Phụ kiện giấc ngủ

Vải polyester là gì? Giải mã mọi thông tin liên quan đến vải polyester

Admin
08/06/2021

Bạn có biết polyester là một trong những loại vải được sử dụng nhiều nhất trong ngành may mặc hiện nay? Và phần lớn các loại quần áo, chăn, ga, gối,… bạn đang sử dụng hàng ngày đều được làm từ chất liệu này.

Vậy vải polyester là gì? Chúng có những ưu – nhược điểm nào và tại sao lại được sử dụng rộng rãi đến như vậy? Nếu bạn cũng đang có những thắc mắc này, hãy cùng Ngủ Ngon Sống Trọn giải mã đáp án trong bài viết dưới đây.

Vải Polyester là gì?

Để biết được các ứng dụng của vải polyester trong đời sống hàng ngày, trước hết bạn cần hiểu vải polyester là gì. Vải polyester thực chất là một chất liệu sợi tổng hợp, có nguồn gốc từ dầu mỏ và than đá, là kết quả của quá trình trùng hợp. Hiện nay, sợi polyester được chia thành 4 loại cơ bản là: sợi thô, sợi xơ, sợi filament và sợi fiberfill.

vải polyester là gì
Vải polyester rất được ưa chuộng hiện nay

Vải polyester có những đặc điểm nổi bật sau:

  • Có khả năng chống nhăn tốt, không bám bụi và ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc hiệu quả, nên hầu hết các sản phẩm của ngành thời trang, may mặc như: quần áo, chăn, ga, gối, đồ lót,… đều được làm từ chất liệu này.
  • Những tấm vải được làm từ 100% sợi polyester sẽ có khả năng tĩnh điện khi thời tiết hanh khô. Do đó, hầu hết các loại quần áo dùng cho mùa đông sẽ không sử dụng 100% chất liệu polyester, mà thay vào đó là pha trộn chúng cùng một số chất liệu khác như cotton, để có thể khắc phục nhược điểm này.

Lịch sử phát triển của vải polyester

Chất liệu polyester được phát hiện vào năm 1930 tại các phòng thí nghiệm hóa học. Tuy nhiên, phải đến những năm 1939 – 1941 các nhà khoa học người Anh mới thực sự chú ý đến chất liệu này, và bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về nó. 

Đến năm 1946, những sợi vải polyester này chính thức ra đời và được ứng dụng vào ngành công nghiệp may mặc, sản xuất ra các sản phẩm: những bộ suit lịch lãm, những tấm vải trải bàn, quần áo mặc nhà, vỏ chăn, ga, gối, rèm cửa,…

Ban đầu, có nhiều tranh cãi xung quanh tính an toàn của dòng vải này. Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu và phát triển thì đến nay vải polyester đã được công nhận trên toàn thế giới và được ứng dụng rộng rãi trong đời sống nói chung và ngành may mặc nói riêng. Bằng chứng là phần lớn các sản phẩm như: quần áo, chăn, ga, gối,… hiện nay đều được làm từ chất liệu polyester.

Quy trình sản xuất ra vải polyester

polyester
Quy trình sản xuất sợi polyester

Quy trình sản xuất ra sợi vải polyester vô cùng phức tạp, tuy nhiên để khách hàng có thể hiểu hơn về chất liệu này, đồng thời hình dung được cách để tạo thành những sợi polyester, chúng tôi đã tổng hợp và tóm gọn lại trong 6 bước chính như sau:

Bước 1: Trùng hợp

Tại bước này, người ta trộn hỗn hợp gồm 2 chất dimethyl terephthalate và ethylene glycol lại với nhau, sử dụng thêm chất xúc tác và đun nóng ở điều kiện nhiệt độ 150-210 độ C, thu được hợp chất monomer.

Tiếp tục dùng monomer kết hợp với axit terephtalic trong điều kiện nhiệt độ 280 độ C, để tạo ra polyester. Polyester sau khi nóng chảy đã tạo thành một dải dài. 

Bước 2: Làm khô

Đầu tiên, các dải polyester thu được ở bước 1 sẽ được làm lạnh tới khi cứng và giòn. Sau đó, dùng máy cắt thành các hạt vô cùng nhỏ để đảm bảo độ bền theo thời gian.

Bước 3: Kéo sợi

Đun nóng chảy toàn bộ các hạt thu được ở bước 2 trong điều kiện nhiệt độ 260 – 270 độ C, để tạo thành dung dịch hơi sệt. Đổ dung dịch này vào ổ phun sợi có nhiều lỗ nhỏ với các hình dáng đa dạng như: trong, lục giác, vuông,…

chất liệu polyester
Quy trình sản xuất chất liệu polyester

Các sợi nhỏ này sau khi phun ra sẽ xoắn vào nhau để tạo thành những sợi đơn. Trong quá trình kéo sợi, người ta sẽ thêm vào các hợp chất hóa học có tác dụng khắc phục những khuyết điểm của sợi polyester nguyên bản như: tĩnh điện, chống cháy, kháng khuẩn và dễ nhuộm màu hơn.

Bước 4: Kéo căng

Khi mới hình thành, các sợi polyester rất mềm và dẻo dai, có thể kéo dài hơn nhiều lần so với kích thước ban đầu của nó. Lúc này, các sợi polyester bắt đầu mảnh và nhỏ lại. Đây là bước quyết định độ cứng/mềm của vải.

Sau đó, liên kết các sợi vải này lại với nhau.

Bước 5: Cuốn sợi

Ở bước này, các sợi vải thu được từ bước 4 sẽ được cuộn lại thành từng cuộn lớn trước khi đem đi dệt.

Bước 6: Dệt vải

Những cuộn sợi thu được ở bước 5 bắt đầu được chuyển đến nhà máy dệt và tạo nên những tấm vải polyester chuyên dụng. 

Đây là bước cuối cùng trong quá trình sản xuất vải polyester từ các hợp chất hóa học.

Ưu – nhược điểm của vải polyester

sợi polyester
Ưu – nhược điểm của vải Polyester

Đây có lẽ là phần được yêu thích nhất trong bài viết này, bởi nó giúp bạn giải mã được lý do vì sao vải polyester lại được ưa chuộng và sử dụng phổ biến như hiện nay.

Ưu điểm của vải polyester

Khả năng chống nhăn tốt

Vải polyester có khả năng chống nhăn vô cùng tốt, không bị nhăn nhúm hay co dãn trong suốt quá trình sử dụng. Đặc biệt kể cả khi chúng được giặt vò mạnh bằng tay hay bằng máy, chất lượng vải vẫn luôn ổn định, không bị ảnh hưởng. Đây cũng chính là lý do mà vải polyester được chọn để sản xuất vỏ chăn, ga, gối, nệm, vừa đảm bảo độ bền cao vừa mang đến tính thẩm mỹ cho không gian phòng ngủ.

Không bám bụi bẩn và dễ vệ sinh

Như đã nói ở trên, không bám bụi bẩn chính là ưu điểm tiếp theo mà loại polyester này sở hữu. Bề mặt vải luôn có độ mềm mượt nhất định nên không hút bụi và cũng không bám bụi trong suốt thời gian sử dụng.

Ngoài ra, loại vải này cũng rất dễ để vệ sinh, làm sạch lại nhanh khô nên rất được lòng các chị em nội trợ.

Độ bền cao

Vải polyester có khả năng chịu nhiệt và chịu được hầu hết các chất hóa học hiện nay nên chúng có độ bền vượt trội. 

Bên cạnh đó, loại vải này không bị co rút sợi như vải lụa, lại không bị bai nhão như vải cotton sau một thời gian dài sử dụng, nên được tin chọn cho ngành thời trang, may mặc.

chất polyester
Chất polyester mang nhiều ưu điểm nổi bật

Dễ nhuộm màu và không bị phai màu khi sử dụng

Vải polyester không bị phai màu khi sử dụng

Có thể nói, vải polyester là một trong những loại vải có khả năng nhuộm màu vượt trội, màu sắc luôn sắc nét và không bị phai màu trong suốt thời gian sử dụng. Do đó, vải polyester nằm trong top những loại vải giữ tốt tốt nhất hiện nay.

Giá thành rẻ

Nguyên liệu để tạo nên chất liệu polyester vô cùng thấp, chi phí sản xuất cũng không quá lớn nên dòng vải này có giá thành khá rẻ, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều gia đình hiện nay.

Khả năng kháng khuẩn vượt trội

Trong quá trình sản xuất sợi vải polyester, nhà sản xuất đã tích hợp thêm các tính năng kháng khuẩn hiện đại, nên bạn có thể an tâm lựa chọn những sản phẩm được làm từ loại vải này cho người thân và gia đình của mình.

Nhược điểm của vải polyester

chất liệu vải polyester
Nhược điểm của vải polyester

Sở hữu nhiều ưu điểm nổi trội nhưng vải polyester cũng có một vài nhược điểm nhất định như:

  • Vải được làm từ 100% sợi polyester sẽ có khả năng tĩnh điện, gây ra tình trạng “điện giật nhẹ” cho người dùng. Tuy nhiên, loại điện này sẽ không gây nguy hiểm cho sức khỏe.
  • Nếu chỉ sử dụng 100% sợi polyester thì loại vải này sẽ khá bí và nóng, độ thoát hơi kém hơn hẳn các loại vải thông thường như: cotton, tencel,…
  • Loại vải này không thân thiện với môi trường, vì có chứa các hạt nhựa nên nó không thể phân hủy khi hết thời gian sử dụng.

Ứng dụng của vải polyester trong đời sống

Với những ưu điểm vượt trội của mình, vải polyester được ứng dụng nhiều trong đời sống hàng ngày như:

Sản xuất quần áo thời trang

Polyester đang là lựa chọn hàng đầu của ngành may mặc hiện nay, bởi giá thành rẻ, độ bền cao, lại không bị nhăn trong suốt thời gian sử dụng.

Khả năng thoát khí kém của loại vải này cũng được khắc phục bằng cách pha thêm các chất liệu có độ thấm hút và thoáng mát cao như: cotton, tencel,… để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

Ngoài quần áo thời trang, vải polyester có thể dùng để sản xuất đồ tập thể thao, rèm cửa, thảm trang trí, các loại phông bạt, áo mưa, ô dù,…

Sản xuất chăn ga gối đệm

chăn polyester
Ứng dụng của chất liệu polyester trong sản xuất chăn – ga – gối

Vải polyester cũng là lựa chọn hàng đầu cho ngành chăn ga gối đệm hiện nay, bởi nó có độ bền cao, không nhăn nên sẽ giữ cho phần vỏ bọc nệm, chăn, ga, gối luôn được phẳng phiu, lịch sự. 

Ngoài ra, vải polyester có nhiều màu sắc, hoa văn tinh tế, thanh lịch có thể dùng để trang trí nhà cửa hiệu quả.

Đặc biệt, loại bông polyester được nhập khẩu từ Hàn Quốc là chất liệu tuyệt vời để sản xuất ra các tấm nệm ngủ chất lượng và tiện lợi.

Những lưu ý khi sử dụng và bảo quản chất liệu vải polyester

Khi sử dụng các sản phẩm được làm từ chất liệu polyester bạn cần lưu ý những điểm sau:

  • Hạn chế tối đa việc đổ các dung dịch lỏng lên bề mặt vải, hãy làm sạch ngay khi có thể.
  • Tuyệt đối không để kéo hoặc các vật sắc nhọn đâm vào vải.
  • Thường xuyên vệ sinh vải để vải luôn được sạch sẽ.
  • Có thể sử dụng máy giặt và các chất giặt tẩy mạnh (nếu cần thiết) để làm sạch các vết bẩn.
  • Vải polyester có khả năng bắt lửa tốt nên bạn cần chú ý khi sử dụng, không để gần lửa hay nguồn nhiệt lớn.
  • Để kéo dài tuổi thọ cho vải, bạn nên hạn chế là ủi, sấy khô chúng bằng nhiệt độ cao.

Tổng kết

Trên đây là toàn bộ thông tin về chất liệu polyester và những ứng dụng của nó trong đời sống hằng ngày. Ngủ Ngon Sống Trọn hy vọng đã giải đáp được mọi thắc mắc, băn khoăn của quý độc giả về loại vải polyester trong bài viết này. Từ đó, giúp các bạn lựa chọn được nhiều sản phẩm tốt cho người thân và gia đình của mình.  Đừng quên tiếp tục theo dõi Ngủ Ngon Sống Trọn để cập nhật tin hữu ích mỗi ngày nhé!