ảnh hưởng của giấc ngủ đến khả năng miễn dịch

Khoa học giấc ngủ

Sự ảnh hưởng của giấc ngủ đến khả năng miễn dịch

Kieu Tien
15/11/2021

Hệ miễn dịch giúp chúng ta chống lại các mầm bệnh từ môi trường sống, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sức khoẻ tổng thể. Vậy giấc ngủ có ảnh hưởng như thế nào đến hệ miễn dịch của con người? Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng giấc ngủ và hệ miễn dịch có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, bài viết này chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu về mối quan hệ ấy.

Mối quan hệ giữa giấc ngủ và hệ miễn dịch

Một nghiên cứu vào năm 2019 được lấy từ Trung tâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ đã khẳng định giấc ngủ và hệ miễn dịch có mối quan hệ hai chiều. 

Khi hệ miễn dịch bị phá vỡ sẽ tạo điều kiện cho các tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể gây suy nhược và khiến con người luôn phải cảm thấy mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần. Điều này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trạng thái và chất lượng giấc ngủ.

Ngược lại, khi ngủ không đủ giấc hay mất ngủ, chúng ta sẽ phải bắt đầu ngày mới trong một trạng thái uể oải, mệt mỏi. Không những vậy cảm giác buồn ngủ sẽ luôn thường trực, suy nghĩ chậm chạp, kém sáng tạo và stress kéo dài. Hơn thế nữa, giấc ngủ không đảm bảo sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến sức khỏe bị ảnh hưởng trầm trọng và vô tình tạo nên lỗ hổng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể.

giấc ngủ và hệ miễn dịch
Giấc ngủ và hệ miễn dịch có mối quan hệ chặt chẽ

Hệ miễn dịch hoạt động như thế nào?

Hệ miễn dịch xuất hiện ở khắp cơ thể và liên quan mật thiết đến nhiều loại tế bào, cơ quan, protein và mô. Đây là một mạng lưới vô cùng phức tạp và hoạt động ăn ý với nhau. Điểm đặc biệt là hệ miễn dịch có thể phân biệt mô của cơ thể với các mô ngoại lai, các tế bào bị vô hiệu hoá, chết hay hỏng cũng được hệ miễn dịch nhận dạng và loại bỏ ra ngoài. 

Có hai loại miễn dịch chính là miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích ứng. 

  • Miễn dịch bẩm sinh: mỗi người sinh ra đều được trang bị sẵn một hệ miễn dịch, đó gọi là miễn dịch bẩm sinh. Hệ miễn dịch này có tác dụng tấn công các yếu tố gây hại ngay khi chúng xâm nhập vào cơ thể, vì vậy chúng được ví như tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại mầm bệnh, đó là da, màng nhầy ở cổ họng và ruột…

Tuy nhiên, phản ứng này cơ bản và không đặc hiệu. Vì vậy, các mầm bệnh vẫn có thể tìm cách né tránh tuyến phòng thủ này và khi đó, miễn dịch thích nghi sẽ phát huy tác dụng.

  • Miễn dịch thích ứng: Đây là một loại miễn dịch được hình thành theo thời gian. Khi chúng ta đã tiếp xúc với mầm bệnh hay việc được tiêm vắc-xin đã tạo ra cho cơ thể một lượng kháng thể vừa đủ để chiến đấu với các mầm bệnh khác nhau. Quá trình này có tên là tạo bộ nhớ miễn dịch vì hệ thống miễn dịch có khả năng nhớ những kẻ thù trước đó. 
hoạt động của hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch có tác dụng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của tác nhân nguy hại

Thành phần quan trọng nhất trong hệ miễn dịch là bạch cầu. Với tác dụng phát hiện – xác định – tấn công – loại bỏ các mầm bệnh ra khỏi cơ thể, giúp chúng ta cảm thấy được bảo vệ và an toàn hơn trong quá trình tương tác với môi trường hàng ngày. 

Vậy bạch cầu hoạt động như thế nào? Khi tế bào bạch cầu phát hiện có một mầm bệnh lạ xâm nhập vào bên trong cơ thể, bạch cầu sẽ giải phóng các cytokine để cho các tế bào bạch cầu khác chuẩn bị tấn công ngược lại mầm bệnh. 

Cytokine là các protein đóng vai trò là cầu nối cho miễn dịch và thường biểu hiện các mức độ phản ứng như viêm, đỏ hoặc miễn dịch, histamine chính là loại hoá chất tham gia vào sự phản ứng này. Các cytokine có thể hoạt động tuần tự, phối hợp hoặc đối kháng. Chúng có thể hành động theo cách tự tiết hoặc cận tiết.

Khi mọi quá trình được hoạt động tối ưu, hệ thống miễn dịch sẽ duy trì được sự cân bằng hoàn hảo. Có nghĩa là chỉ cần phát hiện ra một mối đe dọa với cơ thể, hệ miễn dịch sẽ lập tức được kích hoạt và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong vai trò bảo vệ cơ thể.

Điều quan trọng giúp quá trình ấy được vận hành trơn tru chính là hệ thống miễn dịch phải đủ mạnh để tìm và tấn công các mối đe dọa tiềm ẩn. Tuy nhiên, hệ miễn dịch cũng cần được tạo điều kiện để có thể đảm bảo hoạt động trong trạng thái tốt nhất của cơ thể.

Ảnh hưởng của giấc ngủ đến hệ miễn dịch của cơ thể

Như đã được đề cập, giấc ngủ có mối quan hệ chặt chẽ với hệ miễn dịch của cơ thể. Ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc và ngủ sâu chính là điều kiện cần để có một hệ miễn dịch hoạt động tốt tối ưu.

Ngủ đủ giấc sẽ tạo điều kiện cho hệ miễn dịch luôn khoẻ

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ giúp tăng cường khả năng ghi nhớ của hệ miễn dịch. Các thành phần trong hệ miễn dịch đã có sự tương tác với nhau trong khi cơ thể đang chìm vào giấc ngủ. Sự tương tác này nhằm mục đích giúp hệ miễn dịch củng cố khả năng ghi nhớ cách nhận biết và phản ứng với các kháng nguyên nguy hiểm.

tác động của giấc ngủ với hệ miễn dịch
Ngủ đủ giấc giúp cơ thể tràn đầy năng lượng và hệ miễn dịch khỏe mạnh

Cụ thể, trong khi ngủ, nhịp thở và các hoạt động của cơ được điều hoà và chậm lại, do đó sẽ tạo sự giải phóng năng lượng cho hệ miễn dịch thực hiện những nhiệm vụ sau:

  • Sản sinh một loại hormone có tên là Melatonin vào ban đêm. Loại hormone này có tác dụng điều hòa giấc ngủ, hỗ trợ giấc ngủ và củng cố nhịp sinh học. 
  • Cải thiện chức năng tế bào T hay còn gọi là tế bào lympho T, là một loại phân lớp của bạch cầu. Khi giấc ngủ kém chất lượng sẽ sinh ra hormone căng thẳng có thể gây ức chế khả năng của các tế bào T hoạt động hiệu quả. Nồng độ cao của các hormone căng thẳng có thể làm giảm hiệu quả đáp ứng miễn dịch của tế bào này.
  • Tăng cường sự bài tiết các vi khuẩn có lợi cho cơ thể. Tác dụng chính của các loại vi khuẩn này đó là nâng cao sức đề kháng, tăng cường khả năng phòng thủ cho hệ miễn dịch. Một phép so sánh của các chuyên gia nghiên cứu nước ngoài giữa người mất ngủ với người ngủ đủ giấc và kết quả đã chỉ ra rằng: số lượng các vi khuẩn có lợi trong cơ thể của những người mất ngủ ít hơn so với những người không bị mất ngủ rất nhiều lần.

Giấc ngủ ảnh hưởng đến tác dụng của vắc-xin

Một đêm ngon giấc trước và sau khi tiêm vắc- xin có thể tối ưu hóa phản ứng hệ miễn dịch. Việc tiêm vắc xin chính là đưa vào cơ thể một loại kháng nguyên bị suy yếu hoặc vô hiệu hoá nhằm kích hoạt hệ thống miễn dịch. Bằng cách đó cơ thể sẽ dễ dàng nhận biết và tấn công các mầm bệnh gây hại (mầm bệnh chứa kháng nguyên có hại).

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định hiệu quả của vắc-xin khi đã được tiêm vào cơ thể. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng khi mọi người không ngủ hoặc bị thiếu ngủ vào đêm đầu tiên sau khi tiêm vắc-xin sẽ dẫn đến phản ứng miễn dịch của cơ thể sẽ yếu hơn. Thậm chí có thể phải tiêm lại do hiệu quả của thuốc chưa thể đảm bảo để cơ thể có thể ghi nhớ kháng nguyên.

tác động của giấc ngủ với vacxin
Mất ngủ sẽ làm giảm hiệu quả của vắc-xin

Phương pháp cải thiện giấc ngủ nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch

Để duy trì chất lượng giấc ngủ, bạn nên rèn luyện những thói quen có ích cho cơ thể như:

  • Thực hiện một lịch trình ngủ nhất quán;
  • Các bài tập nhẹ nhàng như Yoga, thái cực quyền, thiền, tập thể dục sẽ giúp bạn ngủ ngon giấc hơn.
  • Đọc sách, nghe nhạc, để giảm căng thẳng trước khi ngủ;
  • Đảm bảo môi trường phòng phủ thoải mái và không khí trong lành;
  • Không sử dụng điện thoại, máy tính bảng, thiết bị điện tử trước khi đi ngủ;
  • Không sử dụng đồ uống chứa cafein và không ăn quá no trước khi đi ngủ. 
cách cải thiện giấc ngủ
Rèn luyện những thói quen để luôn có một cơ thể khỏe mạnh

Giấc ngủ có tầm quan trọng đặc biệt đối với hệ miễn dịch của cơ thể và ngược lại. Đây là mối quan hệ chặt chẽ vì vậy để luôn khỏe mạnh và dồi dào năng lượng giấc ngủ luôn cần được bạn chăm sóc chu đáo nhất. 

Tài liệu tham khảo: