Bí ẩn về những giấc mơ đã thu hút sự chú ý của con người trong hàng ngàn năm qua. Những câu hỏi đã được đặt ra xoay quanh bản chất cũng như mục đích của chúng. Liệu đó có phải là những thông điệp từ tiềm thức hay sự kìm nén những ham muốn? Hay đó chỉ là sự ngẫu nhiên và vô nghĩa của các tế bào thần kinh trong não?
Mãi cho đến gần đây thì các nhà khoa học mới tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này. Nghiên cứu hiện đại về giấc mơ bắt đầu từ việc phát hiện ra giấc ngủ REM (ngủ chuyển động mắt nhanh) vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Một vài năm sau đó, nghiên cứu tiết lộ rằng các giấc mơ trở nên sống động và đáng nhớ hơn trong giấc ngủ REM, và các nghiên cứu sau đó cho thấy chuyển động của mắt được ghi lại trong giấc ngủ REM phù hợp với hình ảnh giấc mơ được mô tả bởi những người tham gia nghiên cứu.
Hầu hết các giấc mơ xuất hiện để thể hiện quan điểm và sở thích của từng cá nhân. Mặc dù nội dung của những giấc mơ là chủ quan với những hình ảnh mà các nhà nghiên cứu không thể nhìn thấy được mà chỉ được nghe thuật lại từ người tham gia nhưng các tiến bộ khoa học về giấc ngủ đã và đang cho chúng ta nhiều hiểu biết hơn về những gì xảy ra trong giấc mơ. Câu trả lời cho câu hỏi tại sao chúng ta mơ không còn xa vời nữa.
Nội dung chính
Giấc mơ là gì?
Giấc mơ là một tập hợp các suy nghĩ không chủ tâm, hình ảnh trực quan cùng phản ứng cảm xúc xảy ra trong khi ngủ. Ngoài ra trong giấc mơ còn có âm thanh và cảm giác vật lý.
Từng được cho là chỉ diễn ra trong giai đoạn REM của giấc ngủ, giờ đây giấc mơ được biết đến là cũng xảy ra trong ba pha non-REM.
Giấc mơ được kích hoạt khi hoạt động bình thường của não thay đổi hoặc giảm đi lúc chúng ta ngủ. Giấc mơ bắt đầu khi tín hiệu từ vùng dưới đồi của não, nơi điều khiển sự tỉnh táo của chúng ta, không hoạt động. Giấc mơ bắt đầu từ khi chúng ta còn nhỏ và tăng lên về số lượng cũng như thời gian khi chúng ta trưởng thành.
Trung bình một người có thể mơ 3 đến 5 lần mỗi đêm, trong khi đó một số người có thể mơ đến 7 lần mỗi đêm. Hầu hết các giấc mơ kéo dài trong khoảng từ 15 đến 20 phút, một số chỉ kéo dài vài giây và nhiều người không thể nhớ được. Chúng ta dành ra khoảng 6 năm cuộc đời cho những giấc mơ.
Giấc ngủ REM và non-REM
Giấc mơ có thể bắt đầu ngay từ vài giây đầu tiên của giấc ngủ. Các giấc mơ này thường là sự lộn xộn của những suy nghĩ, hình hành và nhận thức cảm giác, hay được gọi là ảo giác thôi miên và nó có thể xen kẽ với những đoạn thức giấc ngắn ngủi.
Một khi cơ thể bắt đầu chuyển sang trạng thái ngủ, tế bào thần kinh trong não lóe sáng bất thường. Giấc mơ có thể xảy ra khi phần não xử lý tín hiệu thần kinh cố gắng hiểu ý nghĩa của các phản ứng vô tổ chức xảy ra trong khi ngủ.
Mặc dù giấc mơ có thể diễn ra trong cả 4 giai đoạn của giấc ngủ, bao gồm 3 giai đoạn non-REM, nhưng bản chất của giấc mơ có thể khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn chúng xảy ra.
Giấc ngủ non-REM
Trong giai đoạn ngủ non-REM, nhịp tim và huyết áp giảm đi, cơ bắp có thể co giật và sóng não chuyển từ sóng alpha của trạng thái thức sang sóng theta của trạng thái ngủ.
Ba giai đoạn của giấc ngủ non-REM chiếm khoảng 75% tổng thời gian ngủ và được mô tả như sau:
- N1: Đây là giai đoạn chuyển đổi giữa trạng thái ngủ và trạng thái thức.
- N2: Giấc ngủ ở giai đoạn này sâu hơn một chút. Hầu hết thời gian của giấc ngủ là ở giai đoạn này.
- N3: Đây còn được gọi là giấc ngủ sóng chậm, là giai đoạn ngủ sâu nhất và phục hồi nhanh nhất.
Thử nghiệm điện não đồ cho thấy sự xuất hiện của giấc mơ trong giai đoạn ngủ non-REM, mặc dù các giấc mơ ở đây kém sinh động và nội dung giấc mơ ít cảm xúc hơn. Những người tham gia nghiên cứu thường gặp khó khăn hơn khi nhớ lại những giấc mơ xảy ra tại một trong những giai đoạn của giấc ngủ non-REM.
Mặc dù bị đứt đoạn, những giấc mơ diễn ra trong giấc ngủ non-REM có thể liên quan mật thiết đến giấc ngủ REM. Các giấc mơ non-REM có xu hướng diễn ra vào những giờ sáng sớm, cũng là lúc giấc ngủ REM thường diễn ra, và nó được gây ra bởi sự kích hoạt của cùng một phần của bộ não được khơi dậy trong giấc ngủ REM.
Giấc ngủ REM
Hầu hết các giấc mơ diễn ra trong giấc ngủ REM, khi hoạt động của não gần giống với trạng thái thức giấc. Thêm vào đó, giấc ngủ REM được phân biệt nhờ chuyển động nhanh của mắt cũng như sự tê cứng của các cơ. Nhịp tim tăng lên so với các giai đoạn của giấc ngủ non-REM.
Hoạt động của não trong giấc ngủ REM cho thấy sóng não hỗn hợp gần giống ở trạng thái thức. Tương tự như bộ não khi thức giấc, trong giấc ngủ REM, sóng não biểu thị sự ít đồng bộ, nó hoạt động ngẫu nhiên nhiều hơn bao gồm cả ở các vùng bộ não xử lý thông tin cảm giác.
Những giấc mơ trong giấc ngủ REM có thể sống động hơn những gì diễn ra trong giấc ngủ non-REM nhờ sự kích hoạt vỏ não thị giác. Sự kích hoạt này có thể là trọng tâm bản chất của những giấc mơ, trong đó chúng được não nhìn thấy như việc hình ảnh được nhìn thấy khi còn thức.
Ngược lại, vỏ não trước trán, phần não chịu trách nhiệm về logic, ra quyết định và lập kế hoạch cho thấy sự giảm hoạt động trong suốt giấc ngủ REM cũng như non-REM. Việc không có khả năng suy luận trong giấc mơ có thể là lý do hầu hết mọi người không biết họ đang mơ.
Một người thức dậy trong giấc ngủ REM có nhiều khả năng ghi nhớ giấc mơ của mình hơn. Bằng chứng là trên điện não đồ, giấc mơ dựa trên trải nghiệm cuộc sống có xu hướng liên quan đến hoạt động của sóng theta trong giấc ngủ REM, điều này tiếp tục củng cố suy luận rằng giấc ngủ REM có liên quan đến việc xử lý cảm xúc và trí nhớ.
Hệ lưới hoạt hóa
Hệ lưới hoạt hóa (reticular activating system) hay RAS kiểm soát cả trạng thái ngủ và thức, cũng như phản ứng tự vệ. Lưới kích hoạt phản ứng cũng kiểm soát luồng thông tin đưa vào tâm trí ta một cách có ý thức, giúp chúng ta tách các tín hiệu cảm giác quan trọng cần chú ý và bỏ qua những gì ít quan trọng hơn.
RAS không chỉ chịu trách nhiệm đánh thức chúng ta vào buổi sáng mà còn kích hoạt bộ não nói chung. Hệ thống này bỏ qua những âm thanh nhỏ có thể làm phiền chúng ta khi ngủ, nhưng chú ý đến giờ thức dậy. Sự hoạt động của RAS có thể là lý do chúng ta cảm nhận được một số âm thanh và cảm giác nhất định trong giấc mơ ngay khi thức dậy, vì đó là khi sự kích thích của não và hệ thống xử lý cảm giác hoạt động.
Oneirology: Khoa học về những giấc mơ
Thuật ngữ oneirology (môn mộng học) xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là nghiên cứu về những giấc mơ. Mặc dù điều này nghe có vẻ giống như nghiên cứu về ý nghĩa của các giấc mơ, nhưng các nhà nghiên cứu không cố gắng diễn giải ý nghĩa của chúng. Thay vào đó, họ nghiên cứu quá trình sinh lý của giấc mơ.
Nghiên cứu giấc mơ liên quan đến việc tìm kiếm mối tương quan giữa chức năng não và phản ứng của giấc mơ, đặc biệt là mối liên hệ giữa giấc mơ, trí nhớ và rối loạn tâm lý.
Nghiên cứu về giấc mơ trở nên phổ biến hơn với việc phát hiện ra giấc ngủ REM và những bằng chứng về giấc mơ gia tăng trong giai đoạn ngủ này, khi bộ não gần giống trạng thái tỉnh táo nhất. Lĩnh vực này nghiên cứu về những gì ảnh hưởng đến giấc mơ, các cơ chế hoạt động đằng sau giấc mơ và giấc ngủ hoặc các rối loạn khác có thể ảnh hưởng đến giấc mơ .
Các nhà mộng học có thể phân tích sóng não trong giấc mơ trên điện não đồ hoặc nghiên cứu tìm ra các tác động lên giấc mơ của các loại thuốc và chất dẫn truyền thần kinh.
Vai trò của giấc mơ
Trong nhiều thế kỷ, con người đã cố gắng tìm hiểu và giải thích về những giấc mơ. Người Ai Cập cổ đại tin rằng giấc mơ thể hiện những thứ không thể tồn tại trong cuộc sống thực. Còn các tín đồ Kitô giáo ban đầu tin rằng những giấc mơ giúp hình thành một sợi dây liên kết với Chúa.
Sự ra đời của tâm thần học đã khiến chủ đề về những giấc mơ ngày càng được chú ý, và nó giúp giải thích những giấc mơ như một phương tiện để tiếp cận tâm lý con người. Trong cuốn sách The Interpretation of Dreams, Sigmund Freud cho rằng giấc mơ thể hiện những ham muốn bị kìm nén của con người.
Freud chia giấc mơ ra thành hai loại: nội dung rõ ràng và nội dung tiềm ẩn. Nội dung rõ ràng là nội dung thực tế của giấc mơ, bao gồm cả suy nghĩ và hình ảnh, trong khi nội dung tiềm ẩn mô tả ý nghĩa tâm lý tiềm thức của giấc mơ.
Freud và đồng nghiệp của mình, bác sĩ tâm thần Carl Jung, có một số trích dẫn nổi tiếng về những giấc mơ. Jung tin rằng giấc mơ là những thông điệp, và giấc mơ được lặp đi lặp lại là một cách để giải quyết những nỗi sợ hãi dai dẳng cũng như các vấn đề khác.
Jung cũng đưa ra giả thuyết rằng giấc mơ tiết lộ các nguyên mẫu phổ quát (universal archetypes experienced) mà tất cả mọi người và các nền văn hóa đều trải qua. Ông tin rằng những nguyên mẫu này, như ông già thông thái, lũ lụt, kẻ lừa đảo và bóng tối đã hình thành nên nền tảng của tất cả những câu chuyện và tôn giáo, và nó cũng có thể giải thích được giấc mơ.
Lý thuyết tổng hợp về giấc mơ
Được đề xuất bởi các bác sĩ tâm thần của Đại học Harvard là John Allan Hobson và Robert McCarley vào năm 1977, lý thuyết tổng hợp về các giấc mơ đã thừa nhận giả thuyết rằng hoạt động của bộ não trong giấc ngủ REM dẫn đến giấc mơ.
Theo Tiến sĩ Hobson, 5 đặc điểm cơ bản của giấc mơ bao gồm:
- Cảm xúc mãnh liệt
- Nội dung phi logic
- Ấn tượng giác quan rõ ràng
- Sự chấp nhận không điều kiện các sự kiện trong giấc mơ
- Việc nhớ lại khó khăn
Hobson và McCarley tin rằng giấc mơ được tạo ra bởi sự diễn giải ở mức cao của bộ não về chức năng của tâm trí nguyên thủy. Theo lý thuyết này, sự kích hoạt ở thân não trong giấc ngủ REM khiến các khu vực xung quanh cũng hoạt động theo. Chúng bao gồm các khu vực liên quan đến việc xử lý cảm xúc, tín hiệu cảm giác và trí nhớ.
Lý thuyết tổng hợp về giấc mơ cho rằng giấc mơ được tạo ra từ sự kích hoạt não này trong khi ngủ. Tiến sĩ Hobson tin rằng tâm trí sẽ luôn cố gắng làm cho hoạt động não có ý nghĩa, và hoạt động của não diễn ra trong khi ngủ cũng không phải ngoại lệ.
Trong những năm gần đây, lý thuyết tổng hợp về giấc mơ đã được cập nhật và thay đổi tên thành mô hình AIM. AIM là viết tắt của activation (hoạt hóa), input-output gating (cửa vào-ra) và modulation (sự điều biến). Mô hình này nhằm giải thích cách thức ý thức chuyển qua trạng thái thức giấc, giấc ngủ non-REM và giấc ngủ REM.
Mô hình AIM cho thấy giấc mơ và hoạt động của não bộ trong khi ngủ là rất cần thiết cho sự phát triển và vận hành của ý thức cũng như các chức năng quan trọng khác của não bộ như việc giải quyết vấn đề. Giấc mơ không chỉ là những gì bộ não làm khi nó không hoàn toàn tỉnh táo, nó còn là một phần không thể thiếu của ý thức.
Giấc mơ như một liệu pháp
Mặc dù không thể hiểu hoàn toàn bản chất và mục đích của giấc mơ do bản chất chủ quan của chúng, nhưng những kiến thức về bộ não trong giấc ngủ REM có thể chỉ ra một số khả năng thú vị có thể xảy ra.
Trung tâm của bộ nhớ và cảm xúc sẽ được kích hoạt lại trong giấc ngủ REM sau khi giảm đáng kể trong giấc ngủ non-REM. Ngoài ra, noradrenaline, một hoạt chất gây ra lo lắng, không có trong não ở giấc ngủ REM. Sự vắng mặt này tạo ra một môi trường tương đối thoải mái để xử lý cảm xúc hoặc ký ức nảy sinh trong giấc mơ.
Để chứng minh giả thuyết rằng giấc ngủ tác động đến quá trình xử lý cảm xúc, các nhà nghiên cứu đã cho một nhóm người trưởng thành xem những hình ảnh gây ra cảm xúc trong khi não của họ được quét trong máy MRI. Toàn bộ họ được tiếp xúc lại những hình ảnh đó 12 giờ sau, mặc dù chỉ một nửa số người tham gia có cơ hội ngủ giữa hai lần thí nghiệm.
Những người được ngủ thuật lại rằng phản ứng cảm xúc của họ giảm đi với những hình ảnh tương tự. Kết quả này cũng được hỗ trợ bởi kết quả quét MRI, cho thấy hoạt động giảm mạnh ở hạch não, nơi điều khiển các cảm xúc nguyên thủy như sợ hãi, lo lắng và kích động. Kết quả của những người được ngủ thì lại tương tự như kết quả ban đầu, kể cả ở hạch não.
Vậy làm thế nào để chúng ta biết giấc mơ có tác động lên kết quả thí nghiệm trên? Bởi vì chỉ nghiên cứu những ai đã ngủ và có giấc mơ mới cho thấy sự giảm hoạt động liên quan đến căng thẳng của não, vì vậy mới cho thấy khả năng giảm phản ứng trong thí nghiệm sau.
Hiệu ứng phục hồi giấc mơ
Sự phục hồi giấc mơ là sự xuất hiện của những suy nghĩ bị đè nén trong giấc mơ, đặc biệt là những suy nghĩ trong giấc ngủ REM. Ức chế suy nghĩ và cảm xúc đã được thể hiện trong nhiều nghiên cứu tác động đến giấc mơ, đặc biệt khi người ngủ đang có nhu cầu nhận thức lớn hơn do học các khái niệm mới hoặc ghi nhớ các chi tiết hoặc số.
Bởi vì các quá trình ức chế suy nghĩ thông thường không vững chắc trong giấc ngủ REM như khi chúng ta thức, nên bộ não có thể dễ dàng tiếp cận và khám phá những suy nghĩ bị ức chế hơn. Điều này có thể dẫn đến sự xuất hiện của những suy nghĩ và cảm xúc bị đè nén trong khi ngủ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng giấc mơ và cơn ác mộng tiêu cực có thể ít nhất là một phần kết quả của sự ức chế suy nghĩ .
Một số thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đã chỉ ra rằng những cơn ác mộng có thể được giảm nhẹ bằng cách giảm hoạt động ức chế suy nghĩ. Đối mặt với những suy nghĩ và hình ảnh đáng lo ngại trong khi thức thay vì cố gắng kìm nén chúng có thể hữu ích cho người gặp ác mộng, đặc biệt là một người mơ đi mơ lại những giấc mơ xấu.
Liệu pháp luyện tập hình ảnh, hay IRT, là một loại trị liệu hành vi nhận thức được thiết kế cho những người mắc chứng rối loạn tâm lý và hay mơ về những điều tiêu cực. Thay vì kìm nén những nỗi sợ hãi dẫn đến những cơn ác mộng, IRT giúp bệnh nhân đối diện với chúng. Mục tiêu của IRT là thay đổi tiến trình của những giấc mơ bằng cách giúp những người gặp ác mộng tái hiện những kết thúc yên bình hơn cho những cơn ác mộng và kiểm soát ý thức nội dung của những giấc mơ.
Ác mộng, nỗi sợ ban đêm và những giấc mơ xấu
Ác mộng là những giấc mơ bao gồm hình ảnh hoặc cảm xúc tiêu cực, và thường dẫn đến cảm giác sợ hãi hay lo lắng dữ dội. Chúng có thể khá sống động, và khiến người mơ thức dậy ngay lập tức.
Có đến 8% người trưởng thành hay gặp ác mộng thường xuyên. Ác mộng có thể được gây ra bởi một số yếu tố tâm lý, bao gồm căng thẳng, lo lắng, một số loại thuốc, rối loạn giấc ngủ hoặc giấc ngủ bị gián đoạn và rối loạn sức khỏe tâm thần. Tình trạng mệt mỏi và kiệt sức ở trạng thái thức có liên quan chặt chẽ với những cơn ác mộng trong khi ngủ.
Cái chết, sự nguy hiểm và mối quan tâm về sức khỏe là những chủ đề phổ biến của những cơn ác mộng. Chúng có nhiều khả năng xảy ra hơn những giấc mơ khác liên quan đến những kết thúc không vui, trong cùng chủ đề về sự thất bại và kích động. Cơn ác mộng có xu hướng xảy ra muộn hơn vào ban đêm trong giấc ngủ REM khi giấc mơ sống động nhất.
Ác mộng cũng có thể được gây ra bởi:
- Thuốc và dược phẩm
- Đồ ăn nhiều chất béo
- Rượu và đồ uống có cồn
- Việc cai nghiện thuốc
- Các cơn sốt
- Rối loạn giấc ngủ
- Rối loạn nhịp sinh học
Vệ sinh giấc ngủ tốt (sleep hygiene) có thể giúp cải thiện chất lượng và hiệu quả giấc ngủ, và do đó làm giảm tần suất của những cơn ác mộng. Điều này đòi hỏi một phòng ngủ tối, yên tĩnh, mát mẻ, tránh sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ, hạn chế sử dụng rượu, caffeine và đi ngủ đúng giờ.
Ác mộng và những giấc mơ xấu
Có gì khác biệt giữa những cơn ác mộng với những giấc mơ xấu? Thường thì đó là cảm xúc trải qua trong giấc mơ. Ác mộng có xu hướng được phân biệt bởi các yếu tố của sự gây hấn và sợ hãi về thể xác, trong khi những giấc mơ xấu thường liên quan đến những cảm xúc phổ biến đối với xung đột giữa các cá nhân. Những cảm xúc này bao gồm nỗi buồn, cảm giác tội lỗi, sự bối rối và cảm giác phẫn nộ.
Ác mộng cũng được phân biệt với những giấc mơ xấu bởi xu hướng đánh thức người ta khỏi giấc ngủ. Các nghiên cứu tiết lộ rằng những giấc mơ xấu phổ biến hơn những cơn ác mộng, xảy ra ở 10,8% số người được nghiên cứu so với 2,9% những người gặp ác mộng.
Ác mộng và rối loạn ác mộng
Còn được gọi với cái tên khác là rối loạn lo âu giấc mơ, rối loạn ác mộng có đặc trưng là những cơn ác mộng thường xuyên và nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Các dấu hiệu và triệu chứng của ác mộng là:
- Tỉnh giấc nhiều lần và nhớ rõ từng cơn ác mộng với mối đe dọa đến sự sống hay sự an toàn về tính mạng, thể chất
- Các cơn ác mộng thường diễn ra khi chợp mắt hay giai đoạn ngủ sâu
- Cảm giác cảnh giác khi thức giấc
- Cảm thấy lo âu và sợ hãi
- Hiệu quả công việc, học tập suy giảm
- Không sử dụng các loại thuốc điều trị nhưng vẫn bị rối loạn
Rối loạn ác mộng là một hội chứng hoặc rối loạn gây ra những trải nghiệm không mấy tốt đẹp trong khi ngủ và cả khi thức dậy. Nguyên nhân của nó tương tự như những cơn ác mộng thông thường. Hội chứng này có thể gây ra nỗi sợ ngủ, dẫn đến sự lo lắng và bệnh thiếu ngủ mãn tính.
Để điều trị rối loạn ác mộng có thể sử dụng thuốc, liệu pháp hành vi nhận thức hoặc là cả hai. Giao thức trị liệu bao gồm:
- Trị liệu bằng hình ảnh: bệnh nhân viết về cơn ác mộng của mình nhưng thay đổi các yếu tố của giấc mơ để làm nó tích cực hơn. Sau đó là nhẩm lại những giấc mơ đã sửa đó để các giấc mơ trong tương lai cũng có thể được thay đổi.
- Liệu pháp tự tiếp xúc: bệnh nhân dần dần tiếp xúc với các tình huống thường tạo ra sự sợ hãi và lo lắng.
- Liệu pháp mơ minh mẫn: bệnh nhân cố gắng nhận thức được những cơn ác mộng của họ trong khi ngủ và kết quả của giấc mơ có thể bị thay đổi.
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương và ác mộng
Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) xảy ra do chấn thương vật lý và tâm lý, thường gặp ở các cựu chiến binh hay những nạn nhân bị xâm hại tình dục. Rối loạn này có đặc trưng là những suy nghĩ dai dẳng cùng với những hồi tưởng về sự kiện gây tổn thương đến họ. Rối loạn này có liên hệ với chất dẫn truyền thần kinh serotonin, ảnh hưởng đến cả cảm xúc lẫn giấc ngủ.
Ác mộng xuất hiện ở phần lớn những người được chẩn đoán mắc PTSD, thậm chí còn phổ biến hơn ở những người mắc PTSD có tiền sử bị lo lắng hay hoảng loạn. PTSD có thể làm tăng phản ứng của hệ thống thần kinh, dẫn đến lo lắng tăng cao, mất ngủ và thức giấc thường xuyên. Xu hướng này đối với giấc ngủ bị gián đoạn có thể làm trầm trọng thêm các cơn ác mộng, trong khi sự mệt mỏi làm cảm giác chán nản và tuyệt vọng thêm trầm trọng.
Liệu pháp hành vi nhận thức đặc biệt cho PTSD có thể có hiệu quả trong điều trị các triệu chứng của rối loạn. Tiếp xúc với ký ức nhiều lần có thể làm giảm ảnh hưởng của những suy nghĩ, hình ảnh cũng như làm giảm bớt sự đau khổ của người mắc PTSD. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm một số loại thuốc hỗ trợ điều trị.
Sự sợ hãi vào ban đêm
Sự sợ hãi vào ban đêm là một hội chứng thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 2 đến 4 tuổi. Nó có thể gây ra một trong các triệu chứng sau:
- La hét hoặc quấy khóc trong giấc ngủ
- Đột ngột ngồi thẳng trên giường
- Giãy giụa hoặc quẫy đập trên giường
- Xuất hiện kích động trong khi ngủ hoặc sau khi thức dậy
- Các triệu chứng không thuyên giảm trong suốt đêm
- Xuất hiện bối rối khi thức dậy
- Mộng du hoặc ra khỏi giường
Trong khi một đứa trẻ gặp ác mộng dễ dàng tỉnh giấc, một đứa trẻ bị chứng sợ hãi vào ban đêm thường khó thức dậy hơn. Đứa trẻ đó cũng có thể tự làm mình bị thương trong khi ngủ hoặc đái dầm. Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết cho rằng nỗi sợ hãi vào ban đêm là do những thay đổi thông thường của trẻ nhỏ, chẳng hạn như không ngủ với bố mẹ nữa.
Các phương pháp điều trị chứng sợ hãi ban đêm bao gồm tỉnh giấc theo chu kỳ để tránh ngủ dài và mơ, sử dụng thuốc men hay một thiết bị rung nhẹ khi cảm nhận được hội chứng này bắt đầu, đánh thức đứa trẻ vừa đủ để làm gián đoạn chu kỳ của những cơn ác mộng.
Kết luận
Mặc dù giấc mơ vẫn còn là một bí ẩn nhưng nó đã phần nào được giải đáp. Chúng ta bây giờ có thể biết là giấc mơ xảy ra trong cả 4 giai đoạn của giấc ngủ, nó bắt đầu từ khi chúng ta phát triển trí não sớm và phần nào đó thể hiện những suy nghĩ bị đè nén. Mặc dù chúng ta không còn tin giấc mơ là biểu tượng của những ước muốn bị kìm hãm hay sự giao tiếp từ các vị thần, những giấc mơ ấy vẫn không ngừng truyền cảm hứng và làm chúng ra ngạc nhiên.
Bởi vì giấc mơ là riêng biệt, nó đại diện cho cuộc sống và mối quan tâm khác nhau của con người, chúng ta có thể không bao giờ hiểu được đầy đủ mục đích và ý nghĩa của chúng. Tuy nhiên, những tiến bộ khoa học về giấc ngủ và thần kinh học đã và đang cho chúng ta những cái nhìn rõ ràng hơn vào bản chất và quá trình diễn ra của những giấc mơ.
Nguồn tham khảo: https://sleepopolis.com/education/dreams/