nghiến răng khi ngủ

Bí quyết ngủ ngon

Làm sao để bỏ được tật nghiến răng khi ngủ?

Admin
29/03/2022

Tật nghiến răng khi ngủ được phân loại vào một dạng rối loạn vận động trong giấc ngủ xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Đây là hiện tượng khá phổ biến nên thường bị xem nhẹ và thậm chí là mặc kệ. Tuy vậy, chứng nghiến răng khi ngủ có thể là biểu hiện của một số bệnh lý. Về lâu dài, nó thường gây hại đến khớp thái dương-hàm và sức khỏe răng miệng. Để hiểu hơn về tật nghiến răng khi ngủ cũng như nguyên nhân, cách chữa trị, cùng Ngủ Ngon Sống Trọn tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!

Chứng nghiến răng khi ngủ là gì?

Nghiến răng khi ngủ
Nghiến răng khi ngủ là một thói quen xấu khá phổ biến.

Nghiến răng khi ngủ là một thói quen xấu khá phổ biến. Chứng này có tên gọi khoa học là Sleep Bruxism. Đây là hội chứng rối loạn vận động khiến cho hai hàm bị nghiến chặt vô thức trong khi ngủ, tạo áp lực lên răng và gây ra âm thanh ken két. 

Tình trạng nghiến răng thường không xảy ra liên tục như ngủ ngáy nhưng nếu việc ngủ nghiến răng xảy ra từ ngày này qua ngày khác, răng và hàm của bạn sẽ chịu tổn thương nghiêm trọng cùng một số biến chứng khác, chẳng hạn như lệch khớp cắn. Các nghiên cứu cho thấy những người ngủ nghiến răng thường đồng thời mắc thêm các chứng rối loạn giấc ngủ khác như hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Ảnh hưởng của chứng nghiến răng khi ngủ

Thông thường, chứng nghiến răng khi ngủ diễn biến ở mức độ nhẹ, không quá ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh, trừ việc gây khó chịu cho người nằm cạnh. Tuy vậy, cũng có 1 số trường hợp chứng rối loạn này phát triển đến mức nghiêm trọng, có thể gây ra một số biến chứng như đau đầu, lệch khớp cắn, tổn thương chân răng, rối loạn chứng năng hàm,… Ngoài ra, chứng Sleep Bruxism còn có thể gây gãy răng, mòn răng, rụng răng. 

Chứng Sleep Bruxism
Chứng Sleep Bruxism còn có thể gây gãy răng, mòn răng, rụng răng

Dấu hiệu của chứng nghiến răng khi ngủ

Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy chứng nghiến răng khi ngủ của bạn đang trở nặng và cần có biện pháp can thiệp y tế nhanh chóng: 

  • Đau răng, tổn thương răng
  • Nhức mỏi hàm, đau mặt sau một đêm ngủ dậy 
  • Biến dạng khuôn mặt
  • Nhức đầu, căng đầu 
  • Rối loạn khớp thái dương-hàm (TMJ).
  • Xuất hiện cơn đau khi nghiến răng, siết răng vào nhau
  • Mất men răng hoặc để lộ các lớp răng bên trong dù không có dấu hiệu sâu răng 
  • Răng dần trở nên nhạy cảm hơn, dễ sưng nướu, chảy máu và ê buốt 
  • Cảm thấy cơ hàm kém linh hoạt, khó mở ra và đóng lại hoàn toàn
  • Khó khăn trong việc phát âm khi cơn đau xuất hiện 
  • Cơn đau có thể lan tỏa xuống má và cổ, đặc biệt là khi nhai, nuốt 
  • Ngủ không ngon giấc

Nguyên nhân gây ra tình trạng nghiến răng khi ngủ

Các vấn đề về sức khỏe tinh thần

Sức khỏe tinh thần có ảnh hưởng đáng kể đến chứng nghiến răng. Nếu bạn thường xuyên trải qua những ngày căng thẳng do công việc, thi cử,… thì cơ thể sẽ hình thành cơ chế nghiến răng như một sự đối ứng lại với tình trạng tâm lý đang diễn ra. Những người bị mắc các chứng rối loạn tâm thần như Alzheimer, Parkinson cũng có nguy cơ ngủ nghiến răng cao hơn. 

Sức khỏe tinh thần
Sức khỏe tinh thần có ảnh hưởng đáng kể đến chứng nghiến răng

Tuổi tác

Theo thống kê, người trẻ gặp trạng ngủ nghiến răng phổ biến hơn với người lớn tuổi. Càng về già, thói quen này sẽ giảm bớt nhưng bù lại, các tật ngủ khác như nói mớ, ngủ ngáy,.. lại bắt đầu xuất hiện. 

Tác dụng phụ của thuốc và các chất kích thích khác

Nếu bạn nhận thấy mình bắt đầu có thói quen ngủ nghiến răng thời gian gần đây, đồng thời, bạn cũng đang trong giai đoạn điều trị bệnh thì vấn đề này có thể đến từ tác dụng phụ của thuốc được bác sĩ kê đơn. Phổ biến nhất là thuốc trị trầm cảm. Ngoài ra, các loại đồ uống chứa cồn và cafein như rượu, bia, cà phê,… hoặc thuốc lá cũng đều làm tăng nguy cơ mắc tật ngủ nghiến răng. 

Ngủ nghiến răng do thuốc, chất kích thích
Ngủ nghiến răng có thể xuất hiện do tác dụng phụ của thuốc, chất kích thích

Yếu tố di truyền

Yếu tố di truyền cũng là 1 nguyên nhân phổ biến gây ra chứng Sleep Bruxism. Nghiên cứu cho thấy nếu trong gia đình bạn có thành viên mắc tật ngủ nghiến răng thì xác suất lên đến 21-50% bạn cũng sẽ gặp tật ngủ này. 

Lệch khớp cắn

Khi 1 người bị lệch khớp cắn, vận động nhai của hàm sẽ không diễn ra như bình thường mà bị sai lệch theo nhiều cách khác nhau tùy theo nguyên nhân gây lệch. Chẳng hạn, nếu nguyên nhân đến từ việc răng khôn hàm dưới bị mọc trồi, lúc cắn lại, hàm dưới buộc phải đưa ra trước nhiều hơn để thực hiện động tác đóng hàm. Việc cản trở đường đi vận động của hàm sẽ làm tăng tần suất ngủ nghiến răng.

Các hội chứng rối loạn khác

Bên cạnh các nguyên nhân đã kể trên thì người có vấn đề về tiêu hóa, đường ruột như trào ngược dạ dày, đau bao tử, khó tiêu,… cũng dễ ngủ nghiến răng hơn. Ngoài ra, nếu bạn có tiểu sử bị các rối loạn giấc ngủ như khủng hoảng ban đêm, chứng miên hành, ngưng thở thì xác suất mắc tật ngủ nghiến răng sẽ cao hơn.

Người có vấn đề về tiêu hóa,
Người có vấn đề về tiêu hóa, đường ruột như trào ngược dạ dày, đau bao tử, khó tiêu,… cũng dễ ngủ nghiến răng hơn

Khắc phục tật nghiến răng khi ngủ như thế nào?

Nếu tật nghiến răng chỉ ở mức độ nhẹ, tần suất xảy ra thấp, không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn thì có thể không cần điều trị. Nhưng nếu tình trạng ngủ nghiến răng gây ra các cơn đau vùng mặt, lệch khớp cắn,.. thì đừng chần chừ mà nhanh chóng thăm khám bác sĩ để có được phương án điều trị sớm. 

Dưới đây là một số biện pháp để khắc phục được tật ngủ này: 

Loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh

Trước hết, bạn nên rà soát lại các loại thuốc điều trị đang sử dụng trong thời gian gần đây. Một số thuốc có thể gây tác dụng phụ khiến hệ thần kinh phản ứng quá mức, gây ra tình trạng nghiến răng khi ngủ. Ngoài ra, bạn cũng nên dừng sử dụng thuốc lá, bia, rượu, cà phê vì các thực phẩm này sẽ tăng nguy cơ ngủ nghiến răng, khiến bạn khó ngủ, ngủ không sâu giấc và thường mệt mỏi sau khi thức dậy. 

Như đã nói phía trên, một số bệnh lý có thể là nguyên nhân gây ra chứng nghiến răng nên việc loại bỏ yếu tố gốc rễ sẽ giúp bạn đồng thời bỏ được tật ngủ này.

Giải tỏa căng thẳng

Căng thẳng cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra chứng nghiến răng khi ngủ. Bạn nên tìm kiếm các giải pháp giúp xoa dịu tinh thần, giải tỏa căng thẳng như yoga, thiền, học vẽ, học đàn,…Ngoài ra, đừng ngại chia sẻ những phiền muộn của mình với bạn bè, gia đình. Việc được lắng nghe và thấu hiểu sẽ giúp bạn tống khứ được những cảm xúc tiêu cực này ra khỏi tâm trí nhanh chóng. 

Căng thẳng gây nghiến răng
Căng thẳng cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra chứng nghiến răng

Điều trị bằng thuốc

Với những trường hợp tật ngủ trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, việc can thiệp điều trị bằng thuốc có thể là giải pháp được nhiều bác sĩ lựa chọn. Một số loại thuốc được kê toa hỗ trợ điều trị tật nghiến răng là:

Thuốc điều trị rối loạn lo âu: Nếu tình trạng lo lắng, căng thẳng không kiểm soát gây ra chứng nghiến răng khi ngủ thì bác sĩ điều trị sẽ khuyên bạn sử dụng một số loại thuốc có tác dụng an thần, chống trầm cảm hoặc các vấn đề rối loạn cảm xúc khác. 

Thuốc giãn cơ: Loại thuốc này có tác dụng giúp giãn cơ từ đó ngăn ngừa tình trạng nghiến răng nhưng chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn. 

Tiêm botox: là cách nói ngắn gọn của việc tiêm độc tố Botulinum Toxin đã qua tinh chế giúp làm giảm hiệu ứng đau nhức cơ. Botulinum Toxin khi đi vào da sẽ ức chế quá trình giải phóng acetylcholin tại các điểm nối cơ thần kinh. Từ đó gây tê liệt các một phần cơ, làm giảm khả năng co của cơ nhưng vẫn đảm bảo sự vận động bình thường của cơ mặt khi nói chuyện, ăn uống,… 

Điều trị nha khoa

Việc điều trị nha khoa cũng giúp cải thiện đáng kể tình trạng nghiến răng khi ngủ, đồng thời ngăn ngừa sự phá hủy thêm của răng do tật ngủ này: 

Dùng máng nhai: Thiết bị nha khoa này có tác dụng che phủ bề mặt răng hàm trên và hàm dưới, giúp ngăn ngừa sự mòn răng và tổn thương cấu trúc nha chu do tác động nhai, nghiến vô thức. Máng nhai còn có chức năng hướng dẫn chuyển động của hàm dưới, giảm nguy cơ lệch khớp cắn. Từ đó, giảm tần suất ngủ nghiến răng. 

Điều chỉnh/phục hồi khớp cắn lệch: Lệch khớp cắn khiến cho hàm răng không thể chuyển động theo cấu trúc sinh lý bình thường, gây ra hiện tượng ngủ nghiến răng. Bằng việc điều chỉnh lại khớp cắn, hoạt động nhai của hàm sẽ được cải thiện, từ đó, loại bỏ được tật ngủ này. Trong quá trình phục hồi khớp cắn, nha sĩ có thể sẽ trám, bọc mão lại các vị trí răng bị vỡ do tật nghiến răng nhằm đảm bảo chức năng của răng.

điều trị nha khoa
Việc điều trị nha khoa cũng giúp cải thiện đáng kể tình trạng nghiến răng khi ngủ

Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu để tình trạng nghiến răng khi ngủ tiếp diễn dai dẳng thì có thể gây ra những tổn thương nặng nề với khớp cắn và sức khỏe răng miệng. Chính vì vậy, đừng coi thường những tác hại của tật ngủ này nhé!

Nguồn tham khảo: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/nghien-rang-khi-ngu-nguyen-nhan-tac-hai-va-cach-dieu-tri/