Vải cotton là gì

Phụ kiện giấc ngủ

Vải cotton là gì? Phân biệt cotton và cotton poly 

Phương Thảo
09/06/2021

Là một trong những  loại vải được sử dụng phổ biến nhất trong ngành may mặc, vải cotton sở hữu nhiều ưu điểm nổi bật như thoáng mát, không gây kích ứng, thân thiện môi trường… Để hiểu cụ thể về dòng vải này, ưu nhược điểm, giá thành, nhận biết cotton thật – pha,, mời bạn cùng tham khảo ngay bài viết dưới đây!

Vải cotton là gì

Vải cotton
Vải cotton là loại vải được may từ sợi cây bông gòn, vốn là loại cây gần gũi trong sinh hoạt

Vải cotton là loại vải được may từ sợi cây bông gòn, vốn là loại cây gần gũi trong sinh hoạt, được sử dụng phổ biến để làm lớp lót cho quần áo, giúp con người chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết.

Cây bông gòn có nguồn gốc từ Châu Mỹ và một khu vực nhiệt đới ở miền tây Châu Phi. Trải qua tiến trình phát triển của xã hội loài người cùng các hoạt động giao lưu thương mại giữa Đông – Tây, cây bông gòn bắt đầu xuất hiện tại Châu Á. Tại Việt Nam, cây mọc nhiều ở các tỉnh Bắc và Bắc Trung Bộ. 

Về quy trình làm vải: Sau khi thu hoạch, xơ bông sẽ được làm sạch để loại bỏ bụi bẩn, vỏ khô dính trên sợi. Sau đó chúng sẽ được xé cho tơi và đưa vào lò hơi để làm sạch thêm lần nữa. 

Lúc này, sợi xơ bông sẽ được trộn với một hỗn hợp dung dịch đặc biệt, rồi đưa vào máy kéo sợi. Tiếp theo đó là bước dệt và nhuộm màu. Nhìn chung, công đoạn để tạo ra vải cotton không hề phức tạp. Điều khiến cho giá vải cotton cao là nguồn nguyên liệu tự nhiên và những ưu điểm tuyệt vời mà nó mang lại cho người sử dụng. 

thu hoạch bông
Sau khi thu hoạch, xơ bông sẽ được làm sạch để loại bỏ bụi bẩn, vỏ khô dính trên sợi.

Bên cạnh ứng dụng may vải, sợi bông gòn còn được dùng để làm chất nhồi tạo sự êm ái cho gối, đệm xe và lớp cách âm cách nhiệt. Hạt bông gòn thì được sử dụng để nấu xà phòng và làm phân bón hữu cơ.

Vải cotton không chỉ được may từ nguyên liệu sợi bông tự nhiên 100%, ngày nay, để hạ giá thành sản phẩm và đem đến nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng, vải cotton còn được pha thêm các sợi khác. Những loại sợi này còn có tác dụng khắc một số nhược điểm nhất định của vải cotton. Chúng ta sẽ được tìm hiểu trong phần tiếp theo của bài viết.

Hiện nay, vải cotton được chia làm các loại sau: 

  • Cotton 100% tự nhiên 
  • Cotton pha Spandex
  • Cotton –  Poly
  • Cotton lụa 
  • Cotton Satin  
  • Cotton Nhung

Nguồn gốc vải cotton 

Bông được kéo thành sợi bằng máy móc
Bông lần đầu tiên được kéo thành sợi bằng máy móc hiện đại  ở Anh

Không ai biết chính xác kỹ thuật dệt vải cotton xuất hiện từ bao giờ. Tuy vậy, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tại các hang động ở Mexico các mảnh vải từ sợi bông gòn với niên thọ ít nhất 7.000 năm tuổi. Họ cũng phát hiện ra rằng những sợi bông gòn này khá tương đồng với sợi bông tại Mỹ hiện nay. 

Tại Thung lũng sông Indus ở Pakistan, bông đã được trồng, kéo thành sợi và dệt thành vải từ 3.000 năm trước Công nguyên. Vào khoảng thời gian đó, những người bản địa ở thung lũng sông Nile, Ai Cập đã mặc quần áo bằng vải cotton từ trước. Đến năm 1500, vải cotton đã trở thành loại vải phổ biến trên toàn thế giới.

Bông lần đầu tiên được kéo thành sợi bằng máy móc hiện đại  ở Anh vào năm 1730. Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh chính yếu tố quan trọng mở đường cho sự nổi tiếng của vải cotton trên thế giới ngày nay.

Ưu – nhược điểm vải cotton 

Dưới đây là một số đánh giá vải cotton mà Ngủ Ngon Sống Trọn đã thu thập được từ người sử dụng. 

Ưu điểm vải cotton: 

Vải cotton m hút mồ hôi tốt.
Vải cotton vốn nổi tiếng về sự thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt.
  • Vải cotton vốn nổi tiếng về sự thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt. Bề mặt vải sở hữu cấu trúc dệt nhiều ô hở, giúp cho không khí và hơi nước dễ dàng lưu thông và thoát đi. Chính nhờ đặc điểm này, vải phù hợp để may các trang phục cho trẻ sơ sinh, bảo vệ trẻ khỏi tình trạng hăm, mẩn do độ ẩm. 
  • Độ bền cao là ưu điểm tiếp theo của vải cotton. Vải có thể chịu được sự kéo căng từ nhiều phía mà không xảy hiện tượng bục rách. Ngày nay trong quá trình sản xuất vải cotton, người ta còn bổ sung thêm các chất hóa học khác để tăng cường độ bền cho vải, chống lại tình trạng mủn, bung nhão. 
  • Thân thiện môi trường: Do được làm từ 100% sợi bông nên vải hoàn toàn có khả năng phân hủy trong môi trường tự nhiên. Chính vì vậy, có thể nói rằng việc sử dụng vải cotton 100% thay vì các loại sợi tổng hợp chính là góp phần bảo vệ Trái Đất.

Bên cạnh ưu điểm, vải cũng sở hữu một vài nhược điểm mà một trong số đó chính là nỗi ám ảnh của các chị em nội trợ: 

  • Dễ nhăn: Không chỉ bị nhăn sau khi giặt máy, những trang phục được gấp gọn trong tủ đồ cũng dễ dàng hình thành vết nhăn hơn so với các loại vải khác. Thậm chí, vải cotton sau khi được ủi thẳng thớm cũng nhanh chóng nhăn hơn, khiến bạn không ít lần rơi vào tình huống xấu hổ vì bị hiểu lầm là tác phong thiếu chỉn chu đấy! 
  • Ít co giãn: Nói là vậy nhưng thực tế vải cotton vẫn có khả năng co giãn nhẹ nhàng. Nhưng vải vẫn gây khó chịu cho người mặc khi thực hiện một số động tác cơ thể. 
  • Giá thành cao: Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người e ngại việc sở hữu các sản phẩm làm từ vải cotton 

So sánh vải cotton 100% và vải cotton poly

Cotton poly
Cotton poly – một loại vải nghe có vẻ giống cotton nhưng lại có giá thành phải chăng hơn

Khi đi mua vải cotton, bạn thường sẽ được chủ cửa hàng giới thiệu về cotton poly – một loại vải nghe có vẻ giống cotton nhưng lại có giá thành phải chăng hơn so với hàng “hịn” 100% sợi cotton tự nhiên. Điều này cũng khiến nhiều người phân vân không biết cotton và cotton poly thì có gì khác biệt? Có nên mua cotton poly để tiết kiệm tài chính hay không? 

Sau đây Ngủ ngon sống trọn sẽ giúp bạn làm rõ các điểm khác biệt.

Vậy cotton poly là gì? 

Nếu như cotton 100%  là loại vải được dệt từ 100% sơi bông gòn thì cotton – poly là loại vải được pha bởi 2 loại sợi: cotton và polyester. Với những ai chưa biết, polyester là một loại sợi được tổng hợp từ các chất có nguồn gốc nhựa, ưu điểm của loại sợi là giá thành rẻ và độ bền cao. 

Bởi vì có giá thành rẻ, nên việc pha sợi Polyester cùng sợi cotton sẽ giúp thành phẩm cuối cùng có giá thành “dễ chịu” hơn so với cotton 100%. Cotton Poly được chia làm 2 loại chính gồm: 

  • Cotton-Poly 65/35: là sự kết hợp giữa sợi cotton và sợi polyester theo tỉ lệ 65% – 35%. Loại vải này nghiêng về tính chất của vải cotton nhiều hơn: khả năng thấm hút cao, độ bền cao. Nhờ có thêm 35% sợi Polyester nên  vải cũng hạn chế được tình trạng nhăn, nhàu. Tuy vậy, vải không đem lại cảm giác thực sự mềm mại như cotton 100%.
  • Cotton – Poly 35/65: là sự kết hợp giữa sợi cotton và sợi polyester theo tỉ lệ 35% – 65%. Loại vải này sở hữu độ co giãn tốt hơn so với vải cotton 100% và cả cotton poly 65/35. Chúng thường được ứng  dụng để may các loại áo thun năng động. Tuy vậy nhược điểm của loại vải là nóng nực và độ bền kém hơn so với cotton 100% tự nhiên.

Nhận biết vải cotton 100% 

Vải cotton
Vải cotton thường có nhiều nếp gấp trên bề mặt

Có khá nhiều cách để nhận biết được vải cotton 100% và vải cotton pha. Sau đây là 4 “bí kíp” mà bạn có thể “bỏ túi”. Bạn nên kết hợp cả 4 phương pháp này để mua được sản phẩm chất lượng nhất:

  • Nhận biết vải cotton thật bằng mắt thường: Vải cotton thường có nhiều nếp gấp trên bề mặt, bên cạnh đó, vẻ ngoài của vải cotton khá thô ráp, mạnh mẽ
  • Nhận biết bằng tay: Vải cotton khi sờ vào cho cảm giác mềm mại nhưng không mát lạnh. Hãy thử vò vải, nếu thấy rằng vải rất dễ bị nhăn nhàu thì đó là vải cotton chuẩn
  • Nhận biết bằng nước: hãy nhỏ 1 vài giọt nước trên mặt vải, nếu vải có độ thấm nước nhanh thì đó là cotton thật. 
  • Nhận biết bằng phương pháp đốt: Hãy đốt thử 1 mẫu vải cotton và quan sát ngọn lửa, nếu vải có mùi khét như nhựa cháy và tro vải vón cục thì đây có thể là cotton pha. 

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn thỏa mãn trí tò mò về vải cotton rồi nhé. Nếu bạn có thêm phương pháp nào để giúp phân biệt vải cotton chuẩn và vải cotton “rởm” thì hãy để lại bình luận cho chúng tôi nhé. Chúc bạn nhiều sức khỏe và luôn ngủ ngon sống trọn!