Bạn có đang vật lộn để ngủ đúng cách? Bạn có đang cảm thấy mệt mỏi nhưng không biết tại sao? Bạn đang gặp phải chứng ngưng thở khi ngủ?
Ngưng thở khi ngủ là một vấn đề khá phổ biến, đáng ngạc nhiên là nó không được biết đến nhiều nhưng lại có tác động khá lớn. Ngưng thở khi ngủ được xem là một tình trạng mãn tính làm gián đoạn giấc ngủ, khiến người thân lo lắng, thậm chí gây ra sự hoảng loạn.
Ngưng thở khi ngủ là tình trạng đường thông khí bị tắc nghẽn hoặc suy nhược trong khi ngủ. Nguyên nhân do ở vùng hầu họng có các tổ chức phần mềm xung quanh đường thở gồm: lưỡi, amidan, vòm miệng mềm, lưỡi gà. Các phần mềm này được các cơ vận động vùng hầu họng nâng đỡ. Khi ngủ say, các cơ này giãn ra làm hẹp đường thở gây ra tiếng ngáy, cũng có khi làm tắc đường thở gây ra chứng ngừng thở. Chứng ngừng thở khi ngủ còn có thể do thừa cân, tăng huyết áp, hút thuốc lá hoặc có tiền sử rối loạn. Ngoài ra còn là vấn đề não bộ quên không gởi tín hiệu thở cho cơ quan hô hấp, gây ra việc ngưng thở khi ngủ trong một khoảng thời gian.
Tất cả những điều trên đều có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, đột quỵ và các vấn đề khác. Vì vậy chúng ta cần cảnh giác sớm khi phát hiện bản thân hoặc người thân mắc hội chứng này. Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến (ở cả nam và nữ) về hội chứng bị ngưng thở khi ngủ.
Lưu ý, dù bạn có tìm hiểu cặn kẽ các kiến thức về chủ đề này giỏi đến thế nào đi chăng nữa, bài viết này không khuyến khích bạn tự kiểm tra sức khỏe bản thân ở nhà mà không cần sự tư vấn của bác sĩ. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ ngay khi bạn nghĩ bạn bị chứng ngưng thở khi ngủ.
Nội dung chính
Khô miệng khi thức dậy
Bạn có thường xuyên thức dậy cảm thấy khát và liền tìm một ly nước uống ngay? Nguyên nhân gây ra điều này có thể là do khi ngủ bạn không khép miệng. Có rất nhiều lý do khiến bạn phải mở miệng khi ngủ, một trong số đó là nếu bạn gặp khó khăn trong việc lấy đủ không khí ở đường mũi để thở thì bạn buộc lòng phải thở bằng miệng.
Nhức đầu và mệt mỏi quá mức
Nếu mỗi sáng bạn thức dậy kèm cơn đau đầu dữ dội chứng tỏ bạn đã không có được giấc ngủ ngon như mong muốn. Nhức đầu tái phát mỗi sáng là một dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn trong giấc ngủ của bạn – có nhiều khả năng là bạn đã không có được giấc ngủ sâu cần thiết cho sự phục hồi và thư giãn ở các chu kỳ ngủ trong đêm.
Ngoài ra, nếu bạn mắc phải hội chứng rối loạn Hypersomnia cũng sẽ khiến giấc ngủ có thể kéo dài tới 18 tiếng/ngày hoặc kéo dài từ ngày này sang ngày khác, thậm chí cả tuần. Trước khi mắc chứng bệnh này, người bệnh thường có triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu kéo dài.
Hàm và răng đau
Bạn thức dậy với cảm giác đau quai hàm, còn răng tê buốt. Đây có thể là triệu chứng của sự căng thẳng hoặc của việc nghiến răng trong lúc ngủ, và cũng có thể do hội chứng ngưng thở gây ra. Nguyên nhân dẫn tới điều này là do bạn cố gắng để có đủ không khí và phải làm căng các cơ.
Ngáy to
Thường chúng ta không ai biết mình ngáy trừ phi người thân hoặc bạn bè nói cho chúng ta biết điều đó. Đôi khi ngáy triệu chứng bình thường, nhưng ngáy to thường xuyên là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ. Nếu bạn chỉ ngáy trong một số tình huống như khi bị cảm lạnh, say rượu hoặc bị sốt thì có lẽ bạn vẫn ổn. Nhưng nếu tình trạng ngáy không ngớt có lẽ đã đến lúc bạn nên đi gặp bác sĩ để kiểm tra tình hình sức khỏe của mình.
Thở hổn hển khi thức dậy
Đây là một trong những triệu chứng rõ ràng nhất và là nguyên nhân gây lo lắng ở nhiều người. Nếu bạn thấy mình thức dậy bị nghẹn hoặc thở hổn hển, tôi khuyên bạn nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt. Điều này thường xảy ra khi bạn không thở đủ, cơ thể không nhận đủ oxy khi ngủ, và về lâu về dài sẽ không tốt cho sức khỏe.
Tất cả những triệu chứng trên nếu phát hiện sớm và thăm khám bác sĩ, bạn sẽ có thời gian để ngăn ngừa và điều trị. Một số điều cần lưu ý giúp giảm thiểu các triệu chứng trên bao gồm: bỏ thuốc lá, tránh uống rượu, tránh dùng thuốc ngủ / thuốc an thần, tránh dùng caffeine và tiêu thụ những thức ăn có thể làm nặng bụng bạn trong vòng 2 giờ trước giờ đi ngủ. Ngoài ra, việc tập thể dục thường xuyên kết hợp giảm cân có thể làm giảm chứng tắc nghẽn đường thở. Khi ngủ, cố gắng ngủ nghiêng, nâng đầu cao khỏi bề mặt giường một chút bởi 1 chiếc gối cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ tắc nghẽn đường thở.
Trong trường hợp các triệu chứng của bạn hoặc người thân thật sự nghiêm trọng, tốt nhất nên nghĩ ngay đến việc điều trị, và điều cần làm đầu tiên là đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên các bạn cũng chớ nên quá căng thẳng vì căng thẳng sẽ làm cho các triệu trứng của bạn trở nên tồi tệ hơn. Tùy theo tình trạng bệnh tình, bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp điều trị từ đơn giản đến phức tạp, có sử dụng máy móc hoặc mặt nạ chuyên dụng dùng để điều trị đường thở.
Nguồn tham khảo: sleepadvisor