Bên cạnh một chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt, chế độ tập luyện thể dục điều độ khi mang thai thì các bà mẹ còn đặc biệt quan tâm đến giấc ngủ của mình, bởi với người phụ nữ có thai giấc ngủ là cực kỳ quan trọng. Nhưng nên ngủ với tư thế như thế nào để mẹ khỏe, bé phát triển tốt là băn khoăn của không ít mẹ bầu. Bài viết này sẽ mách cho các mẹ những tư thế ngủ tốt nhất để mẹ có thể yên tâm trong suốt thai kỳ của mình nhé.
Nội dung chính
Để có tư thế ngủ tốt phụ thuộc vào yếu tố nào?
Tư thế thích hợp phụ thuộc vào giai đoạn bầu của mẹ. Ở mỗi giai đoạn khác nhau đòi hỏi những tư thế ngủ khác nhau. Mẹ cần tìm hiểu kỹ vấn đề này để tránh những tác động xấu ảnh hưởng lên bé yêu.
Bên cạnh đó, tư thế ngủ tốt cũng phụ thuộc vào người mẹ bởi sự thoải mái của mẹ sẽ truyền được cảm giác dễ chịu cho bé.
Những tư thế ngủ tốt nhất cho mẹ và bé
Nằm nghiêng
Tư thế được coi là lý tưởng cho mẹ trong thời kỳ mang thai là nằm nghiêng về một bên. Tư thế này sẽ giúp mẹ thở tốt hơn, máu lưu thông dễ dàng, không gây áp lực lên các cơ quan nội tạng và quan trọng là làm giảm áp lực lên tử cung.
Nằm nghiêng ở phía nào cũng tốt, nhưng có nhiều khuyến nghị khuyên bạn nên chọn nằm nghiêng về bên trái bởi những lý do sau:
Thứ nhất, nằm nghiêng mình sang trái sẽ làm tăng lưu lượng máu và cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Theo các chuyên gia, khi thai nhi càng lớn lên thì càng cần nhiều diện tích hơn trong tử cung. Khi đó tử cung sẽ dần mở rộng ra để tạo điều kiện cho em bé phát triển đồng thời hoạt động đưa máu đến cho em bé cũng được diễn ra hiệu quả hơn. Cụ thể khi mẹ nằm nghiêng sang trái sẽ làm giảm áp lực của các bộ phận khác lên tử cung, giúp động mạch chủ – nơi cung cấp máu và dinh dưỡng đến nhau thai được hoạt động bình thường, bảo vệ sự vận chuyển dưỡng chất diễn ra đều đặn để em bé phát triển khỏe mạnh.
Thứ hai, sẽ làm giảm nguy cơ sảy thai và thai chết lưu. Một nghiên cứu quốc tế do New Zealand công bố đã cung cấp bằng chứng mạnh mẽ rằng người mẹ có thể giảm hơn một nửa nguy cơ thai chết lưu và sảy thai bằng cách nằm ngủ đúng bên trong ba tháng cuối của thai kỳ. Lời khuyên ở đây là các mẹ hãy cố gắng nằm ngủ nghiêng đặc biệt là nghiêng về bên trái.
Thứ ba, thuận lợi cho sự thay đổi của tử cung. Ba tháng cuối thai kỳ là thời điểm tử cung của mẹ phát triển mạnh mẽ nhất và thường xoay về bên phải. Việc mẹ nằm nghiêng sang trái sẽ giúp tử cung dễ dàng phát triển và không phải chịu áp lực từ các bộ phận khác, từ đó giúp nhau thai nhận được oxy, máu và các chất dinh dưỡng đầy đủ.
Thứ tư, nằm nghiêng trái sẽ làm giảm áp lực phía dưới chân và lưng dưới, tạo cảm giác thoải mái cho mẹ.
Thứ năm, phòng ngừa sưng phù. Đây là hiện tượng khá phổ biến trong giai đoạn ba tháng cuối của thai kỳ. Khi mẹ nằm nghiêng về bên trái sẽ giúp giảm áp lực lên tĩnh mạch chủ và ngăn chặn sự chảy ngược của máu, giảm nguy cơ bị sưng phù.
Thứ sáu, giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường và tốt hơn. Tư thế này giúp giữ tử cung không đè lên gan, vì gan nằm bên phải bụng và điều này sẽ khiến chức năng gan không bị ảnh hưởng. Tư thế này còn giúp tử cung tránh chèn ép lên tĩnh mạch chủ dưới làm giảm lượng máu về tim, gây giảm lưu lượng tim. Bên cạnh đó, với tư thế này, thận còn có khả năng lọc sạch các chất độc hại tốt hơn. Khi tử cung không đẩy hoặc đè vào các tạng hệ tiêu hóa như dạ dày, ruột sẽ khiến cho việc tiêu hóa thức ăn được dễ dàng hơn, ngăn ngừa tình trạng ứ đọng đồ ăn trong dạ dày, gây ợ chua hay trào ngược dạ dày do sự tiết ra quá mức của các acid dịch vị.
Khi nằm ngủ liên tục trong một tư thế sẽ khiến mẹ bị mỏi, và không thoải mái như vậy cũng sẽ không tốt, khi đó mẹ có thể nằm nghiêng sang bên phải. Tuy nhiên mẹ vẫn phải lưu ý để tập thói quen nghiêng sang trái nhiều hơn.
Nằm cao đầu và chân
Bên cạnh đó việc mẹ nằm với tư thế gác chân cao và đầu nằm cao còn giúp mẹ tránh được các bệnh lý. Từ tháng thứ tư trở đi đối với các mẹ có bệnh lý liên quan đến tĩnh mạch, chuột rút vào ban đêm thì nên gác chân cao. Ngoài ra nên nằm đầu cao để hạn chế trào ngược do tử cung chèn ép dạ dày. Gối cao đầu và lưng bằng gối mềm còn làm giảm áp lực của thai nhi lên đường hô hấp trên của thai phụ hạn chế làm mẹ “ngáy to” khi ngủ.
Dụng cụ hỗ trợ tư thế ngủ cho mẹ
Để duy trì tư thế ngủ hiệu quả, mẹ nên chuẩn bị sẵn những chiếc gối dành cho bà bầu. Với một chiếc gối dài mềm kê ở phía trước và phía sau sẽ làm giảm trọng lượng của bụng, giữ cho cột sống được thẳng. Mẹ cũng có thể kết hợp sử dụng một chiếc gối luồn vào giữa hai chân, điều này có thể giảm áp lực ở hông và phần dưới cơ thể, sức ép của trọng lượng chân này lên chân kia cũng được nhẹ đi, mang đến cho mẹ một giấc ngủ bình yên.
Tư thế ngủ mẹ không được nằm
Nằm ngửa
Tư thế nằm ngửa thực sự không tốt cho bà bầu, do trọng lượng của thai nhi và tử cung sẽ gây áp lực lên các cơ quan nội tạng của người mẹ, từ đó dẫn đến khó khăn trong việc lưu thông máu đến nhau thai rất nguy hiểm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nằm ngửa, đặc biệt là trong thời gian dài, có thể hạn chế quá trình vận chuyển máu và các chất dinh dưỡng cần thiết khác từ mẹ sang bé.
Ở tư thế này, tử cung sẽ đè vào tĩnh mạch chủ dưới, gây ứ trệ tuần hoàn, cản trở máu về tim, từ đó hạn chế lượng máu từ tim bơm ra và hậu quả là tụt huyết áp. Các triệu chứng hay gặp là chóng mặt, mệt, tim đập nhanh hồi hộp, khó thở, mặt nhợt nhạt, đổ mồ hôi lạnh. Nằm ngửa cũng khiến bầu to đẩy dạ dày, cơ hoành lên cao, khiến sản phụ khó thở.
Nằm sấp khi mang thai trong ba tháng cuối
Nếu trong tam cá nguyệt thứ nhất (những tháng đầu của thai kỳ) mẹ vẫn có thể nằm sấp nếu mẹ cảm thấy thoải mái bởi chưa có bằng chứng cho thấy điều này có hại cho bé.
Nhưng khi thai nhi đã lớn đặc biệt là trong giai đoạn cuối việc mẹ nằm sấp sẽ gây áp lực lên tĩnh mạch chủ, tĩnh mạch chính bơm máu từ tim đến chân. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu nói chung và làm giảm việc cung cấp chất dinh dưỡng cho em bé.
Ngoài ra, việc ngủ sấp làm tăng áp lực của cơ thể lên thai nhi, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bình thường của em bé trong bụng. Nằm sấp cũng tạo một áp lực khá lớn lên ngực, khiến bạn dễ đau và tức ngực.
Mẹo giúp mẹ bầu có giấc ngủ ngon
Thai phụ luôn có cảm giác nặng nề, mệt mỏi, do trong thai kỳ, mẹ phải đối diện với những thay đổi về nội tiết, thêm vào đó thai ngày càng lớn, ăn uống thì ì ạch khó tiêu nên dẫn đến tình trạng mẹ bầu hay mất ngủ, buồn bực, ủ rũ. Để xử trí những triệu chứng khó chịu này khi mang thai và có một giấc ngủ ngon, mẹ bầu có thể thử các mẹo sau:
Mẹ không nên quá lo lắng về tình trạng mất ngủ vì càng lo lắng sẽ càng làm tình hình nghiêm trọng hơn.
Không mua thuốc ngủ khi không có chỉ dẫn của bác sĩ, không được mù quáng tin vào những bài thuốc đông y, tây y không rõ nguồn gốc.
Giải tỏa những căng thẳng, những muộn phiền trong cuộc sống, những khó chịu của kỳ thai nghén với gia đình đặc biệt là với người chồng của mình.
Ăn ngủ đúng giờ. Mẹ nên ăn tối trước 19 giờ hay trước khi đi ngủ tối thiểu 3 giờ. Không ăn đêm quá trễ vì sẽ làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, đồ ăn ứ đọng, không tiêu hoá được. Thay vì ăn, mẹ có thể uống sữa trước khi ngủ 30-60 phút để tranh đói về đêm.
Vận động nhẹ nhàng trong ngày. Các bài tập yoga dành cho bà bầu, đi bộ 30 phút nhẹ nhàng hít thở không khí trong lành buổi tối, bơi lội…đều khiến cơ thể linh hoạt, dẻo dai, tăng tuần hoàn lên não và các cơ quan khác, tăng cường hệ thống miễn dịch.
Tắm nước ấm và rửa mặt bằng sữa rửa mặt giúp làm sạch các lỗ chân lông, khiến cơ thể sạch sẽ, dễ chịu và làm dịu các dây thần kinh. Massage chân, massage toàn thân giúp giảm triệu chứng mệt mỏi
Đọc sách giúp mẹ giảm căng thắng, thư giãn, tăng niềm vui và đam mê.
Nên tránh xa các bộ phim bạo lực và tránh sa đà vào các phim bộ dài tập, dẫn đến quên cả thời gian, quên cả giờ để ngủ. Tránh xa màn hình tivi và máy tính vì ánh sáng xanh phát ra từ màn hình TV và máy tính gia tăng áp lực lên não.
Chế độ ăn cũng có ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ của bạn. Các mẹ bầu nên tránh ăn các thức ăn cay hoặc chứa nhiều axit vì các loại thức ăn này có thể gây ợ nóng, khiến bạn khó ngủ hơn.
Lựa chọn những trang phục bầu rộng rãi và thoáng khí. Khi mang thai, nhiệt độ cơ thể bạn có xu hướng tăng lên khiến bạn nóng bức và khó chịu. Những loại trang phục này sẽ giúp bạn cảm thấy mát mẻ hơn, từ đó dễ ngủ hơn.
Có thể bật một số nhạc nhẹ để ngủ ngon như nhạc sóng não Delta…Tưởng tượng và chìm vào giấc ngủ sâu, dẫn dắt vào thế giới giấc ngủ trong đó có những giấc mơ rất hạnh phúc của mẹ và bé.
Lời kết
Chắc hẳn các mẹ sẽ luôn lo lắng cho sự phát triển toàn diện của bé khi còn trong bụng mẹ. Hy vọng với những sự chia sẻ trên mẹ đã có được những kiến thức bổ ích để chăm sóc thật tốt cho thiên thần nhỏ của mình. Và mẹ cũng nên nhớ ngoài việc để ý đến tư thế ngủ tốt mẹ cũng cần dành sự quan tâm lớn đến chế độ dinh dưỡng cho bé. Cuối cùng, chúc mẹ có những tháng thai kỳ thật khỏe mạnh, tràn ngập niềm vui và kỷ niệm bên em bé nhỏ.
Nguồn tham khảo: