Khoa học giấc ngủ

Thông tin về chứng ngủ rũ đầy đủ và chi tiết từ A – Z

Kieu Tien
16/11/2021

Chứng ngủ rũ là tình trạng nhiều người gặp phải, bao gồm cả người lớn lẫn trẻ em. Ngủ rũ gây phiền toái và ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, công việc của người bệnh. Hiểu rõ về chứng ngủ rũ và các triệu chứng, nguyên nhân, ảnh hưởng của căn bệnh này sẽ giúp bạn đối phó với nó hiệu quả hơn.

Chứng ngủ rũ là gì?

Chứng ngủ rũ là một chứng rối loạn làm gián đoạn quá trình ngủ – thức. Triệu chứng điển hình của bệnh là buồn ngủ quá mức vào ban ngày (EDS) và sự bất thường trong chu kỳ  giấc ngủ REM xảy ra ít nhất trong 3 tháng. Tình trạng này diễn  ra do não không thể điều chỉnh đúng thời gian thức và ngủ.

chứng ngủ rủ là gì
Chứng ngủ rũ gây ra tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày

Thông thường, giấc ngủ sẽ trải  ra qua nhiều giai đoạn như: ru ngủ – ngủ nông – ngủ sâu – ngủ REM (ngủ rất sâu và ngủ mơ). Trong đó, giấc ngủ REM thường diễn ra sau cùng trong các giai đoạn ngủ và sau khi ngủ khoảng 1 tiếng hoặc hơn 1 tiếng. Trong chứng ngủ rũ, giấc ngủ REM không thường xuyên xảy ra, nếu có thì sẽ bắt đầu sau vài phút chìm vào giấc ngủ, sớm hơn so với người bình thường.

Ngủ REM xảy ra sớm hơn và nhanh chóng là bởi những thay đổi trong não làm gián đoạn cách thức hoạt động của giấc ngủ, những gián đoạn này còn gây ra buồn ngủ vào ban ngày và kèm theo một số triệu chứng khác.

Phân loại chứng ngủ rũ

Theo Phân loại quốc tế về rối loạn giấc ngủ, chứng ngủ rũ thường được phân thành hai loại là ngủ rũ loại 1 và ngủ rũ loại 2. Mỗi một loại ngủ rũ sẽ có những đặc điểm cụ thể dưới đây.

Chứng ngủ rũ loại 1

Chứng ngủ rũ này có liên quan đến triệu chứng cataplexy, tức là mất trương lực cơ đột ngột. Trước đây chứng ngủ rũ này được gọi là “chứng ngủ rũ với cataplex”.

phân loại chứng ngủ rủ
Chứng ngủ rũ loại 1 có sự mất trương lực cơ đột ngột

Không phải tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng ngủ rũ loại 1 đều trải qua các đợt mất trương lực cơ đột ngột. Một số người có mức độ hypocretin-1 (chất hóa học trong cơ thể giúp kiểm soát sự tỉnh táo) ở mức độ thấp cũng được chẩn đoán là mắc chứng ngủ rũ loại 1. Phần lớn những người có mức độ hyprocretin-1 thấp đều có thể xảy ra tình trạng mất trương lực cơ đột ngột.

Chứng ngủ rũ loại 2

Trước đây, chứng ngủ rũ này còn được gọi là “chứng ngủ rũ không có cataplex”. Những người mắc chứng ngủ rũ loại 2 có nhiều triệu chứng tương tự như những người mắc chứng ngủ rũ loại 1, tuy nhiên họ lại không bị mất trương lực cơ đột ngột hoặc mức hypocretin-1 ở mức thấp.

Nếu một người mắc chứng ngủ rũ loại 2 mà sau đó xuất hiện tình trạng mất trương lực cơ đột ngột hoặc mức hypocretin-1 thấp thì có thể được chẩn đoán là mắc chứng ngủ rũ loại 1. Sự thay đổi từ chứng ngủ rũ loại 2 sang ngủ rũ loại 1 thường xảy ra với khoảng 10% trường hợp bệnh nhân.

Triệu chứng của trứng ngủ rũ

Triệu chứng của chứng ngủ rũ thường thể hiện ở cả ban ngày lẫn ban đêm. Bạn có thể nhận biết chứng bệnh này bằng những triệu chứng điển hình dưới đây:

  • Buồn ngủ quá mức vào ban ngày (EDS): Đây là triệu chứng điển hình nhất, xảy ra ở tất cả những người mắc chứng rối loạn này. Buồn ngủ quá mức vào ban ngày liên quan đến sự thôi thúc muốn ngủ và không thể cưỡng lại được cảm giác buồn ngủ.

Tình trạng buồn ngủ vào ban ngày gây ra sự mất tập trung cho người bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp phải các “cơn ngủ” và có thể ngủ thiếp đi mà không có dấu hiệu báo trước, ví dụ như đột nhiên ngủ khi đang làm việc hay nói chuyện. Sau khi trải qua các giấc ngủ ngắn vào ban ngày, người bệnh sẽ cảm thấy sảng khoái tạm thời và sau đó lại cảm thấy buồn ngủ.

  • Hành vi tự động: Khi người mắc chứng ngủ rũ cố gắng tránh các cơn buồn ngủ quá mức vào ban ngày, cơ thể sẽ sinh ra một số hành vi tự động mà người bệnh không hề hay biết. Ví dụ, một học sinh buồn ngủ sẽ viết trong vô thức nhưng thực chất những chữ này không có nghĩa, chỉ là những nét nguệch ngoạc.
  • Giấc ngủ ban đêm bị gián đoạn: Tình trạng giấc ngủ bị gián đoạn, thường xuyên thức giấc vào ban đêm thường gặp ở những người mắc chứng ngủ rũ.
dấu hiệu chứng ngủ rũ
Một số dấu hiệu chứng ngủ rũ dễ nhận thấy
  • Liệt khi ngủ: Những người mắc chứng ngủ rũ có tỉ lệ liệt khi ngủ cao hơn so với người bình thường. Khi đó, người mắc chứng rối loạn này sẽ cảm thấy bất lực trong việc di chuyển hoặc nói chuyện trong khi ngủ hay khi thức giấc. Các cơn tê liệt thường kéo dài trong một thời gian ngắn, khoảng 1-2 phút nhưng gây ra cảm giác sợ hãi cho người bệnh.

Liệt khi ngủ thường xảy ra ở giai đoạn ngủ REM, tuy nhiên không phải ai mắc chứng ngủ rũ đều gặp phải hiện tượng này. Đa phần những người trẻ tuổi sẽ dễ gặp phải tình trạng tê liệt khi ngủ hơn so với những người ở độ tuổi trung niên, người già.

  • Ảo giác liên quan đến giấc ngủ: Người bệnh có thể thấy được những hình ảnh sống động khi chìm vào giấc ngủ (ảo giác hypnagogic) hoặc khi thức giấc (ảo giác hypnopomic). Ảo giác có thể đi kèm với chứng tê liệt khi ngủ, gây ra cảm giác khó chịu và lo sợ cho người bệnh.
  • Mất trương lực cơ đột ngột (Cataplexy): Triệu chứng này chỉ xảy ra ở những người mắc chứng ngủ rũ loại 1, không xảy ra đối với người mắc chứng ngủ rũ loại 2. Đây là tình trạng yếu cơ tạm thời hoặc tê liệt xảy ra do phản ứng cảm xúc đột ngột gây nên như: vui quá mức, tức giận, sợ hãi, giật mình…Ví dụ như một người đang cười thì bị ngã hoặc một người đột ngột làm rơi đồ khi đang tức giận…

Tê liệt tay, chân do mất trương lực cơ đột ngột còn có thể gây ảnh hưởng đến các cơ khác như: nháy các cơ mặt, hàm có bị bị hạ xuống, gật đầu, nhắm mắt, nói lắp… Mất trương lực cơ đột ngột thường kéo dài từ vài giây đến vài phút. Tình trạng này không thường xuyên mà chỉ xảy ra mỗi năm vài lần.

Những người măc chứng ngủ rũ đều xuất hiện triệu chứng buồn ngủ quá mức vào ban ngày, tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng gặp phải tất cả các triệu chứng vừa nêu trên. Ngoài ra, các triệu chứng có thể không xảy ra đồng thời, ví dụ như ban đầu có thể bị buồn ngủ quá mức vào ban ngày rồi vài năm sau mới xuất hiện tình trạng mất trương lực cơ đột ngột.

Chứng ngủ rũ có ảnh hưởng gì?

Chứng ngủ rũ gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với người bệnh, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, thậm chí nhiều trường hợp còn gây ra tai nạn và nguy hiểm đến tính mạng. Một số ảnh hưởng của chứng ngủ rũ có thể kể đến dưới đây:

  • Gây ra tai nạn khi lái xe: Các Khi các cơn ngủ đến bất chợt mà không thể cưỡng lại được, người đang lái xe có thể gây ra tai nạn giao thông do không thể kiểm soát được cơ thể. Một số trường hợp nhẹ thì gây thương tích, những trường hợp nặng ó thể gây tử vong. Theo ước tính, những người mắc chứng ngủ ruc có nguy cơ bị tai nạn xe hơi cao gấp 3-4 lần so với người không mắc chứng rối loạn này.
ảnh hưởng chứng ngủ rũ
Ngủ rũ gây ra ảnh hưởng đến học tập và công việc
  • Ảnh hưởng đến công việc và học tập: Tình trạng ngủ rũ khiến bạn mất tập trung và hay buồn ngủ vào ban ngày, do đó mà học tập và làm việc không hiệu quả.
  • Tâm lý tự ti: Người mắc chứng ngủ rũ có thể cảm thấy bị kỳ thị nên thường thu mình lại, hạn chế tiếp xúc với xã hội. Nếu tình trạng này không được cải thiện có thể gây rối loạn sức khỏe tâm thần, ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, học tập và các mối quan hệ xã hội.
  • Nguy cơ cao mắc phải một số vấn đề về sức khỏe như: béo phì, các bệnh tim mạch, trâm cảm, lo lắng, rối loạn tăng động giảm chú ý.

Nguyên nhân gây ra chứng ngủ rũ

Nguyên nhân gây ra chứng ngủ khác nhau đối với từng loại ngủ rũ 1 và 2. Cụ thể.

Nguyên nhân gây ra chứng ngủ rũ loại 1

  • Mất các tế bào thần kinh trong não chịu trách nhiệm sản xuất ra hypocretin – 1, đây là chất hóa học giúp điều chỉnh sự tỉnh táo và giấc ngủ. Khi đó, hypocretin ở mức thấp nên bệnh nhân rơi vào tình trạng buồn ngủ, không tỉnh táo. Người bị chứng ngủ rũ loại 1 mất 90% hoặc hơn số lượng tế bào thần kinh tạo ra hypocretin bình thường.
  • Ngủ rũ loại 1 có dao động theo mùa do có sự liên hệ tiềm ẩn với vi rút cúm. Ngoài ra còn có sự liên hệ với các loại bệnh nhiễm trùng khác của cơ thể.
nguyên nhân chứng ngủ rũ
Ngủ rũ loại 1 có mối liên hệ tiềm ẩn với vi rút cúm
  • Yếu tố di truyền: Những người có tiền sử gia đình mắc chứng ngủ rũ loại 1 có khoảng 1-2% nguy cơ mắc phải chứng rối loạn này. Mặc dù đây là nguy cơ nhỏ nhưng vẫn cao hơn so với người không có tiền sử gia đình mắc bệnh.
  • Do bệnh lý khác gây ra tổn thương cho não: Vị trí tổn thương là các bộ phận của não có chứa các tế bào thần kinh sản xuất ra hupocretin. Tình trạng này có thể được gọi là chứng ngủ rũ thứ phát, có thể xảy ra do chấn thương não hoặc nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương. Nguyên nhân này của chứng ngủ rũ loại 1 khá hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra.

Nguyên nhân gây ra chứng ngủ rũ loại 2

  • Nguyên nhân của chứng ngủ rũ này chưa được tìm thấy nhiều trong các nghiên cứu khoa học. Một số chuyên gia cho rằng đây chỉ là sự mất mát không rõ rệt của các tế bào thần kinh sản xuất ra hypocretin. Một số khác lại cho rằng chứng ngủ rũ loại 2 do tiền thân là chứng ngủ rũ loại 1 gây ra (có khoảng 10% người bị chứng ngủ rũ loại 2 chuyển sang loại 1 do sự mất trương lực cơ đột ngột).
  • Một số nguyên nhân khác được chẩn đoán là do cơ thể bị nhiễm vi rút nhưng hầu hết không xác định được nguyên nhân. Bên cạnh đó, ngủ rũ loại 2 còn có thể xảy ra do một số tình trạng như chấn thương đầu, đa xơ cứng, các bệnh ảnh hưởng đến não…

Điều trị chứng ngủ rũ như thế nào hiệu quả?

Không có cách nào để chữa trị dứt điểm chứng ngủ rũ loại 1 và loại 2. Mục tiêu của điều trị chứng rối loạn này là cải thiện các triệu chứng gây ảnh hưởng đến bệnh nhân.

Đối với nhiều người, đa phần chứng ngủ rũ sẽ ổn định theo thời gian. Một số trường hợp có thể cải thiện khi bệnh nhân già đi, rất hiếm trường hợp các triệu chứng thuyên giảm một cách tự nhiên. Hiện các chuyên gia vẫn chưa nắm được tại sao những người khác nhau lại có diễn biến bệnh khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp được áp dụng để điều trị triệu chứng của chứng ngủ rũ:

Phương pháp tiếp cận hành vi

Là nhóm các phương pháp trị liệu phi y tế, tác động chủ yếu vào thói quen hằng ngày. Các biện pháp tác động gồm:

  • Lập kế hoạch cho những giấc ngủ ngắn, tận dụng giấc ngủ buổi trưa… để hạn chế tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
  • Tạo môi trường ngủ thuận lợi: Tạo môi trường ngủ không bị phiền nhiễu bởi âm thanh, ánh sáng, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ.
trị chứng ngủ rũ
Tạo môi trường ngủ thuận lợi để ngủ ngon hơn
  • Tránh sử dụng rượu và các loại thuốc an thần
  • Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế chất béo có hại cho cơ thể.
  • Tập thể dục để ngăn ngừa béo phì, cải thiện giấc ngủ ban đêm
  • Nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý để kiểm soát cảm xúc hiệu quả hơn.

Phương pháp điều trị bằng thuốc

  • Thuốc giúp cải thiện triệu chứng nhưng cũng có thể gây ra tác dụng phụ, do đó cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc được sử dụng chủ yếu gồm các loại thuốc thúc đẩy tỉnh táo, làm giảm triệu chứng buồn ngủ quá mức vào ban ngày, thuốc làm giảm rối loạn mất trương lực cơ đột ngột….
  • Không phải tất cả các loại thuốc đều có tác đụng đối với tất cả bệnh nhân, một số có thể gặp phải tác dụng phụ hoặc cảm giác khó chịu khi dùng thuốc. Do đó, cần tuân theo chỉ định của bác sĩ để tìm được loại thuốc phù hợp và dùng đúng liều lượng.

Trên đây là tổng hợp những thông tin về chứng ngủ rũ, hy vọng bạn sẽ hiểu rõ hơn về chứng rối loạn này và có cách đối phó hiệu quả nhất, điều trị hiệu quả các triệu chứng để công việc, cuộc sống được đảm bảo.

Tài liệu tham khảo: https://www.sleepfoundation.org/narcolepsy