Hiện tượng tê tay khi ngủ

Khoa học giấc ngủ

Lý giải về hiện tượng tê tay khi ngủ và cách khắc phục

Tôn Vân
12/10/2021

Những cơn đau nhức luôn có tác động tiêu cực đến chất lượng của giấc ngủ. Đặc biệt, với những ai đã từng phải mất ngủ vì chứng chuột rút ở chân, hay phải cố gắng tìm mọi cách chìm vào giấc ngủ cùng cơn đau lưng dữ dội, thì bạn sẽ hiểu được những cơn đau này ảnh hưởng tiêu cực thế nào. Ngoài ra, cảm giác đau nhức, khó chịu này cũng xảy ra khi bàn tay và các ngón tay của bạn tê nhức dữ dội.

Tại sao bạn bị tê tay khi ngủ?
Tại sao bạn bị tê tay khi ngủ?

Một trong những nguyên nhân chính khiến bạn bị tê hoặc ngứa ran bàn tay khi thức dậy là do ngủ sai tư thế làm cản trở lưu thông máu. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp đó lại là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Và theo thống kê, có khoảng 7% đến 10% số người bị đau hiện nay là do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các dây thần kinh. Điều này, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là giấc ngủ của nhiều người. 

Nếu thỉnh thoảng bạn thức dậy với bàn tay tê cóng thì đó không phải là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng của bạn ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ hoặc kéo dài sau khi bạn thức dậy và di chuyển, thì có thể đã đến lúc bạn cần đi khám chuyên khoa.

Tê bàn tay là gì? Tại sao lại xảy ra hiện tượng này? 

Tê cánh tay hoặc bàn tay là tình trạng tay mất cảm giác và nó có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn, do bạn sử dụng bàn tay hoặc cánh tay của mình để gối đầu khi ngủ, khiến dây thần kinh bị nén lại, tuần hoàn máu không được lưu thông tốt, từ đó dẫn tới tình trạng tay bị tê cóng.

Đôi khi, tê tay có kèm theo cảm giác ngứa ran hoặc kim châm sẽ được gọi là dị cảm. Giống như tê, dị cảm có thể xảy ra trong khi ngủ do một số tư thế ngủ bị sai lệch gây nên. Cả tê và dị cảm đều liên quan đến sự chèn ép dây thần kinh và có thể tiềm ẩn một số vấn đề liên quan đến sức khỏe.

 lý do khiến bạn bị tê tay
Những lý do khiến bạn bị tê tay

Do dây thần kinh bị nén hoặc tổn thương 

Thủ phạm chính gây nên hiện tượng tê tay khi ngủ là do dây thần kinh đã bị tổn thương hoặc bị đè nén quá lâu. Nó có thể bị tổn thương sau khi bàn tay và cánh tay phải thực hiện các cử động lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi đó nó được gọi chung là “hội chứng tay làm việc”. Những người bị “hội chứng tay làm việc” có nhiều khả năng bị tê, đau và ngứa ran ở bàn tay, nhất là khi vào ban đêm. 

Tổn thương dây thần kinh ngoại biên là nguyên nhân gây ra hiện tượng tê và ngứa ran ở bàn tay, và là hậu quả của việc phải thực hiện các hoạt động lao động chân tay nặng nhọc, lặp đi lặp lại nhiều lần. Ngoài ra, một số người khác cũng gặp phải các triệu chứng tương tự do sử dụng ma túy, nhiễm trùng, bệnh di truyền, chấn thương hoặc viêm.

Do dây thần kinh Ulnar bị nén

Tê tay do dây thần kinh Ulnar bị nén
Tê tay do dây thần kinh Ulnar bị nén

Dây thần kinh Ulnar có tác dụng giúp tay bạn cầm nắm đồ vật. Đồng thời, nó cũng là sợi dây thần kinh mang lại cảm giác cho ngón út và ngón đeo nhẫn. Dây thần kinh này chạy từ khuỷu tay đến các ngón tay. Nó là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy ngứa ran và tê bì tay mỗi khi cùi chỏ bị tác động mạnh. 

Khi áp lực tác động lên phần khuỷu tay hoặc cổ tay của bạn lớn, nó sẽ khiến dây thần kinh trung gian bị đè nén, làm các ngón tay bị tê liệt khi bạn thức dậy. Lúc này, dây thần kinh ulnar của bạn có thể bị ảnh hưởng nếu bạn thức dậy với cảm giác tê ở: 

  • Ngón út, phía trước hoặc phía sau.
  • Ngón đeo nhẫn.
  • Cánh tay phần bên dưới ngón út và ngón đeo nhẫn.

Nếu dây thần kinh này bị chèn ép tới mức gây nên loét nhẹ ở khuỷu tay, bạn hãy điều chỉnh thói quen của mình sao cho hạn chế tối đa các lực tỳ đè lên vị trí đó, từ đó giúp nó có đủ thời gian để hồi phục. Nếu tình trạng của bạn ngày càng nghiêm trọng hơn, hãy lựa chọn phương pháp phẫu thuật để giảm bớt.

Do dây thần kinh hướng tâm bị nén

Tê tay do dây thần kinh hướng tâm bị chèn
Tê tay do dây thần kinh hướng tâm bị chèn

Dây thần kinh hướng tâm có nhiệm vụ điều khiển các cơ ở cẳng tay và cổ tay giúp co duỗi phần cổ tay và ngón tay dễ dàng. Khi phải chịu những áp lực lớn thì dây thần kinh hướng tâm sẽ gây ra hiện tượng tê hoặc đau mỏi tay. 

Khi ngủ, nếu bạn tì lên cổ tay hoặc cẳng tay, hay có vật nặng đè lên cánh tay, thì đó là lúc dây thần kinh hướng tâm đang bị đè nén. Nếu bạn đang đi du lịch và muốn ngủ trên máy bay hoặc ô tô, hãy cố gắng hạn chế sử dụng cẳng tay hoặc co cổ tay vào cạnh cửa sổ để làm gối. Vì điều này có thể gây áp lực lớn lên dây thần kinh hướng tâm. 

Khi dây thần kinh hướng tâm của bạn bị nén, bạn cảm thấy tê ở: 

  • Ngón trỏ
  • Ngón tay cái
  • Vị trí giữa ngón trỏ và ngón cái.

Do hội chứng ống cổ tay 

Là hội chứng rối loạn thường xảy ra đối với nhân viên văn phòng, có liên quan đến vấn đề chèn ép dây thần kinh giữa ở cánh tay. Dây thần kinh giữa là dây thần kinh mang lại cảm giác cho ngón trỏ và ngón giữa. Giống như dây thần kinh ulnar, dây thần kinh này có thể bị nén ở cả khuỷu tay và cổ tay. Vì vậy, bạn cần lưu ý đến tư thế nằm ngủ của mình vào mỗi đêm, tránh tì đè lên khuỷu và cổ tay.

Tê tay do hội chứng ống cổ tay
Tê tay do hội chứng ống cổ tay

Dây thần kinh giữa của bạn đang bị nén nếu bạn cảm thấy bị tê ở: 

  • Mặt trước của ngón tay cái
  • Ngón trỏ hoặc ngón giữa
  • Phần gốc của ngón cái

Phần lớn, mọi người đều cho rằng hội chứng ống cổ tay xảy ra là do làm các công việc liên quan đến máy tính. Tuy nhiên, bất kỳ chuyển động nhỏ nào, phải sử dụng cổ tay để lặp đi lặp lại nhiều lần cũng đều có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng này. 

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 3% dân số gặp phải hội chứng ống cổ tay, và xảy ra phổ biến hơn ở nữ giới. Nhiều người bị hội chứng ống cổ tay có thể tự khỏi bệnh theo thời gian, nhưng một số khác lại có triệu chứng bệnh xấu đi. Những người này thường bị thức giấc vào ban đêm vì bàn tay và cổ tay quá đau.

Mang nẹp khi ngủ hoặc duỗi tay và cổ tay là giải pháp giúp giảm đau ống cổ tay hiệu quả. Tuy nhiên, nếu cơn đau vẫn còn kéo dài, bạn hãy đến gặp bác sĩ. Trong những trường hợp bị “hội chứng ống cổ tay” nặng và kéo dài vài tháng thì rất có thể bạn phải tiến hành phẫu thuật để điều trị.

Các nguyên nhân khác gây ra tê tay 

 tê tay khi ngủ
Các nguyên nhân khác gây nên tê tay khi ngủ

Các dây thần kinh bị nén không phải là lý do duy nhất khiến bạn thức dậy với cảm giác tê tay. Các rối loạn y tế khác cũng có thể dẫn đến tình trạng tê tay. Chẳng hạn:

  • Thoái hóa đốt sống cổ: là một bệnh lý khá phổ biến hiện nay, thường xuất hiện nhiều ở những người lớn tuổi. Thoái hóa đốt sống cổ mãn tính sẽ ảnh hưởng đến các nhóm cơ, gân và xương cổ. Các triệu chứng phổ biến của bệnh này là gây đau và cứng cổ, đồng thời cũng có thể gây ra đau và tê ở cánh tay, vai và các ngón tay.
  • Hội chứng lối ra lồng ngực: Hội chứng này có liên quan đến sự chèn ép hoặc kích thích các mạch máu ở phần lối thoát ngực gây ra. Hầu hết các trường hợp hội chứng lối ra lồng ngực là do đòn roi hoặc các chấn thương cổ khác. Đôi khi cũng có thể là do các chuyển động lặp đi lặp lại tác động lên xương sườn thứ nhất.
  • Bệnh tiểu đường: Thường được gọi là bệnh tiểu đường loại 2. Đây là loại bệnh mà cơ thể không có khả năng sử dụng hoặc tạo ra insulin đầy đủ nên dẫn tới tổn thương thần kinh. Từ đó, gây nên tê mỏi và cảm giác ngứa ran ở bàn tay và bàn chân.

Những mẹo giúp bạn giảm hiện tượng tê tay khi ngủ 

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân, mà bạn có thể lựa chọn một số giải pháp giảm tê tay khi ngủ cho phù hợp. 

 mẹo giúp giảm tê tay khi ngủ
Các mẹo giúp giảm tê tay khi ngủ

Đầu tiên, phương pháp đơn giản và hữu ích nhất mà bạn có thể làm là lựa chọn một chiếc gối và một tấm nệm tốt, có khả năng nâng đỡ cao nhưng vẫn đảm bảo độ mềm mại và êm ái. Từ đó giảm thiểu áp lực tác động trực tiếp lên vùng vai và cổ, đồng thời giúp nâng đỡ cột sống hiệu quả để bạn được nghỉ ngơi thoải mái nhất. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể thử những cách sau:

  • Đeo nẹp cổ tay khi ngủ để cố định cổ tay.
  • Hãy nằm thử một tư thế ngủ mới, nhất là tư thế nằm nghiêng.
  • Không đặt tay dưới gối, vì nó có thể chèn ép lên dây thần kinh. Hãy đảm bảo rằng cổ tay của bạn không bị co cứng, vì có thể dẫn đến tình trạng tê cứng và ngứa ran.
  • Nếu bạn có thói quen dùng cánh tay để thay thế gối khi nằm ngửa, hãy tập làm quen với việc dùng gối và đặt chúng bên cạnh bạn để giảm thiểu sự chèn ép lên các dây thần kinh.
  • Thử duỗi dài tay và cổ tay trước khi ngủ.
  • Đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu tình trạng bệnh của bản thân.

Khi nào cần nói chuyện với bác sĩ của bạn 

Khi nào nên gặp bác sĩ?
Khi nào nên gặp bác sĩ?

Thông thường, cảm giác tê và ngứa ran trong đêm xảy ra không thường xuyên và biến mất khá nhanh. Tuy nhiên, nếu tình trạng tê cánh tay và bàn tay của bạn kéo dài hoặc là tác nhân gây ra giấc ngủ trở nên kém chất lượng, thì bạn nên đến gặp bác sĩ. 

Ngoài ra, nếu bạn đang gặp phải bất kỳ điều nào trong những điều sau đây, hãy cân nhắc việc đặt lịch hẹn với bác sĩ:

  • Tê kéo dài cả ngày 
  • Tê toàn thân, không chỉ ở tay 
  • Yếu cơ
  • Vụng về ở bàn tay hoặc ngón tay của bạn 
  • Đột ngột yếu hoặc chóng mặt 
  • Đau tay và chân không biến mất

Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng của bạn và giúp bạn có được phương pháp điều trị thích hợp.

Nguồn tham khảo: https://www.sleepfoundation.org/physical-health/numbness-in-hands-while-sleeping