Dỗ dành khi trẻ gặp ác mộng

Bí quyết ngủ ngon

Cải thiện giấc ngủ

10 Mẹo hữu ích để dỗ dành khi trẻ gặp ác mộng 

Admin
16/01/2020

Giấc mơ thường tái hiện lại những điều xảy ra trong cuộc sống bao gồm các ký ức đẹp lẫn những nỗi sợ hãi. Đối với một đứa trẻ mới biết đi, thông thường nỗi sợ lớn nhất của chúng là việc bị tách khỏi cha mẹ. Ngoài ra, trẻ còn có nỗi sợ về bóng tối và những con quái vật. Những hình ảnh hoặc chương trình bé coi hàng ngày chứa nội dung bạo lực cũng là một trong các lý do khiến trẻ gặp ác mộng. 

Tuy vậy, ác mộng là một trải nghiệm hết sức tự nhiên trong cuộc sống nên dù có cố gắng thế nào, cha mẹ cũng không thể loại bỏ hoàn toàn những cơn ác mộng ra khỏi giấc ngủ của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ có thể tham khảo và áp dụng các mẹo hữu ích trong bài viết sau đây để giảm thiểu sự xuất hiện của những ác mộng và biết cách cùng con đối phó với những giấc mơ xấu nhé!

Phân biệt ác mộng và hội chứng “giấc ngủ kinh hoàng” ở trẻ

Thông thường cha mẹ hay nhầm lẫn giữa ác mộng và hội chứng “giấc ngủ kinh hoàng”. Mặc dù chúng đều gây hậu quả là khiến trẻ thấy căng thẳng. Tuy vậy, có một vài sự khác biệt giữa 2 khái niệm này mà cha mẹ cần biết.

Sự khác biệt lớn nhất giữa cơn ác mộng và hội chứng “giấc ngủ kinh hoàng” là khả năng ghi nhớ nội dung giấc mơ sau một đêm. Trong trường hợp trẻ gặp ác mộng, trẻ sẽ có thể kể lại chi tiết về giấc mơ đêm qua, từ bộ lông đáng sợ của con quái vật đến giọng cười của mụ phù thủy,…. Nguồn gốc của ác mộng thường đến từ một sự kiện tiêu cực trong cuộc sống mà trẻ vừa trải qua. Đó có thể là những chương trình, tranh ảnh có yếu tố bạo lực và gây hiệu ứng mạnh cho thị giác. Ác mộng thường xảy ra trong giai đoạn giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (giai đoạn REM), tức là thường vào khoảng 1 đến 2 giờ sau khi trẻ đi ngủ.

Hãy cho trẻ biết, những ác mộng mà trẻ thường gặp phải thường không có thật
Hãy cho trẻ biết, những ác mộng mà trẻ thường gặp phải thường không có thật

Ngược lại hiện tượng “giấc ngủ kinh hoàng” xảy ra khi trẻ ở giai đoạn mơ màng giữa ngủ và thức. Trẻ có thể ngồi dậy trên giường hoăc đứng phắt dậy sau đó la hét hoặc hoảng loạn. Trẻ có thể kéo dài hành động này từ 10 đến 30 phút, và tự động ngủ lại mà không cần sự dỗ dành của cha mẹ . Sau một đêm, trẻ thường không thể nhớ lại những gì đã xảy ra vào đêm hôm trước. Có khoảng 20-40% trẻ em từ 5 đến 12 tuổi mơ thấy ác mộng nhưng chỉ có 3% trẻ em trải nghiệm giấc mộng kinh hoàng. Theo nghiên cứu, giấc ngủ kinh hoàng có yếu tố di truyền, tức là nếu cha mẹ từng trải nghiệm giấc ngủ kinh hoàng khi còn bé thì xác suất con bạn gặp phải hiện tượng này càng cao.

Tại sao trẻ gặp ác mộng?

Giấc mơ và ác mộng đều xảy ra trong giai đoạn giấc ngủ REM (chuyển động mắt nhanh). Trong giai đoạn này, cả trẻ em và người lớn cũng có thể trải qua hiện tượng co giật, quơ tay chân, nói mớ,…

Trẻ em trong giai đoạn phát triển thường xuyên tiếp xúc với những hình ảnh và tình huống mà chúng chưa từng trải qua, điều này khiến cho bộ não của chúng cần nhiều thời gian để xử lý. Ngoài ra, ở giai đoạn mới phát triển, trẻ sẽ dần hình thành trí tưởng tượng sống động và biết sợ những thứ như bóng tối, quái vật và ông kẹ.

Chìa khóa để giúp trẻ đối phó với những cơn ác mộng và ngăn chúng tiếp tục xuất hiện trong giấc ngủ của trẻ vào những buổi đêm tiếp theo là cho trẻ biết rằng những cơn ác mộng không có thật và những gì chúng thấy trong giấc mơ sẽ không xảy ra. Một khi trẻ hiểu được điều đó, trẻ có thể vượt qua được nỗi sợ và ngủ ngon hơn.

Làm thế nào để giúp trẻ “tạm biệt” những cơn ác mộng

Lịch trình ngủ nhất quán

Ác mộng và một số chứng rối loạn giấc ngủ có thể đến từ việc trẻ bị thiếu ngủ hoặc không tuân theo một lịch đi ngủ nhất quán. Trẻ mới biết đi nên ngủ khoảng 12 giờ mỗi đêm (tối đa là 13 đến 14 tiếng). Tốt nhất, trẻ nên đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm mỗi ngày, chẳng hạn 7h giờ sáng và 9 giờ đêm để duy trì được thói quen đi ngủ nhất quán.

Một khi đã quen với lịch trình ngủ này, đến giờ đi ngủ, trẻ sẽ cảm thấy thư giãn và buồn ngủ mà không phải lăn tăn về những hình ảnh đáng sợ hay quái vật dưới gầm giường.

Ngủ trong không gian yêu thích

Phòng ngủ của trẻ nên được thiết kế  theo ý thích của con và tạo cảm giác thoải mái mỗi khi con bước vào căn phòng. Cha mẹ có thể thiết kế đèn ngủ trong phòng để thêm cảm giác an toàn thay vì không gian hoàn toàn tối mịt. Bạn nên chọn đèn ngủ có màu sắc ấm áp và không chứa ánh sáng xanh. Sau khi đóng cửa phòng ngủ, hãy chú ý giữ yên tĩnh để bé có thể ngủ mà không bị phân tâm bởi tiếng ồn.

Cho trẻ tham gia quá trình hình thành nên không gian ngủ của mình
Cho trẻ tham gia quá trình hình thành nên không gian ngủ của mình

Ngủ với thú nhồi bông

Hãy cho trẻ ngủ với những con thú nhồi bông yêu thích. Chúng có thể là những người bạn đồng hành tốt cho giấc ngủ mỗi đêm của con

Tránh phim và tranh ảnh bạo lực

Ở độ tuổi này, trẻ vẫn đang loay hoay tìm ranh giới giữa những gì thực sự hiện hữu và những gì tâm trí tạo nên. Một bộ phim bạo lực hay cuốn sách đáng sợ có thể làm mờ đi ranh giới giữa thực tế và tưởng tượng, cho phép tâm trí của con tiếp tục bay bổng giữa những hình ảnh tiêu cực. Bất cứ điều gì bạn chia sẻ với trẻ ngay trước khi đi ngủ có chứa yếu tố tiêu cực kiểu như ông kẹ, con quái vật, đều có thể theo trẻ vào giấc mơ.

Tránh các trò chơi bạo lực

Các trò chơi điện tử có thể ảnh hưởng đến quá trình trí óc của trẻ xử lý thông tin ngay trước khi đi ngủ. Ví dụ,  Fruit Ninja có những hình trái cây bị cắt làm đôi với ruột của nó văng khắp nơi và âm thanh khá ghê rợn.

Các mẹo khác giúp trẻ vượt qua cơn ác mộng 

Luôn bên cạnh trẻ

Ác mộng là một trải nghiệm cực kỳ xa lạ và đáng sợ đối với trẻ trong giai đoạn đầu đời. Hãy trấn an trẻ rằng giấc mơ không có thật và không thể làm tổn thương trẻ. Trẻ có thể nghĩ rằng những gì xảy ra trong giấc mơ là có thật, vì vậy hãy cho họ biết rằng tất cả đều ổn thôi và những giấc mơ này không thể xảy ra ngoài đời. Hãy luôn nhắc nhở trẻ rằng ba mẹ đang ở phòng bên cạnh và luôn giữ an toàn cho con trước mọi tình huống nguy hiểm.

Hãy là người biết lắng nghe

Ba mẹ hãy lắng nghe chia sẻ của trẻ về những điều xảy khi con gặp ác mộng. Lắng nghe cũng là cách giúp giải tỏa được căng thẳng. Có thể những điều tiêu cực trẻ gặp trong ác mộng có nguyên do đến từ những điều xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của trẻ.

Hãy chia sẻ

Ba mẹ có thể nói với trẻ rằng ngày còn bé, bạn cũng từng gặp những giấc mơ đáng sợ như thế nhưng mọi thứ hoàn toàn không có thật. Điều này có thể trấn an trẻ rằng ác mộng không có gì đáng sợ và nó cũng xảy ra với tất cả mọi người xung quanh đấy thôi.

Giúp trẻ cảm thấy thoải mái

Đừng để trẻ tiếp tục ngủ một mình ngay sau khi trẻ gặp ác mộng. Ba mẹ có thể ru ngủ và ôm trẻ trong lòng để trẻ cảm nhận sự an toàn. Bạn không nên bế trẻ về phòng của vợ chồng, hãy ru trẻ ngủ ngay trong căn phòng của con. Bằng cách này, trẻ sẽ dần quen với suy nghĩ phòng ngủ của mình là nơi an toàn.

Giữ căn phòng sáng

Nếu trẻ sợ bóng tối, đèn ngủ có thể giúp chúng cảm thấy an toàn. Hãy để cửa phòng ngủ mở nhẹ nếu việc này khiến trẻ cảm thấy an toàn hơn.

Tạo thói quen trước giờ đi ngủ cho trẻ
Tạo thói quen trước giờ đi ngủ cho trẻ giúp trẻ ngủ ngon một mạch tới sáng

Các câu hỏi thường gặp

Trẻ gặp ác mộng mỗi đêm có sao không?

Chúng ta thỉnh thoảng đều gặp những cơn ác mộng nhưng nếu gặp ác mộng mỗi đêm thì có thể có một điều gì liên đó không bình thường trong cảm xúc hoặc tâm lý đã kích hoạt cơn ác mộng. Cha mẹ hãy rà soát lại liệu có phải trẻ đang trải qua căng thẳng chẳng hạn như tập đi bô, sắp đi học mẫu giáo, sắp có thêm em hay gần đây bạn đã chuyển đến một ngôi nhà mới?

Hãy theo dõi và ghi lại tất cả những gì xảy ra với trẻ trong một ngày bao gồm các loại thực phẩm, những cuốn sách bạn đã đọc cho trẻ, bất kỳ bộ phim nào trẻ đã xem, trò chơi hoặc bạn bè xung quanh.

Trẻ bị bệnh thường dễ gặp ác mộng đúng không?

Cả ác mộng và giấc ngủ kinh hoàng ban đêm đều phổ biến hơn khi trẻ bị bệnh. Hầu hết đó là do sự căng thẳng và kiệt sức về thể chất đi kèm với tinh thần. Kết quả là tâm trí của trẻ rất dễ bị xáo động

Những cơn ác mộng phổ biến nhất ở trẻ là gì?

Quái vật, đồ chơi biết cử động và những con vật đáng sợ đứng đầu trong danh sách những điều con bạn sẽ mơ thấy. Các chủ đề phổ biến khác còn có thể là sự chia ly. Trẻ có thể mơ về việc cha mẹ bị bỏ rơi, bị lạc hoặc bị bắt cóc. Những cơn ác mộng này cũng liên quan đến cảm giác bất lực và thiếu kiểm soát đối với môi trường sống của trẻ.

Trẻ cũng có thể mơ thấy bị đuổi hoặc không thể di chuyển được, đó cũng là những ác mộng phổ biến ở người lớn. Những giấc mơ này thường tượng trưng cho việc chúng ta không kiểm soát được tình huống tiêu cực hoặc không thể thoát ra khỏi nó dù đã cố gắng hết sức.

Kết luận

Không một cha mẹ nào lại không lo lắng khi thấy con mình bật tỉnh và hét lớn giữa đêm. Ác mộng ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ, lâu dần chúng có thể khiến trẻ sợ, mất ngủ. Trẻ có thể cảm thấy cô đơn và cảm thấy chỉ có mỗi mình phải đối phó với nỗi sợ này. Ba mẹ hãy nhắc nhở trẻ rằng ai cũng đều từng gặp ác mộng và chúng không có thực. Hãy hạn chế kể cho trẻ những câu chuyện tiêu cực hoặc hình ảnh đáng sợ trước khi ngủ để trẻ có thể ngủ ngon hơn.

Nguồn tham khảo: sleepadvisor