Thuật ngữ sức khỏe tâm thần hay sức khỏe tinh thần được sử dụng để mô tả trạng thái sức khỏe liên quan đến cảm xúc, nhận thức xã hội của con người. Sức khỏe tâm thần có vai trò rất quan trọng trong mọi giai đoạn của cuộc đời, từ thời thơ ấu, thanh thiếu niên đến tuổi trưởng thành. Sức khỏe tâm thần không chỉ ảnh hưởng đến cảm giác của chúng ta mà nó còn ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và hành xử. Tình trạng tâm lý của chúng ta không chỉ quyết định cách chúng ta xử lý stress và đưa ra lựa chọn mà nó còn liên quan đến nhiều vấn đề khác nữa.
Có hơn 200 loại bệnh tâm thần mà Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ định nghĩa là “một tình trạng sức khỏe liên quan đến những thay đổi trong cảm xúc, suy nghĩ và hành vi”. Bệnh tâm thần được hình thành từ não bộ và nó tác động đáng kể đến các mối quan hệ cũng như chất lượng cuộc sống.
Nội dung chính
Bệnh tâm thần: nguyên nhân và các triệu chứng
Các vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể ảnh hưởng đến khả năng nhận thức về bản thân, niềm hạnh phúc hay các chức năng cơ bản như ăn và ngủ. Thành công trong lĩnh vực tài chính và xã hội chịu tác động mạnh mẽ từ tình trạng tâm lý, bao gồm sự nhận thức và khả năng tự kiểm soát bản thân của chúng ta.
Có rất nhiều yếu tố gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm:
- Gen và đặc tính hóa học của não bộ
- Tiền sử các vấn đề sức khỏe tâm thần của gia đình
- Các trải nghiệm ám ảnh như chấn thương hoặc bị lạm dụng
Các vấn đề về sức khỏe tâm thần diễn ra hàng loạt từ những vấn để nhỏ trong cuộc sống hàng ngày đến rối loạn tâm thần toàn diện. Việc điều trị có thể có tác động đáng kể đến triển vọng phục hồi của các vấn đề tâm lý, do đó việc phát hiện sớm là rất quan trọng.
Bệnh tâm thần xuất hiện cả ở trẻ nhỏ và người trưởng thành. Một số vấn đề tâm lý có thể không xuất hiện cho đến mãi về sau này khi lớn lên, và những vấn đề này chịu ảnh hưởng của một số loại thuốc cũng như tình trạng y tế. Có rất nhiều các dấu hiệu cảnh báo về các vấn đề sức khỏe tâm thần, tùy thuộc vào bản chất mà chúng bao gồm:
- Ăn hoặc ngủ quá nhiều hoặc quá ít
- Cô lập bản thân khỏi các mối quan hệ và các hoạt động thường ngày
- Không có hoặc có rất ít năng lượng
- Có cảm giác tê liệt
- Trải qua những cơn đau nhức không giải thích được
- Cảm thấy bất lực hoặc vô vọng
Những khó khăn trong vấn đề tâm lý làm rắc rối thêm các mối quan hệ với gia đình và bạn bè. Xung đột giữa các cá nhân có thể là hậu quả của sự cáu gắt và thay đổi tâm trạng, hay như cảm giác sợ hãi và tức giận. Ngoài ra, còn có các dấu hiệu nhận thức khác liên quan đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm lo lắng, nhầm lẫn, mất trí nhớ và suy nghĩ lung tung.
Rối loạn tâm thần nghiêm trọng hơn có thể gây ra ảo giác, bao gồm cả việc nghe thấy giọng nói kì lạ hay tin vào những điều không có thật. Hành vi tự sát hoặc suy nghĩ làm hại người khác cũng là những dấu hiệu phổ biến của các vấn đề tâm lý. Một người mắc bệnh tâm thần có thể bị hoang tưởng, trải qua những vấn đề về thể chất trong tưởng tượng hay lạm dụng thuốc và rượu.
Các loại rối loạn sức khỏe tâm thần
Mỗi loại rối loạn tâm thần có các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau, và có thể xảy ra đồng thời với các loại rối loạn khác. Ví dụ như lo lắng có thể xảy ra cùng với việc lạm dụng chất gây nghiện, khó chịu về thể chất và rối loạn giấc ngủ.
Một số rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến nhất là:
Rối loạn lo âu: Những người bị rối loạn lo âu hay có phản ứng sợ hãi đối với các đối tượng hoặc tình huống nhất định. Rối loạn lo âu bao gồm sự hoảng loạn, rối loạn lo âu lan tỏa và ám ảnh. Các triệu chứng của rối loạn lo âu bao gồm:
- Mệt mỏi
- Cảm giác bồn chồn khó chịu
- Khó tập trung để tiếp thu những cái mới
- Đau mỏi mãn tính hoặc căng cơ
- Khó kiểm soát cảm xúc lo lắng
- Có vấn đề về giấc ngủ, bao gồm không ngủ được, ngủ không đủ giấc hoặc ngủ quá nhiều
Rối loạn tâm thần ở trẻ em: Rối loạn tâm thần ở trẻ em thường gặp là rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), một rối loạn phát triển thần kinh thường kéo dài đến tuổi trưởng thành. Các triệu chứng của nó bao gồm bốc đồng, khó tập trung vào cuộc trò chuyện, bồn chồn và dễ chán nản. Rối loạn thách thức chống đối là một loại rối loạn có biểu hiện là hay gây rối và rối loạn kiểm soát hành động. Các triệu chứng của rối loạn thách thức chống đối bao gồm sự thù địch và thiếu hợp tác với giáo viên, phụ huynh nói riêng hay mọi người nói chung.
Rối loạn ăn uống: Rối loạn ăn uống liên quan đến những cảm xúc, thái độ và các hành vi tiêu cực liên quan đến cân nặng và đồ ăn. Rối loạn ăn uống phổ biến bao gồm chứng chán ăn, cuồng ăn và ăn uống vô độ.
Rối loạn sử dụng thuốc: Các vấn đề về sức khỏe tâm thần thường đi đôi với rối loạn lạm dụng thuốc. Lạm dụng thuốc có thể là nguyên nhân hoặc kết quả của các vấn đề tâm thần, trong đó bệnh nhân sử dụng thuốc với nỗ lực tự điều trị hoặc làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Rối loạn tâm trạng: Cứ 10 người từ 18 tuổi trở lên lại có 1 người mắc chứng rối loạn tâm trạng. Người mắc rối loạn tâm trạng thường có cảm giác buồn bã dai dẳng, hoặc sự pha trộn giữa hạnh phúc và nỗi buồn cùng cực. Rối loạn tâm trạng bao gồm:
- Trần cảm: Khoảng 17,3 triệu người ở Mỹ (chiếm 7,1% số người trưởng thành) đã trải qua nhiều hơn một lần trầm cảm trong một năm. Đặc trưng của trầm cảm là sự buồn bã và không có các hứng thú bình thường; các triệu chứng này sẽ kéo dài trong khoảng hai tuần hoặc lâu hơn. Nỗi buồn liên quan đến những biến đổi trong cuộc sống cũng khác với trầm cảm, vì người bị trầm cảm không có phản ứng gì với những sự kiện diễn ra xung quanh họ.
- Rối loạn lưỡng cực: Rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng đến khoảng 6 triệu người trưởng thành ở Mỹ, và mức độ tác động của nó lên nam giới và nữ giới là tương đương. Đặc điểm của rối loạn lưỡng cực là sự biến đổi nghiêm trọng trong tâm trạng, hành vi và suy nghĩ. Sự biến đổi này có thể kéo dài trong vài giờ, thậm chí là vài tháng.
Rối loạn nhân cách: Những người mắc chứng rối loạn nhân cách có các đặc điểm tính cách không linh hoạt, nó gây ra nỗi đau khổ cho người mắc với các vấn đề trong công việc, học tập và các mối quan hệ xã hội. Những rối loạn này có tính kháng trị cao, và nó bao gồm các loại:
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (APD): Những người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội lợi dụng, điều khiển và coi thường cảm xúc của người khác. Rối loạn nhân cách chống đối xã hội biểu hiện dưới hai dạng là sociopaths và psychopaths. Trong khi các psychopaths hành động không có lương tâm thì lương tâm của các sociopaths bị rối loạn nghiêm trọng.
- Rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD): Khoảng 1% dân số bị ảnh hưởng bởi NPD. Rối loạn này có liên quan đến sự thiếu đồng cảm với người khác, mong muốn vượt trội hơn người để được ngưỡng mộ. Người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ có xu hướng dễ bị tổn thương và không thể chịu đựng được việc bị chỉ trích. Điều trị nói chung là không hiệu quả với những người mắc NPD vì họ không tin rằng mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
- Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD): Những người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới hay gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc, có xu hướng hành động bốc đồng dẫn đến nhiều bất lợi trong công việc cũng như các mối quan hệ. Trong số 1,4% dân số mắc BPD thì 75% là phụ nữ, có thể do chứng rối loạn này ở nhiều nam giới bị chẩn đoán sai.
Rối loạn tâm thần: Đặc trưng của rối loạn thần kinh là các nhận thức bất thường như ảo giác và ảo tưởng. Trong khi ảo giác là những nhận thức sai lầm liên quan đến việc nghe hay nhìn thấy những thứ không tồn tại thì ảo tưởng lại là những niềm tin sai lầm, chẳng hạn như bị truy nã hay bị người khác làm hại. Rối loạn tâm thần phổ biến nhất là tâm thần phân liệt, thường xuất hiện ở người khoảng 25 đến 30 tuổi. Nguyên nhân của tâm thần phân liệt bao gồm các yếu tố di truyền và môi trường, rối loạn mạch máu não, chấn thương hay lạm dụng chất gây nghiện.
Mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và giấc ngủ
Một dấu hiệu phổ biến của những rối loạn trong sức khỏe tâm thần là khó ngủ. Loại rối loạn giấc ngủ liên quan chặt chẽ nhất với rối loạn tâm thần là chứng mất ngủ mãn tính. Một số chứng bệnh tâm thần phổ biến ảnh hưởng đến giấc ngủ bao gồm:
Trầm cảm: Dấu hiệu lâm sàng của trầm cảm là việc mất ngủ kéo dài hoặc không ngủ được. Ngủ quá nhiều cũng có thể là một dấu hiệu của trầm cảm. Rối loạn giấc ngủ có liên quan mật thiết đến trầm cảm đến mức một số bác sĩ y khoa khuyên rằng nên thận trọng trong việc chẩn đoán trầm cảm ở bệnh nhân không có triệu chứng rối loạn giấc ngủ. 75% người được chẩn đoán trầm cảm đều mắc chứng mất ngủ.
Rối loạn lưỡng cực: Rối loạn lưỡng cực có liên quan mật thiết đến khả năng ngủ, duy trì giấc ngủ và quay trở lại giấc ngủ. Những người trong giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực thường khó ngủ, trong khi những ai bị trầm cảm lại ngủ nhiều hơn bình thường. Các nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ có thể làm việc điều khiển cảm xúc ở người bị rối loạn lưỡng cực trở nên khó khăn hơn. Đối với nhiều người mắc chứng bệnh này, khó ngủ có thể là dấu hiệu báo trước giai đoạn hưng cảm đang đến gần.
Rối loạn lo âu: Lo lắng là nguyên nhân chính của chứng mất ngủ mãn tính. Ngay cả những lo lắng bình thường liên quan đến công việc và cuộc sống cũng có thể gây ra chứng mất ngủ. Một nguyên nhân chủ yếu của chứng mất ngủ mãn tính là lo lắng có điều kiện(conditioned anxiety) liên quan đến giấc ngủ và thói quen đi ngủ. Tác động của lo lắng lên cơ thể bao gồm sự tăng hoạt của hệ thống thần kinh trung ương, giải phóng nhiều hormone như adrenaline và cortisol gây ra căng thẳng. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa tiền sử mất ngủ và rối loạn lo âu, rối loạn hoảng loạn và rối loạn lo âu xã hội.
Rối loạn nhân cách ranh giới: Những người mắc bệnh BPD bị mất ngủ thường phải chịu những hậu quả của mất ngủ vào ban ngày như buồn ngủ, không thể tập trung và khó chịu. Các triệu chứng của BPD có thể trầm trọng hơn do mất ngủ, dẫn đến một vòng luẩn quẩn của mất ngủ và những hậu quả liên quan.
Rối loạn nhân cách: Một số loại rối loạn nhân cách có liên quan đến việc giấc ngủ bị xáo trộn. Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc chứng rối loạn nhịp sinh học có nguy cơ bị rối loạn nhân cách lớn hơn những người có chu kỳ ngủ và thức dậy bình thường.
Rối loạn tâm thần: Rối loạn tâm thầm như tâm thần phân liệt có tác động mạnh mẽ đến giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ thường là một dấu hiệu sớm của tâm thần phân liệt và có thể xuất hiện trước các triệu chứng của tâm thần phân liệt hàng tháng hay thậm chí cả năm. Bệnh nhân tâm thần phân liệt cũng nhiều khả năng mắc các rối loạn giấc ngủ khác, bao gồm:
- Khó thở khi ngủ
- Hội chứng chân bồn chồn (hội chứng chân không yên)
- Rối loạn vận động chân tay định kỳ (chân tay co giật khi ngủ)
- Rối loạn nhịp sinh học
Trầm cảm gây ra chứng mất ngủ hay ngược lại?
Trước đây người ta cho rằng các triệu chứng mất ngủ là do rối loạn tâm thần và trầm cảm. Hiện tại thì không như vậy. Rối loạn cảm xúc không chỉ gây ra các vấn đề về giấc ngủ mà còn làm chúng thêm trầm trọng.
Các loại thuốc dùng để điều trị rối loạn tâm thần cũng có thể gây ra chứng mất ngủ. Thuốc hướng thần gây ra sự kích thích làm giấc ngủ bị gián đoạn. Thuốc chống trầm cảm và các loại thuốc khác được sử dụng để điều trị rối loạn cảm xúc có thể làm trầm trọng hơn hội chứng chân bồn chồn và rối loạn vận động chân tay định kỳ.
Phân tích các nghiên cứu lớn cho thấy những người có triệu chứng mất ngủ được chẩn đoán có khả năng mắc bệnh trầm cảm cao gấp đôi so với những người không bị khó ngủ. Vậy lý do ở đây là gì? Mặc dù mối liên hệ giữa rối loạn cảm xúc và mất ngủ vẫn chưa được tìm ra, nhưng chúng ta có thể biết hormone và chất dẫn truyền thần kinh chịu tác động từ giấc ngủ. Ngủ là một hoạt động phục hồi làm giảm căng thẳng trong cơ thể và các khu vực của não, đặc biệt là ở vùng dưới đồi, tuyến thượng thận và tuyến yên. Việc tiết quá nhiều hormone cortisol hay còn được gọi là hormone căng thẳng cũng gây ra rối loạn cảm xúc.
Thiếu ngủ và căng thẳng sinh lý có thể khiến nhiều người mắc chứng mất ngủ bị rối loạn cảm xúc nghiêm trọng, và việc điều trị sớm là rất cần thiết, đặc biệt là ở những người có tiền sử gia đình mắc các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần.
Trầm cảm và các rối loạn giấc ngủ khác
Mất ngủ không phải là loại rối loạn giấc ngủ duy nhất liên quan đến trầm cảm và lo lắng. Ngưng thở khi ngủ cũng là một nguyên nhân phổ biến của trầm cảm và chứng mất ngủ. Việc ngưng thở khi ngủ gây ra tắc nghẽn đường thở và thức giấc lặp đi lặp lại trong đêm. Ngưng thở khi ngủ mãn tính có thể gây ra tăng cân, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các vấn đề về trí nhớ.
Người mắc chứng ngủ nhiều có dấu hiệu ngủ nhiều hơn bình thường và buồn ngủ vào ban ngày. Rối loạn này do tình trạng y tế, một số loại thuốc và rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch gây ra. Trong khi hầu hết mọi người cần ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm, nhu cầu ngủ nhiều hơn của người mắc hội chứng này là dấu hiệu của một loại rối loạn tâm trạng. Giống như ngưng thở khi ngủ, chứng ngủ nhiều gây nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ cao hơn.
Mối liên hệ giữa thuốc điều trị tâm thần và giấc ngủ
Các loại thuốc điều trị rối loạn tâm lý có thể có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến giấc ngủ. Hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm tác động lên các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, serotonin và norepinephrine, tất cả những chất này đều có tác dụng điều chỉnh chu kỳ ngủ và thức. Một số loại thuốc chống trầm cảm khác lại có tác dụng kích thích, gây ra chứng mất ngủ.
Thuốc chống trầm cảm và các loại thuốc khác được sử dụng để điều trị rối loạn cảm xúc có thể kích hoạt và làm trầm trọng thêm hội chứng chân bồn chồn và rối loạn vận động chân tay định kỳ. Những loại thuốc này có thể hữu ích ở những bệnh nhân mắc chứng ngủ nhiều không bị rối loạn giấc ngủ liên quan đến vận động.
Các loại thuốc khác như thuốc chống trầm cảm TCAs cũ có thể giúp hình thành một giấc ngủ lành mạnh ở bệnh nhân trầm cảm. Một khi bệnh nhân trầm cảm bắt đầu dùng thuốc, chứng mất ngủ có thể là triệu chứng cuối cùng cần cải thiện. Các loại thuốc chống trầm cảm mới hơn chứa các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc có thể ngăn chặn giai đoạn REM của giấc ngủ cũng như các giấc mơ sống động trong giấc ngủ REM.
Thuốc chống loạn thần có thể điều trị chứng mất ngủ phổ biến ở những người mắc bệnh tâm thần phân liệt. Ngoài ra thì một số loại thuốc này cũng gây buồn ngủ vào ban ngày. Thuốc ngủ an thần thường được kê đơn cùng với thuốc chống loạn thần, ban đầu là làm giảm chứng mất ngủ nhờ tác dụng an thần của chúng. Tuy nhiên ở bệnh nhân nhờn thuốc hay kháng thuốc an thần thì loại thuốc này lại không có tác dụng về lâu dài.
Hành động tự sát và giấc ngủ có liên quan thế nào?
Tự tử là đặc điểm chung ở một số bệnh tâm thần, trong đó có rối loạn lưỡng cực và trầm cảm. Những suy nghĩ và hành động tự sát cũng có thể xảy ra trong nhiều trường hợp người không mắc chứng bệnh tâm thần nào cả. Tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở độ tuổi từ 15 đến 24. Tự tử có nguy cơ cao hơn ở những người được tiếp cận và sử dụng súng.
Dấu hiệu của ý nghĩ và hành vi tự tử có thể bao gồm:
- Nói về tự tử hoặc ý nghĩ muốn chết
- Có cảm giác hoặc nói về cảm giác vô vọng
- Tìm kiếm các cách để tự tử
- Xuất hiện cảm giác lo lắng hoặc trầm cảm
- Sử dụng quá nhiều rượu hoặc chất kích thích gây nghiện
- Thể hiện hành vi bất thường như giận dữ, thay đổi tâm trạng hoặc kích động
Hành động tự sát thường do tình trạng tâm thần gây nên, nhưng cũng có thể là do những khó khăn gặp phải trong cuộc sống, căng thẳng, mất người thân hoặc các tổn thương trong quá khứ như bị lạm dụng cảm xúc, thể chất và tình dục. Tự tử cũng phổ biến hơn ở những người bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương hoặc có những cơn đau mãn tính.
Nghiên cứu gần đây cho thấy hành động tự sát có liên quan tới việc ngủ không đủ giấc ở thanh thiếu niên và người trưởng thành. Những người đã tự tử có nhiều khả năng bị mắc chứng mất ngủ, ngủ quá nhiều hay các rối loạn giấc ngủ khác. Mặc dù mối liên hệ này cần được nghiên cứu kỹ càng hơn, các nghiên cứu hiện tại đã và đang cho thấy mối liên quan chặt chẽ giữa sức khỏe tâm thần với giấc ngủ.
Kết luận
Sức khỏe tâm thần có vai trò cực kỳ quan trọng đối với hạnh phúc và chất lượng cuộc sống. Nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa bệnh tâm thần và rối loạn giấc ngủ, và mối liên hệ đó có thể xuất hiện hàng tháng hay hàng năm trước khi các triệu chứng tâm thần xuất hiện.
Thuốc và các phương pháp điều trị sức khỏe tâm thần khác có thể điều chỉnh giấc ngủ, nhưng cũng có thể gây ra và làm trầm trọng thêm chứng mất ngủ, chứng ngủ nhiều và các vấn đề về giấc ngủ khác. Điều chỉnh việc sử dụng thuốc hoặc điều trị riêng biệt các vấn đề liên quan đến giấc ngủ sẽ hình thành nên các thói quen ngủ lành mạnh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những ai bị rối loạn sức khỏe tâm thần.
Nguồn tham khảo: https://sleepopolis.com/education/how-does-mental-health-affect-your-sleep/