Nhiều người cho rằng nếu mình có khả năng ngủ gật nhanh chóng, chợp mắt bất cứ lúc nào và ngủ bất cứ nơi đâu thì thật sự hoàn hảo. Tuy nhiên, điều này có vẻ kỳ quặc, nhưng việc chìm vào giấc ngủ quá nhanh có thể là một dấu hiệu của chứng rối loạn giấc ngủ.
Vậy nhận định trên đúng hay sai? Hãy cùng Ngủ Ngon Sống Trọn tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Nội dung chính
Cơn buồn ngủ xảy ra như thế nào?
Cảm giác buồn ngủ của con người diễn ra là do sự tích tụ của một chất hóa học trong não có tên là adenosine. Khi con người tỉnh táo, thông qua quá trình sử dụng năng lượng và trao đổi chất, nồng độ adenosine sẽ tăng dần lên. Vì thế, cơn buồn ngủ sẽ đến nhanh hơn nếu bạn đã thức quá lâu.
Trong quá trình ngủ, thông qua hệ thống bạch huyết, các chất adenosine được loại lọc bỏ khỏi não. Khi bạn thức dậy vào buổi sáng, cơ thể tỉnh táo đồng nghĩa với mức adenosine ở mức thấp nhất.
Khi bạn thức, nồng độ adenosine trong cơ thể vẫn sẽ tiếp tục tăng, tạo nên hiện tượng tải trọng giấc ngủ hay còn gọi là nợ ngủ.
Ví dụ, nếu bạn thức trong 30 giờ liên tục, thì chắc chắn sẽ cực kỳ buồn ngủ, và dễ dàng chìm vào giấc ngủ nhanh hơn, thậm chí có thể ngủ lâu hơn so với bình thường. Lúc này, mức adenosine khá cao, buộc bạn phải ngủ ngay lập tức. Tương tự, nếu bạn thức khuya, quá giờ đi ngủ thì hiện tượng này lại tiếp tục diễn ra.
Thế nào là tình trạng chìm nhanh vào giấc ngủ?
Liệu bạn đã từng thắc mắc bản thân phải mất bao lâu để thật sự ngủ sâu? Trên thực tế, cơn buồn ngủ một khi xuất hiện sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Thứ nhất, trí nhớ dài hạn không thể theo dõi và tính toán chuẩn thời gian từ khi bạn ngáp đến khi ngủ gật. Có thể bạn sẽ cảm thấy rằng mình đang chìm vào giấc ngủ nhanh hơn so với thực tế.
- Thứ hai, giai đoạn nông nhất của giấc ngủ, là giai đoạn 1. Đây thường bị hiểu sai là trạng thái còn tỉnh ngủ nếu bạn dễ bị đánh thức. Do đó, bạn sẽ cảm thấy mình thức lâu hơn bình thường, mặc dù đó chỉ là giấc ngủ chập chờn không sâu.
Sự khởi đầu của giấc ngủ xảy ra với sự mất trương lực cơ và làm chậm các sóng điện trong não, được gọi là hoạt động theta. Theta xảy ra với tốc độ từ 4 – 8 lần mỗi giây (hertz). Để so sánh, một bộ não tỉnh táo sẽ có sóng điện truyền đi với tốc độ gấp đôi tốc độ này. Vì vậy, một người nào đó trong giai đoạn đầu của giấc ngủ, sẽ không có ý thức và không phản ứng với các kích thích bên ngoài từ môi trường.
Độ trễ khởi phát giấc ngủ hay còn gọi là độ trễ của giấc ngủ là khoảng thời gian cần thiết để con người có thể chuyển từ trạng thái tỉnh táo sang ngủ. Để xác định chính xác độ trễ này, các chuyên gia về giấc ngủ đã sử dụng phương pháp đo điện não đồ. Cụ thể, tiến hành đặt những dây điện cực lên phần da đầu giúp đo sóng não và theo dõi các vấn đề phát sinh khi các giai đoạn của giấc ngủ xảy ra.
Trung bình, một người khi không thật sự buồn ngủ sẽ vào giấc sau khoảng từ 5 đến 15 phút. Tuy nhiên, nếu diễn ra lâu hơn từ 20 đến 30 phút, thì có thể bạn đã bị mất ngủ.
Đặc biệt, nếu cơn buồn ngủ bắt đầu xuất hiện trong vòng chưa đầy 5 phút, thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý – ngủ không đủ giấc hoặc giấc ngủ bị rời rạc. Về bản chất, nếu bạn đang ngủ say thì không phải do bạn dễ ngủ hoặc đó là một giấc ngủ ngon, mà vì bạn đang thiếu ngủ đấy.
Nguyên nhân gây buồn ngủ quá mức?
Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng buồn ngủ quá mức đó là thiếu ngủ. Khi cơ thể không được nghỉ ngơi và ngủ đủ để loại bỏ chất adenosine tích tụ trước đó, thì bạn sẽ chìm vào giấc nhanh hơn.
Thông thường, trung bình một ngày con người sẽ cần khoảng 8 tiếng để ngủ. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người cần ngủ nhiều hơn hoặc thậm chí ít hơn thời lượng này.
Nếu bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ, ngủ gật, ngủ không sâu vào cuối tuần thì đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị thiếu ngủ. Kéo dài thời gian trên giường có lẽ là cách duy nhất để bạn giảm bớt tình trạng nợ ngủ, và cho phép bạn vào giấc chậm hơn so với bình thường.
Một giấc ngủ kém chất lượng, làm bạn thức dậy nhiều lần vào mỗi đêm cũng có thể góp phần khiến bạn chìm vào giấc ngủ nhanh hơn. Hiện tượng này được gọi là phân mảnh giấc ngủ. Nguyên nhân phổ biến nhất là do chứng ngưng thở khi ngủ gây ra.
Với những người bị chứng ngưng thở khi ngủ, nhịp thở của họ sẽ ngắn nhưng liên tục, rất dễ bị rối loạn, tạo cảm giác bức rức, khiến chân di chuyển suốt đêm. Ngoài ra, triệu chứng này còn có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu sau: nghiến răng, ngáy hay thường xuyên đi vệ sinh vào ban đêm.
Ngoài ra, hội chứng chân không yên (cảm giác ngứa ngáy như kim chích ở chân), ngủ rũ (chìm nhanh vào giấc ngủ mà không có dấu hiệu báo trước) cũng có thể là triệu chứng của hiện tượng phân mảnh giấc ngủ.
Tuy nhiên, sau khi phân tích kỹ càng mà vẫn không thể xác định nguyên nhân gây buồn ngủ quá mức thì trường hợp của bạn có thể chẩn đoán là chứng mất ngủ vô căn.
Cách kiểm tra tình trạng buồn ngủ quá mức
Cách đơn giản nhất để định lượng cơn buồn ngủ của một người theo thời gian là hoàn thành bảng câu hỏi được xem là thang đo mức độ buồn ngủ của Epworth. Trong thang điểm này, đánh giá của bạn nếu cao hơn 10 thì càng chứng tỏ bạn đang buồn ngủ quá mức.
Bài kiểm tra về độ trễ nhiều lần khi ngủ (MSLT) đôi khi cũng được sử dụng để đánh giá tình trạng buồn ngủ quá mức và khả năng mắc chứng ngủ rũ của con người. Quá trình này diễn ra cho phép người tham gia chợp mắt 20 phút sau mỗi 2 giờ trong ngày.
Trong MSLT, nếu bạn ngủ trung bình ít hơn 8 phút và nếu có biểu hiện của chuyển động mắt nhanh (REM) khi ngủ thì được xem là một giấc bất thường. Phát hiện thứ hai này là dấu hiệu rất cao của chứng ngủ rũ.
Nghiên cứu hình ảnh
Trong những năm gần đây, các chuyên gia về giấc ngủ đã bắt đầu sử dụng các xét nghiệm hình ảnh, như chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), hay chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI), để điều tra các rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng trong cơ thể của con người.
Mặc dù chi phí tương đối cao nhưng những công cụ này có thể theo dõi lưu lượng máu trong não, cho biết áp lực giấc ngủ cân bằng nội môi (mong muốn bất thường khi đi vào giấc ngủ). Những thay đổi này có thể tác động trực tiếp đến nhịp sinh học và giúp mô tả bản chất, nguyên nhân của tình trạng thiếu ngủ.
Trong một số trường hợp khác, các nghiên cứu hình ảnh có thể tiết lộ lý do của sự phân mảnh giấc ngủ, không phải bởi chứng rối loạn giấc ngủ mà là một triệu chứng của rối loạn thần kinh tiềm ẩn.
Vậy chìm nhanh vào giấc ngủ có phải là dấu hiệu của chứng rối loạn giấc ngủ hay không? Trên thực tế, nếu có thể ngủ trong vòng 5 đến 15 phút là vô cùng tốt. Tuy nhiên, nếu bạn có thể ngủ ngay khi đầu chạm vào gối, thì cần phải xem xét lại mức độ ngủ của mình. Nếu bạn chìm vào giấc ngủ quá nhanh, có thể bạn cần phải gặp bác sĩ chuyên khoa về giấc ngủ để nhận được lời khuyên và cách điều trị tốt hơn.
Nguồn tham khảo: https://www.verywellhealth.com/could-falling-asleep-too-fast-be-a-sleep-problem-3015146