Bệnh tật không chỉ khiến chúng ta khó chịu và đau đớn, mệt mỏi, nó còn cản trở công việc cũng như sinh hoạt cá nhân. Hơn thế nữa, nó còn ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng giấc ngủ của chúng ta. Khi bị bệnh, chúng ta thường phải nằm ngủ trên giường cả ngày và khó khăn khi hoạt động, thế nhưng liệu có thể ngủ ngon? Làm thế nào để cải thiện giấc ngủ khi bị bệnh? Cùng Vua Nệm tìm hiểu giấc ngủ của người bệnh như thế nào và cách để ngủ ngon khi bị bệnh ngay trong bài viết này.
Nội dung chính
Giấc ngủ của người bệnh như thế nào?
Không có cách nào chữa khỏi bệnh tật một cách nhanh chóng. Nhưng bằng cách ngủ đủ giấc và dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, cơ thể chúng ta sẽ dần phục hồi và có thể chống lại virus, vi khuẩn gây bệnh.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, khi bị bệnh, chúng ta rất khó để ngủ ngon. Những triệu chứng như nghẹt mũi, khó thở, tức ngực, đau nhức cơ thể…khiến chúng ta trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
Khi bị bệnh, chúng ta cũng thường bị sốt bất thường, đôi khi sẽ cảm thấy lạnh, sau đó lại cảm thấy nóng. Điều này sẽ khiến người bệnh thường xuyên phải thức giấc chỉ để lật chăn đi hoặc kéo mền lên để đắp mà rất khó có được giấc ngủ trọn vẹn.
Một thực tế đáng sợ khác là vào ban đêm, tình trạng bệnh của chúng ta thường trở nên nặng hơn, cơ thể cảm thấy khó chịu hơn và gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nghiên cứu cho thấy rằng khi mặt trời lặn, các chức năng của cơ thể cũng hoạt động chậm lại, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn.
Điều này có liên quan nhiều đến nhịp sinh học của cơ thể con người. Nhịp sinh học chịu trách nhiệm điều chỉnh việc giải phóng nhiều loại hormone khiến chúng ta buồn ngủ hoặc khiến chúng ta tỉnh táo. Ví dụ, ban đêm, cơ thể tiết ra nhiều melatonin tạo cảm giác thư giãn và buồn ngủ.
Trong khi đó, có một loại hormone khác được gọi là cortisol, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, quá trình trao đổi chất và huyết áp. Cortisol cũng đóng một vai trò quan trọng trong chức năng của hệ thống miễn dịch. Nó làm giảm viêm và giúp chúng ta chống lại nhiễm trùng và bệnh tật.
Vào ban ngày, cortisol đi khắp cơ thể, ức chế hệ thống miễn dịch, các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng cũng lưu thông ít hơn. Vào ban đêm, cơ thể bắt đầu công việc sửa chữa và hồi phục. Lượng cortisol được giải phóng ít hơn và các tế bào bạch cầu trở nên hoạt động tích cực hơn, nó phát hiện và chống lại nhiễm trùng. Từ đó, nó có thể gây ra các triệu chứng chẳng hạn như sốt, ớn lạnh, đổ mồ hôi, đau nhức đầu và cơ thể, nghẹt mũi…Cũng vì hiện tượng này mà chúng ta sẽ khó có thể ngủ một giấc ngon và trọn vẹn như khi cơ thể khỏe mạnh.
Tại sao khi ốm chúng ta thường muốn ngủ nhiều hơn?
Khi bị ốm, chúng ta có xu hướng ngủ nhiều hơn bình thường. Thức dậy sớm và thực hiện một số hoạt động thể chất, tập thể dục hay làm việc sẽ là một gánh nặng quá lớn với cơ thể. Trên thực tế, hầu hết mọi người đều cảm thấy mệt mỏi và khó thức dậy để vận động như bình thường.
Ngủ đủ và nhiều hơn khi bị bệnh như là điều bắt buộc và là cơ chế sinh tồn tất yếu của cơ thể. Tuy nhiên, bạn có biết tại sao chúng ta thường cảm thấy buồn ngủ hơn khi bị bệnh không?
Buồn ngủ trong thời gian bị bệnh chủ yếu là do thiếu năng lượng. Là một phần trong cơ chế phòng thủ của cơ thể con người. Phần lớn năng lượng của chúng ta được hệ thống miễn dịch sử dụng để chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus khi bị bệnh. Thiếu năng lượng để cơ thể hoạt động, chúng ta có xu hướng cảm thấy bồn chồn và mệt mỏi, dẫn đến buồn ngủ hơn.
Ngoài ra, các quá trình miễn dịch đáp ứng việc phục hồi, chống lại bệnh tật chỉ xảy ra khi chúng ta ngủ. Vì vậy, buồn ngủ cũng có thể là một cách cơ thể của chúng ta tạo điều kiện để các quá trình chữa lành này hoạt động, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Hơn nữa, bệnh tật cũng gây tổn hại và gây căng thẳng cho hầu hết các tế bào của cơ thể. Lúc này, một tế bào thần kinh được gọi là Alpha-Lipoic Acid – chịu trách nhiệm truyền đi một nhóm hóa chất gửi tín hiệu giữa các tế bào thần kinh não, giải phóng chất FLP-13 gây buồn ngủ. Do đó, cơ thể con người khi bị bệnh thường muốn ngủ nhiều hơn so với bình thường.
Vai trò của giấc ngủ đối với người bệnh
Ngủ là điều cần thiết, đặc biệt là khi chúng ta ốm. Dưới đây là một số lý do tại sao ngủ và nghỉ ngơi là điều cần thiết khi chúng ta bị bệnh.
- Ngủ giúp sản sinh protein chống nhiễm trùng: Cytokine là một loại protein trong hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Nó chỉ được sản xuất khi chúng ta đang ngủ. Nếu không ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi đầy đủ, hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ cạn kiệt loại protein này. Do đó, cơ thể sẽ khó phục hồi hơn và cũng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.
- Cơ thể phản ứng với cơn sốt tốt hơn khi đang ngủ: Khi bệnh chúng ta thường bị sốt. Đây là cách để cơ thể chống lại virus và nhiễm trùng. Chúng ta thường có phản ứng tốt hơn khi chúng ta ngủ, nên việc ngủ có thể tăng tốc độ hồi phục sau khi bị bệnh.
- Ngủ giúp dự trữ và bổ sung năng lượng: Giống như nhiều hoạt động của cơ thể con người, các quá trình hoạt động của hệ thống miễn dịch cũng cần có đủ năng lượng. Không có năng lượng, hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ bắt đầu ngừng hoạt động, điều này sẽ khiến quá trình hồi phục của cơ thể chậm hơn. Do đó, ngủ và nghỉ ngơi giúp hệ thống miễn dịch tiếp tục hoạt động chống lại virus và vi khuẩn để chúng ta phục hồi nhanh hơn.
- Tránh bệnh nặng hơn: Nếu không nghỉ ngơi hoặc ngủ, nhiều người bệnh có thể sẽ đi lại và làm những việc khác. Điều này khiến người bệnh tiếp xúc với nhiều virus và vi khuẩn có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn. Do đó, nghỉ ngơi hoặc ngủ đủ giấc không chỉ giúp bạn hồi phục sức khỏe nhanh hơn mà còn giúp bạn tránh mắc các bệnh nặng hơn.
Những cách giúp ngủ ngon hơn khi bị bệnh
Mọi người đều biết rằng ngủ đủ giấc là một phần quan trọng để tạo nên một cơ thể khỏe mạnh. Giấc ngủ cần thiết cho cả tinh thần và thể chất, nó cho phép cơ thể có thời gian ngừng hoạt động để phục hồi tế bào và sửa chữa các mô bị tổn thương khi bị bệnh. Dưới đây là một số cách để giúp chúng ta ngủ ngon hơn khi bị ốm.
- Đi ngủ sớm: Đi ngủ sớm giúp bạn có được những giấc ngủ REM. Bạn càng có nhiều thời gian trong REM, cơ thể càng có nhiều thời gian để phục hồi và chống lại bệnh tật. Vì vậy, hãy đi ngủ càng sớm càng tốt, phải tránh sử dụng thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại…vì nó sẽ khiến bạn tỉnh táo.
- Nên ngủ một mình khi bị bệnh: Ngủ chung giường với người khác khi bạn bị ốm có thể là một lựa chọn không phù hợp. Bạn có thể khó ngủ hơn nếu có người nằm bên cạnh và thường xuyên xoay trở mình, gây ồn ào, phá vỡ giấc ngủ của bạn. Hoặc nếu bạn không ngủ ngon sẽ ảnh hưởng tới người bên cạnh. Sử dụng phòng ngủ riêng và yên tĩnh sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn.
- Tạo môi trường ngủ lành mạnh: Phòng ngủ cần đảm bảo sự thoải mái và tốt nhất là không nên có quá nhiều ánh sáng. Nếu có bất kỳ ánh sáng nào chiếu vào phòng nó sẽ khiến bạn tỉnh táo hơn, hãy sử dụng bịt mắt để dễ ngủ hơn.
Tắt mọi thiết bị điện tử hoặc thậm chí là loại bỏ các thiết bị như máy tính, tivi ra khỏi phòng ngủ của mình và biến nó thành khu vực không có công nghệ. Tiếng ồn xung quanh cũng có thể cản trở giấc ngủ, hãy dùng bịt tai hoặc dùng tiếng ồn trắng để có thể giúp bạn chìm vào giấc ngủ.
Bạn cũng nên điều chỉnh nhiệt độ phòng ngủ phù hợp. Phòng ngủ tốt nhất nên có nhiệt độ từ 25 – 28 độ C. Cơ thể sẽ thoải mái với mức nhiệt này và đi vào giấc ngủ nhanh hơn.
Cuối cùng, hãy sử dụng bộ chăn ga gối nệm chất lượng và phù hợp với từng thời điểm, thời tiết trong năm. Một bộ chăn ga gối nệm tốt mang tới sự thư giãn, thoải mái và giúp cơ thể thả lỏng, dễ chịu hơn ngay cả khi bị bệnh.
- Tắm nước ấm trước khi đi ngủ: Tắm trước khi đi ngủ có thể giúp bạn chìm vào giấc ngủ tốt hơn. Các chuyên gia khuyên rằng nên tắm nước ấm, không nên quá nóng. Cụ thể, nhiệt độ nước nên từ 40 đến khoảng 43 độ C để có giấc ngủ ngon nhất. Thời gian tắm cũng rất quan trọng, tốt nhất nên tắm từ 60 đến 90 phút trước khi lên giường đi ngủ. Điều này giúp cơ thể bạn có đủ thời gian để thư giãn và nhiệt độ cơ thể giảm xuống sẽ giúp ngủ ngon hơn.
- Chuẩn bị những thứ cần thiết ở đầu giường: Chẳng may bạn bị sốt vào lúc nửa đêm nhưng cơ thể mệt mỏi không thể hoặc không muốn ra khỏi giường để đi lấy thuốc. Bạn nên chuẩn bị sẵn trên tủ đầu giường tất cả những thứ cần thiết như một chiếc nhiệt kế, một ly nước lớn, một ít thuốc và một hộp khăn giấy…Bằng cách này, bạn không cần phải ra khỏi giường và dễ dàng ngủ lại nhanh hơn.
>> Xem thêm:
- Bí quyết cải thiện giấc ngủ cho người bệnh đái tháo đường
- Bụi ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn như thế nào?
Hầu hết thời gian bị bệnh chúng ta thường cảm thấy mệt mỏi và bồn chồn. Nếu cảm thấy buồn ngủ, hãy dành thời gian ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ. Nhưng nếu không thể ngủ, không nên ép cơ thể ngủ và thay vào đó hãy nghỉ ngơi và thư giãn. Ngủ và nghỉ ngơi đều có thể giúp cơ thể phục hồi năng lượng, chống lại bệnh tật. Bên cạnh đó, hãy nhớ ăn đủ chất và uống đủ nước để cơ thể khỏe mạnh hơn. Khi khó ngủ, bạn cũng có thể áp dụng một số cách giúp ngủ ngon khi bị bệnh mà Vua Nệm vừa chia sẻ ở trên để cải thiện chất lượng giấc ngủ nhé