Khoa học giấc ngủ

Nguyên nhân tiềm ẩn của chứng tè dầm ở trẻ

Kieu Tien
02/12/2021

Chứng tè dầm ở trẻ thường xuyên xảy ra nên hầu như tất cả các ông bố bà mẹ đều cho đó là điều hiển nhiên. Nhiều người còn nghĩ rằng có lẽ do trẻ còn quá nhỏ nên chưa ý thức được, tuy nhiên trên thực tế chứng tè dầm này vẫn xuất hiện ở những bạn nhỏ lớn hơn. 

Vậy, đâu là nguyên nhân tiềm ẩn của chứng tè dầm ở trẻ và làm sao để hạn chế tình trạng này, tất cả câu trả lời sẽ được tiết lộ qua bài biết ngay bên dưới.

Tè dầm là gì?

Tè dầm hay còn gọi là “đái dầm ban đêm” là tình trạng đi tiểu không tự chủ trong khi ngủ ở trẻ em trên 5. Chứng đái dầm đã xảy ra với 5-7 triệu trẻ em ở Mỹ, trong đó trẻ 7 tuổi chiếm từ 5 đến 10%. Mặc dù chứng tè dầm thường xảy ra ở bé trai nhiều hơn, nhưng nhìn chung nó vẫn gây ra một số vấn đề nhất định đối với mọi giới tính.

tè dầm là gì
Chứng đái dầm của trẻ em gây ra nhiều vấn đề cho cả bé trai lẫn bé gái

Khi nào thì chứng tè dầm ở trẻ trở nên nghiêm trọng?

Chứng tè dầm sẽ giảm dần theo thời gian khi trẻ lớn lên. Vào khoảng độ 5 tuổi, các bé đã có thể tự kiểm soát được việc đi tiểu hằng đêm. Tuy nhiên, mỗi một đứa trẻ trưởng thành sẽ đạt các mốc phát triển với tốc độ khác nhau, nên các mốc thời gian mà chúng chấm dứt chứng tè dầm cũng không tương đồng. 

Khi trẻ còn nhỏ tuổi, việc tè dầm sẽ được coi là bình thường. Nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, việc này rất có thể trở thành nỗi lo lắng cho các bậc phụ huynh nếu đi kèm những tình trạng sau:

  • Đột ngột xuất hiện trở lại những đợt đái dầm khi trẻ đã ở độ tuổi thanh thiếu niên dù đã chấm dứt tình trạng tè dầm ở một khoảng thời gian dài trước đó.
  • Cảm thấy đau rát khi đi tiểu.
  • Nước tiểu đục hoặc đổi màu.
  • Tiểu tiện quá nhiều vào ban ngày.
  • Xuất hiện các vấn đề liên quan đến hoạt động của hệ tiêu hóa, chẳng hạn như táo bón.
  • Xuất hiện các vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như không thể tự thức dậy.
  • Luôn cảm thấy khát nước.
chứng tè dầm ở trẻ
Chứng tè dầm sẽ giảm dần theo thời gian khi trẻ lớn lên

Nguyên nhân tiềm ẩn của chứng tè dầm

Hầu hết chứng đái dầm được xem là bình thường và hầu như không có bất kỳ nguyên nhân cơ bản nào. Điều này nói lên rằng, có thể sẽ có rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn khác mà chúng ta chưa hề hay biết, bao gồm:

Lo lắng 

Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em đái dầm có nguy cơ mắc các vấn đề lo lắng cao hơn so với những đứa trẻ không làm “ướt giường”. Lo lắng có thể là kết quả của một tình trạng bệnh kéo dài, liên tục và có sự chuyển biến rất chậm. 

Trẻ em phải đấu tranh với chứng đái dầm thường bị lo lắng toàn thân, gặp những cơn hoảng sợ, ám ảnh học đường, lo âu xã hội và lo lắng chia ly. Nếu chứng đái dầm là một vấn đề dai dẳng, cha mẹ có thể cân nhắc việc đưa con mình đi kiểm tra chứng rối loạn lo âu.

Thói quen ăn uống

Trên thực tế, một số loại thực phẩm và đồ uống không chỉ chứa chất dinh dưỡng mà còn có tác dụng lợi tiểu. Vì vậy nếu chẳng may không để ý, bố mẹ có thể cho trẻ tiêu thụ chúng.

Caffeine có trong cà phê và trà chính là một chất lợi tiểu. Do đó, phụ huynh hãy luôn chú ý hạn chế cho con em mình sử dụng những loại thức uống có chứa chất này, ngoài ra cũng cần tránh việc nạp quá nhiều nước vào buổi tối trước khi cho trẻ lên giường ngủ.

nguyên nhân trẻ tè dầm
Thói quen ăn uống của trẻ cũng là một nguyên nhân tiềm ẩn gây nên chứng đái dầm

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs)

Đôi khi, chứng tè dầm của trẻ xảy ra là do nhiễm trùng đường tiết niệu (hay còn gọi là UTIs). Các triệu chứng phổ biến của UTIs bao gồm đi tiểu thường xuyên và bất ngờ, cũng như viêm bàng quang, hai đều điều này đều có thể gây ra chứng đái dầm. 

Mặc dù UTIs có thể điều trị dễ dàng, nhưng thường lại không được chẩn đoán ngay từ đầu vì trẻ em chưa có quá nhiều nhận thức về tình trạng cơ thể của mình. Do đó, phụ huynh cũng nên chắt lọc thông tin những gì chúng cảm thấy khi đến gặp bác sĩ.

Ngưng thở khi ngủ

Chứng ngưng thở khi ngủ khiến cơ thể liên tục thiếu nguồn oxy tự nhiên. Điều này thường xảy ra ở người lớn, nhưng nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nó cũng được bắt gặp trong giấc ngủ của các em nhỏ. 

Một tác dụng tiềm ẩn của chứng ngưng thở khi ngủ là sản sinh ra một loại hormone được gọi là “peptide natri lợi tiểu tâm nhĩ” (ANP). ANP khiến thận sản xuất thêm nước tiểu trong khi ngủ, đó chính là nguyên nhân dẫn đến chứng đái dầm về đêm.

trẻ tè dầm vì sao
Chứng ngưng thở khi ngủ khiến cơ thể sản xuất thêm nước tiểu 

Táo bón

Táo bón khiến chất thải dư thừa tích tụ làm phình to trực tràng hơn so với bình thường. Trực tràng nằm ngay sau bàng quang nên trong một số trường hợp, trực tràng căng phồng sẽ gây sức ép lên bộ phận này. 

Kết quả là, táo bón thường xuyên có thể gây ra chứng đái dầm. Trẻ em bị táo bón và đái dầm nên điều trị chứng táo bón trước, sau cần xem tình trạng đái dầm có giảm bớt không để cân nhắc các biện pháp điều trị khác.

Các nguyên nhân tiềm ẩn nghiêm trọng hơn

Sau đây là những nguyên nhân tiềm ẩn của chứng đái dầm ở trẻ tuy không mấy phổ biến song lại có tầm ảnh hưởng rất lớn:

Các vấn đề về thận

Thận đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất và thải nước tiểu, vì vậy chứng đái dầm đôi khi có thể do thận to hoặc bệnh thận mãn tính gây ra. Trẻ bị bệnh thận có thể bị sụt cân, làm tăng cảm giác khát nước hoặc đi tiểu nhiều hơn ngoài chứng đái dầm.

nguyên nhân trẻ đái dầm
Thận có vấn đề cũng khiến quá trình kiểm soát tiểu tiện ở trẻ trở nên khó khăn hơn

ADH kém hiệu quả

Ở người khỏe mạnh, não sản xuất một loại hormone gọi là “hormone chống bài niệu” (ADH). Hormone này làm chậm tốc độ thận sản xuất nước tiểu trong đêm. Khi không sản xuất đủ ADH, hoặc khi cơ thể xử lý hay đáp ứng ADH không đúng cách, quá trình sản xuất nước tiểu sẽ nhanh hơn vào ban đêm và gây ra chứng đái dầm.

Bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường là do sản xuất không đủ hormone insulin giúp cơ thể xử lý đường. Ở những bệnh nhân không được điều trị, bệnh tiểu đường khiến cơ thể thải đường qua nước tiểu, dẫn đến đi tiểu nhiều lần. 

Một trong những triệu chứng đầu tiên thường gặp nhất của bệnh tiểu đường ở trẻ em là đi tiểu nhiều, thường bao gồm cả chứng đái dầm.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ tè dầm ở trẻ em

Ngoài những điều nói trên, cũng có một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc chứng đái dầm ở trẻ em như:

Tiền sử gia đình

Các bằng chứng gần đây cho thấy chứng tè dầm là do di truyền. Những đứa trẻ có cha hoặc mẹ không bị chứng đái dầm, chúng có tới 15% cơ hội tự mình đấu tranh với vấn đề này. Ngược lại, nếu một đứa trẻ có cha hoặc mẹ từng phải vật lộn với việc tè dầm, nguy cơ di truyền sẽ là 50%, trong trường hợp cả bố và mẹ đều từng mắc chứng đái dầm thì con số này sẽ tăng lên 75%.

chứng đái dầm ở trẻ
Một nguyên nhân chính của chứng đái dầm ở trẻ là do yếu tố di truyền

Rối loạn tăng động ADHD

Đái dầm phổ biến hơn ở những người bị ADHD, đặc biệt là trẻ em. Mặc dù mối liên hệ giữa chứng đái dầm và ADHD vẫn chưa được chứng thực đầy đủ, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em mắc chứng ADHD có nguy cơ đái dầm cao hơn so với các bạn cùng trang lứa.

Là “người ngủ sâu” 

Trẻ em tè dầm thường được mô tả là “người ngủ sâu”. Đặc biệt ngủ sâu có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể giao tiếp với não khi đi tiểu. Một đứa trẻ ngủ sâu có thể gặp khó khăn hơn trong việc phát triển hệ thống tín hiệu để đánh thức chúng mỗi khi buồn tiểu. 

Thay vào đó, sàn chậu của trẻ sẽ giãn ra trong khi ngủ gây nên chứng đái dầm. Khả năng kiểm soát của não-bàng quang phát triển tự nhiên theo thời gian và sẽ cải thiện theo tuổi tác, nhưng trẻ em ngủ sâu thường mất nhiều thời gian hơn.

Tè dầm ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào?

Thứ nhất, tè dầm có thể khiến trẻ thức giấc, điều này thường làm cho giấc ngủ bị gián đoạn trong một thời gian dài vì luôn phải dọn dẹp và làm vệ sinh chỗ nằm đã bị ướt. Có thể, sau khi thức giấc không mong muốn, trẻ em cũng rất khó để ngủ trở lại.

Bên cạnh đó, đấu tranh với chứng tè dầm có thể gây ra các vấn đề tâm lý xã hội. Ví dụ, trẻ có thể cảm thấy lo lắng khi đi ngủ, điều này khiến trẻ khó vào giấc nhanh hơn. 

ảnh hưởng tè dầm ở trẻ
Bị làm ướt giường sẽ khiến cho trẻ cảm thấy rất khó chịu

Đái dầm cũng gây ra cảm giác xấu hổ và lâu ngày dẫn đến trầm cảm, làm trẻ trở nên rụt rè hơn. Một khi đã có quá nhiều nỗi lo âu, trẻ em sẽ càng cảm thấy rất khó để an tâm mỗi khi lên giường.

Cuối cùng, một số trường hợp đái dầm mãn tính có thể gây phát ban và kích ứng do da tiếp xúc với nước tiểu, dẫn đến sự khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ của trẻ.

Làm thế nào để ngừng chứng tè dầm ở trẻ

Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng việc ngăn chặn chứng đái dầm ở trẻ em sẽ rất vất vả, nhưng thực tế là khá dễ dàng. Bạn có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để giải quyết tận gốc các vấn đề mà chứng tè dầm gây ra. 

Hỏi thăm con bạn nếu thấy có điều gì đó không ổn: Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng một trong những cách tốt nhất mà cha mẹ nên làm khi nói đến chứng đái dầm là giao tiếp. 

Hãy hỏi trẻ xem có điều gì làm trẻ bận tâm dẫn đến lo lắng, tức giận hoặc buồn bã không. Nếu bạn biết rằng gần đây có điều gì đó khiến con bạn khó chịu hoặc chúng đang trải qua một sự thay đổi đáng kể trong cuộc sống, hãy hỏi cụ thể chúng cảm thấy thế nào về những điều đó. 

Nếu căn nguyên của chứng tè dầm là do cảm xúc hoặc tâm lý, việc trò chuyện như thế này có thể giúp con bạn cảm thấy an ủi hơn. Hơn nữa, những câu hỏi cũng có thể mang nội dung về tìm hiểu những điều xảy ra đối với cơ thể của trẻ, điều này giúp chúng ta sớm biết được các nguyên nhân tìm ẩn hay bệnh lý.

Duy trì thái độ ủng hộ và tránh việc trách phạt trẻ: Hãy tin rằng trẻ em không bao giờ cố ý tè ra giường cả. Mặc dù chứng đái dầm sẽ gây bất tiện cho các bậc cha mẹ, nhưng đừng bao giờ coi đó là một lỗi lầm và trách mắng con mình bạn nhé. 

Thay vào đó, hãy dành thời gian để tìm hiểu rõ ràng về chứng đái dầm, hỏi thăm xem con bạn đang gặp vấn đề gì hay đang cảm thấy như thế nào nếu lỡ làm “ướt giường” khi đang ngủ. Đồng thời, đảm bảo con bạn biết rằng chúng luôn được yêu thương, ủng hộ và đồng cảm.

Làm một cuốn sổ ghi chép: Hãy dùng quyển sổ để ghi lại những ngày tè dầm và không tè dầm của trẻ. Mục đích của việc này là giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về vấn đề và xác định những tác nhân tiềm ẩn. 

cách ngừng chứng tè dầm ở trẻ
Theo dõi và ghi chép lại những lần đái dầm của trẻ cũng là cách để xác định tình trạng

Phụ huynh cũng có thể dùng sổ ghi chép này để thảo luận với con mình, ví dụ như nếu hôm này con cũng không đái dầm như những ngày khác, con sẽ có được một phần thưởng. Đây được coi là một hình thức trị liệu hành vi. Trẻ em sẽ cảm thấy có động lực để thực hiện một việc gì đó mà nếu làm tốt, chúng sẽ có được phần thưởng xứng đáng.

Cải thiện vệ sinh giấc ngủ: Nhiều vấn đề liên quan đến giấc ngủ có thể được giúp đỡ với việc cải thiện “vệ sinh giấc ngủ”. Cải thiện quá trình vệ sinh giấc ngủ có nghĩa là hình thành nên một môi trường và tập hợp các thói quen tạo điều kiện cho con ngủ ngon. 

Cũng như các vấn đề về giấc ngủ khác, cải thiện vệ sinh giấc ngủ có thể cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang về đêm vì cơ bản chứng đái dầm và vệ sinh giấc ngủ kém sẽ có liên quan đến nhau. Mẹo để cải thiện vệ sinh giấc ngủ bao gồm: tạo một lịch trình ngủ-thức đều đặn, xây dựng các thói quen trước khi đi ngủ, tạo môi trường ngủ thoải mái, yên tĩnh và tránh xa ánh sáng xanh trong một giờ trước khi đi ngủ.

Điều chỉnh thói quen uống nước ban đêm: Nếu có thể, hãy cố gắng để trẻ không uống các thức uống có cồn trước khi ngủ 1-2 giờ, như vậy trẻ sẽ ít phải đi tiểu đêm. Điều quan trọng nữa là đảm bảo con bạn luôn nạp đủ và đều đặn nước trong ngày, để tránh những cơn khát vào lúc gần giờ đi ngủ.

Điều chỉnh lịch trình / thói quen đi vệ sinh: Đảm bảo con bạn đi vệ sinh càng gần giờ đi ngủ càng tốt. Đó phải là một trong những việc cuối cùng bọn trẻ làm trong danh sách những thói quen ban đêm và có thể được lặp lại hàng ngày nếu cần thiết. 

Tránh các chất kích thích bàng quang: Một số người tin rằng một số loại thực phẩm và đồ uống khiến cơ thể sản xuất nhiều nước tiểu hơn, hoặc kích thích và làm giảm khả năng kiểm soát bàng quang. 

Các chuyên gia về giấc ngủ khuyên rằng không nên thay đổi chế độ ăn uống của trẻ để kiểm soát chứng đái dầm. Nếu bạn nghĩ rằng con bạn có thể bị kích thích bàng quang hoặc đi tiểu nhiều do chế độ ăn uống của chúng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi chế độ ăn uống nào.

cách giúp trẻ em không tè dầm
Rèn luyện cho con thói quen đi vệ sinh cũng là cách hạn chế chứng tiểu dầm

Bài tập sàn chậu: Nghiên cứu cho thấy các bài tập sàn chậu có thể loại bỏ thành công chứng đái dầm ở trẻ. Mặc dù cần phải nghiên cứu thêm về phương pháp này, nhưng các bài tập sàn chậu là một giải pháp tiềm năng để trải nghiệm khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

Sử dụng thiết bị báo động độ ẩm: Thiết bị cảnh báo độ ẩm hoạt động thông qua một cảm biến nhỏ được đặt trong bộ đồ ngủ hoặc khăn trải giường của trẻ. Nếu trẻ bắt đầu muốn đi tiểu, cảm biến sẽ phát hiện và lúc này chuông báo động sẽ kêu, lý tưởng nhất là đánh thức và tạo cơ hội cho trẻ đi vệ sinh.

Khi được sử dụng trong thời gian dài (thường là khoảng 12 tuần), chuông báo có thể giúp huấn luyện trẻ thức dậy tự nhiên trước khi bắt đầu đi tiểu. Báo động ẩm chỉ nên được cài đặt nếu trẻ đồng ý và hiểu mục đích của chuông báo động này. Nếu không, nó có thể gây thêm sự lo lắng, xấu hổ và thất vọng, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của bé.

Tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa: Nếu con bạn tiếp tục làm ướt giường, hãy hỏi bác sĩ nhi khoa xem có những yếu tố tiềm ẩn nào mà bạn cần phải để ý. Trong một số trường hợp, bác sĩ nhi khoa có thể tiến hành các xét nghiệm để loại trừ hoặc xác định nguyên nhân cơ bản. Họ cũng có thể giúp lập một kế hoạch quản lý chứng tè dầm phù hợp với con bạn.

Kết luận

Thông qua bài viết, chắc hẳn nhiều ông bố bà mẹ đã có thể phần nào xác định được những nguyên nhân tiềm ẩn của chứng đái dầm ở trẻ. Bên cạnh đó, quý độc giả còn được cung cấp nhiều thông tin bổ ích khác, trong đó có cách ngăn ngừa chứng đái dầm. Nếu các cách này vẫn không giải quyết được vấn đề, hãy tìm đến bác sĩ nhi khoa để kiểm tra bạn nhé.

Nguồn tham khảo: https://www.sleepfoundation.org/children-and-sleep/bedwetting