Vệ sinh nệm đúng quy trình giúp nệm sạch

Cải thiện giấc ngủ

Cách vệ sinh nệm đúng quy trình mà không cần thuê dịch vụ

Phương Thảo
29/07/2021

Nhiều gia đình khi cần vệ sinh nệm thường thuê dịch vụ bên ngoài. Tuy nhiên, nó khá tốn kém chi phí nếu nệm thường xuyên bị bẩn và cần vệ sinh liên tục. Để tiết kiệm chi phí, không ít người đã tự thực hiện công việc làm sạch nệm tại nhà. 

Thế nhưng vệ sinh đệm không đúng cách, đúng quy trình vừa không đảm bảo nệm sạch sẽ và bền bỉ, thậm chí khiến cho chiếc nệm thêm “mắc bệnh”. Chẳng hạn như bị ẩm, hình thành nấm mốc, loang vết bẩn, ố vàng…

Trong bài viết này, ngungonsongtron.com sẽ chỉ cho các bạn quy trình vệ sinh đệm giường đúng quy trình nhất, giúp cho chiếc nệm sạch đẹp và bền bỉ mà không cần thuê dịch vụ. Tham khảo ngay để áp dụng khi tiến hành giặt nệm tại nhà sao cho hiệu quả nhất nhé!

Tại sao cần làm vệ sinh nệm?

Sau một thời gian sử dụng, nệm giường sẽ tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn, hình thành nấm mốc do tác nhân con người gây ra. Ví dụ như mồ hôi, tế bào chết, tóc từ người nằm rơi xuống bám vào đệm, tạo điều kiện cho vi khuẩn, côn trùng và nấm mốc hình thành. 

Hoặc đôi khi người dùng làm đổ đồ uống, rơi vung vãi thức ăn trên nệm tạo nên những vết bẩn cứng đầu, vết ố vàng làm đệm mất thẩm mỹ. Thậm chí, thú cưng nhà bạn không vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên chơi đùa hoặc ngủ cùng chủ lâu ngày trên nệm sẽ hình thành nên các vết dơ do lông thú, đất cát bám vào.

Môi trường sống ẩm ướt hay sự xâm nhập của bụi bẩn, phòng ngủ không được vệ sinh thường xuyên cũng ảnh hưởng tới nệm. Chính vì rất dễ bị tấn công bởi các yếu tố từ môi trường này nên nệm rất dễ trở thành một “ổ vi khuẩn” ngầm sẵn sàng lây bệnh cho người dùng nếu như không được vệ sinh kỹ càng.

Ngoài ra, nếu gia đình bạn có con nhỏ thì việc bé tè dầm là điều rất phổ biến. Mùi hôi khai của nước tiểu sẽ khiến căn phòng thêm ngột ngạt, khó chịu khi ngủ. Hơn nữa, nước tiểu rất dễ làm chăn ga gối nệm ố vàng, sạm màu nếu lâu ngày không giặt hoặc giặt không kỹ.

Vệ sinh nệm sạch sẽ giúp đem lại cảm giác thoải mái
Vệ sinh nệm sạch sẽ giúp đem lại cảm giác thoải mái và sự an toàn khi nằm ngủ

Những yếu tố trên sẽ là nguyên nhân gây bẩn cho nệm. Mặt khác, chúng còn khiến cho những chiếc nệm nhanh xuống cấp, hư hỏng và thiếu đi tính thẩm mỹ. Người dùng cảm giác không thoải mái khi nằm ngủ. Chưa kể, vi khuẩn, bụi bẩn, côn trùng bám trên nệm sẽ là mầm mống gây bệnh cho nếu như không được loại bỏ kịp thời. 

Một số lưu ý khi vệ sinh nệm tại nhà

Mặc dù giặt nệm tại nhà không phải là công việc quá khó khăn. Thế nhưng trước khi tiến hành thì cần phải lưu ý một số vấn đề sau đảm bảo quá trình vệ sinh không bị gián đoạn và đạt hiệu quả cao. Theo đó, ta cần lưu ý:

  • Chỉ tự vệ sinh nệm tại nhà nếu có đầy đủ các dụng cụ cần thiết như: máy hút bụi nhà cửa, máy hút bụi mini chuyên dụng để hút bụi nệm, chăn ga gối
  • Chuẩn bị đầy đủ các loại chất tẩy rửa để làm sạch vết bẩn trên nệm: oxy già, baking soda, giấm trắng, bột giặt, chanh tươi…hoặc các chất tẩy rửa chuyên dụng khác.
  • Chuẩn bị thêm khăn sạch hoặc những miếng vải mềm sạch, khô, có khả năng thấm hút nước tốt.
  • Sử dụng bao tay, đeo khẩu trang đầy đủ để đảm bảo chất bẩn, vi khuẩn, bụi bặm cũng như các thành phần trong chất tẩy rửa không gây hại cho da của bạn.
  • Nệm cần vệ sinh khoảng 3 tháng một lần để đảm bảo sạch sẽ. Khi vệ sinh nệm thì cần phải đồng thời giặt giũ sạch sẽ chăn ga gối, vệ sinh giường ngủ và tổng vệ sinh hoàn toàn phòng ngủ cùng lúc. Vì nếu chỉ giặt nệm mà không làm sạch không gian phòng ngủ thì vi khuẩn, bụi bặm và côn trùng trong phòng ngủ sẽ lại tiếp tục bám dính vào nệm.
  • Sau khi giặt giũ nệm xong thì cần phải phơi khô nệm dưới trời nắng vừa để loại bỏ hơi ẩm, tiêu diệt vi khuẩn và côn trùng còn bám trên nệm.
  • Nếu không sử dụng nệm thì ngay khi làm sạch và phơi khô cần bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát; tránh những nơi ẩm ướt để ngăn ngừa nấm mốc hình thành.

Vệ sinh nệm đúng quy trình giúp nệm sạch, đảm bảo bền bỉ

Làm vệ sinh nệm đúng cách, đúng quy trình là điều kiện đảm bảo cho nệm sạch sẽ, bền đẹp. Nếu không thực hiện theo đúng các bước thì hiệu quả làm sạch không cao, tốn thời gian và công sức hơn. Dưới đây là quy trình giặt nệm chuẩn mà các bạn nên áp dụng:

Tháo áo nệm, vỏ chăn ga gối và đồ trang trí mang đi giặt

Việc đầu tiên cần làm trước khi giặt nệm chính là tháo chăn ga gối và các đồ dùng như thú nhồi bông, gối ôm, gối tựa trang trí trên giường. Tiếp đến là tháo lớp áo nệm để mang đi giặt sạch cùng với nhau.

Tháo rời vỏ nệm để giặt sạch sẽ
Tháo rời vỏ nệm để giặt sạch sẽ với vỏ chăn ga gối

Như đã nói, khi làm vệ sinh đệm thì cần phải giặt luôn các loại phụ kiện trên giường ngủ để tránh vi khuẩn, bụi bẩn từ chăn ga gối, đồ trang trí lây lan và truyền sang nệm giường nếu không sạch sẽ.

Lưu ý rằng, các loại vỏ chăn, gối, nệm, đồ trang trí chỉ được giặt cùng nhau nếu như chúng không bị phai màu. Nếu chúng có màu sắc khác nhau và dễ bị lem màu thì cần giặt riêng từng loại để hạn chế tình huống xấu nhất. Nên dùng thêm nước xả vải để tạo mùi thơm, khử mùi hôi nấm mốc trên vỏ chăn ga gối, đệm nếu có. Mặt khác, nước xả vải còn có công dụng giúp cho chăn ga gối nệm nhà bạn thêm mềm mại.

Giặt vỏ chăn ga gối nệm không nên sử dụng các loại chất tẩy rửa mạnh. Điều này tránh gây kích ứng cho da với làn da nhạy cảm hay da em bé. Đồng thời, nước tẩy rửa mạnh có thể làm hỏng lớp vải khiến chúng bị khô và bạc màu. Vì vậy, chỉ nên dùng các loại nước giặt, bột giặt thông thường hay dùng cho quần áo.

Nếu trên vỏ chăn, ga, gối xuất hiện những vết bẩn cứng đầu, vết ố vàng đậm màu thì nên xử lý sạch các vết bẩn này trước khi mang đi giặt. Có như vậy mới đảm bảo được sự sạch sẽ tuyệt đối.

Ngoài ra, nếu vỏ chăn, ga, gối được làm bằng chất liệu tơ tằm, lụa, gấm thì không nên giặt bằng máy. Hãy giặt sạch chúng bằng tay nhẹ nhàng để không gây hỏng lớp vải, sự bóng mượt và đẹp mắt. Giặt bằng máy rất dễ làm biến đổi cấu trúc vải, đặc biệt là tình trạng xơ, xù xì và mất đi độ mượt.

Thêm vào đó, nên nhớ rằng, khi phơi chăn ga gối hoặc áo nệm thì nên lộn trái lại và phơi mặt trong ra ngoài. Không phơi dưới ánh nắng gay gắt và phải phơi ở nơi khô ráo, thoáng mát, có ánh nắng nhẹ. Làm như vậy vỏ chăn ga gối, áo nệm sẽ giữ được độ bền màu, không bị khô, xơ lớp vải bên ngoài và giúp chúng luôn giữ được độ mới ban đầu.

Hút bụi nệm sạch sẽ bằng máy hút bụi chuyên dụng

Sau khi đã giặt sạch các loại vỏ chăn ga gối, nệm và đồ trang trí thì cần tiến hành hút bụi nệm. Nên sử dụng máy hút chuyên dụng cho nệm có kích thước nhỏ, cầm tay tiện lợi và lực hút cũng phải mạnh. Đây là một bước quan trọng trong quy trình vệ sinh nệm cần chú ý thực hiện cẩn thận và kỹ lưỡng.

Trước khi tiến hành hút bụi nệm cần vệ sinh sạch sẽ máy hút bụi, nhất là ở các vị trí vòi hút. Với mỗi loại nệm khác nhau thì cần chú ý làm sạch ở những vị trí riêng biệt.

Hút bụi nệm sạch sẽ
Hút bụi nệm sạch sẽ, chú ý những đường may, chỗ lõm và rãnh thông hơi, lỗ thoát khí
  • Ở nệm cao su: Trên bề mặt nệm có các lỗ nhỏ li ti, các rãnh thông hơi rất dễ tích tụ bụi bẩn và vi khuẩn lâu ngày. Cần phải hút kỹ và thật sạch những vùng lõm vào như này.
  • Với nệm lò xo, nệm foam, nệm bông ép: Cần chú ý những đường may, những chỗ nệm lõm xuống và các góc nệm.

Sau khi hút bụi sạch sẽ, nên lấy những chiếc khăn bông ẩm hoặc miếng vải sạch ẩm đặt lên nệm. Sau đó vỗ mạnh lên nệm để bụi bẩn ẩn bên dưới bay lên bám vào khăn, vải, giúp nệm sạch hơn.

Làm sạch các vết bẩn trên nệm

Việc hút bụi mới là một bước trong quy trình làm giặt nệm. Nó không thể giúp làm sạch hoàn toàn các vết bẩn cứng đầu, vết ố vàng hay vết nấm mốc có trên đệm. Vì vậy, ở bước này chúng ta cần làm sạch những vết bẩn này trước.

Để làm sạch vết bẩn trên đệm, cần phải xác định đặc điểm của vết bẩn là cũ hay mới, dễ hay khó làm sạch. Từ đó sử dụng đúng loại chất tẩy rửa chuyên dụng hiệu quả cao.

Với vết bẩn thông thường: Sử dụng nước cốt chanh, giấm trắng, dung dịch nước muối trắng với bột giặt hoặc oxy già để xịt lên vùng bị bẩn. Hoặc lấy khăn bông sạch, vải sạch nhúng vào dung dịch tẩy rửa trên, thấm dung dịch lên vùng nệm bị bẩn và chà lên vết bẩn. Thực hiện nhúng dung dịch và chà lên vết bẩn nhiều lần cho tới khi quét sạch được chúng. Lấy khăn bông khô thấm sạch nước tại vùng bẩn.

Sử dụng những chất tẩy rửa
Sử dụng những chất tẩy rửa giúp loại bỏ vết bẩn trên nệm

Đối phó với vết bẩn cứng đầu: Sử dụng các chất tẩy rửa chuyên dụng đổ, xịt hoặc lấy khăn nhúng dung dịch và áp lên vùng bị bẩn. Chà mạnh lên vùng bị bẩn sao cho vết bẩn không bị loang ra, cho đến khi sạch vết bẩn thì dùng khăn khô thấm sạch nước trên bề mặt. Các bạn có thể thay thế các loại chất tẩy chuyên dụng bằng các loại bột giặt có tính tẩy rửa mạnh pha với nước muối hoặc oxy già, cồn 90 độ đổ trực tiếp lên vết bẩn để làm sạch hiệu quả.

Khử mùi hôi và hút ẩm cho nệm

Để khử mùi hôi và hút ẩm cho nệm thì người ta thường sử dụng baking soda. Đây là nguyên liệu dễ mua, giá rẻ nhưng hiệu quả lại rất cao. Loại chất này cũng tương đối an toàn với con người và được sử dụng nhiều trong các căn bếp như một loại chất tẩy rửa thông thường. Vì vậy, hãy chuẩn bị một chút baking soda khi tiến hành vệ sinh nệm.

Ở bước này chúng ta sử dụng baking soda rắc lên bề mặt nệm. Để trong vòng 30 phút để bột baking soda hút sạch chất bẩn và hơi ẩm bên trong nệm. Có thể để thời gian lâu hơn hoặc qua đêm nếu như bạn muốn chất bẩn và hơi ẩm được hút hết hoàn toàn.

Nhỏ thêm vài giọt tinh dầu thơm, tinh dầu nước hoa để giúp cho nệm lưu lại hương thơm dễ chịu, khử mùi hôi nấm mốc hiệu quả.

Rắc bột baking soda lên đệm
Rắc bột baking soda lên đệm để khử mùi hôi và hút ẩm cho nệm

Hút bụi nệm thêm một lần nữa và mang đệm đi phơi khô

Khi baking soda đã hút hết chất bẩn, hơi ẩm và khử mùi hôi cho đệm thì việc tiếp theo chúng ta cần làm là loại bỏ hết bột baking soda và bụi bẩn còn sót lại, sử dụng máy hút bụi để hút. Chú ý hút thật kỹ những đường may, gấp khúc, những vị trí lõm xuống hoặc các rãnh, lỗ thông hơi trên bề mặt và các góc nệm.

Sau khi chắc chắn nệm đã được hút sạch bụi và baking soda thì hãy sử dụng khăn ẩm lau lại toàn bộ bề mặt nệm. Tiếp đó là mang nệm đi phơi khô dưới trời nắng ráo. Phơi khô cả hai bên mặt nệm để đảm bảo hơi ẩm được thoát hết ra ngoài, bụi bẩn và vi khuẩn được loại bỏ toàn bộ.

Hút sạch baking soda và bụi bẩn
Hút sạch baking soda và bụi bẩn bằng máy hút bụi

Khi nệm đã khô ráo, sạch sẽ thì chỉ việc đem nệm ra để sử dụng như bình thường. Nếu không sử dụng thì cần bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, ngăn ẩm mốc.

Lưu ý rằng, việc vệ sinh nệm cần thực hiện ở cả hai mặt nệm và theo trình tự các bước từ 1 đến 5. Sau khi đã làm sạch một mặt nệm thì cần lật ngược mặt nệm còn lại và thực hiện theo quy trình tương tự như vậy để chắc chắn hai mặt nệm đều sạch sẽ và khô thoáng.

Chúng ta vừa tìm hiểu cách vệ sinh nệm đúng quy trình giúp nệm sạch sẽ như mới, đảm bảo bền đẹp mà không cần sử dụng dịch vụ vệ sinh từ bên ngoài, tiết kiệm chi phí hiệu quả. Làm sạch nệm sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của bạn và mang tới những giấc ngủ thoải mái và an lành.