Các nghiên cứu đều cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa giấc ngủ và mức đường huyết trong cơ thể. Ngủ ngon sẽ giúp chúng ta kiểm soát mức glucose trong máu tốt hơn và tăng hoạt động của insulin, là các yếu tố lớn giúp cải thiện chứng bệnh đái tháo đường. Trong bài viết sau, hãy cùng Ngủ ngon sống trọn đi vào chi tiết về cách giấc ngủ ảnh hưởng đến lượng đường huyết cũng như bí quyết cải thiện giấc ngủ cho người bệnh đái tháo đường. Bắt đầu nhé!
Nội dung chính
Glucose huyết ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào?
Mức glucose huyết không ổn định
Sự mất ổn định của lượng Glucose vào ban đêm sẽ khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng về khó ngủ, mất ngủ. Chẳng hạn, nếu lượng đường Glucose bị tăng mạnh sẽ gây ra tình trạng buồn tiểu đêm, người bệnh thường xuyên tỉnh giấc do thôi thúc đi vệ sinh, từ đó làm suy giảm chất lượng giấc ngủ đáng kể. Nếu Glucose bị giảm đột ngột sẽ đi kèm tình trạng run người mất kiểm soát và đổ mồ hôi, càng gây mất ngủ, khó ngủ.
Chính vì vậy, việc giữ ổn định lượng đường huyết Glucose là điều quan trọng cần làm để giúp người bệnh có được giấc ngủ ngon và sâu mỗi đêm. Để làm được điều này, trước hết, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, không nạp quá nhiều các thực phẩm ảnh hưởng xấu đến hệ đường huyết. Một chế độ ăn uống lành mạnh còn giúp bạn kiểm soát được cân nặng. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động thể dục thể thao cũng góp phần duy trì mức Glucose trong tầm kiểm soát.
Tâm trạng thay đổi
Sức khoẻ tâm lý cũng có ảnh hưởng đáng kể đến giấc ngủ người bệnh. Cảm giác mệt mỏi hoặc lo sợ về tình trạng bệnh của mình là các yếu tố khiến người bệnh dễ rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu. Nếu không thể giải tỏa các cảm xúc tiêu cực này, thì giấc ngủ càng khó có được.
Để cải thiện tâm trạng, bạn nên thay đổi lối sinh hoạt. Các hoạt động thể thao sẽ kích thích cơ thể tiết ra hormone dopamine xua tan căng thẳng, giúp bạn thư giãn hơn. Thiền cũng là một hình thức giảm stress hiệu quả được nhiều người lựa chọn. Khi thiền, bạn sẽ học được cách làm chủ cảm xúc, buông bỏ lo âu, từ đó chất lượng giấc ngủ được nâng cao đáng kể.
Ngoài ra, bạn nên mở lòng trò chuyện với bạn bè, người thân nhiều hơn về những lo lắng, suy nghĩ của bản thân. Sự thấu hiểu, đồng cảm từ mọi người cũng giúp ích rất nhiều cho người bệnh đái tháo đường trong hành trình tìm lại giấc ngủ ngon.
Đau chân hoặc bị hội chứng chân không yên
Bệnh đái tháo đường thường đi kèm các triệu chứng đau dây thần kinh ở chân làm người bệnh khó ngủ. Ngoài ra, hội chứng chân không yên cũng là tình trạng khá phổ biến, gây cảm giác ngứa râm ran ở lòng bàn chân, thôi thúc người bệnh phải đứng dậy, di chuyển để xua tan sự khó chịu này. Đôi khi hội chứng trên còn đi kèm cảm giác căng giật, đau nhức cơ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ.
Ngưng thở khi ngủ
Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức International Diabetes Foundation, có hơn 20% trong tổng số người mắc bệnh đái tháo đường cũng đồng thời mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là tình trạng người bệnh có những đợt ngưng thở từng lúc khi đang ngủ, mỗi lần kéo dài từ 3 đến 10 giây và có thể lặp lại liên tục suốt đêm. Chứng ngưng khi ngủ nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra bệnh tim mạch, làm hệ đường huyết rối loạn trầm trọng hơn.
Chứng rối loạn giấc này có thể được phát hiện nhờ các dấu hiệu gồm:
- Giấc ngủ bị gián đoạn liên tục, người bệnh thường xuyên thức dậy đột ngột đi kèm hơi thở ngắn, hổn hển
- Ngáy to
- Buồn ngủ quá mức vào ban ngày dù đã ngủ đủ giấc
- Mất tập trung đi kèm dấu hiệu suy giảm trí nhớ rõ rệt
- Đầu đau như búa bổ
- Tâm trạng thay đổi thất thường
Chứng bệnh này còn khiến người bệnh bị giảm lượng oxy trong máu, tăng nguy cơ mắc đột quỵ. Chính vì vậy, nếu phát hiện các dấu hiệu bệnh, bạn cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch kiểm soát cân nặng cũng là điều cần làm, bởi vì thừa cân, béo phì sẽ làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn giấc ngủ trên.
Mẹo để cải thiện giấc ngủ
Nâng cao chất lượng giấc ngủ ở người bệnh tiểu đường là điều cần làm để cải thiện sức khỏe tổng thể cũng như giúp người bệnh có được tinh thần thoải mái, vui vẻ. Dưới đây là các mẹo cải thiện giấc ngủ mà người bệnh tiểu đường nên áp dụng từ ngày hôm nay:
Lập kế hoạch về giờ đi ngủ
Bạn nên xây dựng kế hoạch về giờ đi ngủ – thức dậy một cách rõ ràng, cố định thời gian này trong một khung giờ mỗi ngày, tuân thủ lịch thậm chí vào ngày cuối tuần. Chẳng hạn như đi ngủ lúc 10 giờ tối và thức dậy vào 7h sáng. Việc này sẽ giúp bộ não dần quen với lịch sinh hoạt của bạn và điều chỉnh đồng hồ sinh học sao cho phù hợp. Nhờ vậy, bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ khi đến giờ đi ngủ và tỉnh táo khi đến giờ thức dậy.
Không sử dụng đồ uống có cồn trước khi ngủ
Các loại đồ uống chứa cồn, chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá sẽ làm hệ thần kinh phản ứng quá mức, gây ra tình trạng ngủ không sâu giấc. Bên cạnh đó, nó còn kìm hãm tác dụng của các loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường. Tốt hơn hết, bạn nên ngừng sử dụng các loại đồ uống này trước ít nhất 3 tiếng đi ngủ.
Không sử dụng các thiết bị điện tử
Ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử trong ngôi nhà như tivi, ipad, điện thoại, máy tính,… chính là kẻ thù của giấc ngủ. Nguyên nhân bởi ánh sáng này sẽ ức chế quá trình tiết ra của hormone Melatonin gây khó ngủ, đồng thời làm tăng insulin, khiến đường glucose không được vận chuyển đến các tế bào. Do đó, làm tăng lượng đường trong máu.
Chính vì thế, trước khi đi ngủ ít nhất 30 phút, bạn nên ngưng sử dụng các thiết bị điện tử và tắt các nguồn sáng không cần thiết trong ngôi nhà nhé!
Ngoài ra, căn phòng ngủ của người bệnh cũng nên được giữ ở nhiệt độ mát mẻ và hạn chế tiếng ồn để đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt nhất.
Giữ tâm trạng thoải mái
Bạn nên đọc sách, thiền, nghe nhạc,… để có được tinh thần thư thái nhất cho giấc ngủ. Thậm chí ngay cả khi khó ngủ, mất ngủ cũng không nên tìm được các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính để giết thời gian. Thay vào đó, bạn có thể lựa chọn các loại sách nội dung nhẹ nhàng để cân bằng lại cảm xúc. Điều này sẽ giúp bạn dễ đi ngủ lại hơn. Trước khi ngủ, bạn cũng không nên làm những công việc liên quan tới trí óc, điều này sẽ khiến bộ não căng thẳng hơn.
Tích cực vận động
Thể dục thể thao cũng là giải pháp hiệu quả để giúp cơ thể thoải mái và cân bằng mọi chỉ số sức khỏe. Theo các bác sĩ, người bệnh đái tháo đường nên dành ít nhất 10 phút trong ngày để vận động cơ thể. Thói quen này không chỉ giúp bạn đốt cháy calo dư thừa, kiểm soát cân nặng mà còn giúp căn bệnh của bạn có những cải thiện tích cực. Những hoạt động thể thao tốt nhất cho người bệnh đái tháo đường là đi bộ, đánh cầu lông, tập dưỡng sinh, yoga.
Trên đây là những thông tin hữu ích liên quan đến việc cải thiện giấc ngủ cho người bệnh đái tháo đường. Hy vọng các kiến thức này sẽ giúp bạn sớm có được giấc ngủ ngon và sâu hơn trong quá trình điều trị bệnh.
Nguồn tham khảo: https://www.sleepadvisor.org/diabetes-and-sleep/