Xác định độ cứng của nệm là một việc khó khăn, vì trên thực tế nó chủ yếu dựa vào cảm giác chủ quan. Rốt cuộc thì mềm hay cứng nghĩa là gì? Dựa trên nhận thức và mong muốn của mỗi cá nhân mà mỗi người sẽ có một quan điểm hay định nghĩa khác nhau. Để tránh sự nhầm lẫn xung quanh chủ đề này, hãy tìm hiểu các hướng dẫn dưới đây để có thêm thông tin về độ cứng của nệm, từ đó tìm ra được độ cứng lý tưởng cho chiếc nệm của bạn.
Độ cứng của nệm ngắn gọn mà nói chính là cảm nhận đầu tiên của bạn khi nằm trên nệm. Một điều quan trọng mà bạn cần lưu ý đó là một chiếc nệm cứng không có nghĩa là nó sẽ hỗ trợ tốt cho cơ thể của bạn. Lần đầu tiên nằm trên nệm, có thể lưng bạn sẽ cảm nhận được ngay lập tức độ cứng của bề mặt nệm, và hầu hết mọi người sẽ xem đây là một tấm nệm cứng hoặc rất cứng.
Nhiều loại nệm khác tạo cảm giác bồng bềnh thoải mái nhờ lớp đệm dày, tạo đường viền cơ thể và ôm sát người ngủ. Hầu hết mọi người sẽ coi nó là một chiếc nệm êm ái và mềm mại.
Cuối cùng, một số chiếc nệm sẽ cân bằng việc nâng đỡ lưng, tạo đường viền cho cơ thể và ôm sát cơ thể người nằm. Hầu hết mọi người cho đây là chiếc nệm cỡ trung bình.
Nói “hầu hết” là bởi vì độ cứng của nệm là cảm giác chủ quan. Nhu cầu cụ thể về độ thoải mái, tuổi tác, giới tính, khối lượng cơ thể cũng như một số yếu tố khác ảnh hưởng đến cảm giác của bạn về độ cứng của một chiếc nệm. Nhận thức và cảm giác của cá nhân bạn sẽ tác động đến việc bạn đánh giá độ cứng của chiếc nệm, và ảnh hưởng đến quyết định xem nên cho chiếc nệm bao nhiêu điểm trên thang đo độ cứng 10 điểm.
Nội dung chính
Nệm phổ thông
Nệm phổ thông phù hợp với nhu cầu của hầu hết mọi người dùng. Những chiếc nệm thuộc nhóm này có độ cứng từ 5 đến 7 trên thang 10 (10 là mức cứng nhất). Khoảng độ cứng này có vai trò rất quan trọng, vì 80% người dùng thích một tấm nệm có độ cứng trong khoảng từ 5 – 7.
Tuy nhiên, nệm phổ thông không chỉ có độ cứng trung bình. Một chiếc nệm phổ thông sẽ tác động lên cơ thể bạn, làm bạn cảm thấy thoải mái ở mọi vị trí . Chúng thường có thêm các lớp foam để phù hợp hơn với nhiều cân nặng, hình dạng cơ thể khác nhau đồng thời vẫn duy trì được độ cứng nhất định, khả năng ôm sát cơ thể và tạo sự thoải mái cho tất cả người nằm.
Chọn nệm mềm, trung bình hoặc cứng
Nếu bạn không thích chiếc nệm phổ thông, hoặc bạn nghĩ rằng độ cứng của chiếc nệm đó không phù hợp với mình, đừng nên quá lo lắng. Nhiều công ty sản xuất nệm vẫn phát triển các dòng sản phẩm với nhiều cấp độ cứng khác nhau. Đây là những sự lựa chọn cần thiết cho những ai có các nhu cầu cụ thể, đặc biệt là khi nhu cầu của họ không phải nệm trung bình cứng.
Nệm mềm: Thông thường, một tấm nệm mềm có độ cứng trong khoảng từ 3 – 5 trên thang 10. Những chiếc nệm này có độ ôm và lún đáng kể ở khoảng từ 4 – 8 cm (1,5 – 3 inch).
Nệm cứng trung bình: Độ cứng của loại nệm này là từ 6 – 7. Đây là sự lựa chọn cho những ai thích nệm có độ ôm và độ lún từ 2 -5 cm (1 – 2 inch). Nhiều chiếc nệm trong số này là nệm phổ thông.
Nệm cứng: Độ cứng từ 7.5 – 9. Với độ ôm và độ chìm rất nhỏ (dưới 3cm), mặt phẳng nệm vững chãi.
Độ cứng nào phù hợp dành cho bạn?
Mỗi người đều có một nhu cầu khác nhau về độ cứng, cho dù chiếc nệm đó thuộc loại nệm phổ thông hay nệm dành cho người nằm ngửa, nằm sấp hoặc nằm nghiêng. Cho dù cân nặng của bạn ở mức nặng, nhẹ hay trung bình, sẽ có một chiếc nệm phù hợp với nhu cầu của bạn.
Tư thế ngủ: nằm nghiêng, nằm ngửa và nằm sấp
Cả ba tư thế ngủ đều đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định lựa chọn độ cứng cho chiếc nệm. Những người nằm nghiêng thường sẽ cần một chiếc nệm mềm hoặc trung bình, có thể ôm lấy các đường cong của cơ thể. Nằm sấp có thể gây ra một số vấn đề về lưng, vì vậy những người nằm sấp sẽ cần một chiếc nệm hơi cứng một chút. Điều này giúp cột sống giữ được độ thẳng tự nhiên khi nằm.
Những người nằm ngửa có xu hướng bị đau lưng hay đau cổ do ngủ trên một tấm nệm không phù hợp, vì vậy người nằm ngửa có thể lựa chọn loại nệm hơi mềm hoặc cứng vừa phải. Tiêu chí quan trọng nhất khi chọn một chiếc nệm là việc giảm áp lực và hỗ trợ cơ thể ở mức tối đa.
Giới tính: Nam và nữ
Trên thực tế, cần phải xác định và cân nhắc yếu tố giới tính khi chọn mua nệm. Sự phân bố trọng lượng cơ thể thường sẽ gây ra các điểm áp lực khác nhau giữa nam và nữ. Phần thân của nữ giới có xu hướng nặng hơn so với nam giới, do đó, một tấm nệm mềm có thể phù hợp với nam giới nhưng cũng có thể gây ra các vấn đề về lưng ở nữ giới. Nệm phổ thông có thể là giải pháp cho vấn đề này giúp người nằm có thể thay đổi nhiều tư thế khác nhau mà vẫn thoải mái.
Khối lượng cơ thể
Yếu tố về cân nặng cũng góp phần quan trọng trong việc xác định độ cứng của nệm. Một người nhẹ cân có xu hướng cảm nhận được lớp trên cùng của nệm thay vì lớp base (lớp dưới cùng) và lớp lõi vì áp lực của cơ thể lên nệm ngày càng giảm, lực tác động mạnh nhất ở lớp trên cùng, sau đó triệt tiêu dần đến lớp base.
Tuy nhiên, không nhất thiết là người nhẹ cân sẽ cần một tấm nệm mềm. Cấu tạo của chiếc nệm, cùng với nhu cầu cụ thể của người dùng sẽ giúp xác định chiếc nệm lý tưởng cho bạn.
Nếu cân nặng của bạn ở mức nhẹ (dưới 55kg), bạn có thể lựa chọn những chiếc nệm mềm hơn một chút so với nhu cầu thực tế của mình. Lý do cho sự lựa chọn này là hầu hết các thang đo độ cứng của nệm đều dựa trên cân nặng của người cỡ trung bình.
Những người có cân nặng lớn hơn sẽ tạo áp lực nhiều hơn lên nệm. Người nặng cân hơn sẽ chìm vào nệm nhiều hơn, và điều này sẽ chẳng có vấn đề gì nếu đây là sở thích của bạn, nhưng quan trọng là độ ôm của nệm cần biến thành sự hỗ trợ và nâng đỡ cho cơ thể tại một số vị trí (vai, gáy, hông,…). Tính đàn hồi của nệm có vai trò rất quan trọng đối với những người nặng cân (trên 90kg). Bạn sẽ cần một tấm nệm vừa có thể nâng đỡ cơ thể một cách nhất quán, lại vừa tạo ra cho bạn cảm giác thoải mái.
Nệm cứng có đồng nghĩa với sự hỗ trợ tốt hơn không?
Nhiều người có xu hướng đánh đồng độ cứng và sự hỗ trợ của nệm là một. Tuy nhiên, điều này là không chính xác. Độ cứng là cảm giác ngay khi bạn lần đầu tiên nằm xuống nệm, trong khi sự hỗ trợ của nệm là cách nệm giúp chỉnh hình cột sống của bạn. Một tấm nệm mềm có thể hỗ trợ cực tốt, trong khi đó một tấm nệm cứng có thể nâng đỡ nhưng lại tạo ra quá nhiều điểm áp lực khiến nó phản tác dụng.
Khi mua một tấm nệm mới, hãy phân biệt độ cứng và sự hỗ trợ mà nệm cung cấp. Độ cứng đơn giản chỉ là cảm giác của nệm. Nó có làm giảm áp lực không? Có làm bạn thấy thoải mái không? Có ấm áp/ mát mẻ không? Có ôm lấy cơ thể bạn hay nâng đỡ cơ thể không? Khi cân nhắc về sự hỗ trợ của nệm, hãy nghĩ đến tác dụng giữ cho cột sống thẳng tự nhiên của nó. Nếu bạn nằm ở tư thế ngủ ưa thích của mình, bạn cảm thấy tấm nệm giúp các đốt sống của bạn thẳng hàng hay cản trở điều này?
Điều quan trọng nhất mà bạn cần nhớ là đừng chọn mua một tấm nệm cứng chỉ vì nhân viên bán hàng nói nó sẽ tốt cho cột sống của bạn. Nệm cứng có xu hướng cung cấp sự hỗ trợ tốt hơn, nhưng nếu cảm giác cứng này tạo ra các điểm áp lực thì đó lại là cả một vấn đề.
Thang đo độ cứng của nệm
Các mức độ cứng khác nhau có thể gây ra sự nhầm lẫn. Làm thế nào để bạn xác định được độ cứng nào sẽ phù hợp với nhu cầu của bạn? Dưới đây là thang đo độ cứng với các mức độ từ 1 đến 10, trong đó 10 là mức độ cứng nhất.
- 1/10 (mềm đến mức vô lý): Những loại nệm này hoàn toàn không có khả năng hỗ trợ, và trên thực tế thì không có loại nệm nào ở mức độ này.
- 2/10 (cực mềm): Giống như mức độ 1/10, loại nệm này cũng không có khả năng hỗ trợ cơ thể, và cũng không có loại nệm nào trên thực tế ở mức độ này.
- 3/10 (rất mềm): Loại nệm này có mức độ chìm cao, khoảng từ 1.5 đến 3 inch. Có hai dạng nệm với độ cứng 3/10, bao gồm nệm ôm sâu cho cảm giác bồng bềnh, hoặc nệm memory foam truyền thống. Nệm được khuyên dùng cho người nằm nghiêng, nhưng không phải lựa chọn tốt cho người nằm sấp hoặc nằm ngửa.
- 4/10 (mềm): Mức độ 4/10 cho cảm giác cân bằng hơn. Có rất ít nệm thuộc loại này, vì nó thuộc khoảng giữa mức cứng trung bình và mềm. Vì có nhiều thuộc tính giống loại nệm mức độ 3/10 nên một số nệm với mức 4/10 sẽ được gộp vào nhóm trên.
- 5/10 (mềm vừa): Nệm mềm nhưng cho người nằm cảm giác cân đối. Nệm 5/10 sẽ có độ chìm và ôm sâu hơn so với nệm 6/10 (loại nệm phổ biến nhất hiện nay). Giống như nệm 4/10, nệm 5/10 cũng thuộc nhóm trung gian giữa nệm mềm và trung bình cứng.
- 6 trên 10 (trung bình): Nệm cứng trung bình cho cảm giác cân bằng toàn diện. Đây là độ cứng phổ biến nhất hiện nay, được đa số người dùng yêu thích và lựa chọn. Loại nệm này cho cảm giác cân bằng, độ lún vừa phải, độ ôm và tạo đường viền tuyệt vời cho cơ thể.
- 7/10 (hơi cứng): Hầu hết những chiếc nệm thuộc nhóm này đều sẽ ít ôm cơ thể hơn so với mức độ 6/10. Đây là loại nệm được thiết kế để mang lại cảm giác nâng đỡ chắc chắn và giữ cơ thể người nằm ở trên mặt nệm.
- 8/10 (cứng): Đây là những chiếc nệm cứng. Chúng rất ít ôm vào cơ thể, thay vào đó là đẩy cơ thể lên nhiều hơn. Nói chung, loại nệm này chỉ thích hợp cho những người nằm ngửa hoặc nằm sấp.
- 9/10 (rất cứng): Mức độ cứng này thậm chí ít ôm và chìm hơn so với mức 8/10, vì thế lực đẩy của nệm cực cao.
- 10/10 (cực cứng): Độ cứng này là vô lý, vì vậy hầu như không có tấm nệm nào thuộc loại này.
Xác định và lựa chọn độ cứng của nệm
Câu hỏi mấu chốt ở đây là, độ cứng của nệm như thế nào sẽ là tốt nhất cho bạn? Dưới đây là một số yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn nệm, bao gồm tư thế ngủ, cân nặng và nhu cầu hỗ trợ của nệm.
- Bạn ngủ ở tư thế nào? Tư thế ngủ là yếu tố quan trọng nhất quyết định độ cứng lý tưởng cho chiếc nệm của bạn. Nệm cho người nằm nghiêng sẽ có độ cứng trong khoảng 3 – 6, trong khi đó nệm cho người nằm sấp là 5 -7 và nằm ngửa là 4 – 8. Nếu bạn có nhiều tư thế ngủ, hãy tìm một chiếc nệm có độ cứng ở mức cân bằng giữa các tư thế.
- Cân nặng của bạn là bao nhiêu? Cân nặng và loại cơ thể cũng là một yếu tố quan trọng. Nếu khối lượng cơ thể của bạn lớn, hãy tìm một chiếc nệm dày hơn, với sự hỗ trợ và độ độ đàn hồi nâng đỡ tốt hơn. Ngoài ra, người quá nặng cân thường sẽ cảm thấy chiếc nệm mềm lún sâu hơn, và áp lực lên nệm vì vậy cũng tăng lên. Trong khi đó, người nhẹ cân hơn thường sẽ chỉ cảm nhận cảm giác nệm ở lớp trên cùng thay vì các lớp dưới. Hãy tìm nệm với lớp trên cùng có độ cứng phù hợp với nhu cầu của bạn.
- Độ cứng cao không có nghĩa là hỗ trợ tốt: Hãy nhớ rằng độ cứng và sự hỗ trợ của nệm hoàn toàn khác nhau. Bạn có thể tìm được một tấm nệm với sự hỗ trợ tốt nhưng vẫn mềm mại, đồng thời giảm áp lực cho lưng bạn.
- Quy tắc đa số: Nếu bạn không chắc chắn mình hợp với độ cứng nào của nệm, hãy thử một chiếc nệm có độ cứng 6/10. Đây là loại nệm phổ biến nhất, 80% người tiêu dùng thích loại nệm có độ cứng trong phạm vi này. Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, hãy thử một chiếc nệm với độ cứng trung bình.
- Cẩn thận với nệm mềm: Rất nhiều người thấy từ “mềm” mà bị thu hút bởi loại nệm này. Nệm mềm sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo nếu nó phù hợp với sở thích và nhu cầu của cá nhân bạn. Tuy nhiên, những tấm nệm mềm lại thuộc nhóm những chiếc nệm bị trả lại nhiều nhất tại các cửa hàng. Nhiều người mua nệm mềm chỉ dựa vào tên gọi của nó, để rồi phát hiện ra nệm mềm thực sự quá mềm. Độ cứng của nệm trong phạm vi 3 -3.5 là tốt nhất cho những người nằm nghiêng, trong khi đó mức độ này sẽ khiến những người có tư thế ngủ khác cảm thấy không được thoải mái. Ngoài ra, nếu bạn nặng trên 90kg, bạn có thể sẽ cảm thấy rằng những tấm nệm này ôm quá sát cơ thể của mình.
Hi vọng những thông tin Ngủ ngon sống trọn cung cấp trên đây đã giúp đọc giả phần nào có kiến thức tổng quát về độ cứng của một chiếc nệm, từ đó tìm ra được chiếc nệm phù hợp cho bản thân.
Nguồn tham khảo: https://sleepopolis.com/guides/mattress-firmness-guide/