Tổng hợp

Kiểm soát cơn nóng giận hiệu quả bằng cách nào?

Tôn Vân
14/07/2022

Tức giận là một cảm xúc bình thường và thậm chí lành mạnh, vì nó giúp bạn giải quyết những vấn đề rắc rối nào đó với yêu cầu là phải giải quyết nó theo cách tích cực. Nhưng sự tức giận thường xuyên hoặc ở mức độ quá cao hay sự nóng giận không được kiểm soát có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ cũng như sức khỏe tâm lý và chất lượng cuộc sống của một người. Vậy làm sao để kiểm soát cơn nóng giận? Trong bài viết này, Ngủ Ngon Sống Trọn sẽ cùng các bạn tìm hiểu những tác hại của cơn nóng giận và những cách kiểm soát cơn giận hiệu quả.

làm sao để kiềm chế cơn nóng giận
Kiểm soát cơn nóng giận bằng cách nào?

Giận dữ là gì? Tác hại của cơn nóng giận

Giận dữ là một phản ứng phổ biến khi bạn gặp phải một việc nào đó gây bực bội hoặc khi bạn bị đe dọa. Nó cũng có thể là một phản ứng thường xảy ra khi bạn phải đối mặt với những nỗi buồn, sự cô đơn hoặc sợ hãi.

Giận dữ có những lợi ích nhất định, nó giúp bạn có thể giải tỏa tâm trạng và giải quyết những vấn đề mà bạn đang gặp phải.

Người xưa có câu: “giận quá mất khôn”, ý nói khi không thể kiểm soát cơn nóng giận và nó bộc phát mạnh mẽ sẽ có thể gây ra những sai lầm khiến bạn phải hối hận. Đó có thể là một lời nói không hay, làm tổn thương người khác. Thậm chí đó có thể là một hành động gây tổn hại tới tinh thần và sức khỏe của người khác. Bên cạnh đó, nó cũng làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng trong công việc và trong các mối quan hệ cá nhân.

cách giải quyết cơn nóng giận
Cơn nóng giận có thể gây ảnh hưởng xấu tới các mối quan hệ cá nhân

Khi cơn nóng giận phát triển không theo hướng tiêu cực và mất kiểm soát, nó có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Cụ thể:

Nóng giận có thể ảnh hưởng tới tim mạch: Khi giận giữ có thể làm tăng nguy cơ gây đau tim, đột quỵ cao hơn so với bình thường. Điều này là do lượng máu chảy về tim bị giảm đi và sẽ chảy về não, mặt nhiều hơn. Biểu hiện là khi tức giận, khuôn mặt thường ửng đỏ, nóng mặt.

Tăng huyết áp, gây tổn hại cho gan: Tức giận sẽ khiến cơ thể tiết ra chất catecholamine, kết hợp với hoạt động của dây thần kinh làm tăng đường huyết và dẫn tới tăng huyết áp. Cùng với đó là làm tăng độc tố và axit báo, tổn hại đến gan.

Tổn thương và lão hóa não: Khi cơn nóng giận xảy ra sẽ khiến cho lượng huyết dịch về nào giảm khiến cho oxy lên não bị thiếu hụt. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ đột quỵ mà còn khiến não có xu hướng nhanh lão hóa hơn.

Cơn nóng giận ảnh hưởng tới dạ dày: Tức giận và thường xuyên tức giận có thể làm giảm máu ở dạ dày và đường ruột. Đây là yếu tố gây ra loét dạ dày, ruột và chán ăn.

Xảy ra các vấn đề liên quan đến phổi: Những người đang nóng giận thường sẽ thở nhanh, thở gấp. Lúc này, phổi phải làm việc nhanh, mạnh để đẩy không khí lưu thông khắp cơ thể và lên não. Việc hoạt động quá tải như vậy sẽ gây ảnh hưởng tới lá phổi của chúng ta.

Ảnh hưởng xấu tới hệ miễn dịch: Nóng giận khiến tâm trạng khó chịu, chán ăn, sa sút tinh thần…Nó vừa ảnh tác động tiêu cực đến cuộc sống, vừa làm giảm hệ thống miễn dịch do cơ thể không đảm bảo sự khỏe mạnh.

Kiểm soát cơn nóng giận là gì?

Kiểm soát cơn nóng giận là một loạt các kỹ năng có thể giúp nhận biết các dấu hiệu của cơn giận và xử lý các yếu tố gây nóng giận theo hướng tích cực. Quản lý cơn giận giữ tốt là khi một người xác định cơn giận ở giai đoạn đầu và bày tỏ thái độ, sự tức giận của mình trong khi vẫn giữ được bình tĩnh và kiểm soát được cảm xúc của mình ở mức độ phù hợp.

Điều đó không có nghĩa là bạn phải kìm nén và che dấu cơn giận hay lảng tránh nó. Mà đó là đối mặt với cơn giận bằng ý thức tích cực. Đối phó với sự tức giận là một kỹ năng cần có và ai cũng có thể học cách kiểm soát nó nếu như có sự kiên nhẫn và quyết tâm.

Khi sự tức giận ảnh hưởng tiêu cực đến một mối quan hệ, và đặc biệt là nếu nó dẫn đến hành vi bạo lực hoặc nguy hiểm khác; hãy học cách kiểm soát cơn nóng giận ngay để tránh những tổn hại lớn hơn.

cách khắc phục cơn nóng giận
Hãy học cách kiểm soát cơn nóng giận trước mọi trường hợp

Những cách kiểm soát cơn nóng giận hiệu quả

Một tổ chức từ thiện sức khỏe tâm thần lớn ở Anh có tên là MIND, đã xác định ba bước chính để kiểm soát cơn giận:

  • Bước 1: Nhận biết những dấu hiệu ban đầu của cơn giận dữ
  • Bước 2: Cho bản thân thời gian và không gian để xử lý các yếu tố gây nóng giận
  • Bước 3: Áp dụng các kỹ thuật có thể giúp bạn kiểm soát cơn nóng giận

Dựa trên quan điểm này, chúng ta có cách quản lý cơn nóng giận dưới đây:

Nhận biết sự tức giận

Để kiểm soát được sự tức giận thì đầu tiên cần phải nhận biết được mình đang tức giận và nguyên nhân của cơn giận là gì. Đây sẽ là “chìa khóa” để giải quyết vấn đề và giúp bạn quản lý cơn giận tốt hơn.

Khi giận dữ, cơ thể giải phóng adrenaline và xuất hiện những biểu hiện như:

  • Nhịp tim nhanh
  • Thở nhanh hơn
  • Căng thẳng
  • Bồn chồn và liên tục đi qua đi lại
  • Nắm chặt tay và cắn chặt hàm
  • Đổ mồ hôi và người run rẩy

Dành thời gian xem xét vấn đề khiến mình tức giận

Khi đã nhận thấy mình đang tức giận thì hãy cố gắng dành cho mình không gian và thời gian để suy ngẫm, xem xét lại vấn đề đã khiến mình giận dữ. Thay thì ngay lập tức nổi giận thì hãy cố gắng bình tĩnh lại và thử thực hiện một số hoạt động sau:

  • Đi bộ trong vài phút hoặc đếm số theo thứ tự để dần kiểm soát cơn nóng giận. Sau khi đếm số, nhịp tim của bạn sẽ chậm lại, cơn tức giận cũng giảm đi.
  • Trò chuyện với một người nào đó không liên quan đến sự việc, có thể là bạn bè, người thân thiết để chia sẻ câu chuyện khiến bạn tức giận. Bạn cũng có thể nêu suy nghĩ và quan điểm của mình về vấn đề đã xảy ra, biết đâu bạn sẽ nhận được lời góp ý phù hợp để giải quyết rắc rối.

Những việc này có thể giúp xoa dịu tình hình và xác định rõ ràng hơn nguyên nhân gây ra cơn nóng giận, từ đó có cách xử lý tốt nhất.

xử lý cơn nóng giận
Trò chuyện và chia sẻ sự việc với người không liên quan đến cơn tức giận là một cách để quản lý cơn giận

Áp dụng các phương pháp kiểm soát cơn nóng giận

Các phương pháp khác nhau có hiệu quả đối với những người khác nhau, nhưng việc tìm ra một cách quản lý cảm xúc phù hợp có thể là công cụ giúp xoa dịu những cơn tức giận tột độ. Hãy áp dụng một số cách kiểm soát cơn nóng giận dưới đây:

  • Hít thở sâu, chậm: Vì khi tức giận, hơi thở sẽ dồn dập, tăng tốc và thở nông hơn. Nên để kiểm soát cơn giận, hãy tập trung vào từng hơi thở, hít thở sâu và nhẹ nhàng. Cố gắng dành thời gian để thở ra nhiều hơn so với hít vào.
  • Thư giãn cơ bắp, giảm căng thẳng thể chất: Tức giận khiến các cơ thường co rút, cơ thể căng thẳng hơn. Để giảm cơn giận, hãy làm thả lỏng cơ thể, từ từ thư giãn các cơ, thực hiện các động tác giãn cơ như xoay nhẹ cổ, vai, xoa bóp vai gáy…giống như tập yoga vậy.
  • Ngồi thiền: Thiền là một ví dụ về kỹ thuật tập trung và kiểm soát hơi thở. Những kỹ thuật này có thể giúp chuyển tâm trí sang một vấn đề khác, tránh khỏi sự tức giận.
  • Tìm các công cụ để giải tỏa cơn giận: Có thể giúp bày tỏ sự tức giận theo cách hạn chế gây tổn hại cho người khác, chẳng hạn như xé giấy báo, đấm hoặc la hét vào gối. Mặc dù nó có vẻ hơi “bạo lực” thế nhưng lại rất hiệu quả để kiểm soát cơn nóng giận mà không gây ra những tổn thương cho người xung quanh.
tác hại của cơn nóng giận
Tìm công cụ để giải tỏa cơn nóng giận mà không gây tổn hại đến người khác
  • Tạo sự phân tâm: Các biện pháp gây xao nhãng, phân tâm chẳng hạn nghe nhạc, tắm nước ấm để thư giãn hoặc dọn dẹp nhà cửa, viết lách hoặc vẽ vời…có thể khiến bạn tạm thời quên đi sự việc gây buồn bực. Sau đó bạn sẽ dần dần không còn tức giận mạnh mẽ khi nghĩ đến vấn đề đó nữa.
  • Tập thể dục: Hoạt động thể chất là một cách tuyệt vời để sử dụng hết lượng adrenalin dư thừa tiết ra khi tức giận. Chạy nhanh hoặc đi bộ hay chơi các môn thể thao có tính chiến đấu, chẳng hạn như quyền anh hoặc võ thuật, có thể là những cách hữu ích để bạn giải tỏa sự tức giận.

Kết luận

Cơn nóng giận sẽ thật đáng sợ nếu như không được kiểm soát. Nó có thể phá vỡ một mối quan hệ tốt đẹp, cũng có thể khiến một người khỏe mạnh gặp phải các vấn đề sức khỏe như đau tim, đột quỵ, đau dạ dày, loét ruột…Hãy cố gắng kiểm soát cơn nóng giận của mình bằng những phương pháp mà chúng tôi vừa chia sẻ ở trên để đảm bảo sự nóng giận được quản lý theo hướng tích cực hơn.

Tài liệu tham khảo:  How can I control my anger?