tiểu đêm

Cải thiện giấc ngủ

Khắc phục tình trạng đi tiểu đêm thường xuyên

Kieu Tien
12/11/2021

Hàng triệu người Mỹ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng thường xuyên đi tiểu nhiều lần vào ban đêm. Đây được gọi là chứng tiểu đêm, và nó là nguyên nhân gây ra gián đoạn giấc ngủ. Mặc dù tình trạng này thường gặp chủ yếu ở người cao tuổi, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi khác nhau.

Đi tiểu đêm không chỉ làm giấc ngủ bị gián đoạn, mà còn có thể làm tăng nguy cơ bị té ngã trong nhà vệ sinh, vì lúc này bạn đang không tỉnh táo. Vào ban ngày, nó khiến nhiều người luôn trong tình trạng thiếu ngủ, ngủ gà ngủ gật và mất tập trung. Tiểu đêm có thể do nhiều nguyên nhân gây nên và nó có thể liên quan đến một loạt các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng khác.

Mặc dù chứng tiểu đêm rất phổ biến, nhưng không có nghĩa là không có phương pháp điều trị. Trong nhiều trường hợp, có thể thực hiện một số giải pháp để giảm số lần đi vệ sinh và cải thiện giấc ngủ tốt hơn. Chỉ cần hiểu những kiến ​​thức cơ bản về chứng đi tiểu đêm thường xuyên, bao gồm nguyên nhân, hậu quả và cách điều trị, là có thể giúp mọi người ở mọi lứa tuổi ngủ ngon hơn và ít bị chứng tiểu đêm khó chịu hơn.

Tiểu đêm là gì?

Tiểu đêm là hành động thức dậy vào ban đêm để đi tiểu. Nó là một triệu chứng giống như các tình trạng khác và không phải là một căn bệnh.

Theo định nghĩa chuyên môn, một người được coi là mắc chứng tiểu đêm nếu họ đi tiểu một hoặc nhiều lần mỗi đêm. Theo tiêu chuẩn này thì chứng tiểu đêm là quá phổ biến; tuy nhiên, với nhiều người có thể họ không cảm thấy việc một lần thức giấc là có vấn đề. Tiểu đêm có xu hướng gây khó chịu khi một người phải thức dậy từ hai lần trở lên và rất khó để ngủ trở lại.

tiểu đêm là gì
Chứng tiểu đêm diễn ra rất phổ biến

Tiểu đêm không giống với chứng đái dầm ban đêm. Vì chứng tiểu đêm liên quan đến việc thức dậy và nhận ra nhu cầu đi tiểu, còn chứng đái dầm thường xảy ra một cách không tự chủ và bạn không có cảm giác bàng quang đầy.

Chứng tiểu đêm phổ biến như thế nào?

Chứng tiểu đêm khá phổ biến ở cả nam và nữ. Các nghiên cứu và khảo sát đã phát hiện ra rằng có tới 69% nam giới và 76% phụ nữ trên 40 tuổi cho biết họ phải dậy đi vệ sinh ít nhất một lần mỗi đêm. Khoảng một phần ba số người trên 30 tuổi thực hiện hai hoặc nhiều lần việc đi vệ sinh hàng đêm.

Tiểu đêm có thể ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi, nhưng nó trở nên phổ biến hơn ở tuổi già, đặc biệt là ở nam giới lớn tuổi. Người ta ước tính rằng gần 50% đàn ông ở độ tuổi 70 phải thức dậy ít nhất hai lần mỗi đêm để đi tiểu. Nhìn chung, chứng tiểu đêm có thể ảnh hưởng đến 80% người cao tuổi hiện nay.

Tỷ lệ tiểu đêm ở những người da đen và gốc Tây Ban Nha cao hơn ở người da trắng. Lý do cho sự chênh lệch này vẫn chưa được tìm ra.

Tiểu đêm cũng thường xuyên xảy ra khi mang thai, nhưng nó sẽ hết trong vòng ba tháng sau khi sinh con.

Chứng tiểu đêm có tác động như thế nào? 

Tiểu đêm có thể gây ra những hậu quả đáng kể cho sức khỏe. Nó có mối liên hệ với những vấn đề nghiêm trọng, cụ thể là làm gián đoạn giấc ngủ và gây nên những lo ngại về sức khỏe.

ảnh hưởng tiểu đêm
Tiểu đêm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe

Đi tiểu thường xuyên làm gián đoạn giấc ngủ?

Theo nhiều nghiên cứu, bao gồm cả một cuộc khảo sát về giấc ngủ ở Mỹ của National Sleep Foundation, đã liên tục phát hiện ra rằng chứng tiểu đêm là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây gián đoạn giấc ngủ. Đặc biệt ở người lớn tuổi, nó được liệt vào danh sách là nguyên nhân gây ra tình trạng kém ngủ và mất ngủ.

Nhiều người, có lẽ phải tới trên 40%, gặp khó khăn trong việc trở lại giường nhanh chóng, điều này đồng nghĩa với việc thời gian ngủ bị giảm và giấc ngủ trở nên gián đoạn, nên chất lượng giấc ngủ cũng thấp hơn. 

Không có gì ngạc nhiên khi chứng tiểu đêm thường liên quan đến tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày, thậm chí có thể dẫn đến suy giảm chức năng, gây nên khó chịu và có nguy cơ xảy ra tai nạn cao hơn.

Những mối nguy hiểm khác do tiểu đêm gây ra

Hậu quả của việc đi tiểu đêm nhiều lần không chỉ là giấc ngủ kém. Đối với người lớn tuổi, tiểu đêm có nguy cơ té ngã cao hơn, đặc biệt nếu họ phải vội vàng vào phòng tắm trong tình trạng không tỉnh táo. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ té ngã và gãy xương tăng từ 50% trở lên đối với những người có từ hai lần đi vệ sinh vào ban đêm.

tác động xấu của tiểu đêm
Những mối nguy hiểm khác do tiểu đêm gây ra

Tiểu đêm có liên quan đến việc làm giảm chất lượng cuộc sống cũng như các tình trạng sức khỏe tiêu cực khác bao gồm cả trầm cảm. Ngoài các tác động tiêu cực cụ thể, tiểu đêm còn có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn mặc dù cần nghiên cứu thêm để hiểu đầy đủ về mối tương quan này.

Nguyên nhân gây ra chứng tiểu đêm

Có 3 nguyên nhân chính gây ra chứng tiểu đêm: cơ thể xuất ra quá nhiều nước tiểu vào ban đêm, bàng quang bị giảm dung tích và gián đoạn giấc ngủ. Mỗi vấn đề này lại do nhiều tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác nhau gây ra.

Cơ thể xuất ra quá nhiều nước tiểu vào ban đêm 

Cơ thể xuất quá nhiều nước tiểu vào ban đêm được gọi là chứng đa niệu về đêm. Nó được ước tính là có tới 88% các trường hợp tiểu đêm là do nguyên nhân này gây ra.

Đối với một số người, chứng đa niệu diễn ra suốt cả ngày và đêm. Tình trạng này, được gọi là đa niệu toàn thể, thường liên quan đến lượng nước dư thừa, bệnh tiểu đường hoặc chức năng thận kém. Thuốc lợi tiểu, bao gồm thuốc nước và các chất như rượu và cafein, cũng có thể làm tăng khả năng tạo ra nước tiểu.

Nếu tình trạng này chỉ xảy ra vào ban đêm khi lượng chất lỏng trong cơ thể tăng lên. Nó cũng có thể xảy ra nếu phù ngoại vi (sưng hoặc tích tụ chất lỏng ở chân) di chuyển sau khi một người chuyển sang tư thế nằm. 

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những thay đổi đối với nhịp sinh học của cơ thể khiến người lớn tuổi có tỷ lệ bị đa niệu nhiều hơn vào ban đêm, và là yếu tố góp phần làm cho tỷ lệ mắc chứng tiểu đêm cao hơn.

nguyên nhân chứng tiểu đêm
Tiểu đêm do cơ thể xuất ra quá nhiều nước tiểu vào ban đêm 

Giảm công suất bàng quang và tăng tần suất tiết niệu

Ngay cả khi không bị đa niệu, thì khi bị giảm dung tích bàng quang và tăng tần suất đi tiểu cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng tiểu đêm. 

Trong đó, nhiễm trùng đường tiết niệu là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất làm thay đổi dung tích bàng quang. Chúng cũng có thể xảy ra ở những người bị phì đại tuyến tiền liệt, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hoặc bàng quang hoạt động quá mức.

Đi tiểu nhiều, viêm đường tiết niệu và sỏi bàng quang đều có thể là những yếu tố làm giảm dung tích bàng quang và tăng tần suất đi tiểu, và dẫn đến tiểu đêm. 

Một số người sẽ bị tiểu nhiều hơn và tiểu gấp vào ban ngày, trong khi những người khác lại thấy chúng chủ yếu xảy ra vào ban đêm.

Gián đoạn giấc ngủ 

Mặc dù chúng ta có xu hướng tập trung vào việc đi tiểu đêm là nguyên nhân làm gián đoạn giấc ngủ, nhưng có bằng chứng thuyết phục rằng các vấn đề về giấc ngủ cũng là một yếu tố chính gây ra các trường hợp tiểu đêm.

Một trong những ví dụ rõ ràng nhất là chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), gây ngừng thở lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm. Tiểu đêm xảy ra ở khoảng 50% những người bị OSA. 

Nguyên nhân là do khi bị OSA nhiều lần, sẽ làm giảm luồng không khí và mức oxy trong khi ngủ, nó ảnh hưởng đến các hormon theo cách làm tăng khả năng sản xuất nước tiểu. Trên hết, những người bị OSA thường xuyên bị gián đoạn giấc ngủ, vì vậy họ có xu hướng nhận thấy nhu cầu đi tiểu nhiều hơn.

nguyên nhân tiểu đêm nhiều lần
Giấc ngủ gián đoạn cũng có thể là nguyên nhân gây ra tiểu đêm

Ngoài OSA, cũng có cuộc tranh luận giữa các chuyên gia về việc liệu chứng tiểu đêm có gây rối loạn giấc ngủ hay ngược lại. Nhiều khả năng các vấn đề về giấc ngủ, bao gồm cả chứng mất ngủ, là nguyên nhân gốc rễ gây nên tiểu đêm nếu một người cố gắng trở lại giấc ngủ sau khi đi vệ sinh.

Một nghiên cứu thực hiện ở nhóm người lớn tuổi chỉ ra rằng giấc ngủ không sâu có thể làm tăng khả năng mắc chứng tiểu đêm. Người cao tuổi dành ít thời gian hơn trong giai đoạn ngủ sâu, có nghĩa là họ dễ bị đánh thức hơn. Khi tỉnh táo, họ có thể ghi nhận cảm giác muốn đi tiểu, dẫn đến chứng tiểu đêm.

Như đã nói, người lớn tuổi được phát hiện sản xuất nhiều nước tiểu vào ban ngày hơn là ban đêm, điều này kết hợp với giấc ngủ không sâu làm tăng tỷ lệ mắc chứng tiểu đêm ở người cao tuổi. Điều này cũng cho thấy rằng nhiều yếu tố, bao gồm cả khó ngủ, có thể kết hợp với nhau gây ra tình trạng đi tiểu đêm thường xuyên.

Giải pháp giúp giảm tiểu đêm và ngủ ngon hơn

Vì nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và liên quan đến các bệnh lý khác, nên hãy gặp bác sĩ nếu chứng tiểu đêm gây khó chịu cho bạn. Vì bác sĩ có thể giúp xác định nguyên nhân và đưa ra liệu pháp thích hợp cho từng cá nhân cụ thể.

Khi một nguyên nhân nào đó gây ra chứng tiểu đêm, thì việc điều trị nguyên nhân đó có thể làm giảm số lần đi vệ sinh vào ban đêm. Các bệnh nhân mắc chứng tiểu đêm được điều trị bằng thuốc hoặc điều chỉnh các loại thuốc đang sử dụng (chẳng hạn như thuốc lợi tiểu) để hạn chế tình trạng tiểu đêm.

Một số thay đổi về lối sống cũng có thể giúp giảm chứng tiểu đêm. Những thay đổi này được xây dựng để làm giảm việc cơ thể sản xuất nước tiểu về đêm, bao gồm:

  • Giảm lượng nước uống vào buổi tối, đặc biệt là trước khi đi ngủ.
  • Hạn chế uống rượu và cafein, đặc biệt là vào buổi chiều và buổi tối. 
  • Nâng cao chân một giờ hoặc hơn trước khi ngủ để giảm sự tái hấp thu và chuyển hóa phù ngoại vi thành nước tiểu trong khi ngủ.
giải pháp giảm tiểu đêm
Giải pháp giúp giảm tiểu đêm và ngủ ngon hơn

Tập trung vào nâng cao chất lượng giấc ngủ, bao gồm cả môi trường phòng ngủ và thói quen ngủ của bạn, có thể làm giảm tình trạng thức giấc, từ đó làm giảm nhu cầu đi vệ sinh. Ví dụ về các mẹo ngủ lành mạnh bao gồm:

  • Duy trì một giờ giấc đi ngủ và thức dậy nhất quán giữa các ngày trong tuần. 
  • Có một thói quen giúp bạn sẵn sàng đi ngủ mỗi đêm. 
  • Học các động tác thư giãn cơ thể, giúp tâm trí bạn thoải mái khi đi ngủ và khi bạn muốn ngủ lại sau khi đi vệ sinh. 
  • Tập thể dục hàng ngày để giúp bạn có giấc ngủ sâu hơn.
  • Hãy chuẩn bị một tấm nệm, gối và bộ đồ chăn ga thoải mái nhất. 
  • Điều chỉnh ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ và mùi hương trong phòng ngủ để bạn ngủ ngon hơn. 
  • Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử, bao gồm cả điện thoại di động trước khi ngủ.

Làm theo chỉ dẫn của bác sĩ và thay đổi lối sống có thể giảm số lần đi vệ sinh mỗi đêm, nhưng thường không thể loại bỏ chúng hoàn toàn. Vì vậy, điều quan trọng là phải thực hiện ra sao để những lần đi vệ sinh đó trở nên an toàn nhất có thể, đặc biệt là đối với những người lớn tuổi.

Sử dụng đèn chiếu sáng công suất thấp, được kích hoạt tự động dựa theo các chuyển động có thể giúp bạn đi đến và ra khỏi phòng tắm một cách an toàn dễ dàng hơn. Không để các vật dụng như như dây hoặc thảm trên đường đến nhà tắm. 

Những người có vấn đề về khả năng vận động hoặc phải đi tiểu gấp khi thức giấc, có thể đặt bồn tiểu bên cạnh giường ngủ hoặc chỗ đi lại để đảm bảo độ an toàn và giảm thiểu được tình trạng gián đoạn giấc ngủ.

Nguồn tham khảo: Sleep Foundation