Trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành, báo đài hàng ngày đều kêu gọi người dân phải tăng cường hệ miễn dịch, chống lại vi-rút. Bạn cố gắng ăn thật ngon, thật bổ, nhưng không biết cơ thể của mình có ổn không?
Vậy hệ miễn dịch là gì? Làm sao để tăng cường chúng? Nguyên nhân nào gây suy yếu hệ thống miễn dịch trong cơ thể? Hàng ngàn câu hỏi bủa vây tâm trí bạn. Đừng lo lắng, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sâu về chủ đề này nhé!
Nội dung chính
Hệ miễn dịch là gì?
Hệ miễn dịch (Immune System) được hình thành từ các cơ quan, bộ phận, mạng lưới tế bào và nhiều loại protein khác nhau trong cơ thể. Hệ thống miễn dịch hoạt động như một lá chắn, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe, như: vi trùng, vi khuẩn hay các độc tố được chúng tạo ra. Hệ thống miễn dịch sẽ tự động làm việc khi các kháng nguyên tiếp cận cơ thể. Kháng nguyên là các protein trên bề mặt vi khuẩn, vi rút và nấm… ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Các tế bào của hệ thống miễn dịch được phân bố khắp nơi trên cơ thể, gồm: Hạch bạch tuyết, mạch bạch tuyết, tủy xương, tuyến ức, màng nhầy dịch vị của ruột, và lách…
Hệ thống miễn dịch có 2 phần chính là: Hệ thống miễn dịch bẩm sinh và hệ thống miễn dịch thích ứng.
Hệ miễn dịch bẩm sinh
Hoạt động ngay từ khi chúng ta được sinh ra, hệ thống miễn dịch bẩm sinh là cơ chế hoạt động tự nhiên có tính di truyền từ cha mẹ, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các vi sinh vật đang cố gắng tấn công và gây hại cho cơ thể. Được tạo ra từ da, giác mạc mắt, màng nhầy hô hấp, đường tiêu hóa và đường sinh dục, hệ thống miễn dịch bẩm sinh có đầy đủ các rào cản vật lý để giúp con người chống lại các vi trùng gây hại hay các tế bào ung thư. Cơ chế hoạt động là các tế bào của hệ thống miễn dịch bẩm sinh thường bao vây các tác nhân ngay khi thấy dấu hiệu nguy hiểm, và tiêu diệt chúng ngay từ bên trong hệ thống.
Hệ miễn dịch thích ứng
Được sản sinh ra khi cơ thể tiếp xúc với vi khuẩn hoặc các tác nhân gây hại, hệ thống miễn dịch thích ứng là quá trình tạo ra bộ nhớ miễn dịch, giúp ghi nhớ kẻ tấn công trước đó và nhanh chóng tạo ra kháng thể nếu kẻ thù quay lại. Không hoạt động riêng lẻ, miễn dịch thích ứng phối hợp với miễn dịch bẩm sinh nhằm bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố nguy hại. Hệ thống miễn dịch thích ứng được hình thành từ tế bào lympho B trong vài ngày sau lần đầu tiên tiếp xúc với vi khuẩn hoặc vi-rút. Khi chúng quay lại, cơ thể đã ghi nhớ và lập tức tiêu diệt để bảo vệ cơ thể con người. Vì luôn học hỏi và không ngừng thích nghi nên hệ thống miễn dịch có khả năng chống lại vi khuẩn theo sự thay đổi của thời gian.
Tầm quan trọng của hệ miễn dịch
Không như các cơ quan khác trong cơ thể, hệ miễn dịch hoạt động một cách âm thầm mà con người ít thấy được. Với một số loại vi-rút chỉ bị mắc bệnh một lần trong đời khi gặp phải như quai bị hay thủy đậu, vì cơ thể đã ghi nhớ và nhận diện kẻ thù ở những lần sau. Tuy nhiên, cũng có vô vàn các loại vi-rút, vi khuẩn trong môi trường mà cơ thể con người chưa bao giờ gặp được trước đây, có thể kể đến như Covid-19, khiến cơ thể chúng ta không thể kháng cự được.
Từ đó, có thể thấy rằng, hệ miễn dịch đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể. Nó hoạt động như một chiếc hàng rào thông minh, luôn báo hiệu cho chủ khi có người lạ xâm nhập. Thật vậy, khi thấy các yếu tố có nguy cơ đe dọa cơ thể, hệ thống miễn dịch liền báo hiệu đến các kháng thể và chọn ra kháng thể phù hợp nhất giúp tiêu diệt vi khuẩn. Hệ thống miễn dịch của cơ thể còn có khả năng nhận diện hàng triệu các kháng nguyên khác nhau, nhằm giúp cơ thể chiến đấu với vi-rút một cách hiệu quả nhất. Nếu hệ thống miễn dịch này suy yếu, cơ thể có khả năng mắc nhiều bệnh, từ đơn giản như cảm cúm đến nguy hiểm như ung thư.
Mặc dù là một lá chắn bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại, hệ thống miễn dịch cũng là nguyên nhân gây ra dị ứng hoặc mẫn cảm với một số chất, như: protein hải sản, hạt phấn hoa hay lông động vật. Khi gặp phải những đối tượng này, hệ miễn dịch sản xuất kháng thể để chống lại chúng hoặc một số phản ứng như hắt xì, ho…để ngăn cơ thể không cho các chất này xâm nhập. Ngoài ra, rối loạn hệ miễn dịch cũng dẫn đến một số bệnh lý khác như: lupus ban đỏ, thiếu máu, bệnh nội tiết…hoặc các bệnh suy giảm hệ miễn dịch như: HIV-AIDS, ung thư…
Nhìn chung, nếu không có hệ miễn dịch, cơ thể sẽ không thể duy trì tình trạng sức khỏe, dẫn đến bệnh tật hay thậm chí là tử vong. Các nhiệm vụ chính của hệ miễn dịch:
– Nhận diện và vô hiệu hóa các chất có hại từ môi trường bên ngoài
– Chống lại các loại vi trùng, vi-rút gây bệnh
– Chống lại sự thay đổi từ bên trong khiến cơ thể mắc bệnh
Cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch
Bước 1: Ngăn chặn các kháng nguyên và mầm bệnh xâm nhập cơ thể bằng cách tạo ra các hàng rào bảo vệ.
Bước 2: Cơ thể sẽ lập tức tạo ra các tế bào bạch cầu cùng nhiều protein khác nhau khi các tác nhân gây hại này vượt qua được hàng rào bảo vệ.
Bước 3: Nếu kẻ thù quá mạnh và lạ, cơ thể có thể thất bại. Trong trường hợp này, hệ miễn dịch bẩm sinh sẽ tăng cường và kiềm hãm sự phát triển của các vi khuẩn gây hại. Thời gian này giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể thực hiện quá trình ghi nhớ kẻ thù và sẽ chống lại chúng mạnh mẽ hơn nếu các tác nhân gây hại quay lại lần sau.
Vì sao hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu?
Hầu hết, chúng ta thường được sinh ra với một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và đẩy đủ. Tuy nhiên, không ít trường hợp bị khiếm khuyết trong ADN do di truyền từ cha mẹ, khiến hệ thống miễn dịch cơ thể bị suy yếu bẩm sinh. Những người có hệ thống miễn dịch yếu thường nhạy cảm và dễ mắc bệnh do vi-rút tấn công. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác tác động và gây suy yếu hệ miễn dịch như:
Tuổi tác
Tuổi tác có tác động rất lớn đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Tuổi càng cao, hệ miễn dịch càng suy yếu. Không thể phủ nhận, vẫn có nhiều người lớn tuổi sống khỏe mạnh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm ở người già cao hơn người trẻ, và khả năng chết vì bệnh dịch cũng tỉ lệ thuận với nguy cơ nhiễm bệnh.
Theo một kết quả nghiên cứu, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với người trên 65 tuổi toàn cầu chính là bệnh viêm phổi, ngoài ra còn có các bệnh như: nhiễm trùng hô hấp cấp (ví dụ là dịch Covid-19), cảm cúm… Một số nhà khoa học cho rằng, sự teo nhỏ tuyến ức ở người già đã gây suy giảm lượng tế bào T, từ đó gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Ngoài ra, tủy xương hoạt động kém hiệu quả, cơ thể không phát huy hết tác dụng của vacxin, cũng là những nguyên nhân gây suy giảm hệ thống miễn dịch ở người già.
Thành phần dinh dưỡng
Bất kỳ mặt trận nào cũng đều cần hậu phương để tiếp tế cho hàng phòng ngự, và thành phần dinh dưỡng đóng vai trò hậu phương vữa chắc cho hệ thống miễn dịch. Để nuôi dưỡng các kháng thể mạnh mẽ, cơ thể cần phải được tiếp nhận lượng dinh dưỡng đầy đủ, một chế độ ăn uống lành mạnh. Hệ thống miễn dịch sẽ suy yếu khi cơ thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng như: kẽm, selen, sắt, đồng, và các loại vitamin. Không chỉ vậy, khi dung nạp thức ăn nhanh, hay uống rượu bia, thuốc lá, cơ thể sẽ làm việc áp lực hơn để đào thải độc tố ra ngoài, những tác động này cũng làm suy yếu hệ miễn dịch.
Căng thẳng
Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng sự căng thẳng chỉ tác động đến tâm lý mà không ảnh hưởng gì đến cơ thể. Sự thật không phải vậy. Giới y khoa đã khẳng định, tâm trí và cơ thể được kết nối bằng một mối liên hệ chặt chẽ. Nhiều căn bệnh như: đau dạ dày, nổi mề đay, bệnh tim…đều liên quan đến sự căng thẳng của não bộ. Kháng thể suy giảm và lượng hormone cortisol tăng cao là hệ quả của việc tâm trí chúng ta không thể thư giãn. Sự gia tăng lượng hormone cortisol sẽ kéo dài thời gian phục hồi nếu cơ thể bị nhiễm bệnh.
Không có thói quen tập thể dục
Tập thể dục luôn là phương pháp hữu hiệu cho mọi căn bệnh. Không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch, thói quen tập luyện thường xuyên còn thúc đẩy quá trình lưu thông máu, cho phép kháng thể và các chất trong hệ thống miễn dịch di chuyển khắp các bộ phận cơ thể. Do đó, không có thói quen tập thể dục, lười vận động sẽ dẫn đến tình trạng béo phì, và cơ thể có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn người thường xuyên luyện tập.
Sử dụng thuốc điều trị bệnh
Thuốc điều trị chính là con dao hai lưỡi. Các loại thuốc như: hóa trị ung thư, thuốc corticoid, hay chống thải ghép…đều làm chậm đi hoạt động của hệ thống miễn dịch khi vi khuẩn xâm nhập. Từ đó, làm giảm khả năng miễn dịch, cũng như khả năng chống lại quá trình tổn thương, viêm nhiễm.
Ngủ không đủ giấc
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Ngủ không chỉ là một hoạt động của thói quen, mà đó là thời gian để cơ thể phục hồi năng lượng, tái tạo các chất cần thiết sau một ngày mệt mỏi. Lượng tế bào Lympo T và bạch cầu Lympo B sẽ suy giảm nếu chúng ta thiếu ngủ hoặc ngủ không đủ giấc. Nếu giảm hai lượng tế bào trên, sức đề kháng của con người sẽ bị suy yếu.
Biện pháp nào giúp tăng cường hệ miễn dịch?
Tiêm ngừa vacxin
Vacxin chính là phiên bản suy yếu của các loại vi-rút, mầm bệnh xung quanh ta. Vậy tại sao ta lại tiêm vi-rút vào người? Vì các kháng nguyên tương tự vi-rút có trong vacxin sẽ kích thích hệ thống miễn dịch thực hiện quá trình ghi nhớ, nhận dạng. Từ đó, khi vi khuẩn xâm nhập, các kháng thể của chúng ta dễ dàng nhận biết và tiêu diệt nó. Tuy có cấu trúc giống vi sinh vật gây bệnh, vacxin đảm bảo không gây ra triệu chứng hoặc dấu hiệu bệnh. Mặc dù vậy, các hiện tượng như: sốt, mệt mỏi, đau nhức chỗ tiêm, cũng là tác dụng phụ của một số loại vacxin.
Không lạm dụng thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh cũng là một con dao hai lưỡi, nó tiêu diệt không chỉ các mầm bệnh gây hại mà còn tiêu diệt các vi khuẩn có lợi (ruột, đường hô hấp), và cả các kháng thể của hệ thống miễn dịch. Việc thường xuyên sử dụng kháng sinh hoặc sử dụng kháng sinh quá liều sẽ phá hủy toàn bộ hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể lệ thuộc hoàn toàn vào thuốc kháng sinh khi mắc bệnh. Để hạn chế việc lạm dụng, bạn chỉ nên dùng kháng sinh theo toa bác sĩ hoặc với các bệnh nghiêm trọng, những bệnh vặt như: cảm cúm, sổ mũi…có thể chữa bằng cách tăng cường hệ miễn dịch cơ thể thông qua chế độ ăn uống hay thói quen luyện tập.
Chế độ ăn uống
Thực phẩm là yếu tố giúp xây dựng, cũng như tăng cường sức mạnh cho hệ thống miễn dịch. Không chỉ từ động vật, các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật cũng cung cấp các chất cần thiết cho cơ thể như: kẽm, sắt, đồng, hay các vitamin như: A, C, B, E…phòng chống và ngăn ngừa các mầm bệnh bên ngoài.
Ví dụ, cơ thể con người không có khả năng tự sản xuất các loại vitamin hòa tan trong nước. Do đó, bổ sung vitamin C là một việc làm cần thiết bởi vitamin C làm tăng khả năng chống nhiễm trùng cho cơ thể. Nó có trong các loại trái cây như cam, quýt.. và một số rau củ tốt cho sức khỏe. Hay như protein cũng là một chất quan trọng đối với hệ miễn dịch, giúp duy trì và xây dựng các kháng thể thông qua axit amin có sẵn trong chất này.
Nhìn chung, chế độ ăn uống lành mạnh là khi cơ thể được tiếp nhận đầy đủ và đa dạng các chất dinh dưỡng, từ động vật, thực vật đến trái cây, rau củ. Ngoài ra, cũng cần tránh xa các thực phẩm dầu mỡ, thức ăn nhanh, cũng như rượu bia để trang bị một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ và vững vàng nhất.
Kiểm soát tâm trạng
Tâm trạng và cơ thể là hai yếu tố có mối quan hệ chặt chẽ, và mật thiết. Tâm trạng không vui, căng thẳng sẽ thúc đẩy sự gia tăng hormone cortisol, ngăn cản hoạt động bảo vệ cơ thể của các kháng thể và hệ thống miễn dịch. Một thái độ tích cực luôn là phương pháp tốt để duy trì và củng cố hệ thống miễn dịch. Các hoạt động giúp kiểm soát tâm trạng mà bạn có thể tham gia như: thiền, tập yoga, mát xa cơ thể…
Thường xuyên tập thể dục
Một số nghiên cứu đã cho rằng, tập thể dục khiến hệ miễn dịch cảnh giác hơn. Các tế bào miễn dịch sẽ đi khắp cơ thể để tìm kiếm, phát hiện vi khuẩn hay các mầm bệnh tiềm ẩn, từ đó sẽ nhanh chóng tiêu diệt, chặn đứng nguy cơ xâm nhập cơ thể.
Không chỉ vậy, thường xuyên tập thể dục còn giúp giảm nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính như: béo phì, tiểu đường, tim mạch…Tần suất tập thể dục cũng tỉ lệ thuận với sự giải phóng các endorphin (hormone tạo hưng cảm và giảm đau) giúp cải thiện tâm trạng, củng cố hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Chú trọng giấc ngủ
Chất lượng giấc ngủ là yếu tố nền tảng đối với hệ thống miễn dịch của cơ thể. Theo Tổ chức National Sleep (Hoa Kỳ), một người trưởng thành nên ngủ từ 7-9 giờ/ đêm nhằm đảm bảo sự phục hồi sức khỏe và tái tạo các năng lượng cần thiết giúp cơ thể hoạt động hiệu quả. Trong khi ngủ, các tế bào miễn dịch quan trọng được sản sinh như: tế bào T, tế bào bạch cầu…Vì vậy, hãy chăm sóc giấc ngủ, đó cũng chính là phương pháp giúp chăm sóc chính bản thân bạn.
Hệ miễn dịch là yếu tố quyết định tình trạng sức khỏe của mỗi cá thể. Hy vọng bài viết đem đến những thông tin hữu ích, giúp bạn chăm sóc và giữ gìn sức khỏe tốt hơn cho cả bản thân cũng như gia đình, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đang đe dọa nhân loại trên toàn cầu. Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh, vượt qua mọi dịch bệnh, hạnh phúc và bình an.
Nguồn tham khảo:
https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/how-to-boost-your-immune-system
https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=90&ContentID=P01665
https://ngungonsongtron.com/giac-ngu-anh-huong-den-he-mien-dich-nhu-the-nao-trong-mua-cum/
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/co-che-hoat-dong-cua-he-mien-dich/