Trong lúc tìm hiểu về những phương pháp vừa đảm bảo sự an toàn vừa giúp con ngủ nhanh hơn, hẳn bạn đã từng không ít lần thấy qua phương pháp ngủ chung với trẻ. Các thông tin hay hàng loạt những ý kiến trái chiều về phương pháp này xuất hiện khắp nơi trên mạng xã hội.
Khi để trẻ ngủ chung với mình, các bố mẹ thường cảm thấy thoải mái hơn vì có thể quan sát trẻ một cách dễ dàng, kịp thời dỗ dành khi trẻ khóc và cho trẻ bú nhanh hơn.
Nhưng mặt khác, việc ngủ chung cũng có những vấn đề đáng lo ngại như có thể xảy ra những tình huống bố mẹ ngủ xoay người trúng trẻ khiến trẻ ngạt thở hoặc trẻ bị đè dưới mà cha mẹ không hay biết.
Tất cả những việc này sẽ thật mới lạ và cần phải có một thời gian dài tìm hiểu nếu bạn chỉ vừa lên chức bố mẹ lần đầu tiên. Nhìn chung, việc ngủ chung với trẻ có thể đem lại cho bạn rất nhiều lợi ích. Chỉ cần bạn luôn chú ý cẩn thận thì bạn sẽ có một khoảng thời gian vui vẻ trong những tháng đầu đời của trẻ đấy.
Nội dung chính
Ngủ chung là gì?
Ngủ chung là khi trẻ ngủ gần cha mẹ của mình, bao gồm cả ngủ chung giường hoặc chung phòng. Có thể có rất nhiều phương pháp ngủ chung như:
_ Chung giường: Trẻ ngủ chung giường với bố và mẹ.
_ Giường phụ: Giường của trẻ có thể là dạng giường cũi mở một bên hoặc được thiết kế đặc biệt để có thể nối với giường bố mẹ. Lúc này, trẻ và bố mẹ sẽ nằm ngang nhau và có thể tiếp xúc cơ thể khi ngủ.
_ Khác giường nhưng chung phòng: Trẻ sẽ ngủ trong giường cũi hoặc nôi được đặt trong phòng ngủ của bố mẹ.
_ Trẻ ngủ với bố mẹ khi cần: Trong trường hợp này, trẻ sẽ ngủ chung với bố mẹ khi trẻ có nhu cầu.
Mỗi bố mẹ sẽ có một phương pháp phù hợp riêng với mình nhưng các bác sĩ thường khuyến khích sử dụng phương pháp giường phụ. Đây là một trong những phương pháp vừa đảm bảo an toàn vừa cho phép trẻ và bố mẹ gần gũi với nhau khi ngủ.
Lợi ích của việc ngủ chung
Giấc ngủ dài hơn cho cả bố mẹ và trẻ
Đối với những bố mẹ vừa có con đầu lòng thì họ thường cảm thấy lo lắng khi phải để trẻ ngủ ở phòng riêng và cách quan sát duy nhất là thông qua một chiếc máy báo khóc. Thế nên khi trẻ để trẻ ngủ chung phòng, bố mẹ sẽ yên tâm và dễ ngủ hơn.
Bên cạnh đó, trẻ cũng ngủ ngon hơn. Trẻ thường thức giấc giữa đêm do đói bụng hoặc giật mình nên khi có mẹ bên cạnh, trẻ có thể được uống sữa và dỗ dành ngay để quay lại với giấc ngủ êm ái.
Cho con uống sữa dễ hơn
Với việc cho trẻ ngủ chung phòng, các mẹ sẽ không còn phải thức dậy và đi sang một căn phòng khác mà thay vào đó có thể dễ dàng cho trẻ uống sữa ngay tại phòng mình. Đây cũng là một trong những lợi ích quan trọng của việc ngủ chung.
Giảm nguy cơ đột tử ở trẻ nhỏ
Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ đã đem đến sự đau khổ cho rất nhiều gia đình. Ở Mĩ, có khoảng 2500 trẻ mất mỗi năm do đột tử. Để giảm thiểu tình trạng này, đã có một vài cách chăm sóc trẻ được khuyến nghị bao gồm việc đặt trẻ nằm ngửa trên một bề mặt có độ mềm vừa phải. Ngoài ra, cho trẻ ngủ chung với bố mẹ cũng có thể giảm tình trạng đột tử ở trẻ đến 50%.
Nhưng phương pháp ngủ chung được khuyến khích ở đây là phương pháp ngủ chung phòng nhưng không chung giường.
Kéo dài hiệu quả của việc ngừa thai khi cho con bú
Phụ nữ thường khó mang thai hơn khi cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Đây rất có thể là một tiến hóa của cơ thể cho phép người phụ nữ tận hưởng niềm vui làm mẹ thay vì phải chịu sự mệt mỏi, ốm nghén mỗi buổi sáng khi mang thai.
Việc ngủ chung giường còn có thể kéo dài hiệu quả ngừa thai lâu hơn nên nếu bạn vẫn chưa muốn có thêm một thành viên trong gia đình thì ngủ chung với trẻ và cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ có thể là một phương pháp thích hợp đấy.
Không còn hội chứng lo lắng bị xa cách
Hội chứng lo lắng bị xa cách có thể xảy ra ở cả mẹ và trẻ nhưng đối với trẻ nhỏ thì việc này sẽ vô cùng đáng sợ. Trẻ đã gắn bó với mẹ mình suốt 9 tháng trong bào thai và việc phải ngủ một mình trong bóng tối mà không có mẹ có thể khiến trẻ cảm thấy căng thẳng.
Tiện lợi cho việc chăm sóc
Để trẻ ngủ chung phòng với bạn đồng nghĩa với việc không còn phải đi lại thường xuyên giữa hai phòng, thay pin cho máy báo khóc hay tranh cãi với bạn đời xem ai tới lượt ai phải đi xem trẻ. Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn nhiều đúng không nào.
Trẻ thức dậy trong hạnh phúc
Thời gian âu yếm con mình là một khoảng thời gian vô giá. Trẻ thường bắt đầu một ngày mới với tâm trạng hào hứng và sẽ càng hạnh phúc nếu có thể nhìn thấy khuôn mặt của mẹ mình đấy.
Các phương pháp ngủ chung
Chung giường
Cũng như tên gọi của mình, trẻ sẽ ngủ chung một giường với bố mẹ. Đây là phương pháp ngủ chung tiện lợi nhất nhưng cũng đi kèm với nhiều nguy hiểm tiềm ẩn.
Giường phụ
Phương pháp này được rất nhiều bác sĩ khuyến khích vì nó cho phép mẹ và trẻ tiếp xúc với nhau mà vẫn có thể tránh các tình trạng xoay người gây nghẹt thở. Cũng giống như ghế phụ của xe máy, giường phụ trong phòng ngủ là một dạng giường cũi hay nôi có thể nối liền vào giường bố mẹ.
Khác giường nhưng chung phòng
Ở phương pháp này, mẹ sẽ cho trẻ ở trong phòng của mình nhưng không nằm trên giường bố mẹ mà trẻ sẽ ngủ trong giường cũi hay nôi được đặt đối diện hay bên cạnh giường bố mẹ.
Một lợi ích của việc này là bố mẹ vẫn có thể đảm bảo sự an toàn cho trẻ đồng thời có thể để trẻ tự rèn luyện khả năng ngủ một mình. Khi trẻ sơ sinh lớn lên và bước vào giai đoạn tập đi, trẻ thích ứng tốt hơn khi bắt đầu ở phòng riêng.
Trẻ ngủ chung với bố mẹ khi cần thiết
Đây là kiểu ngủ linh hoạt nhất cho phép trẻ ngủ với bố mẹ khi trẻ muốn. Thường thì tình trạng này xảy ra khi trẻ thức giấc giữa đêm và muốn nhận được sự an ủi từ bố hoặc mẹ.
Nên làm gì khi cho trẻ ngủ chung giường
Hãy cẩn thận để trẻ không ngã khỏi giường
Tuy khả năng trẻ rơi khỏi giường là không cao nhưng cẩn thận vẫn tốt hơn đúng không nào? Hãy giữ trẻ bên cạnh mình và đảm bảo trẻ không bị rơi xuống giường. Ngoài ra, bạn có thể dùng gối tấn lại hay rào chắn giường hoặc đặt giường sát tường để giữ cho trẻ an toàn.
Cho trẻ nằm cạnh mẹ
Các bố mẹ thường nghĩ nên đặt trẻ nằm giữa hai người nhưng thật ra sẽ tốt hơn nếu cho trẻ nằm cạnh mẹ. Mẹ có sẽ bảo bọc con một cách tự nhiên trong khi bố thường hay nằm xoay người, vung tay, lăn qua lăn lại một cách vô tình. Thời gian trẻ ngủ chung giường càng lâu thì bố sẽ nhận thức được sự hiện diện của trẻ rõ hơn nhưng vẫn không thể mạnh như mối liên kết giữa mẹ và con.
Việc này đã được nghiên cứu một cách rộng rãi và thậm chí còn đúng hơn với những người mẹ cho con bú vì họ thường nằm đối mặt với trẻ và giữa trẻ ngang tầm mắt mình khi ngủ.
Hãy để trẻ nằm ngửa
Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến khích cho trẻ nằm ngửa khi ngủ trong suốt vài thập kỷ vì việc này có thể giúp giảm nguy cơ bị nghẹt thở ở trẻ.
Sử dụng một chiếc giường lớn
Nếu chọn phương pháp ngủ chung giường thì hãy đảm bảo chiếc giường của mình đủ rộng để trẻ có nhiều không gian duy chuyển nhé. Những chiếc giường king rất phù hợp với mục đích này nếu không thì giường queen cũng ổn đấy. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế dùng những chiếc giường full size hoặc giường đôi để trẻ có thể ngủ ngon mà không có nguy cơ bị đè trúng.
Những điều cần tránh khi ngủ chung giường
Uống rượu
Nếu bạn uống rượu thì hãy tránh ngủ chung với trẻ. Lúc đó nếu có vấn đề xảy ra thì bạn sẽ không đủ tỉnh táo để giải quyết chúng. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh ngủ chung với trẻ khi dùng các loại thuốc gây buồn ngủ vì để đảm bảo được sự an toàn cho trẻ thì bạn cần phải thật tỉnh táo và cẩn thận.
Bạn bị thừa cân
Việc thừa cân sẽ ảnh hưởng đến việc cảm nhận những vật bên dưới mình nên sẽ gây nguy hiểm nếu bạn vô tình xoay người đè trúng trẻ. Ngoài ra, người bị thừa cân cũng có khả năng cao mắc chứng ngưng thở khi ngủ, gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ.
Khi bạn thiếu ngủ
Đối với những người mới làm bố mẹ lần đầu thì việc thiếu ngủ thường xuyên xảy ra. Khi chúng ta không ngủ đủ thì ta sẽ có xu hướng ngủ sâu hơn bình thường. Thế nên, nếu trẻ gặp nguy hiểm thì có thể bạn sẽ không nhận biết được chuyện đó.
Cho trẻ ngủ chung với người trông trẻ
Trong một số trường hợp, người trông trẻ sẽ như một vị cứu tinh của chúng ta nhưng nếu để trẻ ngủ chung với họ thì đó lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Họ thiếu đi mối liên kết mẹ-con và không nhận thức được việc trẻ nằm chung giường khi ngủ. Vì vậy, nếu bạn muốn để trẻ ngủ chung với người trông trẻ thì hãy suy nghĩ tới các phương pháp như giường phụ hay ngủ chung phòng nhưng khác giường.
Để trẻ dưới 9 tháng tuổi ngủ chung với anh chị của mình
Các bố mẹ thường suy nghĩ tới việc để trẻ sơ sinh ngủ chung với anh chị của mình nhưng các đứa trẻ ấy thường chưa đủ cẩn thận để chú ý tới những hành động gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh như xoay người hoặc không thể xử lý các tình huống nguy hiểm khi trẻ bị mắc kẹt.
Đừng ngủ trên ghế sô pha
Sô pha là một nơi quá mềm mại và nhiều lông để trẻ có thể ngủ một mình mà không có sự giám sát. Và ngay cả khi có bạn ngủ bên cạnh thì trẻ vẫn không có đủ sự giám sát mà mình cần có. Ngoài việc quá mềm, những khe hở ở giữa và phía sau những miếng lót nệm còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm.
Đừng để nhiệt độ quá nóng
Hãy cất những tấm mền nặng nề vào tủ nếu bạn để trẻ ngủ chung với mình trên giường. Trẻ cần một ngủ trong một khí hậu ôn hòa để có thể cân bằng nhiệt độ cơ thể. Rất nhiều bố mẹ hay đắp mền để giúp trẻ giữ ấm nhưng bạn luôn phải chú ý tới nhiệt độ cơ thể trẻ. Nếu trẻ đang đổ mồ hôi hoặc hai má đỏ hồng thì hẳn là trẻ đang cảm thấy rất nóng nực đấy.
Không mặc đồ lót có dây
Tất cả những sợi dây đó đều có khả năng làm trẻ ngạt thở. Tuy có vẻ không thuyết phục nhưng nó vẫn là một mối đe dọa nguy hiểm. Vì vậy, hãy dành những món đồ này cho những đêm mà chỉ có bạn và bạn đời của mình thôi nhé.
Tránh dùng keo xịt tóc, chất khử mùi và nước hoa
Trẻ em thường có mũi và đường khí nhạy cảm hơn chúng ta. Vì vậy, hãy tránh dùng những keo xịt tóc có mùi nặng, chất khử mùi hay nước hoa để hạn chế các tình trạng khó thở, bị ho và nghẹt thở ở trẻ.
Làm thế nào để tạo được môi trường ngủ tốt cho trẻ
Cho dù bạn chọn cách để trẻ ngủ chung với mình hoặc cho trẻ ngủ trong khung cũi thì đây cũng là những bí quyết đáng tham khảo nhằm tạo cho trẻ một môi trường ngủ tốt.
_ Giường cần phải có độ cứng mềm vừa phải. Khi trẻ sơ sinh bắt đầu bước vào giai đoạn tập đi, trẻ có thể ngủ trên những tấm nệm mềm hơn nhưng trong những tháng đầu đời, một tấm nệm đủ cứng sẽ giúp trẻ hạn chế tình trạng nghẹt thở.
_ Trẻ nên ngủ ở tư thế nằm ngửa cho đến khi trẻ có thể tự lật mình. Không nên để trẻ nằm nghiêng hoặc nằm sấp để tránh áp lực lên bao tử.
_ Cả nệm và giường đều không nên có khe hở hoặc vết nứt để tay chân của trẻ không bị mắc kẹt. Giường nên được đặt sát tường tránh tình trạng trẻ bị rơi xuống hoặc kẹt giữa tường và giường.
_ Hãy giữ gối, mền và thú nhồi bông xa khỏi giường cho đến khi trẻ đủ sức để gạt chúng đi nếu có bị đè lên mặt.
_ Đừng bao giờ để trẻ ngủ trên sô pha, nệm futon, ghế tựa hay những độ vật có góc nhọn, khe hở hoặc những khu vực có thể uốn cong để tránh trẻ bị mắc kẹt.
Những câu hỏi thường gặp
Trẻ sơ sinh có nên ngủ chung với bố mẹ?
Ngủ chung là một hình thức lý tưởng đối với trẻ sơ sinh nhất là khi trẻ do mẹ chăm sóc. Việc cho trẻ bú trở nên dễ dàng hơn và cũng giúp trẻ cảm thấy an toàn dù không còn ở trong bào thai nữa.
Có nên dùng rào chắn giường?
Rào chắn giường là một vật dụng cần thiết nhưng bạn nên tránh đặt chúng ở những nơi mà tay chân trẻ có thể bị mắc kẹt. Thay vào đó, hãy chọn những rào chắn có lưới để trẻ chạm vào bề mặt mềm mại nếu lỡ có lăn khỏi giường.
Tư thế nào là tốt nhất khi ngủ chung giường với trẻ?
Tư thế tốt nhất là hãy đối mặt với trẻ khi ngủ. Bằng cách đó, bạn có thể nhìn thấy trẻ đầu tiên khi thức giấc và sẽ luôn có thể chạm tới trẻ một cách dễ dàng để an ủi trẻ. Ngoài ra, nằm nghiêng cũng hạn chế được nguy cơ xoay mình khi ngủ hơn là nằm ngửa.
Độ tuổi nào thì an toàn để ngủ chung?
Chỉ cần bố mẹ luôn cẩn thận thì ngủ chung an toàn với trẻ ở mọi lứa tuổi. Nhưng hãy chắc chắn rằng giường của bạn đủ cứng để trẻ ngủ cùng và tránh dùng những chất kích thích hay thuốc ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Kết luận
Hầu hết những gì chúng tôi chia sẻ đến bạn đều là các kiến thức phổ biến. Nhưng nếu việc ngủ chung vẫn còn mới mẻ với bạn thì hãy xem xét về những bất lợi mà bạn có thể gặp với cách này.
Nếu bạn chỉ vừa có đứa con đầu lòng thì hẳn bạn sẽ liên tục lo lắng về sự an toàn của trẻ. Bằng cách đặt trẻ sơ sinh trong phòng của mình khi ngủ, bạn sẽ có thể phản ứng lập tức khi có sự nguy hiểm và đương nhiên, trẻ cũng sẽ rất vui khi được ở bên bố mẹ mình đấy.