tắt thiết bị điện tử để có được chất lượng giấc ngủ tốt

Khoa học giấc ngủ

Mọi thứ cần biết về ánh sáng xanh, giấc ngủ và sức khỏe của mắt

Tôn Vân
03/03/2022

Nhiều người nhận định ánh sáng xanh như một loại tia độc hại, tác động xấu đến giấc ngủ và nhịp sinh học của con người. Thế nhưng, ánh sáng xanh lại có nhiều loại hơn bạn nghĩ. Thậm chí khi ở dạng tự nhiên, chúng còn rất cần thiết cho sức khỏe mỗi người. 

Khi nghĩ đến ánh sáng xanh, chúng ta thường liên tưởng hình ảnh bản thân đối mặt với thiết bị điện tử. Và ánh sáng từ thiết bị của bạn chính là ánh sáng xanh. Tuy nhiên, ánh sáng xanh thực sự có mặt ở khắp mọi nơi. Chúng được tạo thành từ các bước sóng ngắn nhất với năng lượng cao nhất. Ở một số dạng tự nhiên, chúng còn có tác động tốt đến cơ thể con người. 

Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử
Ánh sáng xanh gây hại thường đến từ các thiết bị điện tử

Trong kỷ nguyên của công nghệ, chúng ta thường xuyên phải tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Nhiều người phải dành phần lớn thời gian trong ngày để làm việc trước màn hình máy tính.Theo đó, tiến sĩ Rahil Chaudhary, bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Eye7 ở Nam Delhi, Ấn Độ đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với thiết bị điện tử vào ban đêm đặc biệt có hại vì ánh sáng xanh sẽ làm rối loạn chu kỳ giấc ngủ. Thậm chí thói quen sử dụng điện thoại vào ban đêm có thể gây ra cảm giác trầm cảm nhẹ cho bạn. 

Vì thế, cách thức và thời điểm sử dụng thiết bị điện tử cũng sẽ tạo nên sự khác biệt rất lớn đến sức khỏe của bạn. Bạn mong muốn thức dậy với tinh thần sảng khoái, tỉnh táo hay mệt mỏi, áp lực vào mỗi buổi sáng? Những thông tin dưới đây sẽ chỉ ra mối liên hệ giữa ánh sáng xanh, chất lượng giấc ngủ và sức khỏe của mắt. Từ những kết quả nghiên cứu này, bạn sẽ tìm được câu trả lời thích hợp dành cho mình. 

Ánh sáng xanh là gì?

Theo tiến sĩ Dagny Zhu, bác sĩ nhãn khoa được đào tạo tại Harvard: “Ánh sáng xanh là một phần của quang phổ ánh sáng (sóng năng lượng ánh sáng) mà chúng ta có thể nhìn thấy. Nó dao động trong phạm vi từ 380 đến 500 nanomet, là dạng ánh sáng dễ nhìn thấy nhất”.

Theo đó, ánh sáng xanh thực sự tồn tại ở xung quanh chúng ta. Nguồn ánh sáng xanh lớn nhất là đến từ mặt trời. Không chỉ vậy, các chuyên gia về mắt còn cho biết ánh sáng xanh từ mặt trời vào lúc sáng muộn hoặc đầu giờ chiều có thể cho năng suất chiếu sáng xung quanh gấp 10 lần ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử.

Đặc biệt, ánh sáng xanh của mặt trời không độc hại. Vào ban ngày, ánh sáng xanh phát ra từ mặt trời sẽ giúp tăng cường sự tỉnh táo, hỗ trợ trí nhớ và chức năng nhận thức của bạn. Thậm chí là giúp cải thiện tâm trạng của bạn. Tuy nhiên, tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng sau khi mặt trời lặn có thể tác động tiêu cực chu kỳ giấc ngủ của bạn.

Ánh sáng xanh ảnh hưởng như thế nào đến giấc ngủ?

Việc tiếp xúc với ánh sáng xanh sau khi mặt trời lặn, thông qua các nguồn nhân tạo thiết bị điện tử có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực. 

Một số nguồn ánh sáng xanh nhân tạo xuất hiện xung quanh chúng ta đến từ: Điện thoại thông minh, TV, máy vi tính, máy tính bảng, đèn huỳnh quang, đèn LED…

Tiếp xúc với ánh sáng xanh quá mức
Tiếp xúc với ánh sáng xanh quá mức buổi tối ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn

Bạn sẽ gặp tình trạng phơi sáng quá mức, đồng nghĩa với việc nhận được nhiều ánh sáng xanh hơn những gì mắt có thể lọc. Điều này thường xảy ra vào ban đêm và ngày càng tăng lên khi bạn nhìn màn hình lâu, bỏ qua chu kỳ ngủ để sử dụng thiết bị điện tử. 

Một nghiên cứu năm 2015 được công bố về thiết bị đọc sách điện tử phát sáng vào buổi tối đã kết luận rằng chúng có ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ, thời gian sinh học và sự tỉnh táo vào sáng hôm sau. 

Theo đó, khi tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh nhân tạo vào buổi tối, bạn có thể gặp một số vấn đề như: 

  • Thời gian ngủ muộn hơn
  • Chất lượng giấc ngủ bị giảm
  • Chu kỳ giấc ngủ bị xáo trộn
  • Ức chế melatonin (hormone giấc ngủ)

Phơi sáng quá mức sẽ dẫn đến ức chế việc giải phóng melatonin (hormone giấc ngủ). Điều này sẽ khiến cho não bộ luôn tỉnh táo dù bạn đã đến lúc cần nghỉ ngơi. 

Đồng thời, một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Somnologie đã phát hiện ra rằng tiếp xúc ánh sáng nhân tạo không đúng thời điểm có thể làm gián đoạn nhịp sinh học và giấc ngủ bạn. Do đó, chú ý quan sát thời điểm tiếp xúc với ánh sáng xanh cũng rất quan trọng. Nó ảnh hưởng đến việc đồng bộ hóa chu kỳ ngủ và bài tiết melatonin của chúng ta.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Dagny Zhu cũng khẳng định rằng việc tiếp xúc với ánh sáng xanh tự nhiên từ mặt trời liên tục trong một ngày dài cũng không được xem là phơi sáng quá mức. Vì thực tế, đây là một quá trình thay đổi bệnh lý diễn ra từ từ và được tích lũy trong nhiều năm. 

Khi thói quen sử dụng thiết bị điện tử được diễn ra hàng ngày, việc tiếp xúc với ánh sáng xanh sẽ được tích lũy và dần dần tác động đến giấc ngủ của bạn. Do đó, hãy cố gắng điều chỉnh thói quen xấu của mình để cải thiện sức khỏe.

Một vài lợi ích của việc tiếp xúc với ánh sáng xanh

Chúng ta không nên chặn tất cả nguồn ánh sáng xanh tiếp xúc với cơ thể vì nó vẫn có nhiều lợi ích nếu được sử dụng đúng cách. Theo Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ, việc tiếp xúc với ánh sáng xanh từ mặt trời, cũng như màn hình của chúng ta giúp tăng cường sự tỉnh táo và cải thiện tâm trạng. Chẳng hạn, ánh sáng bình minh sẽ báo hiệu cho não của chúng ta rằng đã đến lúc phải thức dậy, giúp cơ thể sẵn sàng cho một ngày mới.

Ánh sáng xanh tự nhiên
Ánh sáng xanh tự nhiên giúp tinh thần tỉnh táo

Ngoài ra, ánh sáng xanh tự nhiên còn đặc biệt quan trọng với trẻ em. Theo tiến sĩ Dagny Zhu, ánh sáng mặt trời đã được chứng minh là hữu ích trong sự phát triển mắt của trẻ em. Đồng thời, các nghiên cứu gần đây cũng chứng minh rằng trẻ em có nhiều thời gian hoạt động ngoài trời hơn sẽ hạn chế được quá trình diễn biến tệ đi của bệnh cận thị.

Một số lợi ích của ánh sáng xanh:

  • Cải thiện tâm trạng
  • Tăng cường sự tỉnh táo
  • Cải thiện trí nhớ và chức năng nhận thức
  • Giúp điều chỉnh chu kỳ thức và ngủ tự nhiên của cơ thể

Ảnh hưởng của ánh sáng xanh đến mắt

Trong những năm gần đây, một số nghiên cứu đã có bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng xanh ở mức độ cao có thể gây ra nhiễm độc võng mạc. Theo kết quả nghiên cứu khoa học được công bố trên Tạp chí Nhãn khoa Quốc tế năm 2008, tiếp xúc ánh sáng xanh quá mức có thể gây ra các bệnh như khô mắt, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. 

Tiến sĩ Dagny Zhu cho biết tia UV có thể gây ra đục thủy tinh thể, ung thư mắt. Do đó, bạn nên đeo kính râm khi ra ngoài. Chúng ta cũng không nên nhìn thẳng vào mặt trời dù chỉ vài giây. Hành động này có gây ra tổn thương vĩnh viễn cho một phần võng mạc chịu trách nhiệm về thị lực trung tâm của mắt. 

Tuy nhiên, nghiên cứu tổng thể về tổn thương mắt vẫn cần thêm thời gian để đưa ra kết luận. 

Ánh sáng xanh gây ra một số bệnh về mắt
Ánh sáng xanh có thể gây ra một số bệnh về mắt

Bên cạnh đó, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng một lượng nhỏ ánh sáng xanh phát ra từ màn hình máy tính chưa bao giờ được chứng minh là có thể gây hại cho mắt. Với kết luận này, tiến sĩ Dagny Zhu cho biết chúng ta cần theo dõi thêm và có thêm nhiều nghiên cứu dài hạn để khẳng định. Đồng thời, sự đóng góp và tầm quan trọng của ánh sáng xanh vẫn chưa được chứng minh rõ ràng.

“Đối với những người bình thường làm việc với các thiết bị kỹ thuật số hàng ngày, nguy cơ bị tổn thương mắt là rất thấp. Tuy nhiên, những người có bệnh lý võng mạc từ trước như thoái hóa điểm vàng thì nên thận trọng hơn” – Dagny Zhu cho biết.

Bà cũng cảnh báo rằng việc tiếp xúc với ánh sáng xanh cường độ cao có thể gây nguy hiểm với một số công nhân trong các cơ sở công nghiệp. Vì họ phải tiếp xúc lâu dài với mức độ ánh sáng xanh vừa phải trong nhiều năm hoặc có mức độ tiếp xúc cấp tính với ánh sáng xanh cường độ rất cao trong một khoảng thời gian ngắn.

Ảnh hưởng của ánh sáng xanh đến trẻ em

Vào năm 2018, các nhà nghiên cứu đã tiến hành theo dõi 22 trẻ em khỏe mạnh (12 bé trai và 10 bé gái) và 20 cha mẹ của chúng (người lớn). Họ đã phát hiện ra rằng tác động của ánh sáng xanh lên trẻ em sẽ nhiều hơn ở người lớn.

trẻ em hấp thụ nhiều ánh sáng xanh
Trẻ em khá nhạy cảm và hấp thụ nhiều ánh sáng xanh hơn người lớn

Theo đó, trẻ em khá nhạy cảm và hấp thụ nhiều ánh sáng xanh hơn người lớn. Đó là bởi vì đồng tử của trẻ nhỏ lớn và thấu kính của chúng cũng rõ ràng hơn. Trong khi đó, người lớn có đồng tử nhỏ hơn và thấu kính đã có những thay đổi do ảnh hưởng của tuổi tác. Cũng vì thế, chúng đóng vai trò như một tấm chắn, giúp người lớn chịu tác động của ánh sáng xanh ít hơn trẻ nhỏ. 

Làm thế nào để hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh?

Cách tốt nhất để hạn chế tác động xấu của ánh sáng xanh chính là xây dựng thói quen sử dụng thiết bị điện tử khoa học. Thay vì sử dụng điện thoại, máy tính trước khi ngủ, hãy tập để chúng ở xa giường của bạn. Tránh xa được các cám dỗ từ thiết bị điện tử sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe của chính mình. 

Trong trường hợp buộc phải chú ý đến điện thoại và đặt nó gần mình khi ngủ, bạn có thể bật bộ lọc ánh sáng xanh trên màn hình để tạo thêm một lớp bảo vệ.

Dưới đây là một vài mẹo giúp bạn hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh:

  • Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trong khoảng 1 đến 2 giờ trước khi ngủ. 
  • Khi sử dụng thiết bị điện tử liên tục, hãy thường xuyên chớp mắt để chống mỏi mắt. Bình thường, chúng ta chớp mắt 15 lần một phút, nhưng tần suất này sẽ giảm xuống còn ít hơn một nửa khi làm việc trước màn hình. 
  • Tạo thói quen nghỉ ngơi thường xuyên khi dùng các thiết bị điện tử bằng quy tắc “20-20-20”. Theo đó, sau mỗi 20 phút nhìn màn hình, hãy nhìn ra xa và đặt tầm mắt vào một vật cách 20 feet (6 mét) trong ít nhất 20 giây.
  • Bật chế độ ban đêm trên điện thoại của bạn vào buổi tối.
  • Bảo vệ giấc ngủ và sức khỏe mắt của trẻ em bằng cách khuyến khích trẻ vui chơi ngoài trời ít nhất 60 phút mỗi ngày.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể hạn chế mức độ phơi sáng của mình bằng cách thử các công cụ như kính chặn ánh sáng xanh hoặc bộ lọc màn hình. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng khoa học cụ thể chứng minh được hiệu quả chính xác của các công cụ này. 

kính chặn ánh sáng xanh
Bạn cũng có thể hạn chế mức độ phơi sáng của mình bằng cách thử các công cụ như kính chặn ánh sáng xanh hoặc bộ lọc màn hình

Trên đây là bài viết tổng hợp về ánh sáng xanh, giải mã tác động của ánh sáng xanh lên giấc ngủ và sức khỏe của mắt. Không như chúng ta lầm tưởng, ánh sáng xanh chỉ thật sự có hại khi tiếp xúc quá nhiều và không đúng lúc. Vì thế, bạn hãy cân nhắc các yếu tố mà bài viết đề cập để bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân nhé!

Tham khảo: https://www.sleep.com/sleep-tech/blue-light