Rất nhiều gặp phải trường hợp khi ngủ, cảm giác bị một vật đè lên người, gây khó thở nhưng cũng không thể chống lại được. Hiện tượng này còn được gọi là bóng đè. Ông bà ta thường cho rằng bóng đè là do ma quỷ gây nên. Nhiều người thì lại nghĩ là chỉ những người yếu bóng vía mới bị bóng đè. Nhưng thật ra, hiện tượng này hoàn toàn có thể lý giải trên cơ sở khoa học. Hãy cùng theo dõi những thông tin trong bài viết dưới đây để tìm hiểu rõ nguyên nhân cũng như triệu chúng và cách điều trị bóng đè.
Nội dung chính
Hiện tượng bóng đè là gì?
Bóng đè hay còn gọi là chứng liệt do ngủ thường xảy ra ngay trước khi ngủ hoặc khi chuẩn bị thức giấc. Hiện tượng bóng đè khiến cho người bệnh cảm thấy bị tê liệt toàn thân, không thể cử động được tay chân dù tinh thần hoàn toàn tỉnh táo, giống như có một vật hay một người đè lên cơ thể mình vậy.
Bóng đè là một hiện tượng rối loạn giấc ngủ không có tổn thương thực thể. Bóng đè thường xuất hiện ở những người vừa bị ốm dậy, tinh thần, cơ thể suy nhược, hay những người bị “yếu bóng vía” hoặc những người thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia.
Theo một số nghiên cứu, có đến 40% dân số bị bóng đè ít nhất một lần trong đời. Bóng đè không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó sẽ khiến bạn cảm thấy lo lắng. Đồng thời cũng gây nên tình trạng rối loạn giấc ngủ, ví dụ như chứng ngủ rủ. Bóng đè xảy ra ở mọi độ tuổi, có thể bắt đầu ở tuổi vị thành niên và trở nên thường xuyên hơn ở độ tuổi 20 đến 30 tuổi.
Bóng đè khiến cơ thể không thể cử động được
Thực tế có người đã từng ghi nhận lại hiện tượng này và khẳng định nó chỉ là một giấc mơ. Giấc mơ này tái hiện lại những gì mà bạn đã ghi nhận lại được trước khi chìm và giấc ngủ như con người, sự vật xung quanh. Khi bóng đè xảy ra, bạn tin rằng mình đã thức nhưng không thể chuyển động được cơ thể, não bộ không hề gửi tín hiệu để vận động cơ bắp. Lúc này bạn sẽ cố gắng để thoát khỏi nó bằng mọi cách như cố gắng cử động tay chân, thậm chí là đập mạnh tay chân xuống giường. Khi các hành động này không được áp ứng thì não bộ sẽ gửi tín hiệu nguy hiểm, tim đập nhanh hơn, mồ hôi bắt đầu toát ra.
Hiện tượng bóng đè không phải do ma quỷ hay một thế lực siêu nhiên nào gây ra. Vậy nên không thể chữa trị nó bằng cách cúng bái, làm lễ. Bóng đè xảy ra do các nguyên nhân được giải thích rõ ràng theo các nghiên cứu khoa học.
Nguyên nhân bóng đè
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây nên hiện tượng bóng đè.
Rối loạn giấc ngủ
Bóng đè có thể xảy ra trong các giai đoạn của giấc ngủ. Khi ngủ, cơ thể của bạn hoàn toàn thư giãn, các cơ bắp nghỉ ngơi và không di chuyển. Bóng đè sẽ xảy ra khi các hormone trong cơ thể tiết ra để ngăn cản không cho giấc mơ tiếp tục. Mặc dù tinh thần của bạn lúc đó hoàn toàn tỉnh táo nhưng cơ thể lại bị tê liệt, không thể chuyển động được.
Hiểu một cách đơn giản, giấc ngủ được chia làm hai giai đoạn là pha ngủ nhanh (giai đoạn cử động mắt nhanh) và giai đoạn ngủ chậm. Bóng đè thường xảy ra ở giai đoạn REM (giai đoạn ngủ nhanh). Nó liên quan đến sự gián đoạn hay phân mảnh giấc ngủ ở giai đoạn này. Khi bạn ở trong giai đoạn REM, mắt sẽ di chuyển nhanh, nhưng cơ thể lúc này đã được thư giãn hoàn toàn. Các giấc mơ có thể xảy ra ở thời điểm này. Và hiện tượng bóng đè sẽ xuất hiện khi cơ thể bất động trong giai đoạn REM vẫn tiếp tục duy trì trong khi não bộ đã hoàn toàn tỉnh giấc. Lúc này, não bộ sẽ phát hiện ra các mối nguy hiểm và sẽ phát tín hiệu.
Mặc dù, chưa có một nghiên cứu cụ thể này chỉ ra tại sao bóng đè lại xuất hiện ở giai đoạn ngủ REM, nhưng có một vài nguyên nhân có thể liên quan trực tiếp như: ngủ không đủ giấc, giấc ngủ bị đảo lộn hay chứng ngủ rũ.
Do chấn thương tâm lý
Ngoài nguyên nhân về rối loạn chu kì giấc ngủ thì bóng đè có thể xảy ra do người bệnh gặp các vấn đề về tâm lý, thần kinh. Người bệnh bị chấn thương tâm lý nặng nề hay trầm cảm, stress cũng thường bị bóng đè.
Khi phải chịu quá nhiều áp lực, tâm lý căng thẳng, hay do sức ép từ công việc thường ngày quá lớn sẽ khiến cho chu kì giấc ngủ của bạn bị đảo lộn. Bạn sẽ thường xuyên bị mất ngủ, ngủ quá nhiều hay ngủ quá ít. Những yếu tố này có thể cùng kích thích lên não bộ cùng một lúc và gây ra hiện tượng bóng đè.
Do tư thế ngủ
Một nguyên nhân khác có thể không phổ biến bằng hai nguyên nhân trên nhưng nó cũng có thể gây nên hiện tượng bóng đè. Đó là do tư thế ngủ sau. Khi bạn nằm sai tư thế như nằm sấp, hay nằm ngủ đặt tay lên ngực,…có thể tạo sức ép lớn lên tim, khiến bạn cảm thấy khó chịu và có thể bóng đè sẽ xảy ra.
Triệu chứng của hiện tượng bóng đè
Một số dấu hiệu thường thấy khi gặp hiện tượng bóng đè bao gồm:
- Bóng đè có thể xuất hiện một lần hoặc nhiều lần trong một đêm
- Thường xuất hiện khi bạn chuẩn bị tỉnh giấc hoặc khi bạn vừa mới ngủ
- Bạn không thể cử động tay chân trong vài giây hoặc vài phút dù tinh thần tỉnh táo
- Không thể nói
- Cảm thấy có vật nặng đè lên cơ thể mình khiến khó thở
- Đổ mồ hôi, căng thẳng, sợ sệt
- Khoảng 5% số người bị bóng đè nhìn thấy người hay tiếng bước chân và giọng nói
- Sau khi kết thúc hiện tượng bóng đè, cơ thể bạn sẽ bị mệt mỏi, hơi nhức đầu
- Hiện tượng bóng đè khi ngủ trưa cũng có thể xảy ra
Cách điều trị và phòng ngừa
Khi bị bóng đè nên làm gì?
Khi bị bóng đè, bạn thường cảm thấy lo lắng và muốn thoát khỏi nó ngay lập tức. Dưới đây sẽ là một số cách thoát khỏi bóng đè mà bạn có thể tham khảo.
- Không nên phản kháng lại: Mặc dù lúc này cơ thể bạn đang cảm thấy rất khó chịu, nhưng điều bạn làm đầu tiên là không nên hoảng loạn và phản kháng vì nó có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Hãy giữ bình tĩnh là điều quan trọng nhất
- Tập trung vào hơi thở: Cơ thể bạn sẽ cảm thấy khó thở khi bóng đè. Vậy nên, bạn cần tập trung vào hơi thở để giữ bình tĩnh đến khi hiện tượng này kết thúc.
- Thử co duỗi các ngón chân: Việc co duỗi các ngón ngón sẽ giúp đánh thức cơ thể, thoát khỏi hiện tượng bóng đè. Vì khi đó, bạn sẽ bị tê liệt ở cổ họng, ngực và phần bụng.
- Cố gắng ho: Khi mà bạn không thể tập trung để hít thở thì hãy cố gắng ho một tiếng, sẽ giúp đánh thức hệ thần kinh của cơ thể
- Co giật khuôn mặt: Hãy thử co giật khuôn mặt khoảng 2-3 lần
Cách điều trị bóng đè
Nếu hiện tượng bóng đè xảy ra thường xuyên và tái diễn nhiều lần, điều đầu tiên bạn cần làm đó là đến gặp các bác sĩ để nhận được tư vấn và cách điều trị phù hợp. Thông thường các bác sĩ sẽ kê cho bạn đơn thuốc an thần trong một thời gian ngắn. ví dụ như thuốc chống trầm cảm. Nó có tác dụng tác động lên hệ thần kinh và cũng được dùng để điều trị bóng đè hiệu quả. Thời gian điều trị với các loại thuốc sẽ là 1-2 tháng để xem tình hình có được cải thiện hay không.
Cách phòng chống bóng đề
Bóng đè xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến cơ thể mà còn khiến tinh thần mệt mỏi, ủ rũ. Để phòng tránh hiện tượng này xảy ra, bạn có thể thực hiện theo một số cách sau:
- Ngủ đủ giấc. Với người trưởng thành thì giấc ngủ đủ sẽ là từ 7-8 tiếng một ngày
- Thiết lập thời gian biểu sinh hoạt và nghỉ ngơi một cách hợp lý
- Không nên làm việc quá nhiều, tránh căng thẳng thần kinh
- Tạo không gian ngủ thoáng đãng, yên tĩnh và thoải mái nhất có thể
- Mặc đồ ngủ thoải mái, rộng rãi
- Nên để phòng ngủ với nhiệt độ 26-28 độ. Tránh để cơ thể quá nóng hay quá lạnh
- Tập thể dục thường xuyên
- Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, trà, cà phê trước khi ngủ
- Nên ngủ trưa khoảng 15-20 phút
- Không nằm ngủ sấp.
Kết luận
Bóng đè là hiện tượng không gây nguy hiểm đến sức khỏe và cũng không phải hiện tượng bị gây nên do ma quỷ hay một vấn đề tâm linh nào đó. Vậy nên khi gặp hiện tượng bóng đè, bạn nên tìm hiểu rõ được nguyên nhân để đưa ra được phương pháp điều trị cũng như phòng tránh một cách hiệu quả nhất.
Nguồn tham khảo:
- https://www.vinmec.com/vi/benh/bong-de-3324/
- https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B3ng_%C4%91%C3%A8