Nếu bạn có những cơn đau từ thắt lưng xuống chân, có thể bạn đang bị đau thần kinh tọa.
Đau thần kinh tọa không phải là bệnh, đây là triệu chứng của các bệnh tiềm ẩn như: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đĩa đệm, chấn thương hoặc viêm khớp. Những tình trạng này gây áp lực lên phần rễ của các dây thần kinh dẫn đến kết quả là gây ra cảm giác đau nhức hoặc đau nhói ở lưng, chân và đôi khi là bàn chân.
Nội dung chính
Nguyên nhân của chứng đau dây thần kinh tọa
Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất trong cơ thể chúng ta. Do đó, việc chèn ép dây thần kinh này thông qua chấn thương hoặc thoái hóa có thể gây ra các cơn đau thông thường và suy nhược hoàn toàn trong những trường hợp xấu nhất. Các đĩa đệm chịu trách nhiệm cho triệu chứng đau này nằm ở vùng thắt lưng, cụ thể là các đĩa L4, L5 và S1. Đây là các đĩa đệm ở thắt lưng và xương cùng, nằm ở vùng lưng dưới và xương chậu của bạn.
Mặc dù có nhiều cách để điều trị và giảm bớt cơn đau này, nhưng điều bạn có thể làm ngay lập tức đó là chọn thay loại nệm phù hợp, giúp bạn cảm giác thoải mái và hỗ trợ tối đa cho lưng. Hãy nhớ rằng, đau thần kinh tọa là do chèn ép dây thần kinh ở đĩa đệm thắt lưng, và việc ngủ đúng tư thế có thể giúp giảm những cơn đau và loại bỏ các triệu chứng này.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn bí quyết lựa chọn nệm tốt nhất cho triệu chứng đau thần kinh tọa.
Những người đau thần kinh tọa lựa chọn loại nệm như thế nào?
Nệm có chức năng hỗ trợ và điều chỉnh cột sống
Vì cơn đau thần kinh tọa có thể được kích hoạt, trở nên tồi tệ hơn do điều chỉnh cột sống không đúng cách. Những người bị đau thần kinh tọa cần một chiếc nệm giữ cho đường cong của cột sống ở vị trí tự nhiên. Nệm phân vùng là một trong những loại tốt nhất trong việc điều trị triệu chứng này.
Phân vùng có nghĩa là các bộ phận hoặc vùng khác nhau của nệm sẽ có độ cứng và mức hỗ trợ khác nhau. Ví dụ, khi chúng ta nằm xuống, phần lớn trọng lượng của chúng ta tập trung ở vùng hông và vai. Một tấm nệm có thêm chức năng hỗ trợ sẽ giúp mang lại cảm giác thoải mái. Ngược lại, đầu và chân không gây áp lực lớn lên nệm nên có thể không cần hỗ trợ ở những vùng này.
Thông thường, một tấm nệm có chức năng nâng đỡ từng vùng được làm từ lò xo túi hoặc có thể là cao su. Chiếc nệm này có từ ba đến năm vùng, vùng giữa dành cho hông, nó sẽ cứng hơn để có thể hỗ trợ giúp thắt lưng luôn được giữ thẳng.
Phần giữa thường được phân đôi thành hai vùng mềm hơn cho vai. Hiệu ứng phản chiếu cho phép bạn đặt nệm theo bất kỳ hướng nào mà vẫn nhận được cảm giác mềm mại tương tự và vai có thể chìm thoải mái. Nếu cánh tay của bạn bị tê, đó là dấu hiệu cho thấy vùng nệm này của bạn quá cứng.
Với một tấm nệm có năm vùng thì ở vùng cuối cùng sẽ được thiết kế để hỗ trợ cho phần hông của bạn. Nó sẽ cứng và có chức năng hỗ trợ, mặc dù bạn không cần đến điều này. Hãy nên lưu ý rằng, một số thương hiệu nệm không thiết kế loại nệm phân vùng nhưng sản phẩm của họ vẫn có một số chức năng hữu ích tương tự.
Nệm có độ bền cao
Một trong những điều quan trọng nhất khi mua một tấm nệm mới giúp kiểm soát cơn đau thần kinh của bạn chính là độ bền. Hãy nhớ rằng, nếu cột sống của bạn không thẳng, nó sẽ làm cho chứng đau thần kinh tọa của bạn tồi tệ hơn và thậm chí kích hoạt các tình trạng khác khiến người nằm khó chịu hơn.
Nếu nệm mất khả năng hỗ trợ, lõm xuống hoặc có dấu hiệu lõm, điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Đây thường là cách để kiểm tra loại nệm nào là bền nhất. Những chiếc nệm mới sẽ đem lại cảm giác thoải mái trong vài tháng đầu sử dụng.
Thông thường nệm của bạn sẽ được bảo hành dựa trên độ bền và giá thành của nệm. Tuy nhiên, bạn cần phải đọc rõ quy định trước khi đưa ra quyết định. Một số công ty yêu cầu phải có độ lõm đáng kể, nghĩa là bạn có thể phải ngủ một cách không thoải mái trong nhiều tháng thì yêu cầu bảo hành của bạn mới được xem xét. Yếu tố này rất quan trọng, vì vậy hãy chú ý đến yếu tố đó trong việc chọn nệm của bạn.
Nệm có khả năng giải tỏa áp lực
Bạn có thể đã đọc rất nhiều đánh giá nói về chức năng giảm áp lực của nệm. Khả năng này là gì, và tại sao nó lại quan trọng?
Nên lưu ý khi chúng ta nằm, đặc biệt là nằm nghiêng, các phần nặng và dày hơn của cơ thể sẽ đè lên nệm. Tương tự ở phần hông và vai. Một tấm nệm chất lượng nên đảm bảo các bộ phận này của cơ thể được ổn định một cách thoải mái nhằm giúp giữ cột sống thẳng. Chiếc nệm không có đủ chức năng giải tỏa áp lực có thể khiến cột sống bị lệch và làm tăng những cơn đau thần kinh tọa.
Các loại nệm tốt nhất có tính năng giải tỏa áp lực từ trọng lượng cơ thể khi nằm đó chính là nệm mút (foam) hoặc mút hoạt tính (memory foam). Nệm cao su cũng rất tốt.
Nên chọn nệm cứng hay nệm mềm?
Khi trải qua những cơn đau, việc tìm kiếm một cái gì mềm mại để giảm cơn đau ngay lập tức là rất cần thiết. Tuy nhiên, điều này là một sai lầm vì một chiếc nệm quá mềm sẽ lún sâu xuống bề mặt, làm ảnh hưởng đến cột sống của bạn hơn.
Mặt khác, cũng có thể bạn đã nghe nói rằng ngủ trên một chiếc nệm cứng sẽ tốt hơn là ngủ trên một chiếc nệm mềm. Tuy nhiên, một chiếc nệm quá cứng sẽ khiến cho phần hông và vai không được hỗ trợ giảm áp lực đầy đủ. Thay vì nằm ngủ ở tư thế tự nhiên, chiếc nệm quá cứng sẽ khiến phần xương chậu không được nâng đỡ. Kết quả sẽ khiến áp lực đè lên thắt lưng và bạn biết đó, cơn đau thần kinh tọa sẽ nhiều hơn.
Các tư thế ngủ tốt nhất cho đau thần kinh tọa?
Nằm nghiêng (đây là một sự lựa chọn tuyệt vời)
Nếu bạn thường xuyên đau dây thần kinh, nằm nghiêng là tư thế tốt nhất. Nhưng có một số điều bạn cần lưu ý. Khi ngủ ở tư thế này, có khả năng hông của bạn bị xoắn quá đà nếu bạn để một chân trước co lên trước và một chân duỗi thẳng ra sau (rất nhiều người làm điều này trong đêm). Vì vậy, nếu nằm nghiêng, hãy đặt một chiếc gối nhỏ giữa hai chân để giúp giữ cột sống thẳng thớm. Điều này sẽ giúp đem lại sự thoải mái cho nhiều người, cho dù người đó có bị đau dây thần kinh hay không.
Nằm ngửa
Ngủ ngửa có thể hữu ích cho người bị đau dây thần kinh tọa. Nhưng nằm ngửa cũng có khả năng khiến phần dưới của cột sống bị uốn cong, có thể gây đau ở vùng thắt lưng. Nếu ngủ ngửa, hãy cân nhắc đặt một chiếc gối dưới đầu gối nhằm cung cấp sự hỗ trợ cho phần này, đồng thời hỗ trợ phần cột sống giữ đúng tư thế. Chiếc gối này có thể trông giống như chiếc gối bạn hay sử dụng khi nằm nghiêng, hoặc bạn có thể cuộn một chiếc khăn và đặt chúng dưới đầu gối. Bằng cách này bạn có thể tùy chỉnh nó vào mỗi đêm tùy thuộc vào cảm giác của bạn.
Lưu ý: Nếu bạn mắc chứng ngưng thở hay ngủ ngáy, có lẽ bạn nên nằm nghiêng. Tốt nhất chúng ta nên đến gặp bác sĩ nếu có những biểu hiện về sức khỏe nghiêm trọng.
Nằm sấp
Tư thế nằm sấp thường không được khuyến khích cho hầu hết mọi người. Những ai bị đau thần kinh tọa nên xem xét khi nằm ngủ ở tư thế này. Nằm sắp khiến lưng không được duỗi thẳng một cách tự nhiên, làm tăng cơn đau và khiến cơn đau có thể kéo dài lâu hơn.
Nếu có lý do bắt buộc phải ngủ ở tư thế nằm sấp, hãy đặt một chiếc gối ở dưới vùng bụng để cơ thể được thoải mái khi ngủ hơn.
Hy vọng bài viết trên đã đưa ra các lời khuyên hữu ích để bạn có thể chọn được một chiếc nệm ưng ý cho chính mình hoặc người thân, bạn bè bị mắc chứng đau dây thần kinh tọa.
Nguồn tham khảo: sleepadvisor