Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, các thầy thuốc, danh y đều ủng hộ quan điểm rằng chất lượng không khí tốt có thể cải thiện sức khỏe nói chung và chất lượng giấc ngủ nói riêng. Nhưng còn các nghiên cứu khoa học thì sao?
Có thật sự là không khí tác động tích cực đối với giấc ngủ? Để có câu trả lời, hãy cùng Ngủ Ngon Sống Trọn đi tìm hiểu mối liên hệ giữa giấc ngủ và chất lượng không khí cũng như khám phá sự thật khoa học đằng sau điều này.
Nội dung chính
Lợi ích của chất lượng không khí đến bộ não và cơ thể
Giảm nguy cơ mắc các chứng dị ứng và một số bệnh khác
Theo Tiến sĩ Chelsie Rohrscheib – chuyên gia về giấc ngủ và nhà thần kinh học: “Chất lượng không khí kém có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng và một số bệnh như hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh, cúm, viêm phế quản, COVID-19 và viêm phổi.”
Ngược lại, bầu không khí trong lành mang đến những cải thiện rõ rệt về sức khoẻ tổng thể, tăng cường sức đề kháng giúp chúng ta tránh khỏi việc ốm vặt hoặc các bệnh dị ứng khác. Bên cạnh đó, Chelsie Rohrscheib còn nói thêm thở đúng cách cũng là yếu tố cần thiết để duy trì sức khỏe và có được giấc ngủ chất lượng.
Không khí trong lành giúp tăng nồng độ oxy trong máu và cải thiện chất lượng giấc ngủ tổng thể
Một nghiên cứu được thiện hiện vào năm 2015 đã kiểm tra tác động của hệ thống thông gió trong phòng ngủ đối với chất lượng giấc ngủ. Nghiên cứu cho thấy rằng mức CO2 càng xuống thấp thì dẫn đến không khí trong căn phòng ngủ càng trong lành hơn, đồng thời người ngủ trong căn phòng có được giấc ngủ sâu và liền mạch hơn. Các tình nguyện viên tham gia báo cáo rằng họ cảm thấy khả năng tập trung được cải thiện và năng suất làm việc tăng vào ngày hôm sau.
Cũng theo Tiến sĩ Rohrscheib, việc ngủ trong môi trường không khí trong lành sẽ giúp làm tăng nồng độ oxy trong máu, từ đó tăng chất lượng tổng thể của giấc ngủ. Bà cho biết thêm: “Những người có nhịp thở khỏe mạnh trải qua giấc ngủ sâu hơn, sảng khoái hơn, có thể đi vào giấc ngủ nhanh hơn và ít bị thức giấc vào ban đêm hơn.”
Nếu chất lượng không khí kém và thở không đúng cách, bạn có thể thức dậy nhiều lần mỗi đêm. Điều này có thể khiến bạn không đi vào giai đoạn sâu nhất, sảng khoái nhất của giấc ngủ, từ đó bạn cảm thấy mệt mỏi hơn vào ngày hôm sau.
Thói quen mở cửa sổ khi ngủ có gây hại không?
Không chỉ riêng ở Việt Nam, ngủ mở cửa sổ đã là một thói quen phổ biến từ lâu của người dân nhiều nước trên thế giới để có được giấc ngủ ngon hơn, đặc biệt là vào những đêm hè hoặc đêm thu oi nực.
Có một sự thật là bộ não của chúng ta hoạt động tốt hơn khi nồng độ oxy cao hơn. Alex Savy, nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe giấc ngủ cho biết: “Vì não vẫn hoạt động và xử lý thông tin trong khi ngủ nên nó cần oxy. Mở cửa sổ khi ngủ có thể tăng cường lượng oxy cung cấp cho não, điều này sẽ cho phép bộ não xử lý thông tin dễ dàng hơn và từ đó bạn có thể ngủ ngon hơn trong khi bộ não vẫn bận rộn với công việc của nó.”
Savy còn giải thích rằng vào những đêm trời lạnh hơn, việc mở cửa sổ phòng ngủ có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ nhanh hơn. Ông nói: “Không khí trong lành có thể giúp giảm nhiệt. Bởi vì cơ thể chúng ta hạ nhiệt độ lõi khi ngủ, việc hạ nhiệt bằng cách sử dụng không khí trong lành có thể giúp bạn đạt được nhiệt độ lõi cần thiết nhanh hơn và do đó, đi vào giấc ngủ nhanh hơn”.
Tuy nhiên, cũng cần để ý đến sự thay đổi của nhiệt độ cơ thể. Savy khuyên rằng bạn nên để một chiếc chăn ấm gần đó, đề phòng trường hợp cơ thể lạnh quá mức. Nhiệt độ cơ thể thấp liên tục có thể làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể và khiến bạn dễ bị nhiễm lạnh, nhiễm bệnh hơn.
Trong khi đó, tiến sĩ Rohrscheib lưu ý rằng những người bị dị ứng không nên mở cửa sổ trong những tháng mùa xuân và mùa hè, khi phấn hoa thực vật ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, những ai sống trong khu vực có chất lượng không khí kém thì cũng không nên mở cửa sổ khi ngủ. Ngoài ra, các khu vực có tỉ lệ tội phạm cao hoặc mật độ xe cộ, giao thông đông đúc thì cũng không nên mở cửa sổ khi ngủ.
Nếu bạn không thể mở cửa sổ khi ngủ do lo ngại về vấn đề an ninh hoặc chất lượng không khí, tiếng ồn hoặc các lý do khác, bạn có thể cân nhắc đầu tư vào một chiếc quạt hoặc máy lọc không khí.
Không khí trong lành, chất lượng có thể cải thiện hệ thống miễn dịch của chúng ta, từ đó đem lại giấc ngủ ngon hơn. Việc đầu tư vào một máy lọc không khí còn là lựa chọn thông minh đối với những ai mắc các chứng dị ứng. Rohrscheib giải thích: “Máy lọc không khí giúp giảm thiểu chất ô nhiễm, bụi và chất gây dị ứng trong môi trường.
Nếu bạn bị dị ứng hoặc rối loạn nhịp thở, máy lọc không khí có thể giúp cải thiện chất lượng không khí và giữ cho tình trạng hô hấp của bạn không trở nên tồi tệ hơn”. Và như đã nói ở phía trên, việc có thể thở thoải mái đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Mẹo cải thiện giấc ngủ chỉ với 20 phút
Nếu ngủ mở cửa sổ không là lựa chọn phù hợp cho gia đình bạn, bạn vẫn có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng cách dành khoảng 20 phút dạo bộ ngoài trời trước khi đi ngủ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ với 20 phút dành cho các hoạt động ngoài trời, tận hưởng thiên nhiên cũng có thể giúp giảm căng thẳng, từ đó giúp bạn ngủ ngon hơn.
Nếu có thể, bạn nên ra ngoài vào buổi sáng, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhịp sinh học và chu kỳ giấc ngủ của bạn.
“Không khí trong lành vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày là một điều tích cực,” chuyên gia về giấc ngủ và nhà thần kinh học, Tiến sĩ Pietro Luca Ratti cho biết. “Không khí trong lành giúp cho chúng ta cảm thấy bình tĩnh và giảm stress, vì vậy nếu bạn ít dành thời gian ở ngoài trời, thì khả năng cao bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn khi tới giờ đi ngủ”.
Để theo dõi xem không khí trong lành có tạo ra sự khác biệt trong chất lượng giấc ngủ của bạn hay không, trong hai tuần ngủ mở cửa sổ hoặc sử dụng máy lọc không khí, hãy để ý tổng thời gian bạn cần để có thể đi vào giấc ngủ và cảm giác khi thức giấc vào ngày hôm sau, cho dù đó là bằng cách đánh giá mức độ sảng khoái, tràn đầy năng lượng khi thức dậy, hiệu suất tập thể dục hay hiệu quả làm việc trong ngày. Trong những tháng mùa xuân và mùa hè, bạn cũng nên theo dõi xem tình trạng dị ứng của mình có thuyên giảm hay trở nên tồi tệ hơn.
—
Như vậy, không khí trong lành thực sự có hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng sức khỏe cũng như cải thiện các vấn đề về giấc ngủ. Bạn có thể mở cửa sổ khi ngủ hoặc sử dụng máy lọc không khí trong không gian nghỉ ngơi để cải thiện chất lượng không khí xung quanh.
Đồng thời nên tham khảo và thực hiện các bài tập thở, yoga để đầu óc luôn thư giãn. Hoặc chỉ đơn giản là đi dạo khoảng 20 phút trước giờ ngủ là đã đủ để có được 1 đêm ngon giấc. Hy vọng bài viết đã giúp bạn thỏa mãn bộ óc tò mò. Chúc bạn luôn ngủ ngon sống trọn!
Nguồn tham khảo: https://www.sleep.com/sleep-health/fresh-air-benefits