Rối loạn cảm xúc theo mùa

Khoa học giấc ngủ

Rối loạn cảm xúc theo mùa gây hại đến giấc ngủ như thế nào?

Tôn Vân
25/03/2022

Nếu bạn đang gặp phải tình trạng khó kiểm soát cảm xúc của chính mình, sự lên xuống thất thường của tâm trạng ảnh hưởng tới tinh thần làm việc của bạn, nhất là khi chúng biểu hiện rõ rệt theo mùa: xuân, hạ, thu, đông thì có lẽ bạn đang mắc phải chứng rối loạn cảm xúc theo mùa. Vậy đây có phải là một căn bệnh không và nó có ảnh hưởng như thế nào tới giấc ngủ và cuộc sống của bạn? Hãy cùng Ngủ Ngon Sống Trọn tìm hiểu câu trả lời nhé.

Rối loạn cảm xúc theo mùa là gì?

Rối loạn cảm xúc theo mùa còn được gọi với cái tên là rối loạn cảm xúc SAD. Đây là một dạng bệnh trầm cảm theo mùa, hàng năm, chúng đều bắt đầu vào cùng một thời điểm.Theo thống kê cho thấy, những người bị rối loạn cảm xúc theo mùa thường bắt đầu các triệu chứng của bệnh vào mùa thu và tiếp diễn trong những tháng mùa đông và kết thúc ở mùa xuân hoặc mùa hè. Mặc dù ít xuất hiện vào hai mùa đầu năm nhưng không phải là hoàn toàn không có. 

Rối loạn cảm xúc theo mùa
Rối loạn cảm xúc theo mùa là căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe

Bạn có thể là bệnh nhân của căn bệnh rối loạn cảm xúc theo mùa nếu: 

  • Bạn là nữ: SAD phổ biến hơn ở nữ giới gấp 4 lần so với nam giới.
  • Độ tuổi: những người trẻ tuổi từ 18 – 30 tuổi.
  • Bệnh lý: có tiền sử rối loạn trầm cảm nặng hoặc rối loạn lưỡng cực (còn gọi là rối loạn tâm thần)
  • Di truyền: gia đình có tiền sử về SAD
  • Khu vực địa lý: Rối loạn cảm xúc theo mùa phổ biến ở những nơi xa về phía bắc hay phía nam của xích đạo

Bên cạnh đó, dù các nghiên cứu chỉ ra rằng nữ giới dễ mắc rối loạn cảm xúc theo mùa hơn nam giới nhưng khi những người đàn ông mắc bệnh biểu hiện ở họ sẽ tồi tệ hơn.

Nguyên nhân gây ra rối loạn cảm xúc theo mùa?

Nguyên nhân của rối loạn cảm xúc theo mùa được lý giải là do sự mất cân bằng sinh hóa trong bộ não của con người. Sự mất cân bằng này xảy đến khi có sự rút ngắn thời gian nắng vào ban ngày, đây cũng chính là lý do lý giải cho câu hỏi tại sao rối loạn cảm xúc theo mùa lại phổ biến vào mùa thu và mùa đông.

Tiến sĩ W. Chris Winter, một chuyên gia y học về giấc ngủ và là tác giả của The Sleep Solution giải thích: “Có sự tác động qua lại mạnh mẽ giữa việc tiếp xúc với ánh sáng và một số hóa chất trong não ảnh hưởng đến tâm trạng và giấc ngủ, chẳng hạn như serotonin, dopamine, norepinephrine và melatonin”.

cơ thể thiếu tiếp xúc với ánh sáng đủ nhiều
Nguyên nhân chính được cho là cơ thể thiếu tiếp xúc với ánh sáng đủ nhiều

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng việc thiếu ánh sáng mặt trời có thể là nguyên nhân trọng yếu gây ra SAD. Mỗi võng mạc của bạn đều chứa các tế bào thụ cảm ánh sáng, khi được kích hoạt, sẽ có một loạt các phản ứng hóa học đánh thức bạn. Ngược lại, nếu không có đủ ánh sáng, não của bạn sẽ không làm tốt vai trò của mình và không nhận thức được ngày-đêm.

Điều này cũng gây ra một loạt các vấn đề nghiêm trọng như: 

  • Tăng melatonin: thiếu ánh sáng mặt trời có thể khiến cho cơ thể sản xuất quá mức melatonin, khiến cơ thể luôn có cảm giác thiếu ngủ và buồn ngủ, giảm năng lượng làm việc. 
  • Giảm serotonin: serotonin là chất dẫn truyền thần kinh có trách nhiệm điều hoà tâm trạng. Khi cơ thể không được hấp thụ đủ ánh sáng mặt trời, hoạt động của  serotonin giảm mạnh. 
  • Nhịp sinh học: những thay đổi trong melatonin và serotonin có thể thay đổi nhịp sinh học và khiến cơ thể khó thích nghi với những thay đổi theo mùa. 
  • Thiếu vitamin D: khi ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cơ thể bạn sản xuất ít vitamin D hơn, hỗ trợ hoạt động của serotonin. 

Các triệu chứng của rối loạn cảm xúc theo mùa

bệnh trầm cảm lâm sàng
Các triệu chứng của rối loạn cảm xúc theo mùa có thể gần giống với triệu chứng của bệnh trầm cảm lâm sàng.

Các triệu chứng của rối loạn cảm xúc theo mùa có thể gần giống với triệu chứng của bệnh trầm cảm lâm sàng. Các triệu chứng này thường xuất hiện nhiều hơn vào hai mùa cuối của năm. Tuy nhiên, với những người hàng ngày phải làm việc trong tòa nhà ít ánh sáng, ít cửa sổ thì có thể xuất hiện những triệu chứng này quanh năm.

Các triệu chứng gợi ý rối loạn cảm xúc theo mùa thu đông thường là:

  • Luôn cảm thấy mệt mỏi, muộn phiền.
  • Không còn hứng thú với những hoạt động hàng ngày, dần mất đi sự quan tâm đến những sự vật, hiện tượng xung quanh.
  • Khép mình với mọi người, ngại giao lưu
  • Tăng cảm giác thèm ăn những thực phẩm có hàm lượng carbohydrates cao
  • Tăng cân
Mệt mỏi
Mệt mỏi là một biểu hiện của rối loạn cảm xúc theo mùa

Tuy nhiên, không phải ai mắc chứng rối loạn cảm xúc theo mùa cũng xuất hiện đầy đủ các triệu chứng trên. Với một số người, họ có thể chỉ xuất hiện một biểu hiện duy nhất, do đó không dễ gì để có thể nhận ra căn bệnh này có đang tồn tại trong cơ thể của mình không.

Bên cạnh đó, một số bệnh nhân lại phát bệnh vào mùa hè thay vì xuất hiện các triệu chứng vào mùa thu, đông. Ở thời điểm này, các triệu chứng thường gặp là:

  • Mất ngủ, khó ngủ
  • Chán ăn
  • Sụt cân
  • Hay bối rối, lo âu
  • Gia tăng ham muốn tình dục.
Mất ngủ
Mất ngủ là biểu hiện của căn bệnh vào mùa xuân – hè

Với một số người, khi bệnh xuất hiện vào mùa xuân và màu hè họ có thể gặp các triệu chứng khác thiên về sự hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ tương tự như một dạng rối loạn lưỡng cực với các biểu hiện như:

  • Tâm trạng hưng phấn, nâng cao liên tục
  • Thường bị kích động, có những biểu hiện hiếu động thái quá
  • Suy nghĩ nhanh và nói nhanh
  • Tăng cường hoạt động xã hội.
  • Không kiềm chế được xúc cảm và nhiệt tình với mọi hoàn cảnh

Sự ảnh hưởng của chứng rối loạn cảm xúc theo mùa

Theo BMC Medicine – tạp chí y khoa nổi tiếng hàng đầu thế giới đánh giá rằng, có từ 2/3 đến 3/4 số người bị SAD mắc chứng mất ngủ, chất lượng giấc ngủ sụt giảm. Nicole Avena, Ph.D phó giáo sư khoa học thần kinh tại Trường Y Mount Sinai, giải thích thêm: “Tương tự như trầm cảm mãn tính, SAD có thể dẫn đến buồn ngủ và mệt mỏi vào ban ngày và khiến những người mắc phải căn bệnh này ngủ lâu hơn vào ban đêm. Thêm vào đó, nó cũng có thể gây ra sự gia tăng các cơn ác mộng và giấc ngủ rời rạc, chập chờn.

chất lượng giấc ngủ
Rối loạn cảm xúc theo mùa gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng cho chất lượng giấc ngủ

Điều tồi tệ hơn, việc khó ngủ và trằn trọc suốt đêm có thể làm tăng các triệu chứng khác. SAD có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ, cùng với đó là kéo theo một loạt các triệu chứng bất thường như:

  • Giảm hoạt động xã hội 
  • Mất năng lượng và tăng cảm giác mệt mỏi  
  • Tăng cảm giác thèm ăn hoặc ưa thích các thực phẩm giàu carbohydrate, điều này có thể dẫn đến ăn quá nhiều và tăng cân 

Bên cạnh đó, rối loạn cảm xúc theo mùa nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể trở nên trầm trọng hơn và dẫn đến các vấn đề:

  • Hình thành suy nghĩ tiêu cực và thôi thúc hành vi tự tử;
  • Sống kín, không muốn mở rộng mối quan hệ
  • Thường xuyên gặp vấn đề trong cuộc sống và bế tắc
  • Lạm dụng chất kích thích.

Điều trị chứng rối loạn cảm xúc theo mùa như thế nào?

Căn bệnh đến vào mùa thu, đông
Căn bệnh đến vào mùa thu, đông thì sẽ tự kết thúc khi mùa xuân đến

Có thể bạn sẽ hình thành một suy nghĩ đơn giản rằng: căn bệnh đến vào mùa thu, đông thì sẽ tự kết thúc khi mùa xuân đến. Đó là một cách chữa trị phi khoa học và không có lý do gì để bạn phải chịu đựng sự dày vò của căn bệnh này suốt 6 tháng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra những biện pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng này. Cùng tham khảo một số phương pháp dưới đây nhé.

Tăng thời lượng tiếp xúc với ánh sáng

Tiếp xúc với ánh sáng là một cách hiệu quả nhất để hạn chế tác hại của rối loạn cảm xúc theo mùa gây ra cho cơ thể. Một số cách giúp bạn có thể được tiếp xúc với ánh sáng nhiều hơn: 

  • Mở rèm cửa và đón ánh sáng ban mai
  • Kích thích các hoạt động ngoài trời
  • Sử dụng hộp trị liệu bằng ánh sáng chuyên dụng hoặc đèn SAD  
Tắm nắng
Tắm nắng là một phương pháp điều trị hiệu quả

Tuy nhiên, không phải thời điểm nào trong ngày việc tiếp xúc với ánh sáng cũng đều tốt. Bạn nên tránh việc tiếp xúc này vào buổi tối hoặc trước giờ đi ngủ. Việc giảm độ sáng đèn trong nhà sẽ giúp cơ thể bạn nhận biết rằng đã đến lúc chuẩn bị đi ngủ.

Và quan trọng nhất, trước khi đi ngủ khoảng 1 giờ đồng hồ, hãy tránh xem TV hoặc sử dụng máy tính, điện thoại cũng như máy tính bảng. Các thiết bị này đều phát ra ánh sáng xanh lam, mà các cơ quan cảm thụ ánh sáng của mắt.

Liệu pháp ánh sáng

Với những triệu chứng nặng và ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống thì tốt hơn hết bệnh nhân nên chọn liệu pháp ánh sáng để trị liệu. Liệu pháp ánh sáng còn gọi là phototherapy được chứng minh là một phương pháp cực kỳ hiệu quả. Với liệu pháp này, người bệnh sẽ được tiếp xúc với ánh sáng rất chói từ một nguồn phát sáng huỳnh quang đặc biệt trong khoảng từ 30-90 phút mỗi ngày.

Làm cho môi trường trong nhà có nắng ấm chiếu và
Làm cho môi trường trong nhà có nắng ấm chiếu vào và sáng hơn, kéo rèm, thêm cửa sổ trần

Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng các biện pháp khác như: 

  • Trị liệu tâm lý
  • Chỉ định các thuốc chống trầm cảm
  • Thay đổi thói quen sống: làm cho môi trường trong nhà có nắng ấm chiếu vào và sáng hơn, kéo rèm, thêm cửa sổ trần và cắt tỉa cành cây chặn ánh sáng mặt trời.
  • Liệu pháp khác: Châm cứu, Yoga, thiền, massage trị liệu…

Hoạt động hiệu quả vào ban ngày

Việc bạn học tập và làm việc hết mình sẽ giúp cơ thể cảm thấy hưng phấn hơn với công việc và khiến bạn đốt cháy nguồn năng lượng mặc dù có thể sẽ làm bạn cảm thấy mệt mỏi. Nhưng đó lại chính là kết quả mà phương pháp này mong muốn.

Khi nguồn năng lượng bị đốt cháy tối đa vào ban ngày thì giấc ngủ về đêm của bạn sẽ thực sự có chất lượng. Giấc ngủ của bạn sâu hơn và bạn sẽ được trải qua các chu kỳ của giấc ngủ, giúp cơ thể được tái tạo nguồn năng lượng mới và giúp cho tinh thần của ngày hôm sau trở nên tích cực hơn.

àm việc hết mình
Hãy làm việc hết mình vào ban ngày

Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)

Trong số các phương pháp phổ biến nhất, liệu pháp tốt nhất được giới khoa học giới thiệu là liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), một hình thức trị liệu tâm lý tập trung vào việc loại bỏ các kiểu suy nghĩ tinh thần không lành mạnh và thay thế chúng bằng các suy nghĩ và hành động tích cực. CBT cũng có hiệu quả cao trong việc điều trị các vấn đề về giấc ngủ liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Tìm kiếm tư vấn của bác sĩ 

Một số nghiên cứu cho thấy tác dụng của việc bổ sung vitamin D và melatonin trong giai đoạn rối loạn cảm xúc theo mùa của có hiệu quả tích cực. Các nghiên cứu đã tìm thấy rằng những người bị trầm cảm thường có nồng độ vitamin D thấp vì vậy việc tăng cường vitamin D vào cơ thể là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, dùng thuốc chống trầm cảm tạm thời cũng có thể giúp giảm các triệu chứng của rối loạn cảm xúc theo mùa. Tuy nhiên, bạn cũng có thể thử dùng nhiều loại thuốc và liều lượng khác nhau để tìm được loại thuốc phù hợp nhất và phải chắc chắn rằng những loại thuốc bạn sử dụng là những chỉ định của bác sĩ.

Tìm kiếm lời khuyên của bác sĩ
Tìm kiếm lời khuyên của bác sĩ là một phương pháp hiệu quả

Tuy nhiên, mọi loại thuốc trước khi đưa vào cơ thể đều cần phải được thông qua sự chấp nhận của bác sĩ. Do đó, hãy tìm đến những tư vấn của bác sĩ càng sớm càng tốt.

Chăm chút giấc ngủ tốt hơn

Dù đang phải đối mặt với SAD thì các mẹo hàng ngày để có giấc ngủ ngon bạn vẫn có thể áp dụng thâm chí là áp dụng triệt để. Các cách giúp bạn thực hiện các mẹo này là: tạo thói quen đi ngủ thư giãn để giúp tinh thần được giải phóng áp lực, tránh dùng caffeine vào buổi tối, tuân thủ lịch trình ngủ của mình; giữ phòng ngủ của bạn ở nhiệt độ mát mẻ, thoải mái vào ban đêm.

Rối loạn cảm xúc theo mùa có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sức khoẻ và giấc ngủ của bạn, Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trên đây bạn đã có thể hiểu rõ hơn về căn bệnh này và tự trang bị cho mình những kiến thức phòng – chữa trị hợp lý.

Nguồn tham khảo: 

  • https://www.sleep.com/sleep-health/seasonal-affective-disorder
  • https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/roi-loan-cam-xuc-theo-mua-sad-nhung-dieu-can-biet/