩn, làm sạch.

Ưu – nhược điểm vải Microfiber

Ngày nay, sợi Microfiber đang trở thành “nữ hoàng” trong nhiều ngành sản xuất công nghiệp lớn như chăn ga gối, dệt may, nội thất. Đó là nhờ các tính năng nổi trội vượt xa những chất liệu vải truyền thống. Trong những năm tới đây, chắc bạn sẽ còn nghe người ta nhắc đến chất liệu vải này nhiều hơn thế nữa. Nếu có cơ hội, hãy thử sử dụng loại vải này để cảm nhận sự khác biệt giữa microfiber và các loại vải khác nhé. 

Giống như tất cả các sản phẩm, microfiber có cả ưu điểm và nhược điểm sau: 

Ưu điểm của vải Microfiber: 

  • Mềm mại, dễ chịu: Vải Microfiber mang lại cảm giác mềm mại khi sờ vào. Ưu điểm này đến từ cấu trúc vải gồm những sợi siêu nhỏ, mềm mịn, đem lại trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng, đặc biệt là các bộ chăn ga gối.
  • Chất liệu vải an toàn, bảo vệ làn da người dùng khỏi tình trạng kích ứng hay giật tĩnh điện: Vải microfiber được đánh giá cao về khả năng ngăn chặn các vấn đề da liễu, thậm chí còn tốt hơn các dòng vải truyền thống như Cotton, Tencel.
  • Thấm hút tốt: Các thí nghiệm về khả năng thấm hút của vải Microfiber cho thấy vải có khả năng thấm hút nước gấp tới 7 lần so với trọng lượng của nó. Khả năng thoáng khí của vải cao gấp 3 lần so với chất liệu thông thường, nhờ vậy, vải nhanh khô hơn, không tạo môi trường ẩm mốc cho vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi. Ưu điểm này đã trở thành ưu thế vượt trội của vải microfiber khi ứng dụng trong ngành nệm chăn ga gối
  • Kháng khuẩn cao: Những sản phẩm được may từ vải Microfiber có khả năng kháng khuẩn cao, cụ thể vải có khả năng loại bỏ đến 99% các loại vi khuẩn (trong khi các chất liệu vải thông thường chỉ đạt khoảng 30%). Microfiber còn có khả năng hạn chế đối đa tình trạng dị ứng bụi vải và các bệnh khác liên quan đến đường hô hấp. Chính vì thế, nó được sử dụng cực kỳ phổ trong các bệnh viện. 
  • Tuổi thọ cao: Kỹ thuật dệt bởi một trục dọc theo bề ngang của khổ vải giúp cấu trúc vải Microfiber cực kỳ chặt chẽ, rất khó bị phá vỡ, nhờ vậy, vải có thể sử dụng trong nhiều năm mà không xuất hiện tình trạng hư rách. Vải có thể giặt bằng tay hoặc giặt máy đều được. 
Khả năng thấm hút của vải Microfiber
Khả năng thấm hút của vải Microfiber cho thấy vải có khả năng thấm hút nước gấp tới 7 lần

Nhược điểm vải microfiber: 

Do sở hữu nhiều ưu điểm vượt cùng kỹ thuật sản xuất hiện đại, vải microfiber có giá thành khá cao. Nhưng cùng với sự cải tiến không ngừng của công nghệ, chắc chắn trong tương lai gần, giá thành vải Microfiber sẽ hợp lý hơn. 

Ứng dụng của vải Microfiber

Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của vải microfiber hiện nay là dùng để làm các bộ chăn ga gối phục vụ giấc ngủ con người. Nhờ khả năng kháng khuẩn và thấm hút tốt, khi cơ thể tiếp xúc trên chăn ga gối, mồ hôi, chất nhờn cùng bụi bẩn, da chết tiết ra sẽ được Microfiber hút và làm sạch đáng kể. Từ đó tạo môi trường sạch sẽ, bảo vệ người nằm khỏi các bệnh da liễu, hô hấp, đem lại giấc ngủ sâu và liền mạch hơn. 

Tại Việt Nam, thương hiệu tiên phong ứng dụng chất liệu Microfiber có thể kể đến là Everon và Doona. Sản phẩm đến từ các thương hiệu này đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao như độ mềm mại, khả năng kháng khuẩn và độ bền. 

Gối đa năng Doona ứng dụng vải Microfiber
Gối đa năng Doona ứng dụng vải Microfiber

Khả năng thoáng mát và thấm hút mồ hôi cũng làm cho sợi Microfiber trở thành sự lựa chọn được yêu thích trong sản xuất quần áo thể thao. Vải hút hơi ẩm, giữ cho cơ thể người mặc khô ráo và mát mẻ bất chấp thời tiết. Vải Microfiber có khả năng co giãn vừa phải, giúp người mặc luôn cảm thấy thoải mái với mọi cử động.

Ngoài ra, vải Microfiber còn được ứng để may đồ bọc nội thất và các sản phẩm làm sạch chuyên dụng như găng tay, giẻ lau sàn. 

Hướng dẫn vệ sinh chất liệu Microfiber đúng cách

“Của bền tại người” – Mặc dù chất liệu Microfiber được đánh giá là loại sợi có độ bền cao nhưng cũng không vì thế mà chúng ta bỏ qua bước vệ sinh chất liệu đúng cách. Điều này không chỉ khiến tuổi thọ chất liệu giảm đi đáng kể, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Đặc biệt là các vật dụng tiếp xúc nhiều với cơ thể như chăn ga gối càng phải được vệ sinh kỹ lưỡng để ngăn ngừa các vi khuẩn gây hại xâm nhập gây bệnh về đường hô hấp và các vấn đề về da liễu.

Đối với vải Microfiber, bạn có thể giặt tay hoặc giặt máy đều được. Nếu giặt chăn ga gối vải Microfiber, chú ý là nên chọn máy giặt có dung tích tương đương với trọng lượng bộ chăn ga gối để đảm bảo việc vệ sinh được hiểu quả. Vải Microfiber có thể chịu được khoảng nhiệt từ 30-45 độ C. Tránh giặt hoặc sấy ở mức nhiệt cao hơn, nếu không, vải sẽ nhanh chóng bạc màu và dễ bị mủn, xổ lông. 

vải microfiber giặt tay hoặc giặt máy
Đối với vải Microfiber, bạn có thể giặt tay hoặc giặt máy đều được

Về chất làm sạch, bạn nên sử dụng bột giặt có độ PH trung tính. Không nên đổ trực tiếp bột giặt, thay vào đó, bạn nên hòa tan sẵn trong nước ấm rồi mới tiến hành giặt giũ. Tốt hơn hết, bạn nên sử dụng nước giặt thay vì bột giặt. 

Để làm khô vải microfiber hiệu quả, bạn hãy đem phơi ở khu vực thoáng gió, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp và những giờ lượng nhiệt từ mặt trời chiếu xuống mặt đất đạt mức độ cao. Bạn cũng nên hạn chế để chế độ sấy để giảm thiểu tình trạng nhăn nhúm, co rút.

Trong những năm tới, vải Microfiber hứa hẹn sẽ trở thành sự lựa chọn được yêu thích nhất trong nhiều lĩnh vực. Sẽ là một điều đáng tiếc nếu bạn chưa từng trải nghiệm loại vải này đấy!