Hiện tượng nhắn tin khi ngủ là gì?

Khoa học giấc ngủ

Hiện tượng nhắn tin khi ngủ (sleep texting) là gì? 

Giang Gina
26/02/2020

Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng bộ não chỉ có hai thái cực là thức hoặc ngủ. Nhưng thật ra bộ não còn có thêm một vùng xám ý thức khác, có thể hiểu na ná là thái cực chính giữa của hai thái cực ngủ-thức. Đôi khi bộ não ngủ rất nhanh, nhưng nó vẫn kiểm soát chuyển động và kỹ năng vận động như lúc nó đang hoàn toàn tỉnh táo.

Thường thì trạng thái giữa hai thái cực ngủ-thức này xảy ra khi có một điều gì đó tác động lên giấc ngủ và nó chỉ vừa đủ để tạo ra một phản ứng theo thói quen nhưng chưa đủ lớn để đánh thức cơ thể thức tỉnh hoàn toàn. Một ví dụ điển hình của việc này là nhắn tin trong khi đang ngủ. Bạn hoàn toàn không nghe nhầm đâu. Người rơi vào hoàn cảnh này có hành động gửi tin nhắn bằng văn bản trong khi họ đang ngủ. Nếu ai đó bất chợt gặp sự việc lạ lùng như vậy có thể họ sẽ cảm thấy rùng rợn, đồn đại không hay ảnh hưởng đến danh tiếng và địa vị xã hội của người mắc hội chứng này. 

Thật ra, việc nhắn tin trong khi ngủ tương tự với hội chứng mộng du hay nói mớ, là một loại rối loạn giấc ngủ và đây không phải là một vấn đề nghiêm trọng về thể chất. Bài viết này sẽ chia sẻ một số mẹo nhằm giúp bạn tránh khỏi điều đó.

Nhắn tin khi ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ tựa như mộng du
Nhắn tin khi ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ tựa như mộng du

Nhắn tin khi đang ngủ là gì? 

Hiện tượng sleep texting được mô tả chính xác theo nghĩa đen, đó là việc gửi tin nhắn văn bản cho một người nào đó trong khi đang ngủ. Tức bộ não và cơ thể đều ở trong trạng thái hoàn toàn chưa tỉnh giấc, nhưng cũng không hẳn là đang hoàn toàn ngủ say sưa. Rất hiếm khi những người mắc chứng rối loạn này bắt đầu một văn bản. Thay vào đó, họ phản hồi lại âm thanh tin nhắn tới phát ra từ chiếc điện thoại thông minh khi họ nhận được tin nhắn mới.

Ở khía cạnh khoa học, khi chúng ta ngủ, bộ não cũng được nghỉ ngơi. Tuy nhiên phần não bộ chịu trách nhiệm tạo ký ức có sự khác biệt với phần não bộ chịu trách nhiệm về các kỹ năng vận động. Trong khi phần ký ức ngủ yên, những phần não khác vẫn thức một cách vô thức. Khi âm thanh phát ra từ chiếc điện thoại vang lên, nó kích hoạt giác quan và bộ não lập tức xử lý và truyền tín hiệu cho cơ thể tỉnh giấc một phần, trong trường hợp này là để phản hồi tin nhắn vừa nhận.

Hay nói cách khác, ở cơ chế tự động, cơ thể của người mắc phải hội chứng này sẽ phản ứng lại với âm thanh tin nhắn tới bằng cách trả lời tin nhắn ấy trong tình trạng mắt còn đang nhắm. Thông thường thì những tin nhắn trả lời như thế này vô nghĩa. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, tin nhắn trả lời rất logic như một cuộc trò chuyện thật sự giữa hai người y như lúc họ đang tỉnh giấc. 

Bạn chớ nên cười nhạo chứng rối loạn này khi cho rằng điều này thật vô lý và không thể nào có chuyện như vậy xảy ra trên đời. Ấy vậy mà số lượng người mắc phải triệu chứng này đang gia tăng. Các bác sĩ đã đưa ra giả thuyết, có thể là do điện thoại thông minh đang dần trở thành một phần lớn không thể thiếu trong tất cả các sinh hoạt sống của con người, thường gắn bó với chúng ta 24/7, thế nên có thể chúng cũng đang dần xâm chiếm tiềm thức của chúng ta, kể cả lúc chúng ta đang ngủ.

Những tin nhắn diễn ra trong giấc ngủ tuy chỉ là vô thức nhưng có thể được sử dụng để chống lại bạn trước tòa nếu tin nhắn đó có nội dung gây bất lợi cho bạn trong một vụ án kiện tụng nào đó
Những tin nhắn diễn ra trong giấc ngủ tuy chỉ là vô thức nhưng có thể được sử dụng để chống lại bạn trước tòa nếu tin nhắn đó có nội dung gây bất lợi cho bạn trong một vụ án kiện tụng nào đó

Những nguyên gây ra hội chứng nhắn tin trong giấc ngủ?

Stress

Khi não và cơ thể bị stress, việc có được và duy trì giai đoạn ngủ sâu sẽ trở nên khó khăn. Thời gian dành cho nghỉ ngơi thường bị gián đoạn và không chất lượng. Thêm vào đó, nếu công việc mang tính chất căng thẳng liên tục và thường xuyên phải dùng điện thoại thông minh để làm việc, việc gửi tin nhắn thông đêm có thể diễn ra, thậm chí bạn không hề nhận ra điều đó.

Hoạt động ban ngày quá mức

Tất cả chúng ta đều bận rộn, nhưng nếu lịch trình làm việc của bạn bận rộn một cách khác thường, bộ não có thể không ngừng hoạt động hoàn toàn vào ban đêm. Điều này có thể khiến bạn trong vô thức gửi tin nhắn khi đang ngủ.

Thiếu ngủ

Nếu bị thiếu ngủ, bạn có thể thấy mình không dành đủ thời gian cho giai đoạn SWS hoặc còn được gọi là giai đoạn ngủ sóng chậm (giai đoạn sâu 3 của giấc ngủ NREM). Tức tiếng ồn bên ngoài sẽ dễ dàng tác động làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Có thể những tiếng ồn này chưa đủ mạnh khiến bạn tỉnh giấc hoàn toàn, nhưng nó đủ để khiến cơ thể tiếp cận với điện thoại và soạn tin nhắn. 

Di truyền

Nếu cha mẹ bị chứng rối loạn giấc ngủ (ngay cả khi chứng rối loạn đó không liên quan đến hội chứng nhắn tin trong khi ngủ của bài viết này), con của họ cũng có thể thừa hưởng tình trạng này.

Thường xuyên bị gián đoạn trong giấc ngủ

Khi ai đó liên tục thức-tỉnh, có nhiều khả năng họ sẽ xuất hiện các hành vi như nhắn tin, mộng du và thậm chí thức dậy giữa chừng để nấu một bữa ăn.

Nguồn tham khảo: sleepadvisor