Tổng hợp

Hội chứng sợ không có điện thoại là gì?

Tôn Vân
12/07/2022

Bạn có gặp khó khăn khi không có điện thoại bên người hoặc cảm thấy lo lắng khi điện thoại không có sóng, không có mạng internet trong vài giờ không? Nếu có thì rất có thể bạn mắc chứng sợ không có điện thoại. Với nhiều người, một nỗi sợ hãi tột độ là khi không có điện thoại bên người hoặc không thể sử dụng điện thoại.Vậy hội chứng này là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục ra sao? Ngủ Ngon Sống Trọn sẽ cùng các bạn tìm hiểu hội chứng này trong bài viết hôm nay.

Hội chứng sợ không có điện thoại là gì?

Hầu hết chúng ta phụ thuộc vào điện thoại để cập nhật thông tin và kết nối với mọi người xung quanh. Đột nhiên không thể tìm thấy điện thoại của mình có thể làm dấy lên lo lắng khi bị mất ảnh, danh bạ và các thông tin khác được lưu trong điện thoại. Vì vậy lo lắng về việc không có điện thoại là điều bình thường.

Nhưng “nomophobia” – hội chứng sợ không có điện thoại đang có xu hướng tăng cao và trầm trọng hơn. Nó là thuật ngữ mô tả nỗi sợ khi không có điện thoại của bạn một cách nghiêm trọng. Nỗi sợ này ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày cũng như tinh thần của bạn.

hội chứng sợ khi không có điện thoại bàn
Hội chứng sợ không có điện thoại rất phổ biến hiện nay

Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy nỗi ám ảnh này ngày càng lan rộng. Dựa theo một nghiên cứu, có gần 53% người Anh sở hữu điện thoại vào năm 2008 cảm thấy lo lắng khi họ không có điện thoại, hết pin hoặc không có sóng, mạng dịch vụ.

Hay một nghiên cứu tại Ấn Độ thực hiện trên 145 sinh viên y khoa năm thứ nhất cho kết quả: 17,9% những người tham gia mắc chứng sợ ở mức nhẹ, 60% sợ ở mức trung bình, và 22,1% gặp các triệu chứng sợ không có điện thoại nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng vẫn chưa rõ liệu chứng rối loạn này xuất phát từ chứng rối loạn lo âu hiện có hay do chứng nghiện điện thoại di động.

Một bài báo năm 2019 trong Tạp chí Y học Gia đình và Chăm sóc Ban đầu cho rằng, một số tình trạng tâm lý tiềm ẩn, chẳng hạn như chứng lo âu xã hội hoặc rối loạn hoảng sợ, có thể xuất hiện ở một người trước khi phát triển chứng sợ không có điện thoại.

Các nhà nghiên cứu khác đã bày tỏ những phát hiện tương tự. Trong một nghiên cứu năm 2016 , các nhà nghiên cứu đã nhận thấy, chứng sợ không có điện thoại có thể ít hơn là ám ảnh và chứng nghiện điện thoại. Họ đề xuất đổi tên và phân loại gọi là “rối loạn nghiện điện thoại thông minh”.

Dù với tên gọi nào thì hội chứng sợ không có điện thoại vẫn thực sự tồn tại và lan rộng trong xã hội ngày nay. Nó có xu hướng gia tăng hơn ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Nguyên nhân của nó là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu ở phần tiếp theo.

Nguyên nhân của hội chứng sợ không có điện thoại

Hội chứng sợ không có điện thoại được coi là một chứng ám ảnh của xã hội hiện đại. Nó rất có thể bắt nguồn các nguyên nhân sau đây:

  • Do việc ngày càng phụ thuộc vào công nghệ và lo lắng về những gì có thể xảy ra nếu bạn đột nhiên không thể truy cập mạng và cập nhật thông tin cần thiết.
  • Do khả năng giao tiếp tức thì và khả năng đáp ứng nhanh mọi yêu cầu nhanh chóng cho người dùng mà điện thoại thông minh mang lại có thể phát triển hành vi gây nghiện.
  • Một chứng rối loạn lo âu hoặc ám ảnh khác cũng có thể dẫn đến sự phát triển của chứng sợ không có điện thoại.
hội chứng sợ khi không có điện thoại bạn bè
Phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại là nguyên nhân của hội chứng này

Nhìn chung, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể của hội chứng sợ không có điện thoại. Thay vào đó, họ đưa ra một số yếu tố có thể tác động đến sự hình thành của hội chứng này. Đó là:

  • Nỗi sợ bị cô lập: Nếu điện thoại của bạn là phương thức chính để liên lạc với những người bạn quan tâm, thì rất có thể bạn sẽ cảm thấy khá cô đơn khi không có nó. Việc không muốn trải qua cảm giác cô đơn này có thể khiến bạn luôn muốn để điện thoại ở bên cạnh.
  • Sợ không liên lạc được: Tất cả chúng ta đều giữ điện thoại ở bên người nếu chúng ta đang chờ một tin nhắn hoặc cuộc gọi quan trọng. Đây có thể trở thành một thói quen khó bỏ.
  • Chứng ám ảnh: Bạn đã từng bị mất điện thoại và nó là nguyên nhân khiến bạn trải qua một nỗi đau khổ hoặc rắc rối nghiêm trọng nào đó, thì bạn có thể sợ hãi khi một lần nữa bị mất điện thoại.
  • Lo âu, căng thẳng của cuộc sống: Chung sống với lo lắng nói chung cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng ám ảnh sợ hãi khi không có điện thoại. Đặc biệt là khi điện thoại là phương tiện để bạn giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi.

Các triệu chứng của hội chứng sợ không có điện thoại

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần vẫn chưa đưa ra các tiêu chuẩn chẩn đoán chính thức cho tình trạng này. Tuy nhiên, mọi người cũng cho rằng chứng sợ không có điện thoại có thể biểu hiện ở một số triệu chứng về mặt sức khỏe tâm thần.

Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng hội chứng này thể hiện giống như một dạng phụ thuộc hoặc nghiện điện thoại. Cùng với những triệu chứng về mặt tinh thần thì nó còn ảnh hưởng tới thể chất của con người. Cụ thể:

Các triệu chứng cảm xúc

  • Lo lắng, sợ hãi hoặc hoảng sợ khi nghĩ đến việc không có điện thoại hoặc không thể sử dụng nó
  • Lo lắng và kích động nếu bạn phải đặt điện thoại xuống hoặc biết rằng bạn sẽ không thể sử dụng nó trong một khoảng thời gian nhất định
  • Hoảng sợ nếu bạn không thể tìm thấy điện thoại của mình dù chỉ mới tìm trong thời gian ngắn
  • Khó chịu, căng thẳng hoặc lo lắng khi bạn không thể sử dụng được điện thoại hay khi điện thoại bị hỏng
hội chứng sợ khi không có điện thoại của mình
Căng thẳng, lo lắng khi điện thoại bị hỏng là triệu chứng của hội chứng sợ không có điện thoại

Các triệu chứng thể chất

  • Tức ngực, khó thở
  • Run rẩy, thiếu sự bình tĩnh
  • Tiết nhiều mồ hôi
  • Cảm thấy chóng mặt hoặc mất phương hướng, ngất xỉu
  • Tim đập nhanh, loạn nhịp

Ngoài ra, một số biểu hiện khác cũng cho thấy bạn đang mắc hội chứng sợ không có điện thoại như:

  • Đặt điện thoại trên giường khi đi ngủ, thậm chí mang vào phòng tắm khi đi tắm gội
  • Kiểm tra điện thoại liên tục nhiều lần trong một giờ để đảm bảo rằng nó đang hoạt động và không bỏ lỡ một thông báo nào
  • Dành nhiều giờ mỗi ngày để sử dụng điện thoại
  • Cảm thấy bất lực, chán nản khi không có điện thoại
  • Luôn đặt điện thoại ở vị trí mà mình có thể nhìn thấy bất cứ khi nào

Điều trị hội chứng sợ không có điện thoại như thế nào?

Vì chứng sợ không có điện thoại không phải là một chứng rối loạn được chính thức công nhận. Hơn nữa, nó còn là một hội chứng còn tương đối mới, nên hiện chưa có phương pháp điều trị nào cụ thể. Thay vào đó, bác sĩ, các nhà tâm lý học đề xuất các phương án điều trị tương tự như điều trị chứng ám ảnh sợ hãi khác. Dưới đây là một số lựa chọn khả thi mà các chuyên gia đề xuất.

hội chứng sợ khi không có điện thoại của bạn
Điều trị hội chứng sợ không có điện thoại như thế nào?

Liệu pháp nhận thức hành vi

Một cách tiếp cận điều trị tiêu chuẩn cho chứng ám ảnh sợ hãi bao gồm nhiều liệu pháp hành vi. Những liệu pháp này giúp giải quyết những nỗi sợ hãi và các vấn đề tiềm ẩn xung quanh chứng ám ảnh sợ hãi. Trong đó liệu pháp nhận thức hành vi được đánh giá là khá khả thi.

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) có thể giúp bạn học cách quản lý những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực xuất hiện khi bạn nghĩ về việc không có điện thoại.

Ví dụ, khi không có điện thoại bạn sẽ nghĩ: Nếu không có điện thoại mình sẽ không thể nói chuyện và lạc với người khác được nữa. Nhưng khi áp dụng liệu pháp nhận thức hành vi, bạn sẽ nghĩ: Danh bạ của mình đã được sao lưu và mình sẽ mua được một chiếc điện thoại mới. Mọi chuyện sẽ trở lại bình thường và được giải quyết đơn giản.

Liệu pháp tiếp xúc

Liệu pháp tiếp xúc giúp bạn học cách đối mặt với nỗi sợ hãi thông qua việc dần dần tiếp xúc với chính nỗi sợ hãi đó. Nếu bạn mắc chứng sợ không có điện thoại, khi áp dụng liệu pháp tiếp xúc, bạn sẽ dần quen với cảm giác không có điện thoại.

hội chứng sợ khi không có điện thoại iphone
Học cách đối mặt với nỗi sợ hãi khi không có điện thoại

Nó không có nghĩa phải là tránh hoàn toàn việc sử dụng điện thoại. Thay vào đó, nó giúp bạn học cách giải quyết nỗi sợ hãi tột độ mà bạn phải trải qua khi nghĩ đến việc không có điện thoại. Kiểm soát nỗi sợ hãi này có thể giúp bạn sử dụng điện thoại theo những cách lành mạnh hơn, ít phụ thuộc vào điện thoại hơn.

Thuốc hỗ trợ điều trị hội chứng sợ không có điện thoại

Uống thuốc có thể giúp bạn đối phó với các triệu chứng nghiêm trọng của chứng sợ không có điện thoại, nhưng không điều trị được nguyên nhân gốc rễ. Mặc dù vậy nó vẫn phần nào đó góp phần làm giảm nỗi sợ hãi.

Tùy thuộc vào các triệu chứng của bạn, bác sĩ tâm thần có thể khuyên bạn nên sử dụng thuốc trong một thời gian ngắn và kết hợp với các liệu pháp khác.

  • Thuốc beta blocker: Nó có thể giúp giảm các triệu chứng về thể chất của chứng ám ảnh sợ hãi, chẳng hạn như chóng mặt, khó thở hoặc tim đập nhanh.
  • Benzodiazepines: Thuốc có thể giúp bạn bớt sợ hãi và lo lắng khi nghĩ đến việc không có điện thoại. Tuy nhiên, cơ thể của bạn có thể bị phụ thuộc vào thuốc – nghiện thuốc. Vì vậy bác sĩ thường chỉ kê đơn chúng để sử dụng trong thời gian ngắn.

Tự luyện tập không sử dụng điện thoại quá nhiều

Bạn cũng có thể tự mình thực hiện các bước sau để đối phó với chứng sợ không có điện thoại:

  • Tắt điện thoại của bạn vào ban đêm để có giấc ngủ ngon hơn. Nếu bạn cần báo thức để đánh thức, hãy giữ điện thoại của bạn ở khoảng cách xa, đủ xa để bạn không thể dễ dàng kiểm tra trong đêm.
  • Hãy thử để điện thoại ở nhà trong một khoảng thời gian ngắn, chẳng hạn như khi bạn đi mua sắm, ăn tối hoặc đi dạo.
  • Hãy dành một chút thời gian mỗi ngày để tránh xa các thiết bị công nghệ. Hãy thử ngồi yên lặng, viết thư, đi dạo hoặc khám phá thiên nhiên xung quanh mà không sử dụng thiết bị điện tử, công nghệ.
hội chứng sợ khi không có điện thoại làm sao
Kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại

Hội chứng sợ điện thoại vẫn chưa được phân loại và chính thức công nhận là một tình trạng sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, các chuyên gia đồng ý vấn đề này của thời đại công nghệ đang là mối quan tâm lớn của mọi người vì nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Hội chứng này xuất hiện phổ biến nhất ở những người trẻ tuổi. Nếu thường xuyên sử dụng điện thoại, bạn có thể trải qua giây phút hoảng sợ ngắn ngủi khi nhận ra mình không có hoặc không tìm thấy điện thoại. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là bạn mắc chứng sợ không có điện thoại.

Nhưng nếu bạn quá lo lắng về việc không có điện thoại của mình hoặc không thể sử dụng nó đến mức bạn không thể tập trung vào những việc khác, rất có thể bạn đã mắc hội chứng này và cần được thăm khám, điều trị. Chứng sợ không có điện thoại có thể cải thiện khi điều trị và thay đổi lối sống. Hãy áp dụng những liệu pháp mà chúng tôi đã nêu trên kết hợp với tư vấn của bác sĩ để có hiệu quả tốt nhất.

Tài liệu tham khảo: Afraid of Losing Your Phone? There’s a Name for That: Nomophobia