hội chứng chân không yên khi ngủ

Khoa học giấc ngủ

Bạn đã biết về hội chứng chân không yên khi ngủ?

Admin
01/12/2021

Cảm giác bức rức, nóng ngứa râm ran và thường xuyên đau nhức chân khiến bạn mất ngủ? Đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc phải hội chứng chân không yên khi ngủ hay nguyên nhân là do các bệnh mãn tính như viêm khớp, động mạch ngoại biên hay tiểu đường..gây ra ?Làm thế nào để phân biệt? Cùng Ngủ ngon sống trọn tìm hiểu sâu hơn trong bài viết dưới đây nhé!

Như thế nào là hội chứng chân không yên?

Hội chứng chân không yên (RLS – Restless Leg Syndrome) còn được gọi là bệnh Willis-Ekbom, được mô tả là tình trạng rối loạn cả về cảm giác thần kinh lẫn chuyển động khi ngủ. Hội chứng này thường đem lại cảm giác bức rức ở chân khi ngồi hoặc nằm, kiểm soát chân luôn trong trạng thái phải di chuyển.

Làm thế nào để biết bạn có mắc RLS? Sau đây là một số triệu chứng thường gặp:

  • Cảm giác khó chịu ở chân khiến bạn luôn có nhu cầu di chuyển hoặc duỗi ra một cách vô thức: Những cảm giác này khác biệt với tê hoặc chuột rút mà chúng được bệnh nhân RLS mô tả như co giật, ngứa ran, đau và đôi lúc còn giật mạnh. Đặc biệt, các triệu chứng chuyển từ khó chịu thông thường đến gây đau đớn. 
hội chứng chân không yên
Bạn sẽ cảm thấy bức rức, khó chịu và luôn muốn di chuyển nếu mắc chứng RLS

Sở dĩ được gọi là Hội chứng chân không yên vì dấu hiệu chủ yếu mà bạn cảm nhận được đa phần xảy ra ở chân, mặc dù có tới 57% số người nhận thấy cảm giác tương tự ở cánh tay.

  • Có thể giảm sự đau đớn tạm thời bằng cách cho cơ thể hoạt động: Thực hiện các động tác: đá, ngọ nguậy chân hoặc đi lại xung quanh khu vực giường ngủ. Chú ý rằng, một khi bạn ngừng di chuyển, các cảm giác đau nhức này có thể xuất hiện trở lại.
  • Các triệu chứng trầm trọng hơn khi bạn không hoạt động, đặc biệt là khi bạn nằm, ngồi hoặc nghỉ ngơi.
  • Các triệu chứng chủ yếu xảy ra vào buổi tối, hoặc trầm trọng hơn vào đêm khuya: Người mắc chứng chân không yên thường sẽ bị hành hạ nhiều hơn vào ban đêm thay vì ban ngày.
  • Các triệu chứng của bạn không phải do tình trạng bệnh lý gây ra.
  • Các triệu chứng làm gián đoạn giấc ngủ, khiến bạn lo lắng, hoặc làm suy giảm sức khỏe và khả năng hoạt động bình thường của bạn: Ngủ không ngon giấc chính là nguyên nhân khiến nhiều người phát hiện mình bị RLS. Song song đó, giấc ngủ không trọn vẹn cũng dẫn đến những tác động tiêu cực về tinh thần, thể chất hoặc hành vi khiến việc đối phó với RLS trở nên khó khăn.

Nếu bạn đã và đang gặp phải các triệu chứng này, nên tìm đến và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Hội chứng chân không yên có chẩn đoán được?

Không có xét nghiệm chẩn đoán cụ thể nào cho hội chứng chân không yên. Nếu bạn nghĩ rằng mình đang mắc phải chứng RLS, tốt nhất là nên đặt lịch hẹn với bác sĩ. Họ sẽ thực hiện kiểm tra kỹ lưỡng bệnh án và khám sức khỏe tổng thể để xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng của bạn. 

Ngoài ra, những xét nghiệm và nghiên cứu khác cũng có thể được yêu cầu nhằm phát hiện các loại bệnh khác có triệu chứng tương tự với RLS. Cho đến lúc đó, bạn có thể theo dõi các dấu hiệu RLS tại nhà bằng cách ghi lại nhật ký giấc ngủ.

chẩn đoán hội chứng chân không yên
Thật ra hội chứng chân không yên khi ngủ không có xét nghiệm hay chẩn đoán nào cụ thể cả

Cách tự kiểm tra RLS tại nhà

Tìm một cuốn sổ hoặc sử dụng ứng dụng ghi chú trên điện thoại để làm nhật ký giấc ngủ. Mỗi tối khi bạn đi ngủ và mỗi sáng thức dậy, hãy trả lời những câu hỏi sau. Bạn sẽ sử dụng thông tin này để trao đổi với bác sĩ trong cuộc hẹn tái khám. 

Các câu hỏi về chất lượng giấc ngủ:

  • Bạn đã ngủ lúc mấy giờ? Bạn có mất nhiều thời gian hơn bình thường để đi vào giấc ngủ do các triệu chứng RLS không?
  • Bạn thức dậy lúc mấy giờ? Bạn thức dậy tự nhiên hay phải nhờ đến chuông báo thức?
  • Tổng thời gian bạn dành cho việc ngủ trong một ngày là bao nhiêu?
  • Bạn có hay tỉnh giấc giữa đêm? Ghi lại số lần bạn thức dậy, trong bao lâu và nguyên nhân tương ứng, nếu có (chẳng hạn như nhu cầu muốn đi nhẹ hoặc gặp phải ác mộng).
  • Bạn có ngủ trưa mỗi ngày không? Bao nhiêu lần và mỗi lần trong bao lâu?

Câu hỏi cụ thể về RLS

  • Bạn đang gặp phải những triệu chứng nào của RLS? Viết ra những gì mà bạn cảm nhận được, có thể dựa vào phần triệu chứng ở trên.
  • Các triệu chứng xảy ra vào khoảng thời gian nào trong ngày và lúc đó bạn làm gì?
  • Bạn cảm thấy các triệu chứng xảy ra ở đâu trên cơ thể (ví dụ như ở cẳng chân hoặc cánh tay)?
  • Các triệu chứng nghiêm trọng như thế nào?
  • Các triệu chứng kéo dài bao lâu?
  • Điều gì đã giúp làm giảm các triệu chứng, nếu có?
triệu chứng hội chứng chân không yên khi ngủ
Các câu hỏi cụ thể về RLS

Câu hỏi về phong cách sống:

  • Bạn đã thực hiện loại bài tập nào mỗi ngày, nếu có?
  • Bạn đã dùng bất kỳ loại thuốc nào? Liệt kê chúng ra cùng với liều lượng tương ứng.
  • Bạn có dùng bất kỳ chất caffeine, rượu hoặc nicotine nào trong khoảng thời gian xảy ra RLS không?
  • Bạn cảm thấy thế nào trong ngày? Về mặt tinh thần, thể chất và tình cảm?

Trong vòng vài tuần, bạn có thể nhận thấy một số tình trạng nhất định. Ví dụ, các triệu chứng của bạn có thể tồi tệ hơn khi bạn uống caffeine. Hãy ghi lại những việc này một cách chi tiết để chia sẻ với bác sĩ của bạn.

Cách bác sĩ chẩn đoán RLS

Nói chung, các tiêu chuẩn chẩn đoán sau đây phải được đáp ứng để bác sĩ chẩn đoán chính xác hội chứng RLS:

  • Chân có cảm giác khó chịu và luôn muốn cử động: Chúng sẽ bắt đầu trầm trọng hơn khi bạn ngồi hoặc nằm im, tình trạng này xảy ra hoàn toàn hoặc chủ yếu vào buổi tối hoặc đêm khuya, không phải ban ngày.
  • Các triệu chứng xảy ra không phải do những bệnh lý khác.
  • Các triệu chứng RLS dễ gây cho bạn một tâm trạng lo lắng, đau đớn, rối loạn giấc ngủ hoặc suy giảm về mặt tinh thần, thể chất.

Các bác sĩ nhận định rằng, một trong những thách thức của quá trình chẩn đoán RLS chính là phải phụ thuộc vào việc báo cáo triệu chứng chủ quan đến từ bệnh nhân. Điều này đòi hỏi nhật ký giấc ngủ phải thật chính xác và trước hết người bệnh phải có trách nhiệm theo dõi sức khỏe chính mình một cách chặt chẽ. Tất nhiên, không phải ai cũng kiên trì thực hiện được việc này một cách lâu dài.

cách chẩn đoán hội chứng chân không yên
Bác sĩ thì cần một số chuẩn xác để chắc chắn không nhầm lẫn giữa RLS và các bệnh lý khác

Quá trình chẩn đoán RLS của bác sĩ

Khi bạn gặp bác sĩ, họ sẽ thực hiện một cuộc phỏng vấn chẩn đoán ban đầu cho RLS. Họ có thể hỏi bạn những câu hỏi sàng lọc như sau:

  • Trong tuần vừa rồi, bạn có phải trải qua những cảm giác khó chịu ở chân, kèm theo đó là sự thèm muốn không thể cưỡng lại nhằm di chuyển chúng để cảm thấy nhẹ nhõm hơn?
  • Hãy mô tả lại cảm giác mà bạn cảm thấy ở chân?
  • Các triệu chứng của bạn có bắt đầu nghiêm trọng hơn khi bạn nghỉ ngơi, ngồi hoặc nằm không?
  • Các triệu chứng của bạn có xảy ra hay trở nên tồi tệ hơn vào buổi tối?
  • Bạn có cảm thấy khó chịu khi không vận động, thậm chí khó đi vào giấc ngủ?
  • Các triệu chứng của bạn có thuyên giảm khi vận động không?
  • Hiện tại bạn có đang dùng thuốc để điều trị bất kỳ chứng bệnh gì không?
  • Bạn có đang ở trong pháp đồ điều trị của chứng bệnh nào khác không?
  • Có ai trong gia đình bạn bị RLS không?
  • Chế độ ăn uống và tập thể dục hằng ngày của bạn ra sao?
  • Bạn có thể bị thiếu sắt?
  • Bạn có đang mang thai?

Bác sĩ sẽ hỏi những câu hỏi này để loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác ngoài các triệu chứng RLS như mang thai, thiếu sắt hoặc suy thận giai đoạn cuối. 

Phụ nữ mang thai có nguy cơ gặp các triệu chứng RLS cao gấp 2-3 lần, đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, và những người bị suy thận mãn tính có nguy cơ cao hơn 2-5 lần. 

Tiền sử gia đình bị RLS cũng là một yếu tố nguy cơ khác của RLS. Sử dụng caffein, rượu và nicotin cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

Dựa trên câu trả lời của bạn, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu hoặc giới thiệu bạn đến một chuyên gia về giấc ngủ. Xét nghiệm máu sẽ giúp loại trừ tình trạng thiếu sắt, một yếu tố nguy cơ của RLS. 

Một nghiên cứu về giấc ngủ được gọi là polysomnogram sẽ được chỉ định nếu bác sĩ cho rằng các triệu chứng của bạn liên quan đến một chứng rối loạn giấc ngủ khác, chẳng hạn như rối loạn cử động chân tay định kỳ hoặc ngưng thở khi ngủ. Những rối loạn này có thể cùng tồn tại với RLS hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

tác hại hội chứng chân không yên khi ngủ
Đây là hình ảnh bệnh nhân được trải qua nghiên cứu polysomnogram (còn gọi là đo đa ký giấc ngủ)

Tùy thuộc vào chẩn đoán của bạn, bác sĩ sẽ phát triển một kế hoạch điều trị. Ví dụ, một chế độ bổ sung sắt không kê đơn có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu sắt tiềm ẩn. Một số triệu chứng từ nhẹ đến trung bình của RLS có thể sẽ thuyên giảm khi bạn thay đổi lối sống, chẳng hạn như giảm lượng cồn và nicotin hoặc thực hành vệ sinh giấc ngủ tốt hơn. Các biện pháp điều trị tại nhà khác có thể hữu ích trong việc giảm các triệu chứng, bao gồm mát-xa chân, tắm nước ấm, quấn chân RLS và liệu pháp nóng / lạnh.

Đối với nhiều người, RLS là một tình trạng kéo dài suốt đời, nhưng các triệu chứng có thể được kiểm soát giúp giảm bớt sự khó chịu và ngủ ngon hơn.

Lời kết

Hội chứng chân không yên khi ngủ thoạt đầu nghe qua có vẻ rất bình thường và không được quan tâm quá nhiều. Tuy nhiên, Ngủ ngon sống trọn mong rằng thông qua bài viết trên, chúng ta sẽ có thêm kiến thức và những góc nhìn đa chiều về hội chứng này, đồng thời bạn cũng nên chú ý hơn đến sức khỏe bản thân, đặc biệt là giấc ngủ.

Nguồn tham khảo: https://www.sleepfoundation.org/restless-legs-syndrome/diagnosis