Sức khỏe và giấc ngủ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Những vấn đề tiêu cực về giấc ngủ như thiếu ngủ, mất ngủ…không chỉ mang lại cho bạn những phiền toái mà còn là dấu hiệu cho thấy sức khoẻ của bạn đang có vấn đề. Hãy cùng Ngủ Ngon Sống Trọn tìm hiểu về chủ đề tình trạng giấc ngủ nói gì về sức khoẻ nhé.
Nội dung chính
Khó ngủ, mất ngủ
Giấc ngủ của một người bình thường được kéo dài từ 7-8 giờ mỗi đêm. Một giấc ngủ chất lượng là phải đáp ứng được các tiêu chí: ngủ đủ giờ, ngủ sâu giấc, không thức quá khuya và quan trọng nhất là cảm thấy khoẻ khoắn, sảng khoái khi thức giấc.
Tuy nhiên, thời lượng ngủ sẽ giảm dần theo sự lớn dần của tuổi tác. Theo bác sĩ Shannon Makekau, Giám đốc trị liệu của trung tâm Phổi học và Giấc ngủ, 1/3 người trưởng thành đều gặp phải tình trạng mất ngủ. Trong đó, có đến 10-15% trong số đó đối mặt với chứng mất ngủ kinh niên.
Mất ngủ bao gồm các tình trạng khó ngủ, ngủ không ngon giấc, thức dậy nhiều lần trong khi ngủ và khó ngủ lại, thức dậy sớm, không thấy tỉnh táo hoặc thấy mệt sau khi thức dậy.
Nếu không phải là những nguyên nhân như sử dụng caffeine; căng thẳng; ăn quá no; có quá nhiều ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, độ ẩm… khiến bạn mất ngủ thì rất có thể sức khỏe của bạn đang gặp các vấn đề sau:
- Bệnh dị ứng: Đường mũi bị tổn thương và kích hoạt sản xuất các chất gây nghẹt mũi. Do đó, bạn sẽ cảm thấy khó khăn khi thở và điều này làm gián đoạn giấc ngủ của bạn.
- Bệnh viêm khớp: Bệnh gây ra cảm giác đau nhức, khiến người bệnh lo lắng không ngủ được. Ngược lại, việc mất ngủ lại càng củng cố cho tình trạng này thêm nặng. Vì vậy, giấc ngủ và bệnh viêm khớp có tác động lên nhau tạo thành vòng luẩn quẩn.
- Bệnh tim: Động mạch vành và các bệnh lý khác liên quan đến tim mạch và phổi đều là những nguyên nhân khiến bạn mất ngủ.
- Các vấn đề về tuyến giáp: Tuyến giáp hoạt động quá mức làm cho người bệnh cảm thấy bồn chồn là tràn đầy năng lượng từ đó gây cản trở việc đi vào giấc ngủ, thậm chí khiến bạn không có cảm giác buồn ngủ.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất ngủ nhất là những người từ 45-64 tuổi. Những triệu chứng như ợ nóng, ợ hơi, ho, nghẹt thở, viêm nướu, đau họng, hôi miệng là những nguyên nhân gây ra mất ngủ.
- Thay đổi nội tiết tố: Phụ nữ trong độ tuổi 50 là giai đoạn mãn kinh và sự thay đổi nội tiết tố sẽ tác động trực tiếp đến giấc ngủ và gây ra mất ngủ.
Thường xuyên ngủ “nướng”
Ngủ “nướng” là việc bạn tắt báo thức và tiếp tục chìm vào giấc ngủ. Bạn muốn duy trì giấc ngủ để thỏa mãn ham muốn thể xác của bản thân. Lý giải cho việc bạn không muốn thức giấc đúng giờ có thể là do cơ thể bạn quá mệt mỏi hay bạn ngại phải thức dậy và đối diện với những áp lực của ngày mới hoặc đơn giản đó chính là thói quen ngủ của bạn.
Dù là nguyên nhân gì thì đây cũng là một thói quen không tốt cho sức khỏe. Bên cạnh việc báo hiệu rằng cơ thể của bạn đang mệt mỏi hay bạn đang gặp phải tổn thương về tâm lý, việc ngủ nướng còn là nguyên nhân dẫn đến các tình trạng sức khoẻ sau:
- Béo phì: Các chuyên gia cho rằng, việc bạn ngủ từ 9-10 giờ mỗi đêm làm tăng nguy cơ béo phì lên 21% cho dù bạn có nỗ lực ăn kiêng và tập thể dục đều đặn. Trong thời gian ngủ, chất dinh dưỡng sẽ tích tụ thành mỡ thừa và gây ra tình trạng thừa cân.
- Đau đầu: Thức giấc sau giấc ngủ dài với cơn đau đầu là tình trạng không hiếm gặp. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là sự tác động của việc ngủ quá nhiều lên dây dẫn truyền thần kinh, bao gồm serotonin – hợp chất có khả năng giữ cho đầu óc cân bằng và thư giãn.
- Trầm cảm: Bên cạnh việc mất ngủ, ngủ nướng cũng là nguyên nhân khiến bạn bị trầm cảm. Khoảng 15% người gặp vấn đề này đến từ việc ngủ quá nhiều.
- Giảm trí nhớ, giảm thính lực: Việc ngủ dậy muộn làm đầu óc và tinh thần của bạn mất tập trung, mệt mỏi. Ngủ quá nhiều khiến bạn tiêu hao nhiều oxi khiến não bị thiếu dinh dưỡng tạm thời. Nếu tình trạng này thường xuyên diễn ra thì bạn sẽ có nguy cơ bị suy giảm trí nhớ và thính lực.
- Bệnh tiểu đường: Các chuyên gia sức khỏe khẳng định rằng ngủ ít hay nhiều đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Bệnh tim: Khi ngủ, nhịp tim, sự co bóp cơ tim và tuần hoàn máu giảm xuống. Do đó, nếu ngủ quá nhiều hoạt động của tim sẽ bị ảnh hưởng và dẫn đến các vấn đề như: huyết áp cao, xơ vữa động mạch, tim mạch vành…
- Tăng nguy cơ đột quỵ: Nghiên cứu được thực hiện trên 9000 người Mỹ độ tuổi từ 50-79 đã cho thấy những người ngủ trên 9 tiếng mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ cao hơn 70% so với người ngủ 7 tiếng.
Thức giấc với sự mệt mỏi
Sau một đêm ngủ đủ giấc từ 7-8 tiếng, thay vì chào đón ngày mới với cơ thể khỏe khoắn bạn lại cảm thấy mệt mỏi thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy một số vấn đề về sức khoẻ sau:
- Nếu thường xuyên thức giấc với sự mệt mỏi, thậm chí là nhức đầu và chóng mặt thì có thể do não bị thiếu oxy, máu lên não không đủ để phục vụ các hoạt động của não bộ hay cũng có thể là do mạch máu não hẹp.
- Cảm giác mệt mỏi sau khi thức dậy cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư giai đoạn đầu. Trong quá trình phát triển, tế bào ung thư cần lấy chất dinh dưỡng và điều này làm cơ thể cảm thấy mệt mỏi do thiếu hụt chất.
- Ngoài ra, nguyên nhân khiến bạn cảm thấy mệt mỏi sau khi thức dậy còn do khẩu phần ăn và thời gian ăn trước khi ngủ của bạn. Nếu bạn ăn quá nhiều chất béo bão hoà, đường và ăn quá khuya sẽ khiến hệ tiêu hoá phải hoạt động để tiêu thụ thức ăn trong lúc ngủ. Cơ thể không được nghỉ ngơi đã làm cho bạn cảm thấy uể oải.
Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên trong một thời gian dài, bạn nên tìm đến bác sĩ có chuyên môn để nhận được lời khuyên hữu ích.
Đọc thêm: Tại sao rất khó thức dậy sau khi ngủ? Có liên quan gì đến quán tính giấc ngủ?
Giật mình khi ngủ
Giật mình khi ngủ thường xảy ra khi bạn đi vào giấc ngủ quá nhanh. Trong giai đoạn đầu của giấc ngủ, nhịp tim và hơi thở sẽ chậm dần nhưng khi cơ thể bạn quá mệt mỏi thì giai đoạn này sẽ diễn ra nhanh hơn. Chính vì lý do đó khiến não xảy ra phản ứng với một cú giật hoá học và làm bạn giật mình khi ngủ.
Bên cạnh đó, giật mình trong khi ngủ còn báo hiệu rằng cơ thể của bạn đang trong tình trạng thiếu canxi. Không chỉ đóng vai trò quan trọng với xương và răng, canxi còn góp phần quan trọng trong hệ thần kinh và hoạt động co giãn linh hoạt của tim mạch, cơ bắp.
Thiếu canxi sẽ gây ra hiện tượng cơ cơ và dây thần kinh, điều đó dẫn đến hiện tượng giật mình khi ngủ. Ngoài ra, nếu cơ thể thiếu một số chất như magie, vitamin B12 cũng khiến bạn bị giật mình trong lúc ngủ.
Ngáy khi ngủ
Ngáy khi ngủ, thở dốc, thở ngắt quãng trong khi ngủ là các triệu chứng cho thấy bạn đang có vấn đề về đường hô hấp. Không những vậy, hệ hô hấp yếu còn làm cho cơ thể bạn mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày, khô họng, đau họng và đau đầu vào sáng hôm sau thậm chí còn gây ra trầm cảm, rối loạn trí nhớ.
Ngoài ra, ngủ khi ngáy còn là dấu hiệu của các bệnh về tim và tiểu đường. Do đó, nếu bạn thường xuyên “ngủ ngáy” cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Tiểu đêm
Tiểu đêm nhiều lần khi không được khắc phục sớm sẽ làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi, sức khoẻ suy nhược và ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất làm việc của bạn. Bên cạnh đó, việc tiểu đêm thường xuyên còn nói lên các vấn đề về sức khoẻ như:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Qua niệu đạo, vi khuẩn xâm nhập bàng quang gây nhiễm trùng đường tiết niệu và gây ra tiểu nhiều và một số triệu chứng khác.
- Suy thận mạn tính: Với những bệnh nhân suy thận mãn tính giai đoạn đầu, tình trạng giảm chức năng cô đặc nước tiểu có thể gây ra chứng tiểu đêm và đi tiểu nhiều lần trong ngày.
- Bệnh sỏi thận và các dị vật đường tiết niệu: Khi sỏi hoặc một số dị vật cọ xát làm cổ bàng quang bị kích thích có thể dẫn đến tình trạng tiểu nhiều lần.
- Đột quỵ và bệnh thần kinh: Dây thần kinh chi phối hoạt động của bàng quang bị tổn thương sẽ dẫn đến hiện tượng tiểu nhiều lần thậm chí tiểu đột ngột.
- Ung thư bàng quang: Bệnh nhân có khối u trong bàng quan gây chèn ép bàng quang, vì thế thường xuyên phải đi tiểu ban ngày và ban đêm.
Giấc ngủ chất lượng là điều kiện tiên quyết làm nên một sức khỏe tốt. Vì vậy, nếu gặp phải một trong những tình trạng giấc ngủ trên thì bạn hãy nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ nhé.
Nguồn tham khảo: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/mat-ngu-la-dau-hieu-cua-benh-gi/