dấu hiệu sốc nhiệt

Khoa học giấc ngủ

Triệu chứng và cách phòng tránh sốc nhiệt

Admin
27/06/2022

Vào thời điểm nắng nóng gay gắt, chúng ta thường nghe nói tới việc nhiều người bị say nắng hay sốc nhiệt. Nó có thể gây ra tử vong hoặc các tổn thương não cho con người khi gặp phải. Tuy vậy, có rất nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ về hiện tượng sốc nhiệt và cách phòng tránh hiệu quả.

Vì vậy, trong bài viết này, Ngủ Ngon Sống Trọn sẽ cung cấp những thông tin cần biết về sốc nhiệt cũng như cách phòng tránh nó. Cùng theo dõi để có thêm những kiến thức cơ bản để bảo vệ mình và người thân vào thời điểm mùa hè đang đến gần nhé.

bị sốc nhiệt lạnh
Sốc nhiệt là gì? Triệu chứng và cách phòng tránh sốc nhiệt

Sốc nhiệt là gì? Nguyên nhân gây sốc nhiệt

Sốc nhiệt là gì? Phân nhóm sốc nhiệt

Say nắng hay còn được gọi là sốc nhiệt – là một hiện tượng thường gặp vào thời điểm mùa hè nắng nóng. Đây được xem là một dạng chấn thương nhiệt nghiêm trọng và thường cần cấp cứu y tế. Sốc nhiệt có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, từ người lớn tuổi đến những người trẻ, khỏe.

Nhìn chung, sốc nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể vượt quá mức cho phép khiến cho hệ thống thần kinh trung ương và các mô trên cơ thể bị tổn thương. Thông thường, khi mức nhiệt độ cơ thể vượt quá 40 độ C sẽ gây ra hiện tượng này.

Khi sốc nhiệt xảy ra sẽ gây rối loạn các chức năng của cơ thể, thậm chí là khiến người bệnh hôn mê hoặc tử vong. Do đó, cần có những biện pháp xử lý kịp thời để phòng tránh những biến chứng có thể xảy ra.

Sốc nhiệt được phân thành 2 nhóm:

  • Sốc nhiệt kinh điển: Tình trạng sốc kinh điển diễn ra khi một người tiếp xúc với môi trường nhiệt độ cao liên tục trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày một cách thụ động. Những người dễ bị sốc kinh điển thường là người già, trẻ em, những người có bệnh lý về tim mạch, thần kinh hay cơ thể suy nhược, rối loạn nội tiết.
  • Sốc nhiệt do gắng sức: Những người trẻ, khỏe bình thường có thể bị do gắng sức khi phơi nhiễm ở môi trường nhiệt độ tăng cao kết hợp với vận động thể lực gắng sức như tập thể dục hay làm việc chân tay nặng nhọc ngoài trời nắng nóng.
dấu hiệu sốc nhiệt
Sốc nhiệt do gắng sức khi phơi nhiễm ở môi trường nhiệt độ tăng cao kết hợp với vận động thể lực

Nguyên nhân dẫn tới sốc nhiệt

Thông thường, nhiệt độ cơ thể con người luôn được giữ ở mức cân bằng trước sự thay đổi và tác động của môi trường bên ngoài, nhờ sự điều tiết của trung khu thần kinh.

Tuy nhiên, khi chúng ta tiếp xúc với môi trường có nền nhiệt độ cao kéo dài hay gắng sức liên tục có thể khiến cho trung tâm điều nhiệt không kiểm soát và cân bằng được nhiệt độ cơ thể ở mức bình thường dẫn đến sự tăng nhiệt cao của thân nhiệt vượt qua mức cơ thể có thể chịu đựng và đào thải nhiệt. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng sốc nhiệt.

Nhìn chung, những người bị sốc nhiệt thường tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường nhiệt độ cao nhưng không kịp thời bổ sung nước và điện giải, không nghỉ ngơi đầy đủ.

Đối tượng thường bị hiện tượng này nhất là người lao động chân tay ngoài trời nắng nóng, vận động viên thể dục thể thao hay người hoạt động ngoài trời nắng liên tục.

Bên cạnh đó, những bạn trẻ thường luyện tập thân thể quá sức trong nền nhiệt độ tăng cao cũng là những người rất dễ sốc nhiệt. Một số nhóm khác cũng dễ bị sốc nhiệt là phụ nữ, trẻ em, người lớn tuổi và người mắc bệnh tim mạch, rối loạn nội tiết, ung thư…

Xem thêm: Rối loạn cảm xúc theo mùa gây hại đến giấc ngủ như thế nào?

Biểu hiện và biến chứng của sốc nhiệt

Dấu hiệu dễ nhận biết của say nắng là nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C. Đôi khi hiện tượng này có thể diễn ra đột ngột và khiến người bệnh dẫn tới ngất xỉu ngay tại chỗ. Những người bị từ từ sẽ có các triệu chứng bao gồm:

  • Nhức đầu
  • Chóng mặt và choáng váng
  • Đổ mồ hôi trộm
  • Da nổi mẩn đỏ, nóng và khô
  • Yếu cơ hoặc chuột rút
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Nhịp tim nhanh, có thể đập mạnh hoặc yếu
  • Thở nhanh, nông
  • Thay đổi hành vi như nhầm lẫn, thiếu tỉnh táo, mất phương hướng hoặc loạng choạng
  • Co giật
  • Mất ý thức
sốc nhiệt có nguy hiểm không
Người bị sốc nhiệt thường nhức đầu, chóng mặt, choáng váng

Như đã nói ở phần đầu tiên, chúng ta biết rằng sốc nhiệt là một bệnh nhiệt nghiêm trọng. Nó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh nếu không có biện pháp xử lý kịp thời. Một số biến chứng của sốc nhiệt bao gồm:

  • Cơ thể bị mất nước, suy kiệt, co giật
  • Gây tổn thương trung khu thần kinh và các mô trên cơ thể, ảnh hưởng tới tim mạch và các bộ phận khác
  • Gây hôn mê, bất tỉnh, đột quỵ, thậm chí là tử vong nếu không có biện pháp sơ cứu kịp thời.

Cách xử lý nhanh người bệnh bị sốc nhiệt

Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị cảm nhiệt, hãy gọi ngay cho 115 cơ sở y tế gần nhất hoặc đưa người đó đến bệnh viện. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc tìm kiếm trợ giúp y tế đều có thể gây tử vong.

Trong khi chờ nhân viên y tế đến, hãy tiến hành sơ cứu. Trước tiên là di chuyển người đó đến môi trường có máy lạnh hoặc ít nhất là khu vực râm mát và cởi bỏ quần áo không cần thiết.

sốc nhiệt cơ thể
Cởi bớt quần áo và làm mát cơ thể người bị sốc nhiệt

Nếu có thể, hãy đo nhiệt độ cơ thể của người đó và tiến hành sơ cứu để hạ nhiệt độ xuống mức 37, 38 độ. Nếu không có sẵn nhiệt kế, đừng ngần ngại tiến hành các chiến lược làm mát sau:

  • Làm mát da của người bệnh bằng nước mát kèm sử dụng quạt để làm mát không khí.
  • Chườm túi đá vào nách, bẹn, cổ, lưng của bệnh nhân. Bởi vì những khu vực này có nhiều mạch máu dưới da, làm mát chúng có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể.
  • Ngâm bệnh nhân trong vòi hoa sen hoặc bồn nước mát.
  • Nếu người đó còn trẻ, khỏe mạnh và bị say nắng khi vận động mạnh hay còn gọi là sốc nhiệt do gắng sức – bạn có thể tắm nước đá để giúp làm mát cơ thể.

Lưu ý rằng: Không dùng nước đá cho bệnh nhân lớn tuổi, trẻ nhỏ, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính hoặc bất kỳ ai bị đột quỵ do nhiệt mà không vận động mạnh. Làm như vậy có thể gây nguy hiểm.

  • Với những người còn tỉnh và không nôn mửa thì có thể cho uống thêm nước.
  • Khi di chuyển trên xe cấp cứu vẫn cần mở điều hòa trên xe và chườm mát để hạ nhiệt. Nếu có thể thì nên truyền dịch tĩnh mạch.

Những cách phòng tránh sốc nhiệt hiệu quả mùa nắng nóng

Che chắn cẩn thận mỗi khi ra ngoài

Vào mùa hè, nhiệt độ ngoài trời sẽ tăng cao và có thể khiến cơ thể đột ngột tăng nhiệt nếu tiếp xúc với nắng nóng mà không có đồ bảo hộ, che chắn. Vì vậy, khi đi ra ngoài trời thì cần mặc thêm áo chống nắng để ngăn nắng nóng gây tổn thương lên da, giảm hấp thụ nhiệt lên cơ thể.

Bên cạnh đó, các bạn cũng cần đội thêm mũ nón, khẩu trang, che ô/dù khi đi đường để tránh nắng. Với những người lao động ngoài trời nắng, trên công trường thì cần mặc quần áo bảo hộ chống nóng đầy đủ. Đồng thời, dành thời gian để nghỉ ngơi, bổ sung thêm nước để làm mát cơ thể.

tránh sốc nhiệt mùa hè
Che chắn nắng cẩn thận khi ra ngoài để phòng tránh sốc nhiệt

Duy trì độ ẩm cho cơ thể

Hiện nay có nhiều loại kem chống nắng không chỉ có tác dụng chống cháy nắng, sạm da khi ra ngoài trời; mà còn có thể giữ ẩm cho làn da, chống khô và mất nước. Vì vậy, nếu có thể, các bạn nên bôi kem chống nắng trước khi đi ra ngoài, kể cả vào những ngày trời không nắng để bảo vệ cơ thể tốt hơn.

Thêm vào đó, một điều rất quan trọng là bổ sung nước, muối và khoáng chất đầy đủ. Có thể mang theo bình nước muối, chanh đường bên người để kịp thời bổ sung cho cơ thể duy trì độ ẩm và cân bằng nhiệt độ mọi lúc, mọi nơi.

Đọc thêm: Hướng dẫn cách chống nóng mùa hè cực kỳ hiệu quả 

Hạn chế sử dụng rượu, caffeine khi trời nắng nóng

Khi sử dụng rượu và các loại đồ uống có chứa caffeine sẽ khiến bạn bị mất nước, thiếu nước; nhất là khi không bổ sung nước đầy đủ khi đi ra ngoài nắng hoặc hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao.

Do đó, hãy hạn chế sử dụng các loại đồ uống này hoặc uống đủ nước nếu đã dùng rượu, caffeine. Trong trường hợp không cần thiết thì không nên đi ra ngoài hoặc làm việc ngoài trời nếu đã uống nhiều rượu bia.

Tập luyện thân thể, rèn luyện sức khỏe ở mức độ phù hợp

Việc tập luyện thể dục, thể thao, vận động thường xuyên sẽ giúp nâng cao sức khỏe, tăng cường thể lực và sự dẻo dai. Hơn nữa, nó còn giúp tăng khả năng thích nghi của con người với những điều kiện môi trường khắc nghiệt. Một người có sức khỏe tốt sẽ có thể hạn chế được sốc nhiệt đột ngột hoặc giảm biến chứng nguy hiểm khi say nắng.

làm gì khi bị sốc nhiệt
Tập luyện thể dục, thể thao, vận động thường xuyên sẽ giúp nâng cao sức khỏe để tránh sốc nhiệt

Tùy theo thể trạng của mỗi người để có chế độ tập luyện phù hợp. Không nên gắng sức và tập luyện cường độ quá cao nếu cơ thể không cho phép. Vì như vậy sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và kiệt sức nếu không có biện pháp phục hồi.

Trên đây là những thông tin về sốc nhiệt và cách phòng tránh hiệu quả. Với thời tiết nắng nóng cao độ thì rất dễ bị sốc nhiệt nếu không chú ý phòng tránh. Hãy áp dụng những cách mà chúng tôi đã gợi ý ở trên để bảo vệ mình và người thân an toàn trong mùa hè tới nhé.

Tài liệu tham khảo: Cách phòng tránh sốc nhiệt do nắng nóng | Vinmec